Picture of the author
Picture of the author
SGK CD Ngữ Văn 6»Bài 7: Thơ»Bài 2: Đêm Nay Bác Không Ngủ

Bài 2: Đêm Nay Bác Không Ngủ

Lý thuyết bài Đêm Nay Bác Không Ngủ môn Văn 6 bộ sách CD bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả Minh Huệ

dem-nay-bac-khong-ngu

Minh Huệ (3/10/1927 - 11/10/2003), tên khai sinh là Nguyễn Thái, là một nhà thơ hiện đại của Việt Nam.

Quê tại Bến Thủy, nay thuộc phường Quang Trung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Ông hoạt động cho Việt Minh từ tháng 5 năm 1945; bắt đầu viết năm 1951, khi mới 24 tuổi.

Minh Huệ được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật với 3 tập thơ: Đêm nay Bác không ngủ (1985); Tiếng hát quê hương (1959); và Đất chiến hào (1970).

2. Bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ”

a. Hoàn cảnh sáng tác

Đêm nay Bác không ngủ là bài thơ nổi tiếng nhất của Minh Huệ.

Bài thơ được gợi cảm hứng từ việc tác giả được nghe câu chuyện có thật của Bác khi đi chiến dịch biên giới cuối năm 1950, khi đó Bác Hồ trực tiếp ra trận theo dõi và chỉ huy cuộc chiến đấu của bộ đội và nhân dân

Khi sáng tác bài thơ này, Minh Huệ còn rất trẻ, rất gần với tuổi của anh đội viên trong bài thơ. Có thể tác giả đã nhập vai anh đội viên để khắc hoạ lại hình ảnh của Bác.

b. Kiểu văn bản và phương thức biểu đạt

Thể thơ: 5 chữ

Phương thức biểu đạt: Biểu cảm kết hợp yếu tố miêu tả, tự sự.

Ngôi kể: ngôi thứ 3.

Cách kể chuyện: Bài thơ được trình bày như một câu chuyện về một đêm không ngủ của Bác Hồ trên đường đi chiến dịch trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.

c. Bố cục: 3 phần

Phần 1: 9 khổ thơ đầu: Lần thức dậy thứ nhất của anh đội viên.

Phần 2: 6 khổ tiếp: Lần thức dậy thứ ba của anh đội viên.

Phần 3: Còn lại: Tình cảm của tác giả đối với Bác.

II. Đọc hiểu văn bản Đêm nay Bác không ngủ

1. Bối cảnh câu chuyện

Hai nhân vật chính: anh đội viên và Bác Hồ

  • Bác Hồ: nhân vật trung tâm 
  • Anh đội viên: vừa là người chứng kiến vừa là người tham gia vào câu chuyện => Hình tượng Bác Hồ hiện lên qua cái nhìn và tâm trạng của anh chiến sĩ, qua cả những lời đối thoại giữa hai người => Bác hiện ra một cách tự nhiên, có tính khách quan lại vừa được đặt trong mối quan hê gần gũi ấm áp với người chiến sĩ.
  • Bài thơ kể lại một đêm không ngủ của Bác trên đường đi chiến dịch thời kháng chiến chống Pháp.

Câu chuyện được kể lại theo trình tự thời gian.

  • Bối cảnh của câu chuyện: trên đường đi chiến dịch
  • Không gian: mái lều, rừng núi, mưa lâm thâm và trời lạnh (đốt lửa để sưởi ấm).
  • Thời gian: Một đêm khuya.

2. Hình ảnh Bác Hồ qua cảm nhận của anh đội viên

Thời gian, không gian: Trời khuya, bên bếp lửa, mưa, lều xơ xác.

Cử chỉ: Đốt lửa, dém chăn, nhón chân nhẹ nhàng.

⇒ Thể hiện tình yêu thương và chăm sóc ân cần, tỉ mỉ của Bác Hồ với chiến sĩ như người cha, người mẹ chăm lo giấc ngủ cho những đứa con. Sự chăm sóc chu đáo không sót một ai "từng người một". Đặc biệt cử chỉ "nhón chân nhẹ nhàng" thể hiện sự tôn trọng, nâng niu của vị lãnh tụ đối với những người chiến sĩ bình thường giống như cử chỉ của người mẹ nâng niu giấc ngủ của đứa con nhỏ.

Hình dáng: vẻ mặt trầm ngâm, mái tóc bạc, ngồi đinh ninh, chòm râu im phăng phắc, cao lồng lộng

  • Các từ láy gợi hình → gợi hình ảnh Bác cụ thể, chân thực, sinh động.
  • So sánh ẩn dụ: Bóng Bác - ngọn lửa hồng Hình ảnh Bác  vừa gần gũi, thân thiết vừa cao cả, thiêng liêng. Bác ân cần nâng niu, chăm sóc giấc ngủ của các anh bộ đội như tình cha con trong một gia đình.

Lời nói, tâm tư: không an lòng, thương đoàn dân công...

Lòng yêu thương bao la, rộng lớn của Bác. Bác rất hiểu, cảm thông với những khó khăn vất vả của dân công.

3. Tình cảm của anh đội viên dành cho Bác

dem-nay-bac-khong-ngu-1

Lần thức dậy thứ nhất:

  • Ngạc nhiên đến xúc động.
  • Nhìn, theo dõi những cử chỉ, hành động của Bác.
  • Trong trạng thái mơ màng: “Anh đội viên mơ màng… Ấm hơn ngọn lửa hồng”

⇒ Cảm nhận được sự lớn lao,vĩ đại nhưng lại hết sức gần gũi của vị lãnh tụ.

  • Sự xúc động cao độ: “Thổn thức cả nỗi lòng” và thốt lên: “Bác có lạnh lắm không?”
  • Nỗi lo bề bộn trong lòng về sức khỏe của Bác

→ Thương yêu, cảm phục, ngưỡng mộ của anh trước tấm lòng của Bác.

Lần thức dậy thứ ba:

  • Hốt hoảng, giật mình, nằng nặc mời Bác ngủ.
  • Từ láy "nằng nặc”, đảo trật tự ngôn từ, lặp lại các cụm từ “Mời Bác ngủ Bác ơi !”, “Bác ơi! Mời Bác ngủ!”.

→ Sự thiết tha, năn nỉ, tình cảm lo lắng chân thành mộc mạc của anh đội viên với Bác.

“Lòng vui sướng mênh mông

Anh thức luôn cùng Bác”.

→ Niềm vui của anh đội viên khi hiểu được tấm lòng mênh mông, tình thương, đạo đức cao cả và sự vĩ đại của Bác.

Nhận xét:

  • Lần đầu: là sự ngạc nhiên, cảm phục nhưng vẫn vâng lời Bác đi ngủ.
  • Lần thứ ba: hốt hoảng giật mình rồi vui sướng khi cảm nhận được sự vĩ đại của Bác, thức luôn cùng Bác.                                            

⇒ Bài thơ chỉ kể lần thứ nhất và lần thứ ba anh đội viên thức dậy, cho thấy trong cái đêm ấy anh đã nhiều lần tỉnh giấc, lần nào cũng chứng kiến Bác không ngủ. Chính vì vậy, tâm trạng của anh mới có sự chuyển biến rõ rệt.

  • Câu thơ “Đêm nay Bác không ngủ” là nhan đề của bài thơ, được điệp lại 3 lần ở các dòng 4, 35 và 62.

→ Khẳng định đêm nay cũng như biết bao đêm khác Bác đã mất ngủ vì lo cho dân, cho nước. Bác hiện lên kì vĩ nhưng cũng rất đời thường.

  • Khổ cuối:

Đêm nay Bác ngồi đó

  Đêm nay Bác không ngủ

Vì một lẽ thường tình

Bác là Hồ Chí Minh

→ Lời giải thích như một chân lí chắc chắn khẳng định Bác giản dị nhưng cũng thật cao cả. Lời thơ khẳng định tình yêu thương, chăm sóc của Bác dành cho các chiến sĩ, cho dân và lòng kính yêu của anh đội viên dành cho Bác.

4. Yếu tố tự sự và miêu tả trong bài thơ

Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

Yếu tố tự sự: Bài thơ viết theo hình thức một câu truyện (thơ tự sự), kể theo trật tự thời gian về một đêm không ngủ của Bác Hồ trên đường đi chiến dịch trong thời kì kháng chiến chống Pháp.

Yếu tố miêu tả: miêu tả bối cảnh không gian, thời gian của câu chuyện; miêu tả hình ảnh của Bác Hồ trong đêm không ngủ và miêu tả tâm trạng của anh đội viên sau mỗi lần thức dậy nhìn Bác. (các yếu tố miêu tả trong văn bản thường gắn liền với các từ láy)

→ Tác dụng của yếu tố miêu tả và tự sự:

  • Tạo nên hình thức câu chuyện kể liền mạch.
  • Các yếu tố miêu tả đã khắc hoạ, miêu tả về đối tượng miêu tả; góp phần tạo dựng bối cảnh cho câu chuyện; thể hiện tình cảm của người quan sát, miêu tả.

III. Tổng kết

1. Nghệ thuật

Thể thơ năm chữ, nhiều vần liền thích hợp với lối kể chuyện,

Nhiều chi tiết giản dị, chân thực và cảm động.

Ngôn ngữ đặc sắc, giàu hình ảnh.

Có sự kết hợp kể chuyện ,miêu tả và biểu cảm.

Sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật: Ẩn dụ, so sánh, từ láy,..

2. Nội dung

Qua câu chuyện về một đêm không ngủ của Bác trên đường đi chiến dịch, bài thơ đã thể hiện tấm lòng yêu thương sâu sắc, rộng lớn của Bác với bộ đội và nhân dân, tình cảm yêu kính, cảm phục của người chiến sĩ đối với lãnh tụ. 

3. Cách đọc hiểu văn bản thơ có yếu tố tự sự và miêu tả

Nhận biết được một số yếu tố hình thức nổi bật của một bài thơ (nhan đề, dòng thơ, khổ thơ, vần và nhịp, hình ảnh, từ ngữ, biện pháp tu từ,…)

Hiểu được bài thơ là lời của ai; nói về ai, về điều gì; nói bằng cách nào; cách nói ấy có gì độc đáo, đáng nhớ.

Chỉ ra được tình cảm, cảm xúc của người viết và những tác động của chúng đến suy nghĩ và tình cảm của người đọc.

Nhận biết được các yếu tố tự sự và miêu tả; nêu được tác dụng của các yếu tố đó.


Biên soạn: GV Phạm Thị Hải

SĐT: 0349731104 (bạn đọc thắc mắc liên hệ)

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Phạm Thị Hải

Bài 1: Kiến Thức Ngữ Văn Trang 27
Bài 3: Lượm