Picture of the author
Picture of the author
SGK CD Ngữ Văn 10»Bài 4: Văn Bản Thông Tin»Bài 10: Hướng Dẫn Tự Học Trang 118

Bài 10: Hướng Dẫn Tự Học Trang 118

Lý thuyết bài Hướng Dẫn Tự Học Trang 118 môn Văn 10 bộ sách CD. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

Soạn bài Hướng dẫn tự học trang 118 Tập 1 Ngữ Văn 10  - Cánh diều

Câu 1 trang 118 tập 1 Ngữ Văn 10 CD

Tìm đọc mở rộng các văn bản thông tin về văn hoá, lễ hội trên báo, tạp chí hoặc Internet

Gợi ý:

Học sinh tự tìm đọc các văn bản thông tin về văn hoá, lễ hội trên báo, tạp chí hoặc Internet.

Ví dụ: LỄ HỘI KHAI ẤN ĐỀN TRẦN ( NAM ĐỊNH)

Lễ hội khai ấn đền Trần - Nam Định diễn ra vào đêm 14, rạng sáng 15 tháng giêng hàng năm tại khu di tích đền Trần - chùa Tháp Phổ Minh, P.Lộc Vượng (TP. Nam Định). Các nghi lễ được cử hành trang trọng theo nghi thức truyền thống. Vào đêm khai ấn, từ 22 giờ 40 phút bắt đầu diễn ra nghi lễ dâng hương các vị vua Trần, do UBND TP.Nam Định chủ trì. Sau đó là lễ rước kiệu ấn từ sân đền Cố Trạch qua cổng chính tới đền Thiên Trường.

Nghi lễ khai ấn bắt đầu từ 23 giờ 15 tại ban thờ Trung thiên đền Thiên Trường, với 14 cụ cao niên trong dòng họ Trần tại làng Tức Mặc, P.Lộc Vượng và đại diện một số ban, ngành, đoàn thể chứng kiến nghi lễ đóng dấu khai ấn (14 cánh ấn bằng giấy màu vàng). Những lá ấn này sau đó được dâng lên các đình, chùa thuộc P.Lộc Vượng…

Sau khi hoàn thành các nghi lễ chính, từ 23 giờ 55 cửa đền mới mở để người dân và khách thập phương vào lễ đầu năm. Từ 5 giờ ngày rằm tháng giêng bắt đầu phát “lộc ấn” cho nhân dân và du khách thập phương.

Trong lễ hội còn có các nghi lễ thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn tri ân tiền nhân như: rước kiệu Ngọc Lộ (rước chân nhang Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ chùa tháp Phổ Minh, nơi tương truyền chứa một phần xá lị của Phật Hoàng) sang đền Trần với ý nghĩa để Ngài bái yết tổ tiên thủy tổ nhà Trần, chứng lễ ban Ấn; lễ rước Nước - tế Cá nhắc nhớ nguồn cội thuyền chài sông nước của thủy tổ họ Trần; tế lễ Tết Thượng nguyên rằm tháng giêng - lễ rằm mở đầu trong năm.

Trong lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian đặc sắc được tổ chức như: múa lân, sư, rồng, hát chèo, chầu văn, đấu vật, võ thuật, chọi gà, múa rối nước…

Câu 2 trang 118 tập 1 Ngữ Văn 10 CD

Tự giả định các tình huống cần thuyết phục tổ chức, cá nhân chấp nhận quan điểm, năng lực của chính mình để có thể tham gia vào các hoạt động của tập thể, cộng đồng; từ đó, viết và thuyết trình về bản thân

Gợi ý:

Kính gửi: Ban Chấp hành Đoàn trường-Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Tân.

Tôi là: Nguyễn Duy  An, đoàn viên chi đoàn 10/8

Qua thông báo của Ban Chấp hành chi đoàn, tôi được biết, đội văn nghệ của Đoàn trường đang tuyển thành viên.

Tôi xét thấy bản thân có năng khiếu về âm nhạc và múa. Tôi đã tham gia nhiều chương trình văn nghệ tại Trường THCS Trần Quốc Toản. Bên cạnh đó, tôi cũng rất mong muốn được đóng góp công sức của mình vào sự phát triển của các hoạt động Đoàn  trong nhà trường.

Bởi vậy, tôi làm đơn này, mong Ban chấp hành Đoàn trường xét duyệt cho tôi tham gia đội văn nghệ của Đoàn trường.

Nếu được tham gia đội văn nghệ của Đoàn trường, tôi xin hứa sẽ chấp hành tốt nội quy của tập thể.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

Câu 3 trang 118 tập 1 Ngữ Văn 10 CD

Tham khảo các sách, tài liệu hướng dẫn kĩ năng viết bài luận xin học bổng cũng như kĩ năng thuyết trình để rèn luyện, nâng cao năng lực giao tiếp ngôn ngữ của bản thân

Trả lời: 

Các em tự tìm đọc, tham khảo sách, tài liệu hướng dẫn kĩ năng viết bài luận xin học bổng cũng như kĩ năng thuyết trình để rèn luyện, nâng cao năng lực giao tiếp ngôn ngữ của bản thân.

Hướng dẫn viết

1. Trước hết bài luận cần có một mở bài ấn tượng

Ấn tượng trong bài luận, là khơi gợi được sự tò mò từ người đọc, muốn biết thêm về bạn, về câu chuyện của bạn một cách tự nhiên nhất có thể. Nó có thể là tóm tắt về thành tựu của bản thân, là phương châm sống hay một vài lời nhận xét của người khác về bạn. 

Ví dụ: 

VD1: “Kỹ năng lãnh đạo và tầm ảnh hưởng của tôi được minh chứng trong suốt ba năm làm việc. Mặc dù trượt đại học nhưng tôi đã rất chăm chỉ học hỏi, tiến hành khởi nghiệp và tạo ra giá trị cho nhiều người”. 

VD2: “Khoảnh khắc nhận được tin báo trượt đại học, tôi đã lo sợ rằng cuộc sống của mình sẽ thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng tiêu cực. Tuy nhiên, không thể ngờ, sự kiện năm 18 tuổi đó đã cho tôi động lực học tập và làm việc chăm chỉ, để rồi có thể giúp cuộc sống của rất nhiều người khác trở nên tốt đẹp hơn” 

Có thể thấy trong VD1, người đọc phần nào đoán ra được bạn sẽ kể về quá trình mình tạo dựng công ty, có thể có những khó khăn và thành công. Mặc dù, những chi tiết đưa ra trong thân bài có thể gay cấn nhưng việc đoán trước được nội dung đã phần nào làm giảm hứng thú trong trải nghiệm của người đọc. 

Với VD2, người đọc sẽ muốn biết thêm về câu chuyện: bạn đã làm thế nào, trải qua những chuyện gì và bạn đã giúp được những ai. 

Nếu khó quá, các bạn có thể để dành mở bài viết sau cùng với kết bài. 

2. Thiết lập ngữ cảnh cho bài luận

Chẳng cần kể dài dòng con tằm nó nhả ra tơ, nhưng việc cung cấp ngữ cảnh (ai, ở đâu, thời gian nào) sẽ giúp người đọc một bước đặt chân vào câu chuyện. 

Tiếp nối mở bài phía trên, ngữ cảnh đưa ra có thể là: Ở Việt Nam, thi đại học được coi là kì thi cuộc đời, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sự nghiệp và cuộc sống của một người trẻ. Bạn có ước mơ đỗ vào trường A, để trở thành một … trong tương lai. Tuy nhiên, bạn trượt, và điểm số của bạn chỉ có thể học tại trường B. 

3. Đề cập tới những khó khăn, thử thách trong bài luận

Hội đồng xét duyệt sẽ muốn biết thêm là bạn đã gặp những trở ngại gì. Nó có thể đến từ ngoại cảnh, theo như ví dụ này thì có thể bạn là sinh viên tỉnh lẻ với khả năng kinh tế hạn chế; ngành học của bạn có ít cơ hội nghề nghiệp; trường của bạn không phải là trường top. Nó có thể bắt nguồn từ chính bản thân bạn khi bạn phải học ngành mà mình chưa có nhiều hứng thú, quan tâm; hay việc trượt đại học khiến bạn mất đi sự tự tin. 

4. Phác họa chân dung của nhân vật chính (bản thân bạn) trong bài luận

Lúc này, chúng ta sẽ đặt bản thân làm trung tâm của câu chuyện. Từ những khó khăn phía trên, bạn chấp nhận đối diện hay buông xuôi. 

Tiếp tục với ví dụ, bạn có thể là một sinh viên tỉnh lẻ, nhưng đầy hoài bão và nỗ lực. Cụ thể, sau giờ học, bạn đi làm thêm, rồi về thư viện học tiếp tới sáng. Hoặc bạn có thể là một người sáng tạo, có nhiều ý tưởng về vấn đề X mà bạn quan tâm, nên bên cạnh việc học, bạn tìm tòi và quyết định khởi nghiệp. 

5. Thêm thắt tình tiết bất ngờ, nút thắt cho bài luận

Đây là những chi tiết để người đọc tiếp tục đặt câu hỏi: Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo? Các bạn có thể viết ra một, hai, thậm chí là ba sự kiện làm thay đổi mạch của câu chuyện. Thường thì nó sẽ là những lần vấp ngã, thất bại do kinh nghiệm và kiến thức non nớt của bạn. 

Ở đây, các bạn có thể dùng vài từ thể hiện cảm xúc để tạo sự đồng cảm cho người đọc (nhưng không nên lạm dụng nha). 

Ví dụ: Dự án start-up của bạn không có kết quả tốt, những thành viên trong nhóm lần lượt rời đi. 

Thêm vào đó, do quá tập trung vào dự án start-up, bạn lơ là việc học và nhận được thư cảnh cáo về việc bạn sẽ bị đúp một năm học. 

Bạn cảm thấy thật sự bế tắc. 

6. Đẩy câu chuyện lên cao trào

Ở đây, các bạn hãy kể rõ từng bước mình đã làm gì, làm như thế nào để tháo gỡ nút thắt phía trên. Đây là lúc các bạn chứng minh mình là người có khả năng lên kế hoạch và xử lý tình huống. Đừng quên thêm thắt các chi tiết về sự tương tác của bạn với những người xung quanh để câu chuyện sống động hơn, và bởi lẽ xây dựng và mở rộng mối quan hệ cũng là kỹ năng thiết yếu trong cuộc sống. 

Ví dụ: Bạn tham gia một buổi hội thảo có diễn giả là người bạn rất hâm mộ. Bạn nán lại trò chuyện với ông ấy và nhận được lời khuyên có giá trị. Hoặc đơn giản chỉ là bạn xem được một video trên TedEx. 

Bạn ngồi vẽ lại kế hoạch của cuộc đời mình. Tập trung lại vào việc học để có chắc kiến thức, bạn học thêm tiếng anh, đọc thêm sách. 

Bạn thuyết phục những thành viên cũ trong nhóm start-up quay trở lại ra sao, lãnh đạo nhóm thế nào, có những thay đổi gì trong chiến lược thực hiên. Rồi thì dưới sự giúp đỡ của thầy cô trong trường, nhóm của bạn quyết định đi thi cuộc thi về khởi nghiệp và giành được giải (nhất, nhì, ba, bét). Nhưng hơn hết là dự án đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư và truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên khác trong trường. 

7. Viết về kết quả và bài học thu được trong bài luận

Có thể là thành công, có thể là thất bại, nhưng quan trọng nhất vẫn là bài học bạn rút ra được là gì, bạn đã trưởng thành trong suy nghĩ và hành động ra sao, và bạn đánh giá ngành học/ học bổng này là cơ hội như thế nào với bản thân. 

Lại với mạch ví dụ trên: Bạn và nhóm khởi nghiệp của mình đã nhận được khoản đầu tư là $1000 và sự giúp đỡ của nhà đầu tư A. Bạn đã học hỏi được tầm nhìn và tư duy quản lý ra sao? Dự án hiện tại đạt được những thành công bước đầu thế nào (như dự án giáo dục giới tính đã tới chia sẻ kiến thức cho xx trường cấp 2 tại Hà Nội, dự án việc làm đã kết nối xx nhà tuyển dụng cho hàng ngàn sinh viên, dự án đọc sách đã xây dựng thư viện cho xx trường…)? Trong tương lai, bạn đang có kế hoạch phát triển nó đến đâu? 

Ngành học/ học bổng này hỗ trợ bạn những gì? Bạn mong chờ được nhận nhũng gì từ ngành học/ học bổng này (các môn học chuyên ngành phù hợp, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất chất lượng, mạng lưới sinh viên/cựu sinh viên ưu tú…) 

8. Kết bài luận một cách cô đọng và súc tích

Sẽ hoàn chỉnh hơn nếu bạn có thể liên hệ kết bài với mở bài, thêm vào vài nhận thức cốt lõi và cái nhìn về tương lai. 

Ví dụ, mình có thể viết là : 

“Tôi tin rằng Đại học không phải là cánh cổng duy nhất dẫn tới thành công, nhưng chắc chắn tri thức chính là chiếc chìa khoá vạn năng mở ra vô vàn cơ hội tốt đẹp. Sẽ cần rất nhiều thời gian và công sức để mang dự án A tới nhiều người hơn nữa, và ngành học/ học bổng XXX sẽ cho tôi thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để thực hiện ước mơ của mình”. 

Cuối cùng, cho dù viết hay hay dở thì trước hết vẫn cần viết đúng. Các bạn nhớ kiểm tra kĩ các lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp trong bài nhé. Câu chuyện trong các ví dụ phía trên là mình bịa ra để các bạn dễ hình dung thôi. Hy vọng bài blog tuần này phần nào giúp ích được các bạn trong việc lên ý tưởng và viết bài luận.

Bạn nào có những bí quyết hay khác về viết bài luận thì để lại bình luận để mình và các bạn khác tham khảo và học hỏi thêm với nha. 

Bài luận tham khảo

Bài luận mẫu xin học bổng OppU Achievers của Stella Gitelman Willoughby

Stella Gitelman Willoughby, sinh viên năm nhất của trường Cao đẳng Âm nhạc Berklee ( Cao đẳng Âm nhạc Berklee), đã nhận được Học bổng OppU Achievers vào tháng 5 năm 2018.

Dưới đây là bài viết mẫu xin học nhẹ nhàng của Stella:

“Tôi là một người không thành công. Tôi vấp ngã hàng ngày—nghĩa đen là do Hội chứng Ehlers-Danlos và các cơn co giật, ẩn dụ là do chứng tự kỷ, chứng khó đọc và rối loạn tâm trạng. Mọi khoảnh khắc đều không thể đoán trước; Tôi giữ thăng bằng một cách bấp bênh. Tôi chiến đấu để điều chỉnh các giác quan, cảm xúc và cơ thể của mình trong không gian. Chỉ khi vấp ngã, tôi mới có thể đứng dậy, lấy lại thăng bằng sau bước đi sai lầm và tiến về phía trước.

Thông qua sáng tác âm nhạc của mình, tôi ổn định bản thân. Bắt rễ trên băng ghế piano, say sưa với âm thanh, những giai điệu và hòa âm ngẫu hứng, nhanh chóng ghi chú các ý tưởng, tôi chỉ huy. Sự rối loạn, căng thẳng, lo lắng, bất ổn của tôi — những trở ngại của tôi — trở thành âm nhạc. Tôi biến sự căng thẳng của mình thành những quãng ba nhỏ hoặc những quãng không thoải mái, có thể là một quãng ba. Lấy lại bình tĩnh và kiểm soát, tôi kết thúc chuyển động Largo và âm nhạc phát triển thành Allegro hoặc Vivace tươi sáng hơn. Tôi có thể mạnh dạn thử vượt qua ba đoạn, với accelerando.

Những biểu hiện âm nhạc của tôi, hiện thân của những thách thức của tôi, đã giành được giải thưởng trong nước và quốc tế. Tôi là người chiến thắng Giải thưởng Nhà soạn nhạc trẻ ASCAP Morton Gould. Các phòng hòa nhạc ở Boston, Manhattan, St. Louis, Honolulu, Canada và Ý, đã vang vọng âm thanh từ các sáng tác của tôi. Tôi đã nhận tiền hoa hồng từ các thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng Edmonton ở Canada và tác phẩm của tôi đã được chơi bởi các thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng Hawaii. Các tác phẩm của tôi đã được biểu diễn tại những địa điểm nổi tiếng như Nhà thờ Old South ở Boston và Trung tâm Lincoln ở New York. Ở mỗi phần trình diễn và mỗi giải thưởng, tôi nhớ lại hành trình chông chênh của mình để đến được khoảnh khắc hạnh phúc này. Tôi thưởng thức và tận hưởng hiện tại.

Mục tiêu của tôi là trở thành một nhà soạn nhạc cổ điển chuyên nghiệp. Khi tôi sáng tác, tôi đang ở trạng thái tốt nhất. Tôi đang mỉm cười. Tôi cảm thấy có khả năng và tự tin. Kể từ khi trở thành một thiếu niên, cha mẹ tôi đã thấm nhuần trong tôi nhu cầu phát triển các kỹ năng tự vận động, hướng tới sự độc lập và hỗ trợ tài chính cho bản thân. Thông qua sáng tác âm nhạc, tôi biết mình có thể thành công. Tôi đã đặt nền móng để từ đó xây dựng sự nghiệp. Vì những lý do này, tôi chọn theo đuổi tấm bằng sáng tác âm nhạc.

Ngày mai tôi có thể thức dậy với cảm giác bất an về thể chất hoặc tinh thần. Các khớp hoặc dây chằng của tôi có thể cảm thấy đặc biệt căng hoặc lỏng lẻo bất thường, tôi có thể bị choáng ngợp bởi các nhiệm vụ, phải vật lộn với tình trạng mất thính lực do co giật hoặc đơn giản là bị kích thích quá mức bởi ánh sáng đèn huỳnh quang. Tuy nhiên, tôi sẽ thấm vào băng ghế piano. Tôi sẽ bắt đầu lại từ đầu, được trang bị giấy trắng và bút chì. tôi biết tôi có thể đạt được; Tôi đã làm nó trước đây. Tôi sẽ đúng, và viết, những tai ương của tôi thành thắng lợi.

Thông qua âm nhạc của mình, tôi hy vọng có thể mang lại vẻ đẹp và niềm vui cho người khác, đồng thời khơi dậy sức mạnh để họ đương đầu với thử thách. Ước mơ của tôi là một ngày nào đó, một đứa trẻ sẽ xúc động trước âm nhạc của tôi đến mức nó sẽ nói: “Con cũng muốn viết nhạc!” Hoặc, khi ai đó cần động viên tinh thần, anh ấy sẽ nghe nhạc của tôi và nói: “Tôi cảm thấy tốt hơn nhiều rồi”. Trên hết, tôi hy vọng rằng một người có cùng khó khăn với tôi sẽ lắng nghe và nói: “Chà, giờ tôi biết rằng một ngày nào đó tôi cũng có thể đạt được và vượt trội với niềm đam mê của mình!”

(Nguồn Internet)

Câu 4 trang 118 tập 1 Ngữ Văn 10 CD

Vận dụng những kiến thức, kỹ năng học được từ bài học vào việc tham gia tổ chức các hoạt động văn hoá ở trường và địa phương nơi em sinh sống

Gợi ý:

Các em tăng cường vận dụng những kiến thức, kỹ năng học được từ bài học vào việc tham gia tổ chức các hoạt động văn hoá ở trường và địa phương nơi em sinh sống.

  • Lập tờ trình xin phép
  • Lên kế hoạch: thời gian, đối tượng, nội dung, kinh phí, mục đích, ý nghĩa,…
  • Chuẩn bị
  • Triển khai
  • Rút kinh nghiệm…

Biên soạn: GV Nguyễn Duy Tuấn

SĐT: 0945 441181

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri 

Tác giả: Nguyễn Duy Tuấn

Bài 9: Tự Đánh Giá: Lễ Hội Ok Om Bok
Bài 11: Ôn Tập Cuối Học Kì 1 - Phần: Đọc Hiểu Văn Bản