Tiêu điểm: Nhân Humanity

Năm 2018, tăng thu nhập gắn với hiệu quả công việc để tạo sự cạnh tranh

(VOH) - Theo tính toán của Sở Tài chính, kinh phí để thực hiện tăng thu nhập theo đề án trong năm 2018 là hơn 2.340 tỉ đồng.

Sáng nay 02/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tiếp tục tổ chức phản biện xã hội đối với Đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý.

Đây là 1 trong 21 đề án mà TPHCM triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP. 

Toàn cảnh Hội nghị. 

Theo dự thảo, dự kiến thời gian thực hiện đề án thí điểm chi thu nhập tăng thêm là từ 1-4 đến 31-12-2018.  Thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị giai đoạn 2018-2020 theo lộ trình như sau: Năm 2018 tăng tối đa 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ; năm 2019 tối đa 1,2 lần và năm 2020 tối đa 1,8 lần.

Theo tính toán của Sở Tài chính, kinh phí để thực hiện tăng thu nhập cho cán bộ, công chức với trên 140.000 người trong năm 2018 là hơn 2.340 tỉ đồng.

Tại hội nghị, có 16 ý kiến xoay quanh 7 vấn đề của dự thảo. Đa số các đại biểu đều đồng tình nhưng cũng khẳng định không thể cào bằng mà phải có sự cạnh tranh công bằng, minh bạch. Đơn vị nào xuất sắc hơn thì sẽ hưởng cao hơn.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân – Giám đốc Học viện cán bộ TPHCM nêu ý kiến.  

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân – Giám đốc Học viện cán bộ TPHCM cho rằng, theo dự thảo đề án, nguồn thu được trích từ nguồn chênh lệch thu chi, nguồn tiết kiệm của các đơn vị. Ngoài ra, trong trường hợp đơn vị không đủ đảm bảo thì ngân sách của cấp tương đương để đơn vị chi thu nhập tăng thêm và chi 1 lần.

Tuy nhiên để thực hiện được chúng ta phải làm sao tạo được động lực để hiệu quả năng suất lao động nhiều hơn và tăng trưởng kinh tế nhiều hơn, đặc biệt là tạo ra nguồn thu ngân sách nhiều hơn để đáp ứng được quy định hiện hành giống như một phần thưởng của Nghị quyết 54, Quốc hội đã thông qua. 

Điều mà chúng ta lo nhất không phải là chúng ta giàu hay nghèo mà lo nhất là phải công bằng. Muốn như vậy phải có những tiêu chí, định lượng, xác định một cái định lượng việc giải quyết công việc hồ sơ là bao nhiêu điểm. Có lỗi thì trừ bao nhiêu điểm. Có sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học thì bao nhiêu điểm?

Tức là chúng ta phải lượng hóa và từ đó tránh bình bầu cảm tính. Do đó phải thay đổi cách tính. Thậm chí việc tuyển dụng cũng phải xem xét lại. Vấn đề nghỉ việc cũng phải được giao cho cái quyền của thủ trưởng để gắn trách nhiệm của công chức, viên chức làm việc tốt hơn trong cải cách hành chính hiện nay.” - Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân nói. 

Theo bà Đỗ Thị Chánh – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, đề án này hướng đến đối tượng là các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có những đơn vịđã tự chủ hoàn toàn và tự chủ một phần. Tuy nhiên, kinh phí thực hiện cần cụ thể hơn, trên cơ sở đó triển khai thực hiện được hiệu quả, tránh gây sự bất bình.

“Làm sao qua đề án này thì chất lượng cán bộ, công chức sẽ làm việc hiệu quả hơn. Bộ máy làm việc cũng tinh gọn hơn. Đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ của một TP lớn. Tuy nhiên, để thực hiện công bằng thông qua việc đánh giá, phân loại cán bộ chúng ta thực hiện theo Nghị định 56 quy định chung cho cán bộ công chức của cả nước.” - bà Đỗ Thị Chánh cho biết. 

Bà Đỗ Thị Chánh – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM. 

Tiến sỹ Huỳnh Thế Du – Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đưa ra ý kiến rằng, chúng ta nên tập trung vào một vị trí, công việc sẽ tạo ra thu nhập cho sự phát triển kinh tế của TP kèm theo cơ chế thu nhập rõ ràng cùng cơ chế cạnh tranh và một tiêu chí để đánh giá, phân loại. Và như vậy thì người làm tốt sẽ vừa có thêm thu nhập, vừa có thể thăng tiến.

“Phải có cơ chế cạnh tranh một cách minh bạch trong quá trình xét duyệt. Hiện nay cơ chế của chúng ta vẫn là quy hoạch từ trước. Trong khi tiêu chí quan trọng nhất là cái người làm hiệu quả thì đang bị cái tiêu chí xét ngược lại. Nếu như một vị trí luôn luôn có cạnh tranh, luôn luôn có áp lực thì mới tạo ra được cái động cơ để cán bộ, công chức làm tốt lên.

Còn nếu không chúng ta có tăng têm thu nhập lên 1,8 lần, thậm chí là 18 lần thì cũng rất khó.” - Tiến sỹ Huỳnh Thế Du nói.

Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM.  

Đánh giá chung tại hội nghị, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM cho rằng, việc chi trả chỉ được thực hiện sau khi có kết quả đánh giá hiệu quả công việc. Một nguyên tắc quan trọng nữa là phải căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách thực tế hằng năm của TP. Năm nào thì chi năm đó.

“Làm sao để người cán bộ, công chức, viên chức tâm phục, khẩu phục khi nhận được cái thu nhập tăng thêm này. Họ cảm thấy đó là công sức bao lâu nay được ghi nhận, được đánh giá, được trân trọng. Do đó, tôi đề nghị Sở Nội vụ, Sở Tài Chính và Sở Lao động cùng ngồi lại tổng hợp và đề xuất ra những tiêu chí cụ thể để thực hiện trên cơ sở thông qua Hội đồng Nhân dân rồi chúng ta mới thực hiện. Tạo động lực thúc đẩy công bằng một cách tương đối trong công chức lao động”.  - bà Tô Thị Bích Châu nói.

Bà Lê Ngọc Thùy Trang, PGĐ Sở Tài chính TPHCM, khẳng định, TP sẽ trả thu nhập phù hợp đối với công chức dựa trên cơ sở năng suất, hiệu quả lao động chứ không điều chỉnh tăng thu nhập theo kiểu cào bằng. Việc này nhằm đảm bảo tương xứng với năng suất lao động, khuyến khích, tạo động lực cho công chức của TP đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công việc./.

Bình luận