Chờ...

Mô hình Đào tạo luân phiên - kết nối nhà trường và doanh nghiệp

(VOH) - Tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Phát triển mô hình đào tạo luân phiên”, các diễn giả đã cùng thảo luận về những cơ hội và thách thức của việc phát triển mô hình đào tạo luân phiên tại châu Á.

Hội thảo “Phát triển mô hình đào tạo luân phiên” do Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF và Trường Đại học Kinh tế TPHCM đồng tổ chức theo hình thức trực tuyến, thu hút hơn 300 đại biểu từ 80 trường đại học thuộc 9 quốc gia.

Mô hình đào tạo luân phiên hay đào tạo kép (“dual education” trong tiếng Anh và “formation par alternance” trong tiếng Pháp) là một hướng tiếp cận mới mẻ, với sự luân phiên xen kẽ nhịp nhàng giữa thời gian đào tạo lý thuyết tại trường đại học và đào tạo thực tiễn tại nơi làm việc. Thông thường, nhịp điệu luân phiên hàng tuần gồm 2-3 ngày học tại trường và thời gian còn lại tại doanh nghiệp. Cũng có nơi áp dụng chế độ luân phiên theo học kỳ, trong đó mỗi năm gồm các học kỳ tại trường xen kẽ với ít nhất một học kỳ tại doanh nghiệp.

Đại học Kinh tế TPHCM, mô hình đào tạo
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM thực hành bài trí bàn ăn tại Mũi Né Bay resort (Ảnh minh họa)

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Trí, Viện trưởng Viện du lịch Trường Đại học Kinh tế TPHCM, hội thảo chia sẻ về các kỹ thuật đột phá để thay đổi lối mòn đào tạo và mô hình gắn kết thành công giữa nhà trường với doanh nghiệp nhằm tạo ra một xã hội học tập, gắn học với hành, thúc đẩy tương tác, nhạy bén thời sự và thông thạo thực hành trong các điều kiện đặc trưng của Việt Nam.

"Đào tạo luân phiên, chuyển đổi mô hình đào tạo từ chú trọng lý thuyết sang kết hợp thực hành, từ hướng theo công việc (task-oriented) sang xây dựng năng lực (competence-oriented), từ thực tập định kỳ sang thực hành song song” - Tiến sĩ Nguyễn Đức Trí cho hay.

Phát biểu tại sự kiện, GS. Jean-Marc Lavest, Giám đốc AUF Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, đào tạo luân phiên có thể hiểu là một kỳ thực tập từ một tới vài tuần nhằm chuẩn bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong môi trường làm việc. Đào tạo luân phiên cũng có thể có những dạng thức khác rộng, sâu và chặt chẽ hơn, gắn kết ba đối tượng: người học, nhà trường, và người sử dụng lao động. Chúng ta có thể hình dung đó là một dạng hợp đồng hay thỏa thuận đào tạo chung mà trong đó mỗi bên đều có những nhiệm vụ, quyền lợi và cam kết của mình, có sự công nhận chung về đóng góp của mỗi bên tham gia. Tại châu Âu và đặc biệt là tại Pháp, có thể thấy mô hình này càng ngày càng được hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa.

Mô hình đào tạo luân phiên được đánh giá là một hướng đi có nhiều triển vọng và tạo ra sự kết nối bền chặt hơn giữa hai khu vực kinh tế và giáo dục, đặc biệt là trong bối cảnh tăng cường tự chủ đại học nhằm khuyến khích huy động mọi nguồn lực và sáng kiến cải tiến chất lượng đào tạo phục vụ các mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội cả về lượng lẫn về chất. Đây là nhân tố then chốt giúp xây dựng các chương trình đào tạo hiện đại, thích ứng ở mức cao nhất với yêu cầu của xã hội và thị trường lao động.