Picture of the author
Picture of the author
SGK CD Ngữ Văn 7»Bài 1: Truyện Ngắn Và Tiểu Thuyết»Bài 2: Người Đàn Ông Cô Độc Giữa Rừng

Bài 2: Người Đàn Ông Cô Độc Giữa Rừng

Lý thuyết bài Người Đàn Ông Cô Độc Giữa Rừng môn Văn 7 bộ sách CD bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

nguoi-dan-ong-co-doc-giua-rung

I. Chuẩn bị  trước kh đọc văn bản

Giới thiệu: Các em thân mến! Miền Tây Nam Bộ là một trong những vùng đất đã đi vào trong rất nhiều tác phẩm văn học. Ở đó ta bắt gặp không chỉ khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, trữ tình mang nét riêng của miền Tây Nam Bộ mà người đọc còn cảm nhận được những nét đẹp tâm hồn của con người nơi đây. Văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng” trích tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi mà hôm nay cô và các em đi tìm hiểu sẽ cho chúng ta cảm nhận rất rõ nét đẹp đó của con người miền Tây Nam Bộ được thể hiện qua nhân vật Võ Tòng.

1. Tác giả

Đoàn Giỏi (1925 – 1989)

Quê: Tiền Giang

Đoàn Giỏi  là một nhà văn sinh sống và làm việc trong thời kỳ chống thực dân Pháp đô hộ ở Việt Nam. Ông là Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, cùng thời điểm sáng tác ra “Đất rừng phương Nam”. Bút danh ông sử dụng trong những bài báo, tác phẩm văn học của mình là Huyền Tư, Nguyễn Phú Lễ, Nguyễn Hoài. Những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông có Đường về gia hương (1948), Cá bống mú (1956),…

Đoàn Giỏi sinh ra và lớn lên ở xã Tân Hiệp, Châu Thành, Mỹ Tho nay thuộc tỉnh Tiền Giang. Ông là một trong những nhà văn có xuất thân giàu sang nhất thời bấy giờ khi gia đình sở hữu hàng trăm mẫu đất với ngôi nhà khang trang, kiên cố. Khi chính quyền nước ta dần được thành hình và cần sự ủng hộ, gia đình Đoàn Giỏi đã hiến toàn bộ tài sản để gây dựng đất nước.

2. Tác phẩm

Xuất xứ: tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam”.

Hoàn cảnh sáng tác:

Khi Đoàn Giỏi đang công tác tại Đài Tiếng Nói Việt Nam, ông được đặt hàng cung cấp tác phẩm về cuộc sống kháng chiến của người dân Nam Bộ. “Đất rừng phương Nam” được ông hoàn thành trong vòng một tháng và chính thức ra mắt cùng thời điểm Nhà xuất bản Kim Đồng thành lập. Tác phẩm gồm 20 chương, được viết theo ngôi thứ nhất dưới lời kể của nhân vật chính – cậu bé An. Năm 1997, “Đất rừng phương Nam” được chuyển thể thành phim truyền hình.

II. Đọc và theo dõi đọc

1. Đọc và theo dõi đọc

Tiếng kêu và hình ảnh của con vượn bạc má trong phần 1 tạo nên cảm giác về một bối cảnh như thế nào? 

Trả lời:

Tiếng kêu “ché…ét, ché…ét” và hình ảnh của con vượn bạc má “ngồi vắt vẻo, nhe răng” tạo một cảm giác sợ hãi, rợn rợn khó tả và gợi một bối cảnh hoang vu, ảm đạm giữa rừng sông nước.

Những chi tiết về nhà cửa, cách ăn mặc và tiếp khách, … gợi lên ấn tượng gì về chú Võ Tòng? 

Trả lời:

Những chi tiết về nhà cửa (lều, cái bếp cà ràng, nồi đất, ngồi bằng gộc cây…), cách ăn mặc (cởi trần, mặc quần kaki mới thắt xanh-tuya-rông, bên hông lủng lẳng lưỡi lê) và tiếp khách (chai rượu vơi và đĩa khô, xưng hô chú em) gợi ấn tượng về chú Võ Tòng: có đôi chút cảm tình xen lẫn với ngạc nhiên hơi buồn cười. 

Chỉ ra dấu hiệu về sự chuyển đổi ngôi kể. 

Trả lời:

Đoạn văn có sự chuyển đổi ngôi kể từ ngôi thứ nhất sang ngôi thứ ba: ở đoạn đầu nhân vật xưng tôi “chắc tôi ngủ một giấc…tôi bước qua mấy bậc gỗ…” sang đoạn thứ ba chuyển đổi sang : “không ai biết tên thật của gã là gì”.

Chuyện Võ Tòng giết hổ hé mở điều gì về tính cách, cuộc đời nhân vật?  

Trả lời:

Chuyện Võ Tòng giết hổ gợi cho người đọc một nhân vật có sức mạnh phi thường, tính cách khẳng khái, trượng nghĩa hào hiệp. Tuy nhiên hành động đó cũng hé mở cho người đọc một cuộc đời nhiều sóng gió của nhân vật.

So sánh hành vi chống trả tên địa chủ ngang ngược với việc đánh hổ của Võ Tòng. 

Trả lời:

Hành vi chống trả tên địa chủ với việc đánh hổ của Võ Tòng có nhiều điểm giống nhau:

  • Giống nhau về nguyên nhân: cái ác đều tự tìm đến với nhân vật: “gã đang ngủ trong lều, có con hổ chúa mò vào”; “tên này bắt gã bỏ mụt măng xuống và vu cho gã lấy trộm măng tre của hắn”.
  • Giống nhau về hành động tiêu diệt cái ác là nhân vật thẳng tay trừng trị cái ác: “gã vớ luôn cái mác…đâm thẳng một nhát vào hàm dưới con hổ chúa”; “nhát dao chém trả vào mặt…nằm gục xuống vũng máu”.
  • Giống nhau về kết quả là cái ác bị tiêu diệt “con hổ lộn vòng rơi xuống đất”, tên địa chủ “nằm gục xuống vũng máu”. Và nhân vật Võ Tòng cũng nhận lại kết quả đau đớn theo suốt quãng đường đời còn lại là “hàng sẹo khủng khiếp chạy từ thái dương xuống cổ”, bị tù mười năm và đứa con trai độc nhất đã chết khi gã còn trong tù.

Điểm khác nhau trong hành vi chống trả tên địa chủ và giết hổ của Võ Tòng là: khi giết hổ là giết loài vật và là hành động tự vệ bản năng. Khi giết hổ thì thể hiện được sức mạnh và vang danh “Võ Tòng”. Còn khi giết tên địa chủ là giết người và là hành động bảo vệ danh dự “đánh lên đầu là nơi thờ phụng ông bà”. Sau khi hành sự xong thì gã không chốn chạy mà đi đến nhà việc để chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Chú ý cách uống rượu và lời nói của chú Võ Tòng với tía nuôi “tôi” .

Trả lời:

Cách uống rượu của Võ Tòng: rót rượu ra bát, uống một ngụm, trao bát sang cho tía nuôi tôi. Cách uống rượu từ tốn có chút thận trọng nhưng cũng hết sức gần gũi.

Lời nói của Võ Tòng với tía nuôi “tôi”: sự so sánh giữa con dao găm, cánh nỏ với cái súng của bọn giặc. Võ Tòng cho rằng súng dở lắm, kêu ầm ĩ và cầm súng là nhát gan vì ở xa cũng bắn được mà. Còn cầm dao và nỏ thì tách một tiếng không ai hay biết. Qua đây người đọc thấy được khí phách kiên cường, bản lĩnh gan dạ dũng cảm của nhân vật Võ Tòng.

Chú ý thái độ của chú Võ Tòng khi tẩm thuốc độc vào tên. 

Trả lời:

Khi tẩm thuốc độc vào tên Võ Tòng có thái độ bình tĩnh có phần nghiêm nghị, điều đó được thể hiện qua hành động rút từng mũi tên nhúng vào thuốc, nheo mắt ngắm, nắn nắn chon gay, làm say sưa không dám thở mạnh.

Chú ý tiếng “cười lớn” của chú Võ Tòng ở đây và phần cuối văn bản. 

Trả lời:

Tiếng “cười lớn” của Võ Tòng: Chú Võ Tòng chăm chú nhìn tôi một lúc rồi cười lớn: “- Chú em nói ngẫm cũng đúng. Nhưng mà…những người nghèo, những người không ăn bậy, ít khi đau mồm và đau dạ dày lắm!”

Tiếng cười lớn ở cuối bài: “Chú nuôi đầy rừng, muốn con cỡ nào chú bắt cho đúng con cỡ ấy!”, Chú Võ Tòng vẫy vẫy tay, cười lớn một thôi dài.

Câu nói cảm ơn trang trọng của ông Hai và lời đáp của chú Võ tòng thể hiện điều gì? 

Trả lời:

Câu nói cảm ơn trang trọng của ông Hai: “Xin đa tạ chú! Đa tạ chú!”, đây không phải là lời cảm ơn của riêng bản thân ông Hai, mà ông trang trọng nói cảm ơn Võ Tòng thay người dân Nam Bộ nói riêng, nhân dân cả nước nói chung vì đã làm mũi tên để giết giặc. Lời đáp của Võ Tòng “Có gì đâu anh Hai. Vì nghĩa chung mà!” thể hiện chí hướng chung của hai nhân vật là chống giặc cứu nước!

2. Tìm hiểu chung sau khi đọc

Thể loại: tiểu thuyết

Nhân vật chính: Võ Tòng

Ngôi kể: ngôi thứ nhất và ngôi thứ 3 (có sự chuyển đổi ngôi kể)

Bố cục: 2 phần

  • Phần 1: Người đàn ông cô độc giữa rừng qua ngôi kể thứ nhất.
  • Phần 2: Người đàn ông cô độc giữa rừng qua ngôi kể thứ ba.

Bối cảnh: là các tỉnh Tây Nam, vào năm 1945, sau khi thực dân Pháp trở lại xâm chiếm miền Nam.

II. Suy ngẫm và phản hồi

1. Nội dung chính của văn bản

Đoạn văn kể về cuộc gặp gỡ của cậu bé An với chú Võ Tòng – một người đàn ông cô độc giữa rừng U Minh vùng Tây Nam Bộ. Qua đó người đọc cảm nhận được chú Võ Tòng không chỉ là người giản dị, mộc mạc, chân thành mà còn là người thẳng thắn, bộc trực, giàu lòng yêu nước, căm thù giặc. Đây cũng chính là nét đẹp của người dân miền Tây Nam Bộ thời bấy giờ.

2. Sự việc chính, các nhân vật trong văn bản

Văn bản kể về việc hai cha con ông Hai và An ghé thăm nơi ở của Võ Tòng.

Đoạn trích có 3 những nhân vật: bé An- nhân vật tôi, ông Hai và Võ Tòng.

⇒ Nhân vật chính: Võ Tòng.

3. Nhan đề của văn bản

“Người đàn ông cô độc giữa rừng”

gười đàn ông -> nhân vật chính

Cô độc: hoàn cảnh sống một mình.

Giữa rừng: không gian sống

⇒ Nhan đề văn bản gợi cho ta suy nghĩ về người đàn ông sống giữa rừng hoang vu hẻo lánh, sống cuộc sống cô độc, lạnh lẽo và hình hài có phần dị dạng.

⇒ Gợi tả về một người đàn ông đặc biệt, gây sự chú ý và tò mò đối với độc giả.

4. Nhân vật chú Võ Tòng qua lời kể của ngôi kể thứ nhất

P/diện

Chi tiết

Nhận xét

 

 

 

Nơi ở

- Trong một túp lều ở giữa rừng.

- Giữa lều đặt cái bếp cà ràng.

- Sống cùng với con vượn bạc má.

à NT: miêu tả

à Gợi một cuộc sống thiếu thốn.

 

 

 

Ngoại hình

- Cởi trần

- Mặc chiếc quần ka ki còn mới nhưng lâu không giặt.

- Thắt xanh-tuya-rông

- Bên hông đeo lủng lẳng một lưỡi lê nằm gọn trong vỏ sắt.

à NT: Miêu tả

à Gợi hình ảnh về một người đàn ông mộc mạc, giản dị.

 

 

 

Lời nói và hành động

- Lời nói:
+ Ngồi xuống đây, chú em!

+ Nhai bậy một miếng khô nai đi, chú em...

- Hành động:

+ Giết giặc bằng bắn tên.

+ Chế thuốc độc và tẩm độc vào mũi tên để giết giặc.

à Chú Võ Tòng là người thân thiện, cởi mở và dễ mến.

      => Chú Võ Tòng là một người mộc mạc, giản dị, chân thành, cởi mở và yêu nước, căm thù giặc.

5. Chú Võ Tòng qua lời kể của ngôi thứ ba

a. Nguồn gốc tên gọi “Võ Tòng

Do giết hổ chúa trong rừng.

Trên mặt có vết sẹo bởi cái tát của con hổ chúa trước khi chết.

b. Lai lịch của Võ Tòng

Là một gã đàn ông hiền lành và vô cùng yêu vợ.

Từng có một gia đình (vợ gã là người đàn bà xinh đẹp).

Vì chiều vợ, đào măng cho vợ ăn khi vợ mang bầu nên bị tên địa chủ đánh vào đầu (đầu là nơi thờ phụng ông bà thì mày tới số rồi).

Vung dao chém vào mặt tên địa chủ.

⇒ NT: kể, tả, sử dụng ngôi kể thứ ba để tạo điểm nhìn khách quan.

⇒ Võ Tòng là một người đàn ông khỏe mạnh, tính tình ngay thẳng, gan dạ và rất tự trọng.

⇒ Việc kết hợp giữa lời kể theo ngôi thứ nhất (xưng "tôi") với lời kể theo ngôi thứ ba có tác dụng giúp cho việc kể được linh hoạt hơn và nhân vật Võ Tòng hiện lên rõ nét hơn, khách quan hơn. 

6. Một số yếu tố mang đậm màu sắc Nam Bộ trong văn bản

Ngôn ngữ: sử dụng nhiều từ ngữ vùng Nam Bộ như: xuồng, gộc cây, cà ràng, tẩu, xanh- tuya-rông, nhai bậy….

Phong cảnh: cảnh sông nước thông qua hình ảnh chiếc xuồng ở đầu và cuối văn bản, cảnh nhà lều với những bếp củi cà ràng giữa nhà…

Tính cách con người: chân thật, khẳng khái nhưng hết sức tình cảm và hồn hậu. Điều đó được thể hiện rõ nét qua nhân vật Võ Tòng.

Nếp sinh hoạt: ở trong nhà có bậc thang gỗ, đốt củi, dùng nồi đất, ăn đồ khô (thịt phơi)…

7. Ý nghĩa của văn bản

Văn bản giúp ta hiểu được:

  • Thiên nhiên được Đoàn Giỏi vẽ lên bằng những màu sắc sinh động, tràn trề sức sống, mở đầu là tiếng kêu “ché…ét, ché…ét” và hình ảnh của con vượn bạc má “ngồi vắt vẻo, nhe răng”, tiếp đó là “tiếng chim rừng ríu rít gọi nhau trở dậy đón bình minh trên những ngọn cây”…
  • Con người Nam bộ chân phác với những nét sắc sảo lạ lùng: ông Hai và Võ Tòng đều không có đất, quanh năm ở đợ, làm thuê cho địa chủ, bị chúng cướp công, cướp người yêu, cướp vợ, họ đã đánh trả và bị tù, chỗ khác nhau là ông Hai bắt rắn đã trốn tù, đón vợ rồi bỏ vào rừng U Minh. Một con thuyền nhỏ, hai vợ chồng, thằng con trai và con chó Luốc đi lang thang kiếm sống bằng đủ thứ nghề: câu rắn, lấy mật, săn cá sấu…còn Võ Tòng một thân một mình trốn vào sâu trong rừng U Minh….

Chi tiết ấn tượng  nhất là chi tiết Võ Tòng giết hổ bởi vì: đó là một hình ảnh đẹp; hình ảnh đó cho thấy sức mạnh phi thường của con người, con người đủ khả năng chống trọi lại mọi khó khan khắc nghiệt của tự nhiên để bảo vệ bản thân. Đồng thời hình ảnh đó cũng cho em thấy được tinh thần tự vệ cao của con người Việt Nam.

IV. Luyện tập

1. Bài học từ văn bản khi phân tích nhân vật trong tác phẩm tự sự

a. Về ngôi kể

Vai trò của từng ngôi kể đặc biệt là sự chuyển đổi ngôi kể trong tác phẩm đem đến khả năng di chuyển điểm nhìn nghệ thuật đồng thời mang đến sự linh hoạt trong lời kể.

b. Khi tìm hiểu về nhân vật

Chú ý các phương diện sau:

  • Ngoại hình
  • Tính cách
  • Ngôn ngữ (lời nói)
  • Hành động
  • Suy nghĩ
  • Lai lịch…

2. Bài tập trắc nghiệm

Chọn đáp án đúng

Câu 1: Văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng” được sáng tác trong hoàn cảnh nào?

  1. Đất rừng phương Nam
  2. Ngọn tầm vôn
  3. Từ đất Tiền Giang
  4. Sông nước Cà Mau

Câu 2: Văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng” sử dụng ngôi kể nào?

  1. Ngôi kể thứ nhất
  2. Ngôi kể thứ hai
  3. Ngôi thứ ba
  4. Ngôi kể thứ nhất và thứ ba

Câu 3: Qua ngôi kể thứ nhất, Võ Tòng hiện lên là một nhân vật như thế nào?

  1. Là một người đàn ông hiền lành, thật thà.
  2. Là một người cởi mở, hiếu khách.
  3. Là một người chân thành, mộc mạc
  4. Là một người mộc mạc, giản dị, chân thành, cởi mở và yêu nước, căm thù giặc

Câu 4: Qua ngôi kể thứ ba, Võ Tòng hiện lên là một nhân vật như thế nào?

  1. Là một người đàn ông hiền lành, thật thà.
  2. Là một người cởi mở, hiếu khách.
  3. Là người đàn ông hiền lành, khỏe mạnh, tính tình bộc trực, có chí khí nhưng số phận lại vô cùng bất hạnh.
  4. Là một người yêu nước, căm thù giặc.

(Đáp án:  Câu 1: A; Câu 2: D; Câu 3: D; Câu 4: C)

3.Viết

Viết một đoạn văn (khoảng 6 – 8 dòng) nêu lên những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng”. 

Đoạn văn tham khảo

Văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng” là một trong những đoạn văn tiêu biểu trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam. Văn bản sử dụng ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ, thông qua đó người đọc hình dung được phong cảnh thiên nhiên cũng như thói quen sinh hoạt của người dân Nam Bộ. Đoàn Giỏi đã khắc họa thành công nhân vật của mình thông qua việc miêu tả kết hợp kể về hình dáng, lời nói, hành động của nhân vật. Chính những điều đó mà nhân vật của ông mang đậm chất Nam Bộ. Bên cạnh đó, bằng việc thay đổi linh hoạt ngôi kể thứ nhất và ngôi kể thứ ba, nhân vật hiện lên dưới ngòi bút của tác giả rõ nét, trung thực và khách quan hơn.


Biên soạn: GV Nguyễn Duy Tuấn

SĐT: 0945 441181

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Nguyễn Duy Tuấn

Bài 1: Kiến Thức Ngữ Văn Trang 13, 14
Bài 3: Buổi Học Cuối Cùng