Picture of the author
Picture of the author
SGK CTST Ngữ Văn 8»Bài 1: Những Gương Mặt Thân Yêu (Thơ Sáu...»Bài 2: Trong Lời Mẹ Hát

Bài 2: Trong Lời Mẹ Hát

Lý thuyết bài Trong lời mẹ hát môn Văn 8 bộ sách CTST bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

trong-loi-me-hat

I. Trải nghiệm cùng văn bản

1. Tác giả

Trương Nam Hương sinh ngày: 23 -10 -1963

Quê quán: người gốc Huế, lớn lên ở Hà Nội, vào TP HCM từ năm 12 tuổi.

Là nhà thơ tài hoa của nền văn học Việt Nam.

Phong cách sáng tác: coi trọng khai thác chất liệu ca dao và văn hóa truyền thống, dịu dàng tinh tế trong ngôn ngữ trữ tình. Trong thơ ông có sự giằng xé giữa cảm hứng hương xưa quen thuộc với ý thức tiếp nhận những làn gió mới của thời đại và tâm tình con người.

Các sáng tác tiêu biểu: Khúc hát người xa xứ  (Thơ, NXB Trẻ, 1990); Cỏ, tuổi hai mươi (Thơ, NXB Văn nghệ, 1992); Hè phố tuổi thơ (Văn, NXB Trẻ, 1992); Ban mai xanh (Thơ, NXB Đồng Nai, 1994); Ngoảnh lại tháng năm (Thơ, NXB Văn học, 1995)

2. Tác phẩm

Hoàn cảnh sáng tác: bài thơ được viết trong lúc ru con, viết để nhớ những tháng năm thơ bé của mình cũng là nhớ lại những lời ru ngày xưa của mẹ

Xuất xứ: Trong lời mẹ hát được in trong cuốn Ban mai xanh,  bài thơ lần đầu được đăng trên báo Khăn quàng đỏ năm 1987

Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm

II. Suy ngẫm và phản hồi

1. Tìm hiểu về thể thơ, vần, bố cục, mạch cảm xúc, hình ảnh trong bài thơ

Thể thơ: 6 chữ

Cách gieo vần:

  • Gieo vần cách: ngào – dao; xanh – anh; trầu – cau ; con – hơn; rồi – nôi; sờn – thơm; nao – cao; ra – xa
  • Căn cứ xác định: Vần cách là trường hợp tiếng cuối ở hai dòng thơ cách nhau vần với nhau

Bố cục, mạch cảm xúc:

  • Bố cục: Chia làm 3 phần
    • Phần 1: Khổ 1+2: Lời mẹ hát ru đưa con đến với hình ảnh quê hương, đất nước.
    • Phần 2: Khổ 3- 7 : Hình ảnh người mẹ từ lúc còn trẻ đến lúc tóc bạc trong tình cảm yêu thương lẫn xót xa của con.
    • Phần 3: Khổ 8: Lời ru đã chắp cánh cho con bay xa, trưởng thành.
  • Nét độc đáo của bố cục bài thơ: Gợi tả sự lớn dần của nhân vật con, từ khi con còn bé đến lúc trưởng thành song hành với dấu ấn thời gian trong cuộc đời mẹ. Khi đứa con còn nằm võng: lời ru mở ra hình ảnh quê hương đất nước (khổ 1,2), qua lời ru, con thấu hiểu những tảo tần, vất vả, hi sinh của người mẹ qua thời gian (các khổ 3 – 7), hình ảnh thơ mở rộng ra ý nghĩa của lời mẹ ru: lời ru giúp con lớn lên, trưởng thành (khổ cuối)

Hình ảnh:

  • Nhịp võng chòng chành: gợi tả người mẹ đưa võng ru con, đồng thời gợi tả âm điệu trầm bổng của những câu ca dao mẹ ru con
  • Vầng trăng mẹ thời con gái,/ Vẫn còn thơm ngát hương cau: gợi tả vẻ đẹp rạng rỡ của mẹ thời trẻ
  • Hình ảnh người mẹ trong khổ 3 – 7

Hình ảnh miêu tả người mẹ trong khổ 3 – 7

Nhận xét về hình ảnh người mẹ

Nét độc đáo trong cách khắc họa người mẹ

Vầng trăng, người mẹ vừa giã gạo vừa ru con, tấm áo bạc phếch bạc phơ, bục mối chỉ sờn, màu trắng trên mái tóc mẹ, lưng mẹ còng xuống

 Hình ảnh người mẹ với vẻ đẹp của thời con gái nhưng đó còn là sự tần tảo, chịu thương chịu khó trong lao động, vất vả vì con cái. Dù vất vả nhưng lời ru của mẹ vẫn ngọt ngào, đầy ắp yêu thương, sự thảo thơm

 Người mẹ được khắc họa lẫn vào lời ru, hình ảnh mẹ trong từng khổ thơ hiện lên song hành với tình cảm của con với mẹ

2. Tìm hiểu cảm hứng chủ đạo

Vần, nhịp: Vần cách, cách ngắt nhịp chẵn, chủ yếu là nhịp 2/4 đều đặn gợi cảm giác giống như nhịp võng, nhịp nôi đưa con chìm vào giấc ngủ bình yên.

Cách sử dụng hình ảnh:

  • Hình ảnh giàu tính tạo hình: Vầng trăng mẹ thời con gái/ Áo mẹ bạc phơ bạc phếch/ Vải nâu bục mối chỉ sờn,...
  • Từ ngữ: từ tượng thanh (thập thình), tượng hình (chòng chành, vấn vít, dập dờn), từ ngữ thể hiện trực tiếp tình cảm của tác giả đối với mẹ (lạy trời đừng giông đừng bão, thương mẹ, nôn nao)

⇒ Các yếu tố trên có tác dụng thể hiện cảm hứng chủ đạo của bài thơ là: cảm hứng về những hi sinh của đời mẹ và những giá trị tốt đẹp mà mẹ đã truyền dạy cho con qua lời ru

3. Chủ đề bài thơ

Nhan đề là tên văn bản, thường ngắn gọn, thể hiện nội dung chính và thông điệp của văn bản.

Chủ đề: Tình cảm yêu thương sâu sắc, lòng biết ơn đối với mẹ và tình yêu quê hương đất nước mà mẹ đã truyền dạy cho con.

⇒ Nhan đề bài thơ Trong lời mẹ hát đã thể hiện được chủ đề của bài thơ

4. Liên hệ, mở rộng

Trong lời mẹ hát

Mẹ (Đỗ Trung Lai)

Tình yêu thương, lòng biết ơn đối với mẹ được lồng ghép và tái hiện thông qua hình ảnh lời ru con

Tình yêu thương, lòng biết ơn, nỗi xót xa, bất lực trước thời gian in hằn trên dáng mẹ được thể hiện thông qua hình ảnh sóng đôi mẹ và cây câu

III. Tổng kết

Nội dung, nghệ thuật: 

Nội dung: Bài thơ thể hiện ý nghĩa lời ru của mẹ, bộc lộ tình yêu thương, lòng biết ơn của nhà thơ đối với mẹ.

Nghệ thuật:

  • Ẩn dụ, nhân hóa, tương phản, điệp ngữ
  • Thể thơ 6 chữ, ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, hình ảnh gần gũi, giàu sức gợi hình

Biên soạn: GV Phạm Thị Hải

SĐT: 0349731104 (bạn đọc thắc mắc liên hệ)

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Phạm Thị Hải

Bài 1: Tri Thức Ngữ Văn Trang 11
Bài 3: Nhớ Đồng