Chương trình diễn giả công chúng của trường Đại học Tôn Đức Thắng với chủ đề "Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghệ thông minh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", vừa được tổ chức vào chiều 20/10.
Điều này diễn ra do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong khi dân số thế giới vẫn tiếp tục phát triển, nhu cầu sử dụng nông sản có chất lượng, đảm bảo sức khoẻ tăng cao. Vì vậy, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là sự phát triển tất yếu.
Theo tiến sĩ Phạm S (ảnh), khái niệm nông nghiệp 4.0 trên thế giới bắt đầu từ năm 2011 tại Đức. Đặc điểm của nền nông nghiệp giai đoạn này được hình thành dựa trên việc sử dụng công nghệ đèn LED, cảm biến IT, tế bào quang điện, công nghệ khí canh, thuỷ canh, thiết bị bay không người lái, robot nông nghiệp...
Hiện tại, Việt Nam chưa có mô hình nông nghiệp 4.0 hoàn chỉnh nhưng nông nghiệp công nghệ cao đã được nhiều tỉnh thành trên cả nước định hướng và phát triển hơn 10 năm nay.
Riêng tỉnh Lâm Đồng, nhờ ứng dụng công nghệ cao mà giá trị sản xuất nông nghiệp tăng cao. Đến nay, bình quân đạt 160 triệu đồng/ha/năm, gấp 2 lần so với cả nước (82 triệu đồng/ha/năm). Với những diện tích hoa công nghệ cao giá trị đạt từ 1,2 đến 2 tỷ đồng/ha/năm, rau đạt 5 tỷ đồng/ha/năm, rau thuỷ canh là 8 tỷ đồng/ha/năm, thậm chí mức giá trị đạt 24 tỷ đồng/ha/năm đối với hoa vũ nữ.
Vì vậy, Tiến sĩ Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng cần định hướng phát triển nông nghiệp nhanh chóng và phù hợp: Trước yêu cầu cách mạng 4.0, mỗi địa phương không thể đứng ngoài mà phải vào cuộc. Nhưng vào cuộc một cách thận trọng và đúng chứ không phải chạy theo phong trào. Do đó, chúng ta phải theo hướng đi ngay, đi nhanh và đi chính xác. Chính xác có nghĩa phải xác định cây trồng vật nuôi và công nghệ phù hợp với mục tiêu kinh doanh là chính để đảm bảo phát triển.