Picture of the author
Picture of the author
SGK CTST Ngữ Văn 6»Bài 5: Trò Chuyện Cùng Thiên Nhiên»Bài 7: Viết Bài Văn Tả Sinh Hoạt

Bài 7: Viết Bài Văn Tả Sinh Hoạt

Lý thuyết bài Viết Bài Văn Tả Sinh Hoạt môn Văn 6 bộ sách CTST. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Tìm hiểu tri thức về kiểu văn bản

Khái niệm

Tả cảnh sinh hoạt là dung khả năng quan sát và lời văn gợi tả, làm sống lại các bức tranh sinh hoạt, giúp người đọc hình dung được rõ nét về không khí, đặc điểm nổi bật của cảnh đó

Yêu cầu:

Giới thiệu được cảnh sinh hoạt, thời gian, địa điểm diễn ra cảnh sinh hoạt

Tả lại cảnh sinh hoạt theo một trật tự hợp lí (từ xa đến gần, từ bao quát đến cụ thể…)

Thể hiện được hoạt động của con người trong thời gian, không gian cụ thể

Gợi tả được quang cảnh, không khí chung, những hình ảnh tiêu biểu, nổi bật của bức tranh

Sử dụng phù hợp các từ ngữ chỉ đặc điểm, tính chất, hoạt động…

Nêu được suy nghĩ, cảm nhận của người viết về cảnh được miêu tả

Cấu trúc của bài văn gồm ba phần

  • MB: Giới thiệu cảnh sinh hoạt
  • TB: Miêu tả cảnh sinh hoạt theo một trình tự hợp lí
  • KB: Phát biểu suy nghĩ hoặc nêu ấn tượng chung về cảnh sinh hoạt.

II. Đọc và phân tích bài viết tham khảo

Văn bản mẫu: Tả một phiên chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ:

Đoạn mở bài và kết bài của bài văn đã đáp ứng yêu cầu của bài văn tả cảnh sinh hoạt.

Mở bài: giới thiệu cảnh sinh hoạt chợ nổi Cái Răng.

Kết bài: phát biểu ấn tượng, cảm xúc sau khi thăm phiên chợ nổi.

  • Tác giả miêu tả cảnh chợ nổi trên sông theo trình tự từ bao quát đến cụ thể.
  • Bài văn gợi tả được cử chỉ, hành động của con người gắn với thời gian, không gian cụ thể: các tiếng rao trên các con thuyền. Tác giả có sử dụng các biện pháp tu từ khi diễn đạt như so sánh, hoán dụ
  • Người viết có phối hợp các giác quan trong khi quan sát cảnh chợ nổi trên sông gồm: thị giác, thính giác, xúc giác.
  • Người viết đã đứng ở trên xuồng máy để quan sát. Xuồng máy đi trên sông nên tác giả có thể dịch chuyển, thay đổi và có thể quan sát khung cảnh chợ nổi  rõ ràng, chi tiết.

III. Viết theo quy trình

1. Các bước tiến hành

a. Chuẩn bị trước khi viết

  • Xác định đề tài;
  • Thu thập tư liệu

Tìm ý, lập dàn ý

  • Tìm ý
  •  Lập dàn ý

b. Viết bài

c. Chỉnh sửa

Dàn ý bài viết

Mở bài

Giới thiệu cảnh sinh hoạt được tả

- Cảnh sinh hoạt:……………….…………………………………………………………..

- Thời gian, địa điểm:……………………………………………………………………..

Thân bài

Tả cảnh sinh hoạt

1. Tả cảnh sinh hoạt chung bằng một cái nhìn bao quát:

- Ý 1:

Ý 2:

2. Tả một số hình ảnh cụ thể, nổi bật ở cự li gần:

- Ý 1:

- Ý 2:

3. Tả sự thay đổi của sự vật của bức tranh sinh hoạt trong thời gian, không gian:

- Ý 1:

- Ý 2:

 

Kết bài

Phát biểu cảm nghĩ hoặc nêu ấn tượng chung về cảnh sinh hoạt

2. Bài văn tham khảo ( tả cảnh đêm trung thu)

 Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình
Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh
Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng
Dưới ánh trăng vàng đàn em cất tiếng hát vang.

Mỗi khi trên khắp phố phường vang lên câu hát này, thì chính là một mùa Tết Trung Thu nữa lại về. Trẻ em lại háo hức mua những chiếc đèn lồng xinh xắn, những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh, ngửi mùi những chiếc bánh trung thu thơm phức mà chờ đợi. Đợi khi trăng tròn trĩnh, đầy đặn nhất để được cùng bạn bè đi rước đèn, phá cỗ.

Đêm hội trăng rằm - đúng như tên gọi của nó - là một đêm hội của thiếu nhi diễn ra dưới ánh vàng rực rỡ của đêm trăng, khi mà ông trăng đã treo trên đỉnh trời. Thế nhưng, những đứa trẻ như chúng em đã vui vẻ, háo hức mong chờ từ những hôm trước rồi. Khắp phố phường, đâu đâu cũng bày những chiếc đèn ông sao, đèn cá chép, hay các loại đèn trung thu với nhiều hình dáng khác nhau có thể bật nhạc. Những hàng quán bày bán những mẫu hộp bánh trung thu đa dạng, thơm ngon. Tiếng nhạc trung thu cũng được bật suốt ngày. Khắp nơi, không khí trở nên rộn rã, tưng bừng. Khiến những đứa trẻ lại càng thêm khao khát đêm hội mỗi năm chỉ có một lần ấy.

Khi ông mặt trời lặn, và mặt trăng dần nhô lên ao. Thì cái đêm hội mà em hằng mong chờ ấy bắt đầu. Tối đó, không ai bảo ai, tất cả những đứa trẻ sau khi đi học về đều vội vàng tắm rửa, sửa đoạn rồi mang theo đèn lồng, tập trung tại nhà văn hóa của thôn. Lúc em đến, thì ở đấy đã có rất đông người rồi. Đến 7 giờ, các anh chị đoàn viên bắt đầu dẫn chúng em đi rước đèn. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc, chúng em mang theo chiếc đèn nhỏ xinh, xếp thành hàng dài, đi vòng quanh xóm. Vẫn con đường quen thuộc ấy, nhưng hôm nay, dưới ánh trăng vàng, em cảm thấy nó sao mà đẹp khó tả. Chúng em vừa đi, vừa hát, vừa đùa nghịch nhau, ríu rít kể những câu chuyện cỏn con mà không bao giờ kết thúc của con trẻ. Rồi chúng em lại im lặng, tập trung lắng nghe câu chuyện chị Hằng chú Cuội mà năm nào cũng được nghe nhưng chẳng thấy chán. Dần dần, chúng em đi rước đèn hết một vòng quanh xóm và quay trở lại nhà văn hóa. Ở đây, lúc này đã được bày sẵn rất nhiều bánh kẹo, hoa quả, nước ngọt. Ngay khi được sự đồng ý của các cô chú tổ chức, chúng em lập tức ùa vào các bàn và bắt đầu phá cỗ. Trong lúc phá cỗ, chúng em còn được thưởng thức những tiết mục văn nghệ vô cùng thú vị, hấp dẫn do các anh chị đoàn viên biểu diễn.

Đến lúc đêm hội kết thúc, em vẫn tiếc ngẩn ngơ, sao mà thời gian lại trôi qua nhanh thế. Nhưng có lẽ chính vì đêm trăng vàng ngắn ngủi, lại chỉ có một lần mỗi năm nên Tết Trung Thu mới là ngày hội mà các bạn thiếu nhi luôn mong chờ nhất


Biên soạn: GV Phạm Thị Hải

SĐT: 0349731104 (bạn đọc thắc mắc liên hệ)

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Phạm Thị Hải

Bài 6: Một Năm Ở Tiểu Học - Nguyễn Hiến Lê
Bài 8: Trình Bày Về Một Cảnh Sinh Hoạt