Tiêu điểm: Nhân Humanity

Kinh tế thế giới phục hồi, sản xuất kinh doanh trong nước thuận lợi hơn

(VOH) - Hội thảo kinh tế Việt Nam thường niên - năm 2018 chủ đề "Cơ hội đột phá tăng trưởng kinh doanh" diễn ra sáng 20/3 tại TPHCM với hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia.

Kinh tế thế giới dần hồi phục

Đánh giá về cơ hội và thách thức kinh tế Việt Nam trong năm 2018 trong bối cảnh kinh tế có nhiều chuyển hướng tích cực hơn năm 2017, ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, năm nay, ở châu Á, nền kinh tế Nhật Bản sau hai thập kỷ trì trệ đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, tăng trưởng kinh tế đạt vượt mức dự kiến trên 6,5%. EU, Mỹ cũng đã thoát ra được những giai đoạn khó khăn nhất.

“Dự báo tăng trưởng kinh tế 2018 của VN tương đối tốt. Nhìn khía cạnh ổn định vĩ mô, giá cả, lạm phát năm nay có đáng quan ngại không? Tôi thì cho rằng năm 2018 lạm phát có thể cao hơn 2017, nhưng có thể kiểm soát tốt do giá cả thế giới, về cơ bản giá cả vẫn nằm ở mức thấp”, Vũ Viết Ngoạn nói. 

Cơ hội đột phá tăng trưởng kinh doanh"

Các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách thảo luận về những chính sách đột phá năm 2018 và nhận diện cơ hội đầu tư, kinh doanh

Tiến sĩ Võ Trí Thành – chuyên gia kinh tế, dự báo, năm 2018 kinh tế thế giới tăng trưởng có thể đạt 3,7%, tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển chậm lại; thương mại toàn cầu cũng có thể tăng ở mức 4%, thấp hơn năm 2017.

Tại Việt Nam, hiện có gần 50% doanh nghiệp trong một điều tra cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sang năm 2018 sẽ thuận lợi hơn.

Tiến sĩ Kinh tế Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, kinh tế Việt Nam dù chịu tác động của thế giới, nhưng tác động trong nước là ảnh hưởng lớn nhất. Chương trình cải tổ khu vực doanh nghiệp nhà nước đã rõ và sẽ được đẩy mạnh trên thực tế. Nghị quyết xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua tháng 6/2017 sẽ là cú hích đẩy nhanh xử lý nợ xấu. Đặc biệt, với tinh thần Chính phủ "kiến tạo, liêm chính, hành động", bộ máy hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tiếp tục là trọng tâm của công cuộc cải cách.

Tỷ giá và lãi suất 2018 ổn định

Về lãi suất và tỉ giá, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng muốn giảm lãi suất, nhưng thực tế, nền kinh tế Việt Nam – một nền kinh tế kinh doanh trên nợ, nghĩa là nhà nước muốn đầu tư phải đi vay trái phiếu. Doanh nghiệp muốn kinh doanh, đi vay ngân hàng. Ngân hàng Việt Nam cung cấp vốn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, chủ yếu cho nền kinh tế. Do đó, quan hệ cung cầu của ngân hàng VN tùy thuộc rất lớn vào ngân hàng thương mại.

Muốn giảm lãi suất, chỉ còn 1 con đường, ngân hàng nhà nước mở rộng chính sách tiền tệ, tăng tái chiết khấu, tăng cho vay, không để lạm phát.

"2018 này có khả năng ổn định như cuối năm 2017 cũng là tương đối tốt. Nên cơ cấu lại tài chính doanh nghiệp để làm sao giảm tỉ lệ vay. Còn về tỉ giá tôi cho là ổn định", Tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định.

Đánh giá về những tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), theo ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương, với hiệp định này, không loại trừ trong thời gian tới sẽ có sự tham gia của các quốc gia khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan. Hiệp định này cũng đem lại bước tiến mới Hiệp định Thương mại Tự do - FTA của toàn bộ khu vực châu Á Thái Bình Dương.

“Đối với Việt Nam, hiện vẫn đang trông chờ vào bộ ba FTA, có thể nói là “bom tấn” trong thời gian tới hy vọng sẽ ký kết và phát huy tác dụng. Bên cạnh CPTPP, Việt Nam có Hiệp định thương mại tư do EU, và sau đó là Hiệp định tại khu vực châu Á Thài Bình Dương, Đông Nam Á và Nam Á. Nếu 3 hiệp định này ký kết, toàn bộ các đối tác thương mại quan trọng khác, gần như toàn bộ châu Âu Việt Nam đều có FTA, do vậy, động lực cho sản xuất nông, công nghiệp, xuất nhập khẩu trong thời gian tới rất lớn”, ông Đỗ Thắng Hải cho biết.

Bình luận