1.000 đại biểu và dự kiến có khoảng 20.000 du khách sẽ tham gia Tuần lễ Văn hóa – Du lịch Châu Thành, Bến Tre lần thứ I – 2017 và Hội chợ Du lịch – Ẩm thực và Thương mại sẽ diễn ra ngày 29/12/2017 đến ngày 3/1/2018.
Sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Theo nghị quyết, đề án của huyện Châu Thành về phát triển du lịch, xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2025, ông Trần Văn Hoàng – Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành khẳng định, với thế mạnh vùng sông nước và vườn cây ăn trái với 8.000 hecta, huyện Châu Thành đã xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đặc sản tại đây bao gồm: Sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bòn bon, trái dừa, con tôm. Hiện mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ cây dừa, rượu Phú Lễ, rượu đậu nành nơi đây cũng rất nổi tiếng.
“Hiện nay đã khởi công tuyến tàu cánh ngầm đi du lịch các tuyến từ bến tàu cánh ngầm từ Bến Tre đi Vũng Tàu. Hiện nay lượng khách du lịch đến Châu Thành đều tăng”, ông Trần Văn Hoàng cho biết thêm.
Lãnh đạo UBND huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre họp báo thông tin về Tuần lễ Văn hóa – Du lịch Châu Thành, Bến Tre lần thứ I – 2017 và Hội chợ Du lịch – Ẩm thực và Thương mại.
Châu Thành cũng gần với TPHCM và các tỉnh lân cận nên việc tổ chức tour cũng rất tiện lợi. Huyện được đánh giá là địa phương phát triển du lịch mạnh nhất so với 8 huyện còn lại của tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên, theo ông Hoàng, địa phương nào có lợi thế, tiềm năng thì mới làm du lịch, như những xã cặp sông Tiền, sông Hàm Luông, các xã có vườn cây ăn trái, đặc sản. Đặc biệt, tại địa phương này còn có hai di tích đình làng xưa được Trung ương công nhận là di tích cấp quốc gia, đó là đình Tân Thành và đình Tiên Thủy, đây là điểm đến thu hút du khách.
Phát triển thêm loại hình du lịch homestay
Ngoài ra, tại huyện Châu Thành cũng phát triển thêm loại hình du lịch homestay, khách nghỉ tại nhà dân, ở cùng dân. Mô hình này khá hấp dẫn đối với khách nước ngoài. Ngoài ra, người dân nuôi cá bè ở các nhánh sông vắng, cho khách ở trên bè lá này. Ông Hoàng khẳng định, huyện xác định du lịch là nền kinh tế tổng hợp, luôn khuyến khích, kêu gọi tạo mọi điều kiện để người dân xây dựng khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú phục vụ du khách.
Mới đây, một doanh nghiệp trên địa bàn huyện cũng đã khởi công mở tour du lịch bằng tàu cao tốc, phục vụ cả khách Sóc Trăng, Trà Vinh, làm nhà lưu trú, điều hành, cải tạo lại bến tàu để thu hút du khách ở lâu.
Chia sẻ về câu chuyện cây dừa ở Bến Tre, ông Trương Nhật – Bí thư huyện ủy huyện Châu Thành nhìn nhận, Bến Tre là thủ phủ của dừa với diện tích trên 69.000 hecta. Hàng năm, sản lượng dừa có khoảng trên 500 triệu trái. Giá trị xuất khẩu dừa trên 130 triệu đô la Mỹ chiếm 20% tổng giá trị sản phẩm. Riêng huyện Châu Thành, cây ăn trái chiếm trên 7.000 hecta, nhưng dừa không phải là thế mạnh của huyện.
"Ngoài những sản phẩm truyền thống như sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, thì có những sản phẩm rất độc đáo như son môi, dầu mát xa... chuỗi sản phẩm đã xuất khẩu sang Nhật, Hàn Quốc, châu Âu”, Bí thư huyện ủy cho hay.
Có lợi thế phát triển du lịch sinh thái
Năm nay, huyện Châu Thành tiếp đón khoảng 800 ngàn lượt khách. Huyện đặt mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng doanh số 20%/năm, tăng tốc độ khách đến khoảng 15% và ngành du dịch chiếm khoảng 10% GDP của toàn huyện, đến năm 2025 trở thành kinh tế mũi nhọn.
Theo ông Lê Luông, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Bến Tre, có 3 cái nhất mà Bến Tre có: Thứ nhất, đó là du khách đến Bến Tre được đi trên một trong bảy dòng sông lớn nhất thế giới. Thứ hai là cũng là sông nước nhưng bên trong là sông rạch thì chằng chịt, nên lợi thế phát triển về sinh thái sông nước thì có lợi thế hơn. Thứ ba, từ thổ nhưỡng phù hợp cho một loại cây phù hợp là cây dừa. Cây dừa hiện giờ ở Bến Tre chiếm gần ½ diện tích dừa cả nước, 70 ngàn hecta dừa, một rừng dừa lớn nhất thế giới.
Tuần lễ Văn hóa – Du lịch Châu Thành, Bến Tre diễn ra tại khu Forever Green Resort và Mekong River. Đây là mô hình resort đầu tiên lớn nhất ở tỉnh Bến Tre với đầu tư 50 tỷ đô la Mỹ giai đoạn 1, diện tích khoảng 50 hecta.
Châu Thành có lợi thế phát triển du lịch sinh thái, trên 90 km cặp sông Tiền. Ngoài cồn Phụng và cồn Qui đã và đang phát triển, hiện huyện còn có một cồn với diện tích trên 100 hecta. Nơi đây được coi là rất tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng...Huyện cam kết tạo mọi điều kiện hỗ trợ đầu tư, cải cách thủ tục, đảm bảo an ninh, an toàn, thủ tục khách quốc tế đến lưu trú… tạo điều kiện tốt nhất để du khách đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng.