Phải công khai việc sửa, nâng điểm thi trung học phổ thông năm 2018

(VOH) - Có những thí sinh trở thành thủ khoa của các trường nhưng thực chất có tổng điểm 3 môn xét tuyển vào các trường đại học hàng tốp chỉ 1 - 2 điểm, thậm chí là 0,75 điểm...

Không biết Tư hưu trí bức xúc chuyện gì mà anh hùng hổ nói: Biểu tui trầm tĩnh đến đâu thì cũng phải phẫn nộ trước kết quả chấm thẩm định bài thi của các thí sinh nằm trong diện gian lận điểm thi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018. Khi có những thí sinh, chẳng hạn ở Hà Giang, được nâng lên đến 26,8, thậm chí là 29,95 điểm. Như thế là gì? xin thưa những thí sinh này thực chất có tổng điểm 3 môn xét tuyển vào các trường đại học hàng tốp chỉ 1 - 2 điểm, thậm chí là 0,75 điểm. Như vậy chưa đủ điều kiện đậu tốt nghiệp chứ đừng nói gì đến việc trở thành thủ khoa của các trường đỉnh cao.

Công bố quyết định khởi tố đối với bà Nguyễn Thanh Nhàn (thứ hai từ phải sang) - Phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La

Công bố quyết định khởi tố đối với bà Nguyễn Thanh Nhàn (thứ hai từ phải sang) - Phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La - Ảnh: Công an tỉnh Sơn La/TTO

Hai Sài Gòn nhắc bạn mình hết sức bình tĩnh, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rốt ráo xử lý vụ này. Mới nhất là Cục Đào tạo - Bộ Công an, cho biết sau khi nhận danh sách 64 thí sinh được nâng điểm thi trung học phổ thông quốc gia do Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình gửi, cục đã chuyển danh sách này về các trường trực thuộc Bộ Công an. Kết quả kiểm tra cho thấy có 28 thí sinh trúng tuyển vào các trường công an nhờ gian lận điểm thi. Bộ Công an đã bàn giao 28 sinh viên này về đơn vị sơ tuyển tại Hòa Bình để xử lý theo quy định. Đến thời điểm này, việc xử lý thí sinh gian lận điểm thi ở Hòa Bình đối với các trường công an đã hoàn tất.

Đối với việc gian lận thi cử ở Sơn La, Cục Đào tạo - Bộ Công an chưa nhận được trả lời của Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La về thí sinh liên quan, nhưng kết quả điều tra của cơ quan chức năng Sơn La đã xác định được trong số 44 học sinh được nâng điểm thi thì có tới 12 học sinh là con em cán bộ trong ngành giáo dục đào tạo của tỉnh này.

Tư hưu trí bình luận chuyện nâng sửa điểm đang làm ì xèo dư luận, mà những người công tác trong ngành giáo dục khẳng định rằng, việc nâng sửa điểm thi không phải là cá biệt mà nó đã có từ rất lâu nhưng trước đây không ai quan tâm, cũng vì trước đây các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đề thi dễ, chất lượng kém có cũng như không. Song năm 2018, là năm đầu tiên thí điểm áp dụng không thi tuyển sinh đại học mà dùng điểm thi trung học phổ thông để xét vào đại học và cũng do đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông rất khó. Nhiều chuyên gia toán đã cho rằng, bản thân họ không thể giải hết đề toán thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay trong vòng 90 phút. Vậy mà các “hạt giống đỏ” ở mấy tỉnh miền núi xa xôi đã bất chấp, đạt toàn điểm 9 và 10 ở môn toán, hơn cả những học sinh xuất sắc khác ở các tỉnh và thành phố lớn.

Nhiều anh em có mặt nghe “tranh luận” của Tư hưu trí và Hai Sài Gòn đâm ra tò mò thắc mắc, sao các em các cháu không vào các trường Y, Bách khoa, Sư phạm mà số nâng điểm lại vào các trường Công an, Quân đội. Hai Sài Gòn phải lý giải “Từ trước đến nay, các trường đại học này thường có mức điểm chuẩn tuyển vào hết sức cao. Còn vì sao các trường đại học đó lại rất đông thí sinh dự tuyển, thì câu trả lời là vì học viên ở những trường này được hưởng một chế độ đặc biệt hơn. Nghĩa là các sinh viên được hưởng chế độ như quân nhân ngay khi còn trên ghế nhà trường. Và sau khi tốt nghiệp thì chắc chắn họ được bố trí công ăn việc làm, bởi vậy lãnh đạo muốn con em họ sau này sẽ là những người bảo vệ cho chính họ, gia đình thì cũng có thể hiểu được lý do vì sao?”.

Anh em ai cũng “ừ hén” hết. Tư hưu trí dẫn chứng như tại Hà Giang, Hội đồng chấm thẩm định công bố “điểm thi thật”, 114 thí sinh đã bị hạ điểm sau màn “phù phép” của Phó phòng Khảo thí Sở Giáo dục và đào tạo Hà Giang. Dư luận Hà Giang và nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự bức xúc vì trong số 114 thí sinh được nâng điểm, có nhiều thí sinh là con em của một số lãnh đạo đương nhiệm của Hà Giang.

Bàn luận về chuyện nầy, Hai Sài Gòn dẫn lời ông Bùi Văn Xuyền, đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình phân tích: Bản chất vụ sửa điểm là tiêu cực, gian lận thi cử, là hành vi vi phạm pháp luật, xảy ra ở nhiều tỉnh thành, gây ra những tác động rất lớn tới tâm lý, sự tin tưởng của xã hội, người dân với ngành giáo dục. Hiện tại, điều tra bước đầu cơ quan công an đã xác định những đối tượng là thí sinh thuộc diện được nâng, sửa điểm, những phụ huynh có liên quan tới vụ việc và cả những cán bộ tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hệ thống nâng, sửa điểm. Ở đây không đơn thuần chỉ là hành vi sửa điểm mà còn phải làm rõ các hành vi liên quan tới tiêu cực, tham nhũng, mua bán điểm trong thi tuyển nữa. Điều tra, làm rõ các hành vi tiêu cực, không những giúp làm rõ động cơ của phụ huynh mà còn giúp xác định rõ động cơ của những cán bộ vi phạm để có biện pháp xử lý cho phù hợp. Với những trường hợp này, nếu xác định được động cơ có thể phải khởi tố hình sự, truy tố trước pháp luật kể cả với phụ huynh và cán bộ trực tiếp tham gia. Những trường hợp "bỗng nhiên" trở thành nạn nhân của vấn nạn xu nịnh, cấp dưới muốn lấy lòng cấp trên. Điển hình như trải lòng của lãnh đạo ở Hà Giang, nếu kết quả điều tra đúng như những gì vị lãnh đạo này chia sẻ "tình ngay mà lý gian" gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, danh dự hay không?

Với trường hợp này, nếu không được xử lý nghiêm, hậu quả để lại sẽ rất lớn, quan trọng hơn, là lòng tin của người dân, dư luận đối với cán bộ, lãnh đạo địa phương bị suy giảm, rất khó làm việc. Tư hưu trí cũng như mấy anh em có mặt theo dõi tranh luận giữa hai anh ai cũng cho là ông đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyến ở Thái Bình là “chí phải”.