“Các hoạt động văn hóa nghệ thuật trên địa bàn TP HCM có tính định hướng tốt, mang tính tiên phong, hình thành trào lưu nghệ thuật mang tầm bao quát cả khu vực phía Nam” – Đây là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Vương Duy Biên, tại buổi làm việc với Thành ủy thành phố về: tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Vương Duy Biên.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, TPHCM đã tập trung mọi nguồn lực cho các hoạt động văn học nghệ thuật dân tộc, cách mạng, tiến bộ; góp phần xây dựng nhân cách con người, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ cuộc sống đa dạng, phong phú ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, phục vụ tốt công cuộc đổi mới vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Đội ngũ văn nghệ sĩ thành phố phát triển về cả số lượng, hơn 5.400 người, chất lượng và cơ cấu loại hình, có các thế hệ tiếp nối vững chắc, có tình yêu Tổ quốc, gắn bó với nhân dân, với sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo.
TP luôn chú trọng bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực lãnh đạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, đáp ứng kịp thời yêu cầu trong tình hình mới.
Tuy nhiên, do mặt trái của cơ chế thị trường, một bộ phận nhỏ cán bộ, Đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị; vẫn còn tác phẩm kém chất lượng; chất lượng đội ngũ làm công tác lý luận phê bình, nhất là lực lượng trẻ còn nhiều hạn chế.
Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang nhìn nhận: " Trong đội ngũ, chúng ta có tập trung, nhưng chưa đồng đều, tìm cán bộ quản lý nhà nước giúp cho thành ủy về lĩnh vực văn học nghệ thuật là khó chứ không phải dễ, lâu rồi, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch TPHCM không có người quản lý ở lĩnh vực sáng tác âm nhạc.
Rồi đội ngũ tài năng, chúng ta có quan tâm đó, nhưng mà nếu đưa đi nước ngoài học đi chăng nữa thì chỉ có một số lĩnh vực văn hóa đương đại, hiện đại của một số nước; nhưng còn văn học, nghệ thuật có gí trị bản sắc văn hóa dân tộc cao thì ngày càng khó khăn".
Bên cạnh nguồn nhân lực, Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang cũng cho rằng: cơ sở vật chất của thành phố phục vụ cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật chưa tương xứng với tốc độ phát triển; cần có thêm nhiều hơn nữa đất diễn cho các văn - nghệ sĩ bộc lộ tài năng; đặc biệt, thành phố cũng kiến nghị xem xét lại cơ chế định hướng trong phát triển văn hóa nghệ thuật, vì sao các chương trình tư nhân lại thu hút nhiều khán thính giả hơn các chương trình của nhà nước.
Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang.
Đánh giá cao thành tựu hoạt động văn hóa nghệ thuật của TP HCM, đồng thời ghi nhận những phản ánh thực tế, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Vương Duy Biên chia sẻ: "Tôi đánh giá TP có quyết tâm để thực hiện các vấn đề đã đề ra, Tôi cũng rất mong, trên chặn đường phát triển của mình sẽ có những lực chọn định hướng tốt. Cũng chia sẻ với các đồng chí, TPHCM có nhiều vấn đề giúp chúng tôi có thêm kinh nghiệm thực tế để tổng hợp báo cáo với chính phủ trong định hướng xây dựng các văn bản. Tôi cũng thống nhất với các kiến nghị của thành phố, muốn thực hiện tốt hơn nữa nghị quyết 23 thì phải bằng các biện pháp, pháp lệnh, biến thành cơ sở pháp lý, nếu không theo sự chỉ đạo của Bộ, ngành quản lý lĩnh vực thì sẽ bị xử lý, chế tài".
Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Vương Duy Biên cũng khẳng định, quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cần phải có cái nhìn thực tế từ nhu cầu thực tế, từ thị trường, để định hướng tốt thì phải chương trình, tác phẩm phải có chất lượng tốt, chú trọng đội đào tạo đội ngũ quản lý thật sự có tài, có năng lực./.