Ung thư gan – tất tần tật những điều nên biết ít nhất một lần

(VOH) - Ung thư gan là căn bệnh rất nhiều người mắc phải hiện nay. Cách tốt nhất để phòng và chữa trị kịp thời chính là nhận biết sớm cũng như khắc phục các nguyên nhân gây ung thư gan.

1. Ung thư gan là gì?

Ung thư gan hay còn gọi là ung thư gan nguyên phát, là sự phát triển và lan rộng nhanh chóng của các tế bào không lành mạnh trong gan. Gan là cơ quan lớn nhất trong cơ thể, nó giúp lọc bỏ độc chất trong máu khỏi cơ thể bạn. Gan cũng đóng vai trò trong tiêu hóa thức ăn và dự trữ năng lượng. Khi các tế bào gan ung thư hóa, gan không thể thực hiện chức năng thích hợp, dẫn đến các tác động có hại và nghiêm trọng cho cơ thể.

Phụ thuộc vào nơi ung thư khởi phát, người ta chia ung thư gan thành 2 loại là ung thư gan nguyên phát và ung thư gan thứ phát. Ung thư có thể khởi phát từ gan được gọi là ung thư gan nguyên phát, trong khi đó ung thư gan thứ phát xảy ra khi các tế bào ung thư lan đến gan từ một cơ quan trên cơ thể.

2. Nguyên nhân gây ung thư gan

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu từ trước đến nay, ung thư gan phát sinh chủ yếu do 6 nguyên nhân sau:

ung-thu-gan-tat-tan-tat-nhung-dieu-nen-biet-voh-1

Mắc các bệnh về gan có nguy cơ bị ung thư gan cao hơn (Nguồn: Internet)

2.1 Nguồn nước ô nhiễm

Chất lượng nước uống bị ô nhiễm nghiêm trọng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây ra ung thư gan. Tại các nông thôn hiện nay chưa có hệ thống xử lý nước thì nên khuyến khích mọi người sử dụng nước giếng vì mức độ ô nhiễm của nước giếng thấp hơn nước mương, nước sông.

2.2 Viêm gan do virus

Chủ yếu là viêm gan B và viêm gan siêu vi C. Người mắc bệnh viêm gan B và mang trong người virus siêu vi B, có tỷ lệ mắc bệnh ung thư gan nguyên phát cao hơn những người bình thường từ 2  đến 10 lần.

2.3 Độc tố aflatoxin trong thực phẩm mốc

Aflatoxin B là chất chủ yếu gây ung thư, thích hợp sinh trưởng trong môi trường nhiệt độ cao, khí hậu nóng ẩm. Đặc biệt, trong các nguyên liệu, ngũ cốc và thực phẩm bị meo mốc,…dễ sinh ra độc tố aflatoxin, việc sử dụng thường xuyên những thực phẩm nhiễm độc tố aflatoxin chính là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra ung thư gan và đa số các bệnh về gan khác.

2.4 Hóa chất gây ung thư

Các chất hóa học có thể gây ra ung thư gan chủ yếu là hợp chất có chứa N-nitroso, ví dụ như nitrosamine và nitramide. Ngoài ra, trong thuốc trừ sâu, rượu, xá xị…cũng chứa các chất gây ung thư.

2.5 Đột biến gen

Nguyên nhân của sự đột biến về môi trường có tác dụng đến virus gây kích thích tế bào gan phân chia phản ứng hoạt hóa, gây ra sự đột biến tế bào và chuyển vị gen, những nhân tố này có thể là nguyên nhân khiến tế bào gan sản sinh nhanh hơn.

2.6 Các nguyên nhân khác

Dư hoặc thiếu dinh dưỡng (thiếu vitamin A, B1), bệnh nhiễm sắc tố sắt mô, lây nhiễm ký sinh trùng và yếu tố di truyền,..cũng là nguyên nhân tiềm ẩn gây bệnh ung thư gan.

3. Triệu chứng của ung thư gan

Ung thư gan giai đoạn đầu thường không có biểu hiện gì nên người bệnh khó nhận biết sớm. Khi ung thư phát triển lớn hơn, bạn có thể nhận biết một số triệu chứng bệnh ung thư gan như:

  • Đau ở bụng trên bên phải (vị trí của gan).
  • Có một khối u hay cảm giác nặng bụng trên.
  • Đầy bụng hay chán ăn.
  • Sụt cân.
  • Yếu hay cảm thấy rất mệt mỏi.
  • Buồn nôn hay nôn.
  • Vàng da và mắt, nước tiểu vàng sậm.
  • Sốt thường xuyên.

Hầu hết những triệu chứng này được xem là dấu hiệu ung thư gan giai đoạn đầu để có thể nhận biết ung thư gan sớm. Khi ung thư gan di căn có thể kèm theo các triệu chứng của các cơ quan mà ung thư lan tới. Ung thư gan thường lan đến phổi (ung thư gan di căn phổi), có thể bằng đường máu. Một số trường hợp ít gặp ung thư lan đến xương (ung thư gan di căn xương) hoặc não.

4. Các phương pháp chẩn đoán ung thư gan

Nếu bạn có những triệu chứng ung thư gan giai đoạn đầu thì có thể đi khám, bác sĩ sẽ thực hiện những xét nghiệm ung thư gan cần thiết để xác định chẩn đoán thích hợp.

4.1 Xét nghiệm máu

Bạn có thể cần làm nhiều xét nghiệm máu để đánh giá các vấn đề gan và xem gan hoạt động như thế nào. Một xét nghiệm được sử dụng rộng rãi là alphafetoprotein (AFP). Nồng độ AFP cao có thể là một dấu hiệu của ung thư gan.

4.2 Chẩn đoán hình ảnh

Nghiên cứu hình ảnh siêu âm, CT scan, MRI đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán ung thư gan, giúp cung cấp thông tin về kích thước khối u, số lượng các khối u, sự xâm lấn và lan rộng của ung thư.

4.3 Sinh thiết gan hoặc hút tế bào

Thực hiện sinh thiết kim dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc CT scan. Nguy cơ hay gặp của phương pháp này là chảy máu do ung thư gan là khối u rất giàu mạch máu. Trong một số trường hợp, ung thư gan, mô ung thư rất giống mô gan lành dưới kính hiển vi. Đôi khi có thể nhầm lẫn ung thư gan và ung thư tuyến trong gan. Các tiến bộ trong hóa mô miễn dịch có thể giúp phân biệt các trường hợp này.

Hút tế bào an toàn hơn sinh thiết do ít nguy cơ chảy máu, tuy nhiên mẫu bệnh phẩm thu được bằng hút là khó khăn hơn.

5. Ung thư gan có điều trị được không?

Theo ThS.BS Nguyễn Quang Thái Dương – Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, các phương pháp điều trị ung thư gan không phẫu thuật đóng vai trò quan trọng và đã được chứng minh có hiệu quả trong điều trị ung thư gan. Hiện nay, chỉ định của các phương pháp này chiếm tỷ lệ khoảng 40 – 60% trong tất cả các phương pháp điều trị.

Các phương pháp điều trị ung thư gan không phẫu thuật gồm có các nhóm: nhóm hủy u tại chỗ, nhóm can thiệp nội mạch, nhóm truyền hóa chất qua động mạch gan, nhóm hóa trị, nhóm xạ trị.

Theo TS.BS Trần Công Duy Long – Phó trưởng khoa Ngoại Gan – Mật – Tụy (Bệnh viện Đại học Y dược), phẫu thuật cắt gan là phương pháp điều trị triệt để, áp dụng phổ biến, đem đến tiên lượng tốt cho người bệnh ung thư gan. Tuy nhiên, hầu hết ung thư gan xuất hiện ở người bệnh viêm gan mạn tính, xơ gan nên việc phẫu thuật luôn được cân nhắc kỹ lưỡng.

Vậy nếu điều trị bằng phương pháp phẫu thuật thành công thì người bệnh ung thư gan sống được bao lâu? Hiện nay, phương pháp hàng đầu điều trị ung thư gan là cắt bỏ khối u, phương pháp này đưa tỷ lệ bệnh nhân sống sau 5 năm ngày một gia tăng.

Lưu ý: Mặc dù ung thư gan có thể điều trị nhưng quá trình điều trị còn gặp nhiều khó khăn, do đó nếu muốn điều trị có kết quả tích cực, người bệnh cần phát hiện sớm, đừng để triệu chứng ung thư gan giai đoạn cuối diễn ra mới tiến hành các bước thăm khám, kiểm tra.

ung-thu-gan-tat-tan-tat-nhung-dieu-nen-biet-voh-2

Nhận biết ung thư gan sớm để điều trị có kết quả tích cực hơn (Nguồn: Internet)

6. Ung thư gan có lây không?

Nhiều người lo lắng bệnh ung thư gan có lây nên mọi người thường phòng ngừa bằng cách không ăn chung, uống chung, ngủ chung, thậm chí còn xa lánh với người bị ung thư gan. Tuy nhiên điều này lại hoàn toàn không chính xác. Các bác sĩ chuyên môn cho rằng: bệnh ung thư nói chung và ung thư gan nói riêng hoàn toàn không lây qua đường tiếp xúc, vì vậy, nó được xếp vào nhóm các bệnh không lây nhiễm.

Đối với những bệnh nhân bị ung thư do virus viêm gan B, viêm gan C thì virus có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua đường truyền máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Vì thế, để phòng ngừa bệnh ung thư gan chúng ta cần nâng cao biện pháp phòng ngừa các bệnh viêm gan siêu vi.