Picture of the author
Picture of the author
SGK CTST Ngữ Văn 7»Bài 3: Những Góc Nhìn Văn Chương (Nghị L...»Bài 3: Hình Ảnh Hoa Sen Trong Bài Ca Dao...

Bài 3: Hình Ảnh Hoa Sen Trong Bài Ca Dao Trong Đầm Gì Đẹp Bằng Sen

Nội dung bài Hình Ảnh Hoa Sen Trong Bài Ca Dao Trong Đầm Gì Đẹp Bằng Sen môn văn 7 bộ SGK CTST bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

van7-hinh-anh-hoa-sen-trong-ca-dao

Một số bài ca dao viết về hình ảnh hoa sen

Bài 1:

Thân chị như cánh hoa sen,

Chúng em như bèo bọt chẳng chen được vào.

Lạy trời cho cả mưa rào,

Cho sấm, cho chớp, cho bão to gió lớn,

Cho sen chìm xuống, bèo trèo lên trên!

Bài 2:

Ai đi Châu Đốc, Nam Vang

Đi qua Đồng Tháp thấy bạt ngàn bông sen.

Bài 3:

Đầm sen, bãi sậy, rừng tràm

Kinh dài khắp đất, lúa xanh rợp trời.

Bài 4:

 Anh về mượn thuổng đào hồ

Búp hoa sen lặn xuống, thiếp vô hầu chàng.

Bài 5:

Tiếc bông sen nở chen bông súng

Con chim phụng hoàng đậu trúng nhành tùng khô.

I. Trải nghiệm cùng văn bản

1. Đọc

SGK trang 59, 60, 61

Câu 1 (Theo dõi, Sgk/tr 60) Em hãy chỉ ra những từ ngữ, câu văn thể hiện ý kiến, lí lẽ, bằng chứng trong đoạn bàn luận về câu ca dao thứ hai.

Hướng dẫn trả lời: 

Ý kiến: “Tác giả dân gian miêu tả vẻ đẹp của từng bộ phận cụ thể trong cây sen để chứng minh cho câu thứ nhất”.

Lí lẽ

Bằng chứng

Quan sát từ ngoài vào trong, rất tự nhiên, hợp lí.

“Từ “lá xanh” qua “bông trắng” đến “nhị vàng”.

“Nhấn mạnh sự đa dạng nhiều thành phần và màu sắc đáng chú ý của cây sen”.

“Từ “lại” được dùng rất đắt”, nhấn mạnh sự đa dạng thành phần và màu sắc của sen.

“Một bông hoa sen vừa mới nở”.

“Từ “chen” nói lên sự kết chặt giữa hoa và nhị”.

Câu 2 (Theo dõi, Sgk/tr 61)

Em biết gì về hình ảnh hoa sen trong những bài ca dao khác?

Hướng dẫn trả lời: 

Hình ảnh hoa sen trong nhiều bài ca dao khác: phản ánh lẽ sống cao đẹp, lương thiện, trung thực, nhân nghĩa, sự thuần khiết, thanh bạch, sức sống mãnh liệt, không chịu khuất phục trước số phận…của người Việt Nam từ ngàn đời nay.

2. Tìm hiểu tác giả, tác phẩm

a. Tác giả: Hoàng Tiến Tựu

b. Tác phẩm:

  • Xuất xứ: Trích “Bình giảng ca dao”
  • Thể loại: Nghị luận văn học

II. Suy ngẫm và phản hồi

1. Mục đích, nội dung

Văn bản được viết ra nhằm mục đích nhằm thuyết phục người đọc về vẻ đẹp của hoa sen trong bài ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen.

Nội dung chính của văn bản: Nhấn mạnh, khẳng định tầng nghĩa trực tiếp (miêu tả vẻ đẹp hoa sen) và tầng nghĩa biểu tượng (cách sống thanh cao, giữ vững phẩm giá) của hình ảnh hoa sen trong bài ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen.

2. Ý kiến lớn, ý kiến nhỏ, bằng chứng, lí lẽ

a. Mối quan hệ giữa các ý kiến lớn, ý kiến nhỏ

Vấn đề bàn luận: Hình ảnh hoa sen trong bài ca dao.

Ý kiến lớn 1: Vẻ đẹp hoa sen được miêu tả một cách khéo léo, tài tình.

  • Ý kiến nhỏ 1.1: Câu thứ nhất, tác giả dân gian khẳng định và tuyệt đối vẻ đẹp không gì sánh nổi của cây sen ở trong đầm.
  • Ý kiến nhỏ 1.2: Câu thứ hai, tác giả dân gian miêu tả vẻ đẹp của từng bộ phận cụ thể trong cây sen để chứng minh cho câu thứ nhất.
  • Ý kiến nhỏ 1.3: Câu thứ ba có vị trí đặc biệt trong toàn bài, đó là câu chuyển để chuẩn bị cho câu kết.

Ý kiến lớn 2: Qua hình ảnh hoa sen, tác giả dân gian đã gửi gắm những triết lí sống sâu sắc.

  • Ý kiến nhỏ: Ở câu thứ 4, người ta không nghĩ đến nghĩa đen mà nghĩ đến nghĩa bóng, nghĩ sang hình ảnh triết lí nhân sinh.

b. Các lí lẽ bằng chứng được sử dụng

Ý kiến

Lí lẽ

Bằng chứng

Vẻ đẹp của sen đã được miêu tả một cách khéo léo, tài tình.

Câu thứ nhất, tác giả dân gian khẳng định và tuyệt đối vẻ đẹp không gì sánh nổi của cây sen ở trong đầm.

Trạng ngữ “trong đầm” đã hạn chế sự tuyệt đổi hóa trong câu ca dao, làm cho trở thành tương đối và có tính thuyết phục.

Câu thứ hai, tác giả dân gian miêu tả vẻ đẹp của từng bộ phận cụ thể trong cây sen để chứng minh cho cầu thứ nhất.

Từ “lá xanh” qua "bông trắng" đến "nhị vàng”, tức là quan sát từ ngoài vào trong, rất tự nhiên hợp lý.

Từ “lại” được dùng rất đắt, có tác dụng nhấn mạnh sự đa dạng nhiều thành phần và màu sắc đáng chú ý của cây sen.

Từ “chen” nói lên sự kết chặt giữa hoa và nhị, chứng tỏ đây là một bông hoa vừa mới nở.

Câu thứ ba có vị trí đặc biệt trong toàn bài.

câu chuyển (chuyển vần, chuyển nhịp, chuyến ý) để chuẩn bị cho câu kết.

Qua hình ảnh sen, tác giả dân gian đã gửi gắm những triết lí sống sâu sắc.

Cầu thứ tư: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Phần nhiều đều chuyển ngay sang nghĩa bóng, sang hình ảnh con người và ý nghĩa triết lí nhân sinh trong đó.

“sen” hóa thành người, bùn trong thiên nhiên hóa thành “bùn” trong xã hội, rồi cả cái “đầm” và mùi “hôi tanh” cũng được coi là hình ảnh tượng trưng, ẩn dụ theo nghĩa bóng.

c. Tác dụng của cách sắp xếp trật tự các ý kiến

Nhận xét: Không thể thay đổi trật tự các ý kiến lớn, ý kiến nhỏ được vì sẽ làm xáo trộn mạch lập luận của văn bản, gây khó tiếp nhận cho người đọc.

  • Các ý kiến lớn được sắp xếp theo hai tầng nghĩa của hình ảnh hoa sen trong bài ca dao, ý kiến lớn 1 nói về nghĩa tả thực; ý kiến lớn 2 nói về nghĩa tượng trưng cách sắp xếp đi từ tả thực đến tượng trưng là phù hợp với quá trình đọc, giải nghĩa hình ảnh.
  • Các ý kiến nhỏ được sắp xếp theo trình tự bố cục bài ca dao, đi theo mạch triển khai ý của tác giả dân gian.

Tác dụng: Cách sắp xếp trật tự bố cục ý kiến như vậy giúp người đọc dễ dàng tiếp nhận, nắm bắt lập luận của văn bản, từ đó làm tăng sức thuyết phục của văn bản về hai ý nghĩa của hình ảnh hoa sen trong bài ca dao.

3. Đặc điểm văn bản nghị luận phân tích một tác phẩm văn học

Thể hiện rõ ý kiến của người viết về tác phẩm cần bàn luận.

Đưa ra lí lẽ là những lí giải, phân tích tác phẩm.

Bằng chứng được dẫn ra từ tác phẩm để làm rõ cho lí lẽ.

Ý kiến, lí lẽ, bằng chứng được sắp xếp theo trình tự hợp lí.

4. Kết nối, chia sẻ

Hướng dẫn thực hiện đoạn văn

Nét trong sáng, cao đẹp trong tâm hồn con người Việt Nam từ bao đời đã được ca ngợi và trở thành chủ đề của nhiều câu tục ngữ, ca dao. Chúng ta không thể quên bài ca dao quen thuộc:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng

Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Bằng ngôn từ trong sáng, giản dị nhất, bài ca dao làm nổi bật hình ảnh bông sen thơm ngát, đang nở trên đầm lầy. Bông sen đơn sơ, chân chất như người dân lao động mang nét đẹp bình dị, thôn dã, lúc nào cũng ngan ngát tỏa hương, một thứ hương thơm đặc biệt tinh khiết không pha lẫn mùi vị nào khác. Đầm lầy càng u tối thì bông hoa lại càng đẹp đẽ, sáng chói. Thông qua bài ca dao, hình ảnh của con người Việt Nam hiện lên một cách tự nhiên, hợp lý đến tài tình. Tâm hồn của mỗi con người được ví như một bông hoa thơm ngát, dù sống ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng giữ riêng cho mình nét trong trắng, thanh cao nguyên vẹn.

III. Tổng kết

1. Nội dung

Nhấn mạnh, khẳng định tầng nghĩa trực tiếp (miêu tả vẻ đẹp hoa sen) và tầng nghĩa biểu tượng (cách sống thanh cao, giữ vững phẩm giá) của hình ảnh hoa sen.

2. Nghệ thuật

Dẫn chứng, lí lẽ, lập luận logic, chặt chẽ, sắc bén.

Cách triển khai, phân tích các luận điểm khoa học, hợp lí.


Biên soạn: Nguyễn Tiến Lực

SĐT: 0975538382 (bạn đọc thắc mắc liên hệ)

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Nguyễn Tiến Lực

Bài 2: Em Bé Thông Minh – Nhân Vật Kết Tinh Trí Tuệ Dân Gian
Bài 4: Bức Thư Gửi Chú Lính Chì Dũng Cảm