Picture of the author
Picture of the author
SGK CD Ngữ Văn 7»Bài 1: Truyện Ngắn Và Tiểu Thuyết»Bài 3: Buổi Học Cuối Cùng

Bài 3: Buổi Học Cuối Cùng

Lý thuyết bài Buổi Học Cuối Cùng môn Văn 7 bộ sách CD bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

buoi-hoc-cuoi-cung

I. Chuẩn bị trước khi đọc văn bản

Gới thiệu: Với mỗi dân tộc, ngôn ngữ là tinh hoa, là hồn cốt của ngàn đời truyền lại, thậm chí là yếu tố quyết định đến sự còn- mất của dân tộc. Điều này không chỉ đúng với dân tộc ta mà đúng với nhiều dân tộc khác, đất nước khác. Nhà văn người Pháp An-phông- xơ Đô- đê đã thể hiện nội dung này trong đoạn trích "Buổi học cuôi cùng" trích trong tác phẩm “ Chuyện của một em bé người An-dát.”

1. Tác giả

An-phông-xơ Đô-đê (1840-1897), nhà văn Pháp.

Ông bắt đầu viết từ năm 14 tuổi, sau này gặt hái được nhiều thành công và được đông đảo bạn đọc yêu mến.

Ông là tác giả của nhiều tập truyện ngắn nổi tiếng như: Một thời niên thiếu, Những cuộc phiêu lưu kì diệu của Tactaranh ở Taraxcông…

Ông đạt đến danh vọng trong làng văn chương Pháp qua giải thưởng Văn chương Pháp với quyển "Fromont Cháu Trẻ và Cụ Riler" (1874).

2. Tác phẩm

Truyện “Buổi học cuối cùng” lấy bối cảnh từ một biến cố lịch sử: Sau cuộc chiến tranh Pháp – Phổ năm 1870-1871, nước Pháp thua trận, hai vùng An-dát và Lo-ren giáp biên giới với Phổ bị nhập vào nước Phổ. Cho nên các trường học ở hai vùng này bị buộc học tiếng Đức. Truyện viết về buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp ở một trường làng thuộc vùng An-dát.

II. Đọc và theo dõi đọc

1. Đọc và theo dõi đọc

Chú ý người kể ngôi thứ nhất và tác dụng của ngôi kể này:

Ngôi kể thứ nhất: nhân vật Phrăng xưng tôi kể về buổi học cuối cùng tiếng Pháp của thầy Ha-men.

Tác dụng của ngôi kể thứ nhất: giúp câu chuyện trở nên chân thực hơn, giàu sự tin tưởng hơn, nhân vật Phrăng  bộc lộ tâm trạng, tình cảm dễ dàng hơn và người đọc hiểu rõ về nhân vật Phrăng  hơn.

Từ sự khác thường của buổi học, dự đoán về sự kiện xảy ra:

Những điều khác thường trong buổi học cuối cùng:

  • Khi tới trường, không khí trường học khác lạ đã tác động mạnh đến tâm hồn nhạy cảm của Phrăng  “tiếng ông ào như chợ vỡ vang ra tận ngoài phố…” đã thay bằng sự vắng lặng đến phát sợ, ai nấy đều đã yên trong vị trí.
  • Khi Phrăng  đi học muộn nhưng thầy Ha-men lại rất ân cần thay vì giận dữ “Phrăng , vào chỗ nhanh lên con, lớp học sắp bắt đầu mà không có con”

Dự đoán các sự kiện xảy ra:

  • Thầy sẽ nhắc nhở lớp về tiết học cuối cùng.
  • Thầy sẽ tiến hành bài dạy cuối cùng.
  • Thầy chia tay các học trò của mình.
  • Học trò chia tay thầy.

Chú ý không khí lớp học, cách ăn mặc và thái độ khác thường của thầy Ha-men: 

  • Không khí lớp học: có cái gì đó khác thường và trang trọng; cuối lớp dân làng ngồi lặng lẽ như chúng tôi…ai nấy đều buồn rầu 
  • Cách ăn mặc của thầy Ha-men: thầy mặc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục, diềm lá sen gấp nếp mịn, cái mũ tròn bằng lụa đen
  • Thái độ khác thường của thầy Ha-men: thay vì giận dữ như mọi ngày thì thầy ân cần, nhẹ nhàng “ Phrăng vào chỗ nhanh lên con”, “các con ơi…mong các con hết sức chú ý”.

Chú ý sự đối lập trong cảm nhận của Phrăng về những cuốn sách: 

Sự đối lập trong cảm nhận của Phrăng  về những cuốn sách:

  • Ban đầu còn thấy chán ngán đến thế, mang nặng đến thế.
  • Giờ đây dường như những người bạn cố tri mà tôi sẽ rất đau lòng phải giã từ.

Tại sao thầy Ha-men lại nói: “…con bị trừng phạt thế là đủ rồi…” :

Thầy Ha-men lại nói: “…con bị trừng phạt thế là đủ rồi…” là bởi vì: 

  • Trước đây khi dạy học thì thầy Ha- men hay phạt, vụt thước kẻ để bắt các học trò học bài trong đó có Phrăng.
  • Dường như thầy đọc được suy nghĩ của Phrăng: là mong muốn đọc được trót lọt cái quy tắc về phân từ hay ho ấy, đọc to rõ ràng không phạm một lỗi nào thì dù có phải đánh đổi gì cũng cam. Có nghĩa là Phrăng đang hối hận, nuối tiếc vì không học hành tử tế để giờ đây không đọc được thứ tiếng bản địa của mình.

Ý nghĩa của câu nói “khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững được tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù”:

Câu nói của thầy Ha-men "... khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa của chốn lao tù...". Câu nói này chính là chân lí của cả câu chuyện. Nó khẳng định và làm nổi bật giá trị thiêng liêng, sức mạnh to lớn của tiếng nói dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thoát khỏi vòng nô lệ. Tiếng nói của dân tộc được hình thành và vun đắp bằng sự sáng tạo của bao thế hệ qua hàng ngàn năm, là thứ tài sản vô cùng quý báucủa mỗi dân tộc. Vì vậy phải biết yêu quý, giữ gìn và học tập để nắm vững tiếng nói cùa dân tộc mình, nhất là khi đất nước rơi vào vòng nô lệ.…

Băn khoăn của cậu bé Phrăng: “Liệu người ta có bắt cả chúng nó cũng phải hót bằng tiếng Đức không nhỉ?” gợi cho em liên tưởng gì? 

Trả lời:

  • Điều băn khoăn của Phrăng “Liệu người ta có bắt cả chúng nó cũng phải hót bằng tiếng Đức không nhỉ?”tưởng chừng như là ngây ngô nhưng ẩn sâu trong đó biết bao điều thú vị. Trong phút giây cuối cùng của buổi học dường như chú hiểu được sự yêu tổ quốc yêu quê mẹ như thế nào. Những con chim bồ câu thể hiện cho sự hòa bình, sự tự do chúng hót với những âm thanh/ tiếng riêng của chúng. Nhưng câu hỏi của chú bé làm chúng ta như sững lại. Chú hỏi như vậy như thể những con chim bồ câu kia cũng biết tiếng Pháp vậy. Điều đó đã thể hiện được tình yêu nước của chú. Chú yêu tiếng nói của mình. Chú thấy thương và thắc mắc ko biết những con chim bồ câu của nước Pháp kia có phải hót bằng tiếng Đức không nữa. Đó chính là sự yêu nước yêu tiếng Pháp mà bấy lâu nay mới dâng chào của chú bé.
  • Chú ý hình dáng, vẻ mặt của thầy Ha-men khi viết dòng chữ cuối cùng ở phần 5. 
  • Khi viết dòng chữ cuối cùng NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM thầy Ha-men có dáng vẻ và nét mặt:
  • Hình dáng: đứng trên bục, cầm hòn phấn và dằn mạnh hết sức… thầy đứng đó đầu dựa vào tường giơ tay ra hiệu “Kết thúc rồi…đi đi thôi!”
  • Nét mặt: tái nhợt, không nói hết câu.

2. Tìm hiểu chung sau khi đọc

Thể loại: truyện ngắn

Phương thức biểu đạt: tự sự kết hợp miêu tả, biểu cảm

Bối cảnh: Các sự việc trong truyện diễn ra tại lớp học vùng An- dát ở Pháp, sau cuộc chiến tranh Pháp – Phổ, nước Pháp phải cắt vùng đất An- dát cho nước Phổ.

Xuất xứ: in trong quyển 3 tuyển tập truyện ngắn chọn lọc “Những vì sao” 1873

Nhân vật chính: Cậu bé Phrăng

Ngôi kể: ngôi thứ nhất

Người kể lại câu chuyện là cậu bé Phrăng- xưng tôi.

Ngôi kể thứ nhất- cậu bé Phrăng xưng tôi có tác dụng giúp câu chuyện trở nên chân thực hơn, giàu sự tin tưởng hơn, nhân vật Phrăng bộc lộ tâm trạng, tình cảm dễ dàng hơn và người đọc hiểu rõ về nhân vật Phrăng hơn.

Bố cục (3 phần):

  • Phần 1 (từ đầu đến “vắng mặt con”): Quang cảnh trên đường đến trường và cảnh ở trường trước buổi học qua sự quan sát của Phrăng.
  • Phần 2 (tiếp đó đến “nhớ mãi buổi học cuối cùng này”): Diễn biến buổi học cuối cùng và tâm trạng của mọi người.
  • Phần 3 (còn lại): Cảnh kết thúc buổi học cuối cùng

Nội dung chính: 

Văn bản “Buổi học cuối cùng” mang đến cho người đọc những suy nghĩ hồn nhiên và tâm sự còn ngây thơ nhưng vô cùng xúc động của một chú bé vùng An-dát. Diễn biến trong buổi học cuối cùng đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc.

Tóm tắt: Sáng hôm ấy, cậu bé Phrăng đến lớp hơi muộn và ngạc nhiên khi thấy lớp học có vẻ khác thường. Cậu thực sự choáng váng khi nghe thầy Ha-men nói đây là buổi học tiếng Pháp cuối cùng. Cậu thấy tiếc nuối và ân hận vì bấy lâu nay đã bỏ phí thời gian, đã trốn học đi chơi và ngay sáng nay cậu cũng phải đấu tranh mãi mới quyết định đến trường. Trong buổi học cuối cùng đó không khí thật trang nghiêm. Thầy Ha-men đã nói những điều sâu sắc về tiếng Pháp, đã giảng bài say sưa cho đến khi đồng hồ điểm 12 giờ. Kết thúc buổi học, thầy nghẹn ngào không nói nên lời, thầy cố viết thật to lên bảng: "NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM".

III. Suy ngẫm và phản hồi

1. Nhan đề của văn bản

Tên truyện: “ Buổi học cuối cùng”:

Nghĩa đen: Hôm nay là buổi cuối cùng thầy trò Ha-men được học tiếng Pháp.

  • Nghĩa bóng: Truyện nói đến một nỗi đau, từ ngày mai, lũ trẻ phải học tiếng của quân xâm lược. Đây là buổi học cuối cùng chúng được tắm trong tình yêu của tiếng mẹ đẻ, được sống trong môi trường văn hóa của dân tộc mình.

⇒ Gợi sự tiếc nuối, xót xa

2. Nhân vật Phrăng

a. Trước giờ học

  • Định trốn nhưng cưỡng lại được
  • Trên đường đến trường thấy nhiều người tập trung trước trụ sở xã
  • Khi tới lớp thấy thầy Ha men không mặc lễ phục, không trách mắng, cuối lớp cả dân làng ngồi dự, không khí buổi học yên ắng, khác thường

⇒ Tâm trạng lo sợ, ngạc nhiên.

b. Trong giờ học

  • Khi biết đây là buổi học cuối cùng => Choáng váng,
  • Tự giận chính mình đã lười học , ham chơi => ân hận, tiếc nuối
  • Coi sách như người bạn cố tri => đau lòng vì phải giã từ.
  • Không thuộc bài => xấu hổ
  • Thấm thía lời thầy, chăm chú nghe giảng, kinh ngạc vì hiểu bài

c. Kết thúc buổi học

 Cảm phục , nhận ra tình cảm của thầy đối với học sinh, với ngôn ngữ dân tộc và biết ơn thầy.

⇒ NT: miêu tả tâm lí độc đáo

⇒ NX: Phrăng là 1 cậu bé hồn nhiên, ham chơi nhưng cũng rất nhạy cảm, tinh tế. Yêu tiếng Pháp, yêu kính thầy.

3. Nhân vật thầy Ha- men

Trang phục: Thầy mặc áo  rơ đanh gốt màu xanh lục, diềm lá sen gấp nếp mịn, đội mũ tròn bằng lụa đen thêu

⇒ đẹp và trang trọng

Thái độ đối với học sinh:

  • lời lẽ nhẹ nhàng , nhắc nhở
  • nhiệt tình và kiên nhẫn, ân cần giảng bài như muốn truyền hết hiểu biết của mình cho học sinh

⇒ dịu dàng, yêu thương học sinh

Lời nói về việc học tiếng Pháp: “đó là ngôn ngữ hay nhất, trong sáng nhất, vững vàng nhất, phải giữ lấy nó, đừng bao giờ quên nó….”

⇒ Hình ảnh so sánh khẳng định giá trị thiêng liêng và sức mạnh to lớn của tiếng nói dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền độc lập, tự do-> ca tụng, tôn vinh

Hành động , cử chỉ lúc buổi học kết thúc:

  • xúc động, nghẹn ngào, không nói nên câu
  • người tái nhợt
  • dằn từng nét chữ: “ NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM”.

⇒  Hành động đau đớn, xúc động

⇒ Nghệ thuật: so sánh, miêu tả nhân vật

⇒  Nội dung: Thầy là người yêu nghề dạy học, yêu tiếng mẹ đẻ, yêu nước sâu sắc.

4. Các nhân vật khác

Dân làng ngồi phía cuối lớp lặng lẽ và buồn rầu

Cụ già Hode nâng niu quyển tập đánh vần, tập đọc theo lũ trẻ, giọng run run

Học trò chăm chú nghe giảng,cặm cụi tập viết, muốn khóc

⇒ Xúc động, nuối tiếc.

5. Ý nghĩa của câu chuyện

Thông qua Buổi học cuối cùng, mỗi người trong chúng ta ít nhiều đều tự ý thức bản thân phải giữ gìn tiếng mẹ đẻ, chịu khó học hỏi phát triển tiếng Việt vươn cao vươn xa ra thế giới. Yêu tiếng mẹ đẻ chính là yêu nước, phát triển tiếng mẹ đẻ chính là phát triển đất nước.

IV. Tổng kết

buoi-hoc-cuoi-cung-1

V. Luyện tập

1. Trắc nghiệm

Câu 1: Nội dung chính của truyện : “ Buổi học cuối cùng” là gì?

Truyện ca ngợi lòng yêu nước qua tiếng nói dân tộc.

Câu 2: Từ còn thiếu trong câu sau là gì?

“ Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình , thì chẳng khác gì nắm được…. chốn lao tù.”

Từ : “ chìa khóa”

Câu 3: Đây là buổi học cuối cùng ở vùng nào nước Pháp?

Vùng An- dát

Câu 4: Truyện buổi học cuối cùng sử dụng ngôi kể nào?

Ngôi thứ 1

Câu 5: Nhân vật thầy Ha- men và Phrang được miêu tả qua yếu tố nào?

Ngoại hình, cử chỉ, lời nói và tâm trạng

2. Viết

a.Trong truyện “Buổi học cuối cùng”, em thích nhất nhân vật hoặc chi tiết, hình ảnh nào? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 5-7 dòng) giải thích lí do vì sao em thích.

Gợi ý.

Trong truyện “Buổi học cuối cùng”, chi tiết ấn tượng nhất  là hình ảnh thầy giáo Ha-men “cầm một hòn phấn và dằn mạnh hết sức, thầy cố viết thật to: NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM!” và “đầu dựa vào tường”, “chẳng nói”, chỉ "giơ tay ra hiệu”. Em thích nhất hình ảnh này là bởi:

  • Đây là một hình ảnh đem lại nhiều sức gợi, ám ảnh trong em: đó là một người thầy tâm huyết, kết thúc rồi nhưng vẫn còn cố gắng “dằn mạnh hết sức” thể hiện lòng yêu tiếng mẹ đẻ, yêu nước tha thiết; một người thầy đau khổ và có phần bất lực. Trong phút giây cuối cùng, thầy không nói thành lời mà đầu dựa vào tường “giơ tay ra hiệu”.
  • Hình ảnh thầy Ha-men thôi thúc trong em lòng yêu tiếng Việt, quý trọng các giờ học trên lớp cùng các thầy cô giáo và bồi dưỡng lòng yêu nước; thôi thúc em cố gắng học tập thật tốt, vươn cao vươn xa cùng bạn nè năm châu.

b. Viết đoạn văn khoảng 8 câu nêu cảm nghĩ về nhân vật em yêu thích trong truyện?

Đoạn văn tham khảo

Sau khi học xong văn bản "Buổi học cuối cùng" của nhà văn A. Đô-đê, khép trang sách lại, nhân vật để lại nhiều ấn tượng nhất trong em đó chính là hình ảnh thầy giáo Ha-men. Thầy giáo trong buổi học cuối cùng hiện lên trong ánh mắt của học sinh với  bộ lễ phục chỉ dùng vào những ngày đặc biệt khi có thanh tra hoặc phát thưởng: áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục diềm lá sen gấp nếp mịn và đội mũ tròn bằng lụa đen thêu. Thầy Ha-men hôm nay rất dịu dàng, không giận dữ quát mắng; kiên nhẫn giảng bài, chuẩn bị bài học rất chu đáo.  Thầy coi tiếng Pháp là vũ khí, là chìa khóa của chốn lao tù. Ca ngợi tiếng Pháp, tự phê bình mình và mọi người có lúc đã sao nhãng việc học tập và dạy tiếng Pháp. Thầy Ha- men xúc động mạnh, người tái nhợt, nghẹn ngào, không nói được hết câu, nhưng thầy đã dồn hết sức mạnh để viết lên bảng dòng chữ thật to: "Nước Pháp muôn năm". Thấy được người thầy luôn yêu tiếng mẹ đẻ, dành hết tâm huyết cho những học sinh của mình. Người thầy chính là người truyền những năng lượng tích cực và tư tưởng cho những bạn đọc, cho thế hệ trẻ về tình yêu quê hương đất nước, yêu dân tộc  nhất là yêu tiếng  mẹ đẻ.


Biên soạn: GV Nguyễn Duy Tuấn

SĐT: 0945 441181

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Nguyễn Duy Tuấn

Bài 2: Người Đàn Ông Cô Độc Giữa Rừng
Bài 4: Thực Hành Tiếng Việt Trang 26