Chờ...

Thận trọng chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo lại 9.000 tiến sĩ

(VOH) - Nhiều tiến sĩ nhưng trình độ không đúng tầm của một tiến sĩ nên dư luận kêu. Vì người ta kỳ vọng có nhiều tiến sĩ thì phải xoay chuyển được cái gì đó trong xã hội.

Sáng sớm, quán cà phê chưa đầy chục người khách, mà Tư hưu trí đã gây sự chú ý cho mọi người khi anh nói “Ông Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đề nghị Chính phủ chi 12 ngàn tỷ đồng cho đào tạo lại 9.000 tiến sĩ. Tui nghi vụ nầy giống như vụ 34 ngàn tỷ đồng cho xuất bản sách giáo khoa phổ thông quá”.

Ba thợ hồ chẳng biết chuyện gì cũng ăn cơm hớt “thì đào tạo lại thì mình có thêm nhiều tiến sĩ nữa chứ có mất đi đâu”.

Hai Sài Gòn giải thích cho anh em là Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có dự thảo Đề án trình Chính phủ: "Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025 với kinh phí 12.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 10.200 tỷ, còn lại là cá nhân, đơn vị thụ hưởng”. Tư hưu trí “mắc nói quá”, không thể nín nói được “lạ thiệt nước mình hiện có trên 24.300 tiến sĩ, hà cớ gì mà phải đào tạo lại, chẳng lẽ hồi trước tới giờ ông Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn mặt nào thấy thương kêu hỏi “muốn làm Tiến sĩ không? Nếu muốn cấp cho cái bằng, nên bây giờ phải đào tạo lại”.

Hai Sài Gòn cố bảo vệ ông Bộ tới cùng với lý lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ công tác tại các cơ sở giáo dục đại học còn thấp, chưa hợp lý về cơ cấu độ tuổi và chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Tư hưu trí “bốp chác”: “Tui không biết lý luận thế nào, tui dẫn chứng Luật Giáo dục đại học hoạch định giáo dục đại học theo 2 hướng nghiên cứu và ứng dụng. Từ đó suy ra chỉ đại học định hướng nghiên cứu mới cần đẩy mạnh giảng viên có bằng tiến sĩ, còn đại học định hướng ứng dụng có tiến sĩ thì tốt, chủ yếu là chuyên gia và kinh nghiệm, cần sự gắn kết giữa trường đại học với doanh nghiệp. Tui hỏi mấy anh 9.000 tiến sĩ đào tạo lại bao nhiêu người là định hướng nghiên cứu”.

Trao đổi với báo chí sáng 16/11, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng chi 12.000 tỷ đồng đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ không phải đề án mới, mà là thay đổi và nâng cao chất lượng của Đề án 911 trước đây - Ảnh: Zing

Ba thợ hồ tuy không biết gì về bằng cấp tiến sĩ, thạc sĩ nhưng anh thấy tự nhiên đè 9.000 ông tiến sĩ đào tạo lại, coi chừng phản tác dụng đó. Dễ gì mấy ổng nhận mình là yếu kém phải học lại, “quê lắm chứ”.

Hai Sài Gòn suy gẫm lời Tư hưu trí và Ba thợ hồ nói cũng không phải là vô lý, Hai Sài Gòn nhớ lại, chính Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng phân tích chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay chưa đảm bảo, hiện tượng “chạy đua” trong đào tạo tiến sĩ, với chất lượng đào tạo chủ yếu là cấp bằng cho có, là phổ biến. Không phải cơ sở giáo dục nào trong nước cũng đào tạo được tiến sĩ. Điểm yếu là đào tạo qua loa, dễ dãi, cơ quan quản lý là Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa mạnh tay chấn chỉnh, dẫn đến việc có những tiến sĩ 'dởm”. Và ông đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chú trọng khâu rà soát, đào tạo có chất lượng. Trường nào đào tạo tiến sĩ thì phải nghiên cứu khoa học mạnh. Trường nào yếu mà vẫn cho ra lò tiến sĩ là điều không bình thường. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không thực hiện quản lý chất lượng học vị tiến sĩ, xã hội sẽ mất lòng tin.

Tư hưu trí nghe tới đó sướng rơn người, vì theo anh, trong số 12.000 tỷ đều do người dân và con em của họ phải đóng thuế trả nợ chứ không phải cho không. Vì Bộ Giáo dục và Đào tạo từng thực hiện chưa tốt các đề án như: Ngoại ngữ năm 2020, mô hình trường học mới tại Việt Nam, dẫn đến việc tiêu tốn rất nhiều tiền mà không mang lại kết quả như mong muốn.

Bàn luận tới đây thì quan điểm Hai Sài Gòn có lẽ bị tác động khi anh dẫn lời Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng nếu đào tạo học vị tiến sĩ  “chuẩn” thì không ai kêu. Nhưng vì đào tạo dở nhiều nên dư luận bức xúc. Nhiều tiến sĩ nhưng trình độ không đúng tầm của một tiến sĩ nên dư luận kêu. Vì người ta kỳ vọng có nhiều tiến sĩ thì phải xoay chuyển được cái gì đó trong xã hội. Còn thực tế đã không xoay chuyển được nhưng nhiều khi không có tác dụng gì. Có nghĩa là đào tạo nhưng không dùng được. Vậy tại sao đào tạo lại? Nói về lý do đào tạo không chuẩn vì: trước hết là tại học viên. Tốt nghiệp đại học, trình độ kém, không có việc làm, học luôn thạc sĩ, học thạc sĩ xong lại học tiến sĩ. Một số có việc làm nhưng muốn lên cương vị nào đó thì học làm tiến sĩ.

Như vậy, nó trở thành một thị trường lớn, và với các cơ sở đào tạo, còn chỉ tiêu thì cứ tuyển. Bây giờ làm luận án tiến sĩ “tốn” lắm. Tốn tiền vào những thứ ngoài luận văn. Tôi không biết thực hư thế nào, nhưng thực tế, tôi thấy tốn ở chỗ này: nhà nước lẽ ra phải trả tiền cho những người làm phản biện. Nhưng nhà nước trả nhỏ giọt, không đáng bao nhiêu. Nên nghiên cứu sinh rất sợ điều này. Bởi vậy khi mang luận văn đến người chấm phải nhét phong bì vào. Thầy mà trả lại, có khi nghiên cứu sinh lại hoảng, lại nghĩ chắc đưa ít quá, phải đưa nhiều hơn.

Mặt  khác, lỗ hổng đáng sợ nhất là các Hội đồng chấm luận án tiến sĩ, Bộ cũng không nắm chắc. Vì nhiều nơi đào tạo nhưng không đủ người đúng chuyên môn để chấm luận án nên các thành viên không “thuần chủng”. Tức là người chấm có thể khác ngành với luận án được bảo vệ. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố liên quan đến đảm bảo chất lượng một luận án. Tôi cho rằng ngay chế độ cho người hướng dẫn, người chấm còn quá rẻ nên người ta cũng chỉ làm cho xong thôi. Như thế đào tạo lại có tránh được những tồn tại này hay không ?.

Nói về dự án đào tạo lại Hai Sài Gòn dẫn chứng Giáo sư Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, những người được chọn đi học phải có thực lực và phải học thật, mang lại kết quả thật. Chúng ta chấp nhận kéo dài thời gian thậm chí là tốn kém thêm kinh phí nhưng kết quả phải thực sự. Rồi ông tóm lại “lần này, chúng ta hãy mạnh tay và kiên quyết đào tạo thế hệ có thể thực hiện công cuộc đổi mới chứ đừng vì nể nang để rồi kéo theo cả một hệ lụy lớn”. Tư hưu trí và anh em ngồi trong quán ai cũng đồng thuận với ý của ông hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục hết.