Trường Đại học Sài Gòn tiền thân là Trường Sư phạm cấp II miền Nam Việt Nam được thành lập ở Xa Mát (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) vào tháng 2/1972. Đây là trường sư phạm đầu tiên đào tạo cán bộ giáo dục ở vùng giải phóng lúc bấy giờ.
Sau giải phóng, Trường Sư phạm cấp II miền Nam Việt Nam về tiếp quản Trường Quốc gia Sư phạm Sài Gòn và thành lập Trường Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn.
Ngày 3/9/1976, Bộ Giáo dục ban hành quyết định thành lập trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM cùng với 5 trường cao đẳng sư phạm khác.
Ngày 25/4/2007, trường Đại học Sài Gòn chính thức được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM theo Quyết định số 478 của Thủ tướng Chính phủ.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn cho biết, Trường hiện có 44 đơn vị trực thuộc (bao gồm 18 khoa đào tạo, 01 Trường Trung học Thực hành Sài Gòn và 01 Trường Tiểu học Thực hành Đại học Sài Gòn, 13 phòng ban chức năng, 07 trung tâm, 01 ký túc xá, 01 trạm y tế, 02 viện).
Đây cũng là đơn vị duy nhất ở TPHCM có hệ thống các trường thực hành hoàn chỉnh để phục vụ cho công tác đào tạo giáo viên. Trường có 11 chương trình đạt chuẩn theo Bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 4 chương trình đào tạo đạt chuẩn Đông Nam Á AUN-QA.
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Hoàng Quân: "Năm 2022, là năm ghi dấu mốc tròn 50 năm hành trình từ trường sư phạm cấp II miền Nam Việt Nam và đánh dấu bước trưởng thành sau 15 năm trên tầm cao mới. Từ trường cao đẳng sư phạm, nay trở thành trường đại học đa ngành thu hút số lượng người học ngày càng tăng, khẳng định được vị trí trong hệ thống các trường đại học trên cả nước".
Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, khẳng định Đảng và Nhà nước hết sức coi trọng sự phát triển giáo dục đào tạo, trong đó có giáo dục đại học. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố cũng xác định nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng linh hoạt chuẩn hoá, hiện đại và hội nhập quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Lệ yêu cầu: "Nhà trường xây dựng chương trình, kế hoạch, đặc biệt là tập trung thực hiện chiến lược phát triển Trường Đại học Sài Gòn đến 2025, tầm nhìn 2035 mà nhà trường đã đề ra.
Trường cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác quản lý, nội dung chương trình, phương pháp dạy học, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, mở rộng hợp tác quốc tế, chú trọng đào tạo đội ngũ giảng viên, chú trọng gắn đào tạo với nhu cầu xã hội, đảm bảo chất lượng đầu ra ở các chương trình đào tạo".