Picture of the author
Picture of the author
SGK CTST Khoa Học Tự Nhiên 6»Đa dạng thế giới sống»Bài 27: Nguyên sinh vật

Bài 27: Nguyên sinh vật

Lý thuyết nguyên sinh vật Khoa học tự nhiên 6 bộ sách chân trời sáng tạo. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

Nguyên sinh vật sống trong nhiều môi trường khác nhau, chúng rất đa dạng về hình thái, cấu  tạo, cơ thể đơn giản và chiếm một số lượng lớn trong thế giới tự nhiên. Vậy nguyên sinh vật có đặc điểm gì? Chúng có gây hại gì cho đời sống của con người cũng như những sinh vật khác hay không? 

Bài học này sẽ giúp chúng ta giải đáp các vấn đề trên, đồng thời cung cấp những hiểu biết về  giới nguyên sinh vật. 

I. Nội dung 1: môi trường sống, hình dạng và đặc điểm cấu tạo của nguyên sinh vật

1. Môi trường sống

- Môi trường vô sinh: môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí,...

Ví dụ: ao hồ, cống rãnh, ruộng lúa,… 

- Môi trường sinh vật: Sinh vật này có thể là môi trường sống của các sinh vật khác.

Ví dụ: trùng sốt rét và trùng kiết lị sống kí sinh trên cơ thể người và động vật.

Như vậy: con người và động vật là môi trường sống của trùng sốt rét và trùng kiết lị.

2. Hình dạng 

- Các nguyên sinh vật có nhiều hình dạng khác nhau. 

- Dưới đây là hình dạng của một số nguyên sinh vật: 

bai-27-nguyen-sinh-vat-1
Hình 1. Hình dạng nguyên sinh vật ( nguồn: vietjack )

3. Cấu tạo 

Cấu tạo từ tế bào nhân thực 

Cơ thể chỉ được cấu tạo từ một tế bào → cơ thể đơn bào nhưng thực hiện đầy đủ các chức năng  của một cơ thể sống. 

Kích thước hiển vi. 

Tảo lục và trùng roi ngoài cấu tạo điển hình còn có thêm thành phần chất diệp lục để thực hiện  khả năng tự dưỡng khi quang hợp dưới ánh sáng mặt trời. 

bai-27-nguyen-sinh-vat-2
Hình 2. Cấu tạo một số đại diện nguyên sinh vật

II. Nội dung 2: một số bệnh do nguyên sinh vật gây nên

Với kích thước rất nhỏ và cấu tạo rất đơn giản, nhưng chúng có tác hại nghiêm trọng đối với  đời sống con người. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một số bệnh do nguyên sinh vật gây nên. 

bai-27-nguyen-sinh-vat-3
Hình 3. Muỗi Anopheles và biểu hiện của người bệnh sốt rétCaption

Bảng phân biệt một số bệnh do nguyên sinh vật gây nên

Tên bệnh 

Nguyên nhân gây bệnh 

Biểu hiện bệnh

Bệnh sốt rét 

Do trùng sốt rét gây nên. 

Sốt cao, rét run, mệt mỏi, nôn mửa, …

Bệnh kiết lị 

Do trùng kiết lị gây nên. 

Đau bụng, tiêu chảy, phân có lẫn máu,  có thể sốt.

Bệnh Amip ăn  não

Kí sinh trên cơ thể người, xâm nhập  vào đường mũi lên não và gây tổn  thương não.

- Mất cảm giác mùi vị, sốt, đau đầu,  buồn nôn, buồn ngủ, ảo giác, … - Có nguy cơ tử vong trong vòng một  tuần sau khi nhiễm.

Bên cạnh đó, nguyên sinh vật cũng đóng vai trò quan trọng trong tự nhiên: là thức ăn của các  loài sinh vật, tạo sự đa dạng sinh học… 

III. Nội dung 3: biện pháp phòng chống bệnh do nguyên sinh vật gây nên

Để phòng chống bệnh do nguyên sinh vật có các biện pháp:

  • Giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ: xung quanh nhà, lớp học,... 
  • Giữ gìn vệ cá nhân: rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. 
  • Vệ sinh an toàn thực phẩm: thực hiện ăn chín, uống sôi và bảo quản thức ăn đúng cách. - Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày. 
  • Phun thuốc diệt côn trùng. 

 

bai-27-nguyen-sinh-vat-4
Hình 4. Tiêu diệt và phòng chống côn trùng gây hại (nguồn: vietfamily.vn)

bai-27-nguyen-sinh-vat-5
Hình 5. Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh cá nhân (nguồn: vietfamily.vn)
bai-27-nguyen-sinh-vat-6
Hình 6. Thực hiện vệ sinh môi trường (nguồn: moitruong.vn). 

IV. Bài tập và hướng dẫn giải của hệ thống trường nguyễn khuyến – lê thánh tông

1. Câu hỏi tự luận

Câu 1: Hai bạn Lan và Hải là học sinh lớp 6A đang tranh cãi về môi trường sống của nguyên sinh vật như sau: 

- Bạn Lan nói: “Nguyên sinh vật có thể sống tự do ngoài môi trường tự nhiên”;

- Bạn Hải lại nói: “Nguyên sinh vật chỉ có thể sống kí sinh trong cơ thể vật chủ”.

Em hãy đưa ra giải thích đúng nhất cho hai bạn. 

Hướng dẫn trả lời: 

- Một số nguyên sinh vật có thể sống tự do trong môi trường tự nhiên do trong tế bào có chứa hạt diệp lục, diệp lục có khả năng quang hợp để tổng hợp các chất cho cơ thể.  - Một số khác không chứa diệp lục thì không tự tổng hợp được các chất mà phải lấy từ cơ thể vật  chủ nên phải sống kí sinh.  

- Vì thế cả hai bạn Lan và Hải đều nói đúng nhưng chưa đủ. 

Câu 2: Em hãy chọn từ thích hợp trong các từ/ cụm từ gợi ý sau:

Vi sinh vật, nguyên sinh vật, nhân  sơ, nhân thực, một tế bào, nhiều tế bào, tảo lục, tảo lam, trùng đế giày, trùng biến hình, hình dạng,  vi khuẩn, virus để điền vào chỗ trống trong đoạn thông tin bên dưới: 

(1)…. là nhóm sinh vật có cấu tạo tế bào (2) …, kích thước hiển vi. Một số (3) … có khả năng  quang hợp như (4) …, trùng roi. (5) … đa dạng về (6) …, một số có (7) … không ổn định như (8)  …. 

Hướng dẫn trả lời: 

(1) Nguyên sinh vật là nhóm sinh vật có cấu tạo tế bào (2) nhân thực, kích thước hiển vi. Một số (3) nguyên sinh vật có khả năng quang hợp như (4) tảo lục, trùng roi. (5) Nguyên sinh vật đa dạng về (6) hình dạng, một số có (7) hình dạng không ổn định như (8) trùng biến hình.

Câu 3: Em hãy kể tên một số kí sinh trùng thuộc nhóm nguyên sinh vật kí sinh và gây bệnh ở người? 

Hướng dẫn trả lời: 

Tên sinh vật 

Tên bệnh

Amip ăn não – Naegleria fowleri 

Bệnh amip ăn não

Trùng sốt rét 

Bệnh sốt rét

Trùng kiết lị 

Bệnh kiết lị

2. Câu hỏi trắc nghiệm

Câu 1: Thành phần nào trong tế bào trùng roi giúp chúng có khả năng quang hợp?

  1. Vách tế bào.
  2. Nhân. 
  3. Màng sinh chất.
  4. Diệp lục

Câu 2: Nhận định nào sau đây là đúng khi nói về nguyên sinh vật? 

  1. Nguyên sinh vật là nhóm sinh vật có cấu tạo tế bào nhân thực, đa số có kích thước hiển vi.
  2. Nguyên sinh vật là nhóm sinh vật có cấu tạo tế bào nhân sơ, đa số có kích thước hiển vi.
  3. Nguyên sinh vật là nhóm sinh vật chưa có cấu tạo tế bào, đa số có kích thước hiển vi.
  4. Nguyên sinh vật là nhóm sinh vật có cấu tạo tế bào nhân thực, kích thước lớn.

Câu 3: Trùng biến hình thuộc giới

  1. khởi sinh.
  2. động vật.
  3. nguyên sinh.
  4. thực vật.

Câu 4: Bệnh sốt rét do tác nhân nào gây nên? 

  1. Trùng Entamoeba histolytica.
  2. Trùng Plasmodium falcipanum.
  3. Trùng sốt rét.
  4. Trùng roi. 

Câu 5: Để phòng chống bệnh do nguyên sinh vật gây nên chúng ta cần: 

( 1 ) Vệ sinh chỗ ở và môi trường xung quanh 

( 2 ) Tiêm phòng bệnh 

( 3 ) Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh 

( 4 ) Thực hiện ăn các loại thực phẩm tươi sống nên ăn các loại thịt tái.

  1. (1), (3), (4).
  2. (1), (2), (3).
  3. (1), (2), (3), (4).
  4. (1), (2), (4).
ĐÁP ÁN BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM

Câu 1: Hướng dẫn trả lời: 

Đáp án: D 

Câu 2: Hướng dẫn trả lời: 

Đáp án: A (theo SGK trang 120)

Câu 3: Hướng dẫn trả lời: 

Đáp án: C 

Câu 4: Hướng dẫn trả lời: 

Đáp án: C (theo SGK trang 121) 

Câu 5: Hướng dẫn trả lời: 

Đáp án: B (ý thứ 4 không chọn vì thực phẩm tươi sống và thịt tái sẽ chứa nhiều kí sinh trùng nên sẽ gây bệnh cho cơ thể).   


Giáo viên biên soạn: Hồ Ngọc Nga

Đơn vị: Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến Bình Dương

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Sinh

Bài 25: Vi Khuẩn
Bài 28: Nấm