Table of Contents
I. Chuẩn bị trước khi đọc
1. Trả lời câu hỏi trước khi đọc
⇒ Tác phẩm viết về cuộc đời và chữ viết của người tù nhận án tử.
2. Tác giả
Nguyễn Tuân (10/07/1910 - 28/07/1987), ông sinh ngày 10 tháng 7 năm 1910 ở phố Hàng Bạc, Hà Nội, quê ở thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục (tên nôm là làng Mọc), nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Ông trưởng thành trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã tàn.
Nguyễn Tuân học đến cuối bậc Thành chung Nam Định (tương đương với cấp Trung học cơ sở hiện nay, tiền thân của trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định ngày nay) thì bị đuổi vì tham gia một cuộc bãi khóa phản đối mấy giáo viên Pháp nói xấu người Việt (1929).
Sau đó ít lâu ông lại bị tù vì đi qua biên giới tới Thái Lan mà không có giấy phép.
Sau khi ra tù, ông bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình.
Nguyễn Tuân cầm bút từ khoảng đầu những năm 1935, nhưng nổi tiếng từ năm 1938 với các tác phẩm tùy bút, bút ký có phong cách độc đáo như Vang bóng một thời, Một chuyến đi...
Năm 1941, Nguyễn Tuân lại bị bắt giam một lần nữa và gặp gỡ, tiếp xúc với những người hoạt động chính trị.
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân nhiệt tình tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới.
Từ 1948 đến 1957, ông giữ chức Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam.
Năm 1996, ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I).
Một số tác phẩm tiêu biểu:
- Vang bóng một thời (1940),
- Tùy bút sông Đà (1960),
- Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972), ...
Phong cách nghệ thuật
- Nguyễn Tuân có một phong cách nghệ thuật rất độc đáo và sâu sắc.
- Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể thâu tóm trong một chữ "ngông":
⇒ Thể hiện phong cách này, mỗi trang viết của Nguyễn Tuân đều muốn chứng tỏ tài hoa uyên bác. Và mọi sự vật được miêu tả dù chỉ là cái ăn cái uống, cũng được quan sát chủ yếu ở phương diện văn hoá, mỹ thuật.
⇒Trước Cách mạng tháng Tám, ông đi tìm cái đẹp của thời xưa còn vương sót lại và ông gọi là Vang bóng một thời.
Ông chủ trương chủ nghĩa xê dịch không thích cuộc sống trầm lặng, bình ổn nên ông đi suốt chiều dài đất nước để tìm những điều mới mẻ,độc đáo.
3. Tác phẩm
a. Xuất xứ
Truyện ngắn Chữ người tử tù lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng in năm 1939 trên tạp chí Tao đàn sau được tuyển in trong tập Vang bóng một thời
Vang bóng một thời in lần đầu năm 1940 gồm 11 truyện ngắn kết tinh tài năng tâm huyết của nhà văn, là văn phẩm đạt đến sự toàn thiện toàn mỹ.
b. Bố cục. 4 phần:
- Phần 1: cuộc trò chuyện giữa viên quản ngục và thầy thơ lại về Huấn Cao cùng tâm trạng lo lắng của viên quản ngục
- Phần 2: cuộc nhận tù nhân và sự đối xử đặc biệt của viên quản ngục dành cho Huấn Cao cùng tấm lòng ngưỡng mộ của viên quản ngục với Huấn Cao.
- Phần 3 (còn lại): Cảnh cho chữ
II. Đọc và theo dõi đọc
1.Theo dõi trong khi đọc
1.1 Tóm tắt nội dung cuộc trò chuyện giữa nhân vật quản ngục và thầy thơ lại
Viên quản ngục nhận được phiến trát có ghi tên sáu tên tù án chém, trong đó có Huấn Cao – người được khen tài viết chữ rất nhanh và đẹp. Viên quản ngục bảo thầy thơ lại quét dọn lại cái buồng trong cùng để cầm giữ Huấn Cao. Quản ngục và thơ lại cảm thấy tiếc một người nhiều tài như Huấn Cao lại phải chết.
1.2 Chú ý các chi tiết cho biết ngoại hình, suy nghĩ, lời nói, sở thích, môi trường sống của quản ngục và những câu văn khái quát được tính cách nhân vật này.
Đặc điểm | Chi tiết / câu văn |
Ngoại hình | Người ngồi đấy, đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu |
Suy nghĩ | Những đường nhăn nheo của một bộ mặt tư lự bây giờ biến mất hẳn, chỉ còn là mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ. |
Lời nói | Có lẽ lão bát này cũng là một người khá đây. Có lẽ hắn cũng như mình. Chọn nhầm nghề mất rồi. Một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người tài, hẳn không phải kẻ xấu hay là vô tình. Ta muốn biệt đãi ông Huấn Cao, ta muốn cho ông ta đỡ cực trong những ngày cuối cùng còn lại, nhưng chỉ sợ tên bát phẩm thơ lại này đem cáo giác với quan trên thì khó mà ở yên. Để mai ta dò ý tứ hắn lần nữa xem sao rồi sẽ liệu” |
Sở thích | Kính mến khí phách, biết trọng người tài |
Môi trường sống | Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc |
Tính cách | Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ. |
1.3 Theo bạn, viên quản ngục sẽ đối xử với Huấn Cao như thế nào? Chi tiết nào ở phần (1) có thể khiến bạn suy đoán như vậy.
Viên Quản ngục sẽ đối xử tốt với Huấn Cao, dành cho Huấn Cao những biệt đãi riêng.
Chi tiết:
- Yêu cầu thầy thơ lại dọn dẹp phòng giam cuối cùng
- Lời nói thể hiện ý muốn dò hỏi ý tứ thầy thơ lại để có thể biệt đãi Huấn Cao mà không bị phát giác
1.4 Hình dung hoàn cảnh của cuộc gặp gỡ giữa quản ngục và Huấn Cao
Huấn Cao và Viên quản ngục gặp nhau trong ngục tù. Huấn Cao xuất hiện với tư thế hiên ngang, bất khuất, lạnh lùng. Viên quản ngục hiền lành, lòng kiêng nể cố giữ kín đáo mà đã rõ quá rồi.
1.5 Huấn Cao đã tiếp nhận sự "biệt đãi” của quản ngục như thế nào?
Huấn Cao vẫn thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm. Tuy nhiên, khi quản ngục ngỏ ý muốn chu cấp thêm, Huấn Cao khẳng khái trả lời, mong muốn quản ngục không đặt chân vào đây.
1.6 Dự đoán xem Huấn Cao có bằng lòng cho chữ viên quản ngục không?
Huấn Cao có bằng lòng cho chữ quản ngục.
1.7 Lưu ý các chi tiết được tác giả sử dụng để dựng cảnh cho chữ.
Thời gian | Buổi đêm, trước ngày Huấn Cao bị đưa ra pháp trường | |
Không gian | Trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện tổ rập, đất bừa bãi phân chuột phân gián | |
Con người | Người cho chữ | Người nhận chữ |
Lời nói | Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy quản nên thay chốn ở đi.... | Kẻ mê muội này xin bái lĩnh |
Cử chỉ, Hành động | Đậm tô những nét chữ trên tấm lụa trắng tinh | Khúm múm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa. Cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào. |
1.8 Nhân vật Huấn Cao khuyên quản ngục điều gì? Quản ngục có thái độ như thế nào trước lời khuyên đó?
Huấn Cao khuyên: quản ngục nên thay chốn ở, nên tìm về nhà quê mà ở, thoát cái nghề này rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ.
Thái độ quản ngục: Cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào.
1.9 Nội dung câu chuyện được kể có giống với suy đoán của bạn lúc mới đọc nhan đề tác phẩm hay không.
Nội dung câu chuyện giống với dự đoán: cuộc đời người tử tù và tài viết chữ của người đó.
2. Sau khi đọc
2.1 Tóm tắt
Huấn Cao là người cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình nên bị kết án tử hình. Trước khi chịu án chém, ông bị đưa đến giam tại một nhà tù. Khi trát gửi đến nhà tù, biết trong danh sách có ông Huấn Cao, người nổi tiếng viết chữ đẹp, viên quản ngục đã cho thầy thơ lại bảo người quét dọn phòng giam nơi Huấn Cao và những người tử tù sẽ ở. Trong những ngày Huấn Cao ở tù, viên quản ngục đã biệt đãi ông và những người đồng chí của ông. Sở nguyện của viên quản ngục là xin được chữ viết của Huấn Cao. Lúc đầu, Huấn Cao tỏ ý khinh miệt viên quản ngục, nhưng khi hiểu được tấm lòng viên quản ngục, ông đã quyết định cho chữ vào cái đêm trước khi ông bị xử chém. Trong đêm cho chữ, ông Huấn Cao tay viết như rồng bay phượng múa trên tấm lụa bạch còn viên quán ngục và thầy thơ lại thì khúm núm đứng bên cạnh. Sau khi cho chữ, ông Huấn Cao khuyên viên quản ngục về quê để giữ cho "thiên lương" trong sáng. Viên quản ngục nghe lời khuyên của ông Huấn Cao một cách kính cẩn "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh".
2.2 Nội dung chính
Truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân đã khắc hoạ thành công hình tượng Huấn Cao – một con người tài hoa, có cái tâm trong sáng và khí phách hiên ngang, bất khuất. Qua đó, nhà văn thể hiện quan niệm về cái đẹp, khẳng định sự bất tử của cái đẹp và bộc lộ thầm kín tấm lòng yêu nước.
2.3 Nhan đề
Dòng chữ cuối cùng (Tạp chí Tao đàn,1939)
Chữ người tử tù (Tâp truyện Vang bóng một thời, 1940)
2.4 Chủ đề
Ngợi ca vẻ đẹp chữ viết và nhân cách một tử tù
Quan niệm về cái đẹp và tình dân tộc sâu sắc
2.5 Vài nét về nghệ thuật thư pháp
Thư pháp là nghệ thuật viết chữ đẹp (thường là chữ Hán ngày nay có thể là chữ quốc ngữ) bằng bút lông với mự tàu trên giấy, lụa hoặc khắc trên gỗ… để trang trí, để ngắm, để thờ…
Nét chữ thể hiện tâm hồn, tính cách, bản lĩnh, ước mơ, khát vọng, sự tài hoa… của người viết
Người viết chữ là người nghệ sĩ.
III. Tìm hiểu nội dung văn bản
1. Tình huống truyện
Khái niệm: Tình huống truyện là gì:
- là sự việc đặc biệt
- là cuộc sống hiện ra đậm đặc
- là sự thể hiện tư tưởng tác giả
⇒ Tình huống truyện của “Chữ người tử tù”: Cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao và quản ngục
a. Không gian gặp gỡ
Nhà tù | Buồng giam HC |
- Không gian của tội phạm - Ẩm thấp, bẩn thỉu - QC làm chủ =>Cuộc gặp của những kẻ đối nghịch | - Không gian của tử tù đặc biệt -Quét dọn sạch sẽ
- HC làm chủ =>Cuộc gặp của mối thâm tình. |
b. Thời gian và diễn biến cuộc gặp gỡ: Huấn Cao đợi ra pháp trường
Những ngày cuối cùng | Giờ phút cuối cùng |
Chưa thể gặp HC | Tâm sự Quản Ngục được hé lộ ( thầy Thơ ) |
QN bị mắng, đuổi >< HC đợi báo thù | QN được HC mời đến |
=>Dò xét, nghi kị, thách thức | =>Thấu hiểu, tin tưởng |
⇒ Thời gian và diễn biến cuộc gặp: kịch tính
c. Huấn Cao và Quản Ngục
Huấn Cao | Quan hệ | Quản ngục |
Tử tù | Chính trị: đối nghịch, loại trừ nhau | Cai tù |
Người viết chữ đẹp | Nghệ thuật: tri âm, tri kỉ | Người xin chữ đẹp |
Thân thể cầm tù >< Nhân cách tự do | Thân thể tự do >< Nhân cách cầm tù |
⇒ Quan hệ HC – QN: éo le, ngang trái
d. Ý nghĩa của tình huống truyện:
- Nổi bật vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao
- Sáng tỏ tấm lòng biệt nhỡn liên tài của viên quản ngục
- Thể hiện sâu sắc chủ đề của tác phẩm.
2. Lời kể về quản ngục
Lời về nhân vật quản ngục là của Nguyễn Tuân. Nó giúp người đọc cảm thấy viên quan ngục có những đặc điểm khác với cách mà người ta tưởng tượng là một kẻ đại diện cho xã hội cầm quyền. Viên quản ngục là một người hiền lành, nhân hậu, biết yêu và thưởng thức cái đẹp, là một “thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”.
3. Sự kiện tạo lên bước chuyển trong thái độ của Huấn Cao với người tử tù
Sự kiện thầy thơ lại gặp Huấn Cao, kể rõ sự tình và nỗi lòng của quản ngục.
Sau sự kiện ấy, Huấn Cao đã có cảm tình hơn với viên quản ngục và trân trọng tấm lòng biệt nhỡn liên tài của ông, đồng ý viết chữ tặng viên quản ngục.
4. Tính cách của Huấn Cao
a. Những chi tiết tiêu biểu cho thấy tính cách nhân vật Huấn Cao
- Huấn Cao lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thành gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái.
- Huấn Cao vẫn thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm
- Huấn Cao trả lời quản ngục: “Ta chỉ muốn một điều là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”
- Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô neys chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván.
- Huấn Cao khuyên quản ngục: “Ở đây lẫn lộn. ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi....Thầy nên tìm về quê nhà mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ.”
b. Là một nghệ sĩ tài hoa tuyệt đích
Tài hoa: viết chữ nhanh và đẹp (nghệ thuật thư pháp)
Được miêu tả gián tiếp qua các cuộc trò chuyện giữa viên quản ngục và thầy thơ lại; qua suy nghĩ, cảm xúc của quản ngục về “chữ ông Huấn Cao”; qua sở nguyện của viên quản ngục.
⇒ Tác giả “lấy gần để nói xa”, “lấy bóng để làm lộ hình”. Đây là một lối nói tất tinh tế, sáng tạo, tạo ra sự cuốn hút và vẻ đẹp tài hoa của Huấn Cao hiện lên một cách khách quan.
⇒ Trân trọng giá trị truyền thống. Qua đó, thể hiện tình thần dân tộc và lòng yêu nước kín đáo.
c. Là người có khí phách anh hùng
Đứng về phía nhân dân chống lại triều đình mà ông căm ghét.
Thể hiện qua:
- Hành động: Hiên ngang, ngạo nghễ.
- Thái độ: Bình thản, ung dung, tự tại.
- Lời nói: Khinh bạc, cứng cỏi.
⇒ Hành động, thái độ, lời nói đã tạo nên khí phách anh hùng của một nhà Nho.
⇒ Tác giả gửi gắm tình cảm thầm kín nhưng không kém phần sâu sắc đối với những chiến sĩ yêu nước.
d. Là người có nhân cách cao thượng
Thái độ, cách ứng xử đối với nghệ thuật: Huấn Cao “nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà phải ép mình viết câu đối bao giờ”, chỉ trao tặng cái đẹp cho người tri âm, tri kỉ.
Thái độ, cách ứng xử đối với con người: Trân trọng người yêu cái đẹp.
⇒ Vẻ đẹp nhân cách con người: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”.
⇒ Quan niệm thẩm mĩ của nhà văn: Cái đẹp và cái thiện không thể tách rời nhau; Một nhân cách cao đệp bao giờ cũng là sự thống nhất giữa cái tâm và cái tài. (quan niệm thẩm mĩ tiến bộ)
⇒ Đặc điểm tính cách: Huấn Cao là một con người tài hoa, có cái tâm trong sáng và khí phách hiên ngang, bất khuất.
e. Nét tương đồng giữa Tử Văn và Huấn Cao
Tử Văn và Huấn Cao đều là những con người mang trong mình một thái độ “ngông”. “Ngông” ở đây không phải “ngông ngênh” mà là thái độ hiên ngang, bất khuất, đầy bản lĩnh, không bao giờ đầu hàng trước cái xấu, cái ác, luôn đấu tranh bảo vệ chính nghĩa.
5. Nhân vật Viên quản ngục
a. Hoàn cảnh
- Nghề nghiệp và môi trường sống: cai ngục trong đề lao (nơi người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, một đống cặn bã, ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt) -> Khó giữ được thiên lương, phẩm giá của con người.
- Sở thích: có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết -> Cao quý, trái ngược với công việc mà ông làm.
- Cuộc gặp gỡ đầy trớ trêu với Huấn Cao, một người ông mến mộ trong nhà lao khi ông là cai ngục mà Huấn Cao lại là tử tù -> Đặt viên quản ngục vào một tình thế trớ trêu, khó xử nhưng đồng thời cũng làm nổi bật tính cách, phẩm chất tốt đẹp của ông.
b.Tính cách, phẩm chất:
Được thể hiện qua lời kể của tác giả trong phần 1:
- Ngoại hình: đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu.
- Lời nói: qua cuộc đối thoại với thầy thơ lại thể hiện sự mến mộ ông Huấn nhưng vẫn giữ đúng phép tắc.
- Suy nghĩ: về sự kính mến khí phách, biết tiếc, biết trọng người tài của thầy thơ lại và mong muốn sẽ biệt đãi ông Huấn Cao những ngày cuối đời.
Những câu văn khái quát nhân vật:
- Tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ.
- Những cái thuần khiến vào giữa một đống cặn bã.
- Những người có tâm điền tốt và thẳng thắn lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt.
- Qua lời kể của tác giả, người đọc có cái nhìn tốt đẹp và thiện cảm hơn với viên quản ngục.
- Được thể hiện qua hành động biệt đãi và xin chữ Huấn Cao:
Biệt đãi Huấn Cao:
- Khi nghe tin Huấn Cao là tử tù: nảy sinh ý định muốn biệt đãi, muốn cho ông ta đỡ cực những ngày cuối cùng còn lại.
- Khi đón nhận tù nhân: viên quan coi ngục nhìn sáu tên tù mới vào với cặp mắt hiền lành, lòng kiêng nể, biệt nhỡn riêng với Huấn Cao.
- Những ngày Huấn Cao ở tù: suốt nửa tháng, ngày nào cũng tiếp đãi rượu thịt; trực tiếp vào buồng giam bày tỏ: “Biết ngày là một người có nghĩa khí, tôi muốn châm chước ít nhiều” và không đặt chân vào buồng giam khi Huấn Cao yêu cầu. Trước Huấn Cao, viên quản ngục chỉ coi mình là một kẻ tiểu lại giữ tù không là gì so với ông Huấn.
Xin chữ ông Huấn:
- Trăn trở, khổ tâm khi không thể tiếp cận ông Huấn.
- Tái nhợt người khi tiếp đọc công văn sáng sớm hôm sau ông Huấn và đồng chí bị áp giải ra pháp trường. Kể rõ tâm tình để thầy thơ lại giúp.
- Khúm núm, vái lạy và khóc xin bãi lĩnh khi ông Huấn cho chữ.
- Qua hành động biệt đãi và xin chữ Huấn Cao, viên quản ngục càng thể hiện rõ tính cách tốt đẹp biệt nhỡn liên tài.
c. Đánh giá:
- Nhà văn Nguyễn Tuân đã sử dụng bút pháp tương phản, đối lập, ngôn ngữ kể đậm chất cổ xưa, trang trọng để khắc hoạ thành công nhân vật viên quản ngục.
- Chân dung viên quản ngục là một người trọng khí phách, mến tài năng, yêu và say mê cái đẹp, sẵn sàng thay đổi bản thân vì cái đẹp.
Nhân vật thể hiện quan điểm thẩm mĩ sâu sắc, nhân sinh: cái đẹp có khả năng cảm hoá con người.
6. Cảnh cho chữ
a. Cảnh cho chữ là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có bởi nó xuất hiện trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt:
- Thời gian: Đêm khuya-Ngày cuối cùng trước khi Huấn Cao bị tử hình.
- Không gian: Buồng giam chật hẹp, bẩn thỉu, ẩm ướt
Mùi thơm của nghiên mực >< mùi hôi hám, ấm mốc của căn buồng giam
Thời gian và không gian cho chữ xưa nay chưa từng có khi cái đẹp lại được sáng tạo giữa chốn hôi hám, nhơ bẩn ; thiên lương cao cả lại toả sáng ở chính cái nơi mà bóng tối và cái ác đang ngự trị.
- Sự đối lập về hoàn cảnh giữa 2 con người
Người cho chữ | Người nhận chữ |
-Người cầm đầu chống lại triều đình
-Mất tự do về thể xác nhưng tự do trong tâm hồn -Cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang tô đậm những nét chữ trên nền lụa trắng tinh | -Một viên chức trong bộ máy cai trị,đại diện của thế lực đen tối. -Tự do về thể xác nhưng mất tự do trong tâm hồn -Khúm núm,run run,kính cẩn,vái lạy |
- Tuy đối lập về hoàn cảnh nhưng họ lại là những con người đồng điệu về tính cách. Đó là sự đồng điệu giữa một con người tài hoa tạo ra cái đẹp và một người tiếp nhận,yêu và say mê cái đẹp. Trên bình diện xã hội,họ có thể đối lập nhau nhưng trên bình diện nghệ thuật, họ là tri kỉ, đều là những con người yêu và say mê cái đẹp.
⇒ Hoàn cảnh cho chữ độc lập cùng những tương đồng, đối lập trong con người đã tạo nên một cảnh cho chữ “xưa nay chưa từng có”.
b. Ý nghĩa của “ Cảnh cho chữ”
Thể hiện sâu sắc chủ đề tác phẩm:
- Khẳng định sự chiến thắng của ánh sáng đối với bóng tối, của cái đẹp đối với cái xấu xa, nhơ bẩn, của cái thiện đối với cái ác,...
- Khẳng định sự bất tử của cái đẹp: cái đẹp có thể bị cầm tù, bức hại nhưng nó không thể bị huỷ diệt. (Việc HC cho chữ là sự bàn giao lại cái đẹp để cái đẹp trở thành bất tử. Ngày mai, HC vào kinh thụ án nhưng di bút và di ngôn của ông để lại cho hậu thế đủ để ông đi vào cõi trường tồn).
Phát huy triệt để sức mạnh của thủ pháp nghệ thuật đối lập tương phản, của bút pháp lãng mạn, sử dụng với tần số cao các từ HV, huy động kiến thức ở nhiều lĩnh vực như hội hoạ, điện ảnh, lịch sử,... cùng ngôn ngữ miêu tả giàu chất tại hình, HC không chỉ làm nổi bật hình tượng HC và VQN mà còn thể hiện tài năng bậc thầy của mình trong việc “phục chế” không khí cổ xưa, hoàn thành tâm nguyện lưu giữ vẻ đẹp “vang bóng một thời” cho muôn đời.
Nghệ thuật:
- Đối lập, tương phản
Cái chật hẹp, ẩm thấp, hôi hám, tối tăm của nhà tù và đêm khuya
Ánh sáng rực rỡ của bó đuốc tẩm dầu, của vuông lụa trắng tinh, của mùi thơm từ chậu mực.
⇒ Sự đối lập tương phản giữa ánh sáng và bóng tối; cái thiện và cái ác; cái cao cả và cái thấp hèn; cái đẹp và sự tầm thường, đề tiện...
- nhịp điệu chậm rãi, câu văn giàu hình ảnh
⇒ Cảnh cho chữ giống như một đoạn phim quay chậm, từng hình ảnh, động tác hiện dần lên dưới ngòi bút “đậm chất điện ảnh” của nhà văn: trên cái nền đen kịt của trại giam là vầng sáng đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu. Dưới vầng sáng trang trọng và rực rỡ đó, ba con người đang chụm đầu vào nhau quanh một tấm lụa còn nguyên vẹn lần hồ. Vuông lụa trắng là điểm sáng nhất của vầng sáng ấy. Trên đó, từng nét chữ đang tượng hình, từng con chữ đang ra đời→ Cái đẹp được khai sinh ngay giữa nhà tù, giữa chốn hôi hám, nhơ bẩn, giữa nơi bóng tối và cái ác đang ngự trị
7. Thông điệp của tác giả
Người ta chỉ có thể thưởng thức cái đẹp khi tâm hồn mình trong sáng.
Người thưởng thức chữ không chỉ thưởng thức bằng thị giác mà còn bằng cả tâm hồn.
Cái đẹp sẽ vươn lên và chiến thắng được cái ác.
IV. Đọc kết nối với viết
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một yếu tố nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn Chữ người tử tù.
Đoạn văn tham khảo:
Trong tác phẩm Chữ người tử tù của nhà văn kỳ tài Nguyễn Tuân, thì cảnh cho chữ được coi là một “cảnh tượng xưa nay chưa từng có”. Trước hết bởi hoàn cảnh diễn ra nó vô cùng đặc biệt: vào buổi đêm – trước khi Huấn Cao ra pháp trường đối mặt với cái chết. Huấn Cao đã viết chữ tặng viên quản ngục ngay trong ngục tù hôi hám, bẩn thỉu. Cái đẹp lại được sáng tạo giữa chốn hôi hám, nhơ bẩn; thiên lương cao cả lại toả sáng ở chính cái nơi mà bóng tối và cái ác đang ngự trị. Huấn cao – một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiêng đang dậm tô những nét chữ tài hoa với một tư thế đĩnh đạc, hiên ngang. Viên quản ngục – người đại diện cho sự thống trị lại trong tư thế khúm núm, kính cẩn xin chữ. Tuy đối lập về hoàn cảnh nhưng họ lại bắt gặp sự đồng điệu giữa một con người tài hoa tạo ra cái đẹp và một người tiếp nhận, say mê cái đẹp. Qua đó, tác giả đã gửi gắm thông điệp: cái đẹp luôn toả sáng trong mọi hoàn cảnh, cái đẹp có sức cảm hoá và chiến thắng cái xấu, cái ác.
Biên soạn: GV Nguyễn Duy Tuấn
SĐT: 0945 441181
Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419
Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM
Fanpage: https://www.fb.com/ttductri