Table of Contents
I. Tri thức kiểu bài
1. Kiểu bài
Phân tích, đánh giá một truyện kể: chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật là kiểu bài nghị luận văn học dùng lí lẽ và bằng chứng để làm rõ đặc điểm, giá trị nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện kể như: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười,...
2. Yêu cầu đối với kiểu bài
a. Về nội dung nghị luận:
Xác định chủ đề và phân tích, đánh giá ý nghĩa, giá trị của chủ đề.
Phân tích, đánh giá được một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật như cốt truyện, tình huống, sự kiện, nhân vật, lời người kể chuyện và lời nhân vật, người kể chuyện, điểm nhìn,... và tác dụng của chúng trong việc thể hiện chủ đề của truyện kể.
b.Về kĩ năng nghị luận, bài viết cần đáp ứng các yêu cầu:
Lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, thể hiện được những suy nghĩ, cảm nhận của người viết về truyện kể.
Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tin cậy lấy từ truyện kể.
Sử dụng các câu chuyển tiếp, các từ ngữ liên kết hợp lí để giúp người đọc nhận ra mạch lập luận.
Có các phần mở bài, thân bài, kết bài theo quy cách.
- Mở bài: giới thiệu truyện kể (tên tác phẩm, tác giả,...). Nêu khái quát các nội dung chính hay định hướng của bài viết.
- Thân bài: lần lượt trình bày các luận điểm làm nổi bật ý nghĩa, giá trị của chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật.
- Kết bài: khẳng định lại giá trị của chủ đề và hình thức nghệ thuật của truyện kể; nêu ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân và người đọc.
II. Phân tích ngữ liệu tham khảo
1. Mở bài, thân bài và kết bài của ngữ liệu đã đáp ứng được yêu cầu của kiểu bài viết phân tích, đánh giá một truyện kể. Vì:
- Phần mở bài đã giới thiệu được truyện kể và nêu được định hướng của bài viết.
- Phần thân bài đã lần lượt trình bày các luận điểm làm nổi bật ý nghĩa, giá trị của chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật.
- Phần kết bài đã khẳng định lại giá trị của chủ đề và hình thức nghệ thuật của truyện kể; nêu được ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân và người đọc.
2. Các luận điểm trong ngữ liệu được sắp xếp theo trình tự từ khái quát đến cụ thể, điểm trước,hình thức nghệ thuật sau => hợp lí, mang tính diễn dịch.
3. Trong mỗi luận điểm, ngữ liệu đã có sự kết hợp giữa lí lẽ, bằng chứng: Bằng chứng làm minh chứng cho lí lẽ, giúp lí lẽ trở nên xác đáng, thuyết phục. Từ đó lí lẽ trở thành lập luận để củng cố cho luận điểm.
4. Người viết đã phân tích, đánh giá ý nghĩa, giá trị của chủ đề bằng cách bám vào nội dung và hình tượng nhân vật trong truyện
5. Người viết đã phân tích, đánh giá những nét đặc sắc nghệ thuật của truyện kể:
- Phân tích, đánh giá nghệ thuật tạo tình huống.
- Phân tích, đánh giá cách xây dựng nhân vật giàu tính biểu trưng và tác dụng trong việc thể hiện chủ đề.
- Phân tích, đánh giá cách kể chuyện bằng thơ.
- Phân tích, đánh giá cách khắc họa tính cách nhân vật thông qua đối thoại.
6. Những lưu ý khi viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện kể rút ra từ ngữ liệu trên:
- Lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, thể hiện được những suy nghĩ, cảm nhận của người viết về truyện kể.
- Sử dụng các câu chuyển tiếp, các từ ngữ liên kết hợp lí để giúp người đọc nhận ra mạch lập luận.
- Có các phần mở bài, thân bài, kết bài theo quy cách.
III. Thực hành viết theo quy trình
Đề bài
Hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện (thần thoại, truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện cổ tích) mà bạn yêu thích.
Bước 1: Chuẩn bị viết
a. Xác định tác phẩm truyện, mục đích viết, người đọc
Lựa chọn một số truyện kể cụ thể trong số các loại như thần thoại, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện cổ tích mà bạn yêu thích để làm bài. Nên chọn truyện có chủ đề xác định, hình thức nghệ thuật thú vị, thể hiện sâu sắc nội dung, ý nghĩa,... Chẳng hạn:
- Thần thoại: Thần Trụ Trời, Cuộc tu bổ lại các giống vật,...
- Truyền thuyết: Thánh Gióng, Sự tích Hồ Gươm,...
- Truyện ngụ ngôn: Thầy bói xem voi, Ếch ngồi đáy giếng,...
- Truyện cười: Đến chết vẫn hà tiện, Đất nứt con bọ hung (Truyện Trạng Quỳnh)
- Truyện cổ tích: Sọ Dừa, Em bé thông minh,...
Trả lời các câu hỏi có tính định hướng cho bài viết:
- Mục đích viết của bạn là gì ( thể hiện nhận thức, đánh giá của bạn về truyện kể, luyện tập phát triển kĩ năng, chia sẻ ý kiến với người khác,...)?
- Người đọc bài viết của bạn có thể là những ai (thầy cô giáo bộ môn, bạn bè cùng lớp, phụ huynh,...)?
b. Thu thập tài liệu
- Tìm những nguồn tư liệu liên quan đến truyện kể từ các báo, tạp chí, sách chuyên luận, trên các trang mạng đáng tin cậy, thư viện,...
- Khi đọc, tham khảo tư liệu, cần ghi chép một số nhận xét, đánh giá về tác phẩm cần cho việc trích dẫn hoặc suy nghĩ tiếp để trao đổi thêm trong bài viết.
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý
a.Tìm ý
Để tìm ý cho việc phân tích, đánh giá chủ đề của một truyện kể, cần trả lời các câu hỏi: Chủ đề của truyện này là gì? Chủ đề đó có gì sâu sắc, mới mẻ? Những tác phẩm nào gần gũi về chủ đề và giữa chúng có gì tương đồng, có gì khác biệt?...
Để tìm ý cho việc phân tích, đánh giá nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm, bạn cần trả lời cho các câu hỏi: Tác phẩm thuộc thể loại thần thoại, truyện cổ tích, ngụ ngôn,…hay truyện cười?; Thể loại ấy có những đặc điểm gì đáng lưu ý về nhân vật, cốt truyện, điểm nhìn, lời kể…? Các đặc điểm hình thức của truyện đã góp phần thể hiện chủ để như thế nào?
- Bài viết cần có ít nhất mấy luận điểm? Sắp xếp các luận điểm theo trình tự nào?
- Lí lẽ, bằng chứng cần có cho mỗi luận điểm.
b. Lập dàn ý:
Bạn hãy sắp xếp, trình bày các ý đã tìm thành một dàn ý. Riêng với dàn ý phần thân bài, bạn cần:
- Xây dựng hệ thống luận điểm cho bài viết.
- Tạo lập ít nhất hai luận điểm về nội dung và nghệ thuật.
- Sắp xếp các luận điểm theo nhiều cách như hình thức nghệ thuật trước, chủ đề sau; chủ đề trước, hình thức nghệ thuật sau; kết hợp phân tích, đánh giá chủ đề và hình thức nghệ thuật trong từng luận điểm.
Ví dụ: Trong ngữ liệu tham khảo, khi phân tích, đánh giá truyện ngụ ngôn Chó sói và chiên con, các luận điểm được sắp xếp theo trình tự:
Luận điểm thứ nhất: giá trị của chủ đề: tình trạng “kẻ mạnh” bất chấp lẽ phải, ức hiếp, sát hại kẻ yếu trong xã hội (lí lẽ và bằng chứng)
Luận điểm thứ hai: những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật: tình huống truyện độc đáo, nhân vật giàu tính biểu trưng, kết cấu tương phản, lối kể chuyện bằng thơ hàm súc mà hấp dẫn (lí lẽ và dẫn chứng)
Nêu rõ ý kiến nhận xét, đánh giá của người viết về những nét đặc sắc của tác phẩm.
Lược dẫn từ truyện kể một số hình ảnh, chi tiết, biện pháp nghệ thuật tiêu biểu để dàn ý phần thân bài cụ thể hơn.
Bước 3: Viết bài
Bài tham khảo:
Trong các truyện thần thoại Việt Nam, truyện “Thần Trụ Trời” là một tác phẩm dân gian truyền miệng của người Việt cổ được sản sinh từ thời tối cổ và còn tồn tại đến ngày nay, được nhà khảo cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi sưu tầm, kể lại bằng bản văn trong “Lược khảo về thần thoại Việt Nam”. Qua truyện thần thoại này, người Việt cổ muốn giải thích nguồn gốc các hiện tượng thiên nhiên như vì sao có trời, có đất và vì sao trời với đất lại được phân đôi, vì sao mặt đất lại không bằng phẳng có chỗ lõm có chỗ lồi, vì sao có sông, núi, biển, đảo.
Từ câu chuyện cho thấy người Việt cổ cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới này đã cố gắng tìm để hiểu rõ những gì có xung quanh họ. Vì cũng chưa tìm hiểu được nhưng họ lại không chịu bó tay, họ bèn sáng tạo ra một vị thần khổng lồ để giải thích tự nhiên vũ trụ một cách hết sức ngây thơ và đáng yêu. Độc giả ngày nay cảm nhận được trong đó cái hồn nhiên và ước mơ của những người Việt cổ muốn vươn lên để giải thích thế giới tự nhiên quanh mình.Mọi chi tiết kể và tả Thần Trụ Trời đều gợi những vòng hào quang, điểm tô tính chất kỳ lạ, phi thường của nhân vật, thần thoại. Truyện đã nhân cách hóa vũ trụ thành một vị thần.
Hành động đầu tiên khi Thần Trụ Trời xuất hiện là “vươn vai đứng dậy, ngẩng cao đầu đội trời lên, giang chân đạp đất xuống,…” cũng là hành động và việc làm có tính phổ biến của nhiều vị thần tạo thiên lập địa khác trên thế giới. như ông Bàn Cổ trong thần thoại Trung Quốc cũng đã làm giống hệt như vậy. Tuy nhiên vẫn có điểm khác biệt chính là sau khi đã xuất hiện trong cõi hỗn độn giống như quả trứng của vũ trụ, ông đạp cho quả trứng tách đôi, nửa trên là trời, nửa dưới là đất và ông tiếp tục đẩy trời lên cao, đạp đất xuống thấp bằng sự biến hóa, lớn lên không ngừng của bản thân ông chứ không phải như Thần Trụ Trời đã xây cột chống trời.
Như vậy cho thấy việc khai thiên lập địa của ông Thần Trụ Trời ở Việt Nam và ông Bàn Cổ ở Trung Quốc vừa có điểm giống nhau vừa có điểm khác nhau. Và đó cũng chính là nét chung và nét riêng có ở trong thần thoại của các dân tộc. Từ cái ban đầu vốn ít ỏi, người Việt cổ cũng như các dân tộc khác trên thế giới không ngừng bổ sung, sáng tạo làm cho nền văn học, nghệ thuật ngày một đa dạng hơn. Chúng ta cũng có thể đánh giá về kho tàng thần thoại Việt Nam đối với nền nghệ thuật Việt Nam như thế nào. Cũng nhờ nghệ thuật phóng đại mà các nhân vật thần thoại có được sức sống lâu bền, vượt qua mọi thời gian để còn lại với chúng ta ngày nay. Thần thoại đã tạo nên cho con người Việt Nam nếp cảm, nếp nghĩ, nếp tư duy đầy hình tượng phóng đại và khoáng đạt.
Truyện thần thoại “Thần Trụ Trời” vừa cho các bạn đọc biết được sự hình thành của trời đất, sông, núi, đá,…vừa cho thấy sự sáng tạo của người Việt cổ. Tuy truyện có nhiều yếu tố hoang đường, phóng đại nhưng cũng có cái lõi của sự thật là con người thời cổ đã khai khẩn, xây dựng, tạo lập đất nước.
Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa
Sau khi viết xong, em đọc lại bài viết và tự đánh giá theo bảng điểm:
Nội dung kiểm tra | Đạt | Chưa đạt | |
Mở bài | Giới thiệu truyện kể (tên tác phẩm, thể loại…) |
|
|
Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá. |
|
| |
Thân bài | Xác định chủ đề của truyện kể. |
|
|
Phân tích, đánh giá các khía cạnh trong chủ đề của truyện kể. |
|
| |
Đánh giá tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của truyện kể theo đặc trưng thể loại. |
|
| |
Lập luận chặt chẽ, thể hiện được những suy nghĩ, cảm nhận của người viết về truyện kể. |
|
| |
Có lí lẽ xác đáng, bằng chứng tin cậy lấy từ truyện kể. |
|
| |
Kết bài | Khẳng định lại một cách khái quát những nét đặc sặc về nghệ thuật và nét độc đáo về chủ đề của truyện kể |
|
|
Nêu ý nghĩa của truyện kể đối với bản thân và người đọc. |
|
| |
Kĩ năng trình bày, diễn đạt | Diễn đạt rõ ràng, gãy gọn, đáp ứng yêu cầu của kiểu bài. |
|
|
Sử dụng các từ ngữ, câu văn tạo sự gắn kết giữa các luận điểm, giữa các bằng chứng với lí lẽ và bảo đảm mạch lạc cho bài viết. |
|
|
Biên soạn: GV Nguyễn Duy Tuấn
SĐT: 0945441181
Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419
Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM
Fanpage: https://www.fb.com/ttductri