Picture of the author
Picture of the author
SGK CTST Ngữ Văn 8»Bài 1: Những Gương Mặt Thân Yêu (Thơ Sáu...»Bài 8: Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Nghĩ Về...

Bài 8: Viết Đoạn Văn Ghi Lại Cảm Nghĩ Về Một Bài Thơ Tự Do

Lý thuyết bài Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do môn Văn 8 bộ sách CTST. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Tìm hiểu tri thức kiểu bài

1. Đặc điểm

Đoặn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ tự do là đoạn văn thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của người đọc về một bài thơ tự do (thể thơ mà người viết không bị rằng buộc vào các quy tắc về số câu, số chữ, số dòng, cách gieo vần,…khi sáng tác).

2. Nội dung

Biểu đạt một nội dung tương đối trọn vẹn, gồm nhiều câu được liên kết với nhau, bắt đầu bằng chữ viết hoa lùi vào đầu dòng và kết thúc bằng dấu câu dùng để ngắt đoạn.

Trình bày cảm xúc của người viết về một bài thơ tự do

Sử dụng ngôi thứ nhất để chia sẻ cảm xúc.

Cấu trúc gồm ba phần:

  • Mở đoạn: giới thiệu nhan đề, tác giả và cảm nghĩ chung của người viết về bài thơ bằng một câu (câu chủ đề)
  • Thân đoạn: trình bày cảm xúc của bản thân về nội dung và nghệ thuật của bài thơ; làm rõ cảm xúc, suy nghĩ bằng những hình ảnh, từ ngữ được trích từ bài thơ
  • Kết đoạn: khẳng định lại cảm xúc về bài thơ và ý nghĩa của nó đối với bản thân

II. Phân tích kiểu văn bản

Câu 1: Xác định nội dung câu chủ đề, câu kết đoạn của đoạn văn

Nội dung câu chủ đề của đoạn văn: “Bài thơ Lời con của Phan Thị Thanh Nhàn đã đưa tôi về thế giới tuổi thơ hồn nhiên, đồng thời khiến tôi ngạc nhiên, thích thú vì những phát hiện tinh tế của nhà thơ về trẻ con.”

→ Giới thiệu nội dung chính của bài thơ Lời con của Phan Thị Thanh Nhàn.

Câu kết đoạn của đoạn văn: “Tôi thầm cảm ơn nhà thơ đã giúp tôi thấm thía một điều thiêng liêng, đối với cha mẹ, con cái luôn là món quà tuyệt vời nhất”.

→ Rút ra bài học và ý nghĩa thiêng liêng về tình yêu thương gia đình.

Câu 2: Tóm tắt phần thân đoạn

Thế giới hiện lên tươi đẹp, ngộ nghĩnh và hồn nhiên qua đôi mắt ngây thơ của con nhỏ, đã trở thành mạch nguồn trong lành, dạt dào gợi nhiều cảm xúc để tiếng thơ của mẹ cất thành lời.

Câu 3: Tác giả dùng ngôi thứ mấy để chia sẻ cảm nghĩ? Cảm xúc và suy nghĩ được thể hiện như thế nào trong bài viết?

Tác giả đã dùng ngôi thứ nhất để chia sẻ cảm nghĩ.

Cảm xúc và suy nghĩ được thể hiện trong bài viết: Cảm xúc ngạc nhiên, thích thú trước những suy nghĩ ngây ngô, hồn nhiên của con trẻ. Cùng những suy nghĩ nhẹ nhàng, sâu lắng trước tình cảm của người mẹ.

Câu 4: Tác giả đã sử dụng những bằng chứng nào trong bài thơ để làm rõ cảm nghĩ của mình?

Những bằng chứng trong bài thơ để làm rõ cảm nghĩ của mình là:

  • Chỉ có thể qua đôi mắt trẻ thơ, thế giới mới hiện lên trong veo, ngộ nghĩnh và thú vị đến thế: “cô-ti-vi”, “cái cây là con cô gió”, “ngâm thơ vào nước”…
  • Người mẹ muốn làm thơ nhưng cảm xúc chưa nảy sinh, câu chữ “cằn khô”. Đúng lúc này, những lời nói ngây thơ hằng ngày của con vang lên trong tâm trí mẹ khiến cảm xúc tuôn trào.

Câu 5: Tìm các phép liên kết được sử dụng trong đoạn vă

Các phép liên kết được sử dụng trong đoạn văn là:

  • Phép lặp từ ngữ “bài thơ”, “mẹ”, “con”.
  • Phép lặp cú pháp. Bài thơ Lời con của Phan Thị Thanh Nhàn đã đưa tôi về thế giới tuổi thơ hồn nhiên, đồng thời khiến tôi ngạc nhiên, thích thú vì những phát hiện tinh tế của nhà thơ về trẻ con. Chỉ có thể qua đôi mắt trẻ thơ, thế giới mới hiện lên trong veo, ngộ nghĩnh và thú vị đến thế: “cô-ti-vi”, “cái cây là con cô gió”, “ngâm thơ vào nước”…”

III. Viết theo quy trình

1. Chuẩn bị trước khi viết

Xác định đề tài, mục đích, thu thập tư liệu

2. Tìm ý, lập dàn ý

  • Mở đoạn: giới thiệu nhan đề, tên tác giả, nêu cảm nghĩ chung về bài thơ
  • Thân đoạn: Nêu các ý thể hiện cảm xúc và suy nghĩ về toàn bộ bài thơ hoặc một vài nét độc đáo của bài thơ.
  • Kết đoạn: Khẳng định lại cảm nghĩ về bài thơ và ý nghĩa của nó đối với bản thân

3. Viết đoạn

4. Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

*Tham khảo: Chọn một bài thơ tự do mà em yêu thích, viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ đó.

 Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của em về bài thơ " Lời của cây " của nhà thơ Trần Hữu Thung

Đọc bài thơ “Lời của cây” của nhà thơ Trần Hữu Thung, em vô cùng thích thú khi lắng nghe cây kể về cuộc đời của mình từ khi còn là một hạt mầm bé nhỏ đến khi nhú lên, xòe lá vươn mình trong nắng. Cả bài thơ sử dụng biện pháp nhân hóa thật đặc sắc, thổi hồn vào mầm cây, khiến cho mầm cây cũng có linh hồn, cảm xúc như con người. Bài thơ như câu chuyện thủ thỉ tâm tình nhẹ nhàng - lời kể bắt đầu từ khi cây còn là hạt mầm bé xíu: “Khi đang là hạt... Hạt nằm lặng thinh”. Điều thú vị nhất là khi hạt nảy mầm - mầm cây lúc đó là sự sống, đã có thể lắng nghe mọi vang âm của cuộc sống. “Khi hạt nảy mầm... Nghe tiếng ru hời”. Hình ảnh “Vỏ hạt làm nổi” là một liên tưởng vô cùng độc đáo, thú vị. Mầm cây bé xíu như đứa con được bao bọc, chở che, ru vỗ trong tình yêu thương. Điệp từ “nghe” nhấn mạnh niềm thích thú của mầm cây khi được lắng nghe âm thanh của cuộc sống. Thế rồi, một ngày: “Nghe mầm mở mắt/ Đón tia nắng hồng”. Chẳng mấy chốc mà mầm lá bé xinh đã lớn lên thành cây: “Khi cây đã thành... Bắt đầu bập bẹ”. Mầm cây như đứa trẻ đang lớn lên mỗi ngày, cất tiếng nói đầu tiên bằng màu xanh của lá. Khổ thơ cuối khép lại bài thơ như là lời hứa của cây: “Nay mai sẽ lớn Góp xanh đất trời”. Cây bé nhỏ sẽ góp phần hòa mình vào không gian xanh, làm cho đất trời thêm thanh bình, tươi đẹp. Nhà thơ Trần Hữu Thung chắc hẳn phải có trí tưởng tượng phong phú - hóa mình vào cây để kể chuyện cuộc đời; là người rất yêu mến, gắn bó với thiên nhiên. Cảm ơn nhà thơ đã cho em thấy thiên nhiên quanh ta có bao điều thú vị. Hãy quan sát cuộc sống xung quanh, hãy mở rộng tâm hồn để lắng nghe tiếng lòng của thiên nhiên, tạo vật.


Biên soạn: GV Phạm Thị Hải

SĐT: 0349731104 (bạn đọc thắc mắc liên hệ)

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Phạm Thị Hải

Bài 7: Làm Một Bài Thơ Sáu Chữ Hoặc Bảy Chữ
Bài 9: Nghe Và Tóm Tắt Nội Dung Thuyết Trình Của Người Khác