Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố.
Người dân, hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách. Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đường phố Hà Nội ngày 14/12 - Ảnh: TO
Bộ Y tế cũng khyến cáo, người hút thuốc lá nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.
Người dân cũng cần thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga và trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
Đối với nhóm người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu Bộ y tế khuyến cáo cần thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
Nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch… cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời, đồng thời, tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.
Đây là hướng dẫn đầu tiên của Bộ Y tế sau nhiều đợt biến động về chất lượng không khí trong thời gian gần đây.
Liên tiếp trong nhiều ngày qua tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành miền Bắc tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra nghiêm trọng với kết quả quan trắc cho thấy chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở ngưỡng màu "đỏ", hoặc "tím", gây ảnh hưởng rất xấu đối với sức khỏe cộng đồng.