Table of Contents
I. Thơ sáu chữ, bảy chữ
Thơ sáu chữ: là thể thơ mỗi dòng có sáu chữ
Thơ bảy chữ: là thể thơ mỗi dòng có bảy chữ
Mỗi bài gồm nhiều khổ, mỗi khổ thường có bốn dòng thơ và có cách gieo vần , ngắt nhịp đa dạng.
II. Vần
Bên cạnh vần chân, vần lưng đã học ở Ngữ Văn 6. Vần còn được phân loại thành vần liền và vần cách (Vẫn thuộc kiểu vần chân)
- Vần liền là trường hợp tiếng cuối của hai dòng liên tiếp vần với nhau
Ví dụ:
Đâu những chiều sương phủ bãi đồng
Lúa mềm xao xác ở ven sông
Vẳng lên trong tiếng xe lùa nước
Một giọng hò đưa hố não nùng
( Tố Hữu – Nhớ đồng)
- Vần cách là trường hợp tiếng cuối của hai dòng thơ cách nhau vần với nhau
Ví dụ:
Con nghe dập dờn tiếng lúa
Lời ru hóa hạt gạo rồi
Thương mẹ một đời khốn khó
Vẫn giàu những tiếng ru nôi
III. Bố cục của bài thơ
Bố cục của bài thơ là cách tổ chức, sắp xếp các phần, các đoạn trong thơ theo một trình tự nhất định
Việc xác định bố cục giúp cho người đọc có cái nhìn tổng quát, biết rõ bài thơ có mấy phần, vị trí và ranh giới từng phần trong bài thơ; từ đó có thể xác định được mạch cảm xúc trong bài thơ.
IV. Mạch cảm xúc của bài thơ
Là sự tiếp nối, vận động của cảm xúc trong bài thơ.
Ví dụ: mạch cảm xúc trong bài Việt Nam quê hương ta của Nguyễn Đình Thi có sự vận động từ cảm xúc tự hào về vẻ đẹp của đất nước đến cảm xúc tự hào, yêu thương tha thiết con người Việt Nam.
V. Cảm hứng chủ đạo
Là trạng thái tình cảm mãnh liệt, thường gắn với tư tưởng và đánh giá nhất định được thể hiện xuyên suốt tác phẩm, tác động đến cảm xúc của người đọc.
Ví dụ: Cảm hứng chủ đạo trong bài Mẹ của Đỗ Trung Lai là cảm hứng xót thương, day dứt xen lẫn sự bất lực, tiếc nuối khi nhận ra dấu ấn thời gian và những nỗi vất vả của cuộc đời đã in hằn trên bóng dáng mẹ.
VI. Vai trò của tưởng tượng trong tiếp nhận văn học
Tác phẩm văn học là sản phẩm của trí tưởng tượng, sáng tạo, được thể hiện bằng ngôn từ. Vì thế, khi đọc văn bản, người đọc cần huy động nhận thức, trải nghiệm, sử dụng kết hợp các giác quan để tái hiện trong tâm trí mình hình ảnh con người hay bức tranh đời sống mà nhà văn đã khắc họa trong văn bản.
Nhờ khả năng tưởng tượng mà người đọc có thể trải nghiệm cuộc sống được miêu tả, hóa thân vào các nhân vật, từ đó cảm nhận và hiểu văn bản đầy đủ hơn, sâu sắc hơn.
Biên soạn: GV Phạm Thị Hải
SĐT: 0349731104 (bạn đọc thắc mắc liên hệ)
Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419
Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM
Fanpage: https://www.fb.com/ttductri