Picture of the author
Picture of the author
SGK CTST Ngữ Văn 7»Bài 2: Bài Học Cuộc Sống (Truyện Ngụ Ngô...»Bài 1: Tri Thức Ngữ Văn

Bài 1: Tri Thức Ngữ Văn

Lý thuyết Tri Thức Ngữ Văn (Truyện Ngụ Ngôn) môn Văn 7 bộ sách giáo khoa CTST. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Tìm hiểu giới thiệu bài học

Chủ đề: “Bài học cuộc sống”

Thể loại: Truyện ngụ ngôn

Các văn bản:

  • Những cái nhìn hạn hẹp
  • Những tình huống hiểm nghèo
  • Biết người, biết ta
  • Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

II. Tìm hiểu tri thức đọc hiểu

1. Truyện ngụ ngôn

Là những truyện kể ngắn gọn, hàm súc, bằng văn xuôi hoặc văn vần. Truyện thường đưa ra bài học về cách nhìn sự việc, cách ứng xử của con người trong cuộc sống.

2. Đề tài trong truyện ngụ ngôn

Thường là những vấn đề đạo đức hay những cách ứng xử trong cuộc sống.

3. Nhân vật trong truyện ngụ ngôn

Có thể là loài vật, đồ vật hoặc con người. Các nhân vật hầu như không có tên riêng, thường được người kể chuyện gọi bằng danh từ chung như: rùa, thỏ, sói, cừu, cây sậy, thầy bói, bác nông dân… Từ suy nghĩ, hành động, lời nói của nhân vật ngụ ngôn, người nghe, người đọc có thể rút ra những bài học sâu sắc.

4. Sự kiện (hay sự việc)

Là yếu tố quan trọng góp phần làm nên câu chuyện. Trong truyện ngụ ngôn, một câu chuyện thường xoay quanh một sự kiện chính.

Ví dụ: Ở truyện Thỏ và rùa, sự kiện chính là cuộc chạy thi giữa hai nhân vật thỏ và rùa.

5. Cốt truyện của truyện ngụ ngôn

Thường xoay quanh một sự kiện (một hành vi ứng xử, một quan niệm, một nhận thức phiến diện, sai lầm,…) nhằm đưa ra bài học hay lời khuyên nào đó.

6. Tình huống truyện

Là tình thế làm nảy sinh câu chuyện khiến nhân vật bộc lộ đặc điểm, tính cách của mình. Qua đó, ý nghĩa của câu chuyện được khơi sâu. Chẳng hạn, tình huống truyện trong Thỏ và rùa là cuộc chạy đua giữa hai con vật và kết quả có tính bất ngờ, làm lộ rõ đặc điểm của mỗi nhân vật và bài học từ câu chuyện.

7. Không gian trong truyện ngụ ngôn

Là khung cảnh, môi trường hoạt động của nhân vật ngụ ngôn, nơi xảy ra sự kiện, câu chuyện (một khu chợ, một giếng nước, một khu rừng, …).

8. Thời gian trong truyện ngụ ngôn

Là một thời điểm, khoảnh khắc nào đó mà sự việc, câu chuyện xảy ra, thường không xác định cụ thể.

III. Luyện tập, củng cố, mở rộng

Bài tập trắc nghiệm

1. Truyện ngụ ngôn là gì?

  1. Truyện ngụ ngôn là những truyện kể ngắn gọn, hàm súc bằng văn xuôi, giúp người ta rút ra những bài học kinh nghiệm trong cuộc sống, cách ứng xử ở đời.
  2. Truyện ngụ ngôn là những truyện kể ngắn gọn, hàm súc bằng thơ giúp người ta rút ra những bài học kinh nghiệm trong cuộc sống, cách ứng xử ở đời.
  3. Truyện ngụ ngôn là những truyện kể có nhân vật, có cốt truyện giúp người ta rút ra những bài học hay trong cuộc sống.
  4. Truyện ngụ ngôn là những truyện kể ngắn gọn, hàm súc bằng văn xuôi hoặc văn vần giúp người ta rút ra những bài học kinh nghiệm trong cuộc sống, cách ứng xử ở đời.

2. Mục đích chủ yếu của truyện ngụ ngôn là gì?

  1. Khuyên nhủ hoặc đưa ra một bài học nào đó về cách nhìn nhận sự việc, cách ứng xử của con người trong cuộc sống.
  2. Tạo tiếng cười, phê phán thói hư, tật xấu trong xã hội.
  3. Phản ánh cuộc đấu tranh giữa thiện và ác.
  4. Thể hiện thái độ và cách đánh giá của nhân dân về các sự kiện và các nhận vật lịch sử.

3. Truyện ngụ ngôn thường hướng đến đề tài nào?

  1. Là những mâu thuẫn trong gia đình và cách ứng xử với các mâu thuẫn đó.
  2. Là những vấn đề của xã hội và cách ứng xử các vấn đề đó.
  3. Là những vấn đề đạo đức, hay những cách ứng xử trong cuộc sống,...
  4. Là những ước mơ công lý của nhân dân về một xã hội công bằng.

4. Truyện ngụ ngôn xây dựng nhân vật như thế nào?

  1. Loài vật, con người.
  2. Loài vật, đồ vật hoặc con người.
  3. Loài vật.
  4. Con người.

5. Các sự kiện trong truyện ngụ ngôn thường được xây dựng như thế nào?

  1. Một câu chuyện thường xoay quanh một nhân vật chính.
  2. Một câu chuyện thường xoay quanh một sự kiện chính.
  3. Một câu chuyện thường xoay quanh nhân vật chính và các nhân vật phụ.
  4. Một câu chuyện thường xoay quanh nhân vật trung tâm.

6. Cốt truyện trong truyện ngụ ngôn thường hướng đến điều gì?

  1. Phê phán, lên án thói hư tật xấu của con người.
  2. Vạch trần cái ác, cái xấu có tính bản chất của giai cấp thống trị (thời xưa).
  3. Ca ngợi và bênh vực cho đạo đức con người thông qua nhân vật lí tưởng, kiểu mẫu.
  4. Đưa ra bài học hay lời khuyên nào đó.

7. Không gian trong truyện ngụ ngôn được xây dựng như thế nào?

  1. Là khung cảnh, môi trường hoạt động của nhân vật ngụ ngôn, nơi xảy ra câu chuyện.
  2. Là trong một khu rừng hoặc trên cánh đồng rộng lớn, nơi xảy ra câu chuyện.
  3. Là ở một phiên chợ hay trong một gia đình nào đó, nơi xảy ra câu chuyện.
  4. Là một phiên chợ, một giếng nước, một khu rừng nơi xảy ra câu chuyện.

8. Thời gian trong truyện ngụ ngôn được xác định như thế nào?

  1. Là một thời điểm cụ thể diễn ra câu chuyện.
  2. Là một khoảnh khắc cụ thế nơi diễn ra sự việc, câu chuyện.
  3. Là một thời điểm, khoảnh khắc nào đó mà sự việc, câu chuyện xảy ra, thường không xác định cụ thể.
  4. Là các thời điểm khác nhau mà sự việc, câu chuyện xảy ra, thường được xác định cụ thể từng thời điểm, từng khoảnh khắc của câu chuyện.

9. Trong các truyện sau, những truyện nào là truyện ngụ ngôn?

  1. Ếch ngồi đáy giếng, Thầy bói xem voi, Hai người bạn đồng hành và con gấu, Treo biển, Lợn cưới áo mới.
  2. Ếch ngồi đáy giếng, Thầy bói xem voi, Hai người bạn và con gấu, Thà chết còn hơn.
  3. Ếch ngồi đáy giếng, Thầy bói xem voi, Hai người bạn đồng hành và con gấu, Chó sói và chiên con, Đeo nhạc cho mèo.
Đáp án câu hỏi trắc nghiệm

Câu 1: D

Câu 2: A

Câu 3: C

Câu 4: B

Câu 5: B

Câu 6: D

Câu 7: A

Câu 8: C

Câu 9: C


Giáo viên biên soạn: Nguyễn Tiến Lực

Đơn vị: Trung tâm Đức Trí – 02866540419

 

Tác giả: Nguyễn Tiến Lực

Bài 2: Những Cái Nhìn Hạn Hẹp