Picture of the author
Picture of the author
SGK KNTT Ngữ Văn 10»Bài 4: Sức Sống Của Sử Thi»Bài 3: Đăm Săn Đi Bắt Nữ Thần Mặt Trời

Bài 3: Đăm Săn Đi Bắt Nữ Thần Mặt Trời

Lý thuyết bài Đăm Săn Đi Bắt Nữ Thần Mặt Trời môn Văn 10 bộ sách KNTT bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

nu-than-mat-troi

I. Chuẩn bị trước khi đọc

1. Chuẩn bị

Trả lời các câu hỏi

Câu 1. Tìm hiểu và chia sẻ với các bạn thông tin về một số đặc điểm văn hóa của người Ê-đê (ví dụ: trang phục, ẩm thực, nhà ở, lễ hội,…)

Người Ê-đê có những nét văn hóa rất đặc sắc trong đời sống cũng như sinh hoạt cộng đồng, được thể hiện ở một số điểm sau:

  • Nhà ở: người Ê-đê thường dựng nhà dài, vừa là nơi ở vừa là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa.
  • Trang phục: màu xám hoặc màu chàm, có hoa văn sặc sỡ. Nữ thường quấn váy, nam thì mặc áo và đóng khố; thường dùng trang phục bằng bạc, đồng, hạt cườm.
  • Ẩm thực: người dân Ê-đê ưa dùng thảo dược, gia vị và thực phẩm tươi sống.
  • Lễ hội: người dân Ê-đê có cây nêu ngày Tết, ghế Kpan, cồng chiêng, lễ khôn lớn, lễ hội mùa xuân, lễ hội cúng bến,...
  • Ngoài ra, người Ê-đê còn có văn hóa mẫu hệ và rất coi trọng đời sống tâm linh.

Câu 2. Tìm hiểu ý nghĩa của biểu tượng mặt trời trong một số nền văn hóa

Ở nhiều nơi quan niệm mặt trời là sự sống, ánh sáng và niềm may mắn đối với mỗi cá nhân, đất nước.

Vd. Thần mặt trời Surya trong văn hóa người Ấn Độ

Thần mặt trời là một vị thần quan trọng bậc nhất trong các vị thần trên thế giới và được tôn thờ ở nhiều nơi, trong nhiều nền văn hóa trên thế giới. Theo thần thoại của Ấn Độ, thần Surya chủ trì về ánh sáng là minh trí của tất cả các sinh vật, biểu thị bằng 12 nguyên lý tối cao và là nguyên nhân cũng như cứu cánh của tất cả những gì xuất hiện trong quá khứ, hiện tại và vị lai. 

2. Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm

Sử thi Đăm Săn

  • Tên đầy đủ Bài ca về chàng Đăm Săn, của người Ê-đê, Tây Nguyên.
  • Dung lượng: 2.077 câu
  • Hình thức diễn xướng theo lối kể khan, trong đó già làng vừa kể, vừa hát, vừa biểu lộ nét mặt, điệu bộ để diễn tả câu chuyện bên bếp lửa nhiều đêm liền, trong các nhà dài, trên chòi rẫy, vào dịp lễ hội hay lúc nông nhàn.

Xuất xứ:

Đăm Săn đi bắt Nữ thần Mặt Trời là đoạn trích trong sử thi Đăm Săn (hay còn gọi là Bài ca chàng Đăm Săn)

Thể loại

  • Sử thi là tác phẩm tự sự dân gian có quy mô lớn, sử dụng ngôn ngữ có vần, nhịp, xây dựng những hình tượng nghệ thuật hoành tráng, hào hùng để kể về một hoặc nhiều biến cố lớn diễn ra trong đời sống cộng đồng của cư dân thời cổ đại.
  • Nội dung của sử thi có tính rộng lớn, kể về sự kiện trọng đại của quá khứ, biểu hiện toàn bộ đời sống văn hóa, lịch sử của cộng đồng, thể hiện quá trình vận động của tộc người đó qua các giai đoạn khác nhau.
  • Nghệ thuật: sử thi là những câu chuyện kể văn xuôi xen lẫn văn vần, có sử dụng các yếu thành ngữ, tục ngữ, những từ ngữ cổ, hình thức nghệ thuật ngôn từ dân gian.

II. Trải nghiệm cùng văn bản

1. Đọc văn bản

2. Trả lời câu hỏi đọc hiểu

Câu 1. Chú ý các chi tiết mô tả Đăm Săn khi đến nhà Đăm Par Kvây

Gợi ý.

Những chi tiết miêu tả Đăm Săn khi đến nhà Đăm Par Kvây là:

  • Chàng giậm chân trên sàn sân, hai lần sàn sân làm như vỗ cánh, bảy hàng cột nhà chao qua chao lại từ đông sang tây.
  • Chàng giắt chà gạc lên, rồi ngồi xuống, trông nghênh nghênh như con rắn trong hang, ngang ngang như con cọp trong đầm, như con tê giác trong thung.
  • Chàng nói nói cười cười, tiếng oang oang như sấm gầm sét dậy.

Câu 2. Hình dung cảnh tiếp đón Đăm Săn trong nhà Đăm Par Kvây. Chú ý các chi tiết về đời sống văn hóa và phong tục của người Ê-đê

Gợi ý.

Đăm Săn được tiếp đón như một khách quý trong nhà Đăm Par Kvây, họ trải chiếu, mang thuốc sợi, thuốc lá, trầu cho Đăm Săn hút, ăn. Họ giết gà, giã gạo, nấu cơm mời Đăm Săn. Không những thế còn mang rất nhiều thứ rượu quý mời chàng uống.

Câu 3. Dự báo về hành trình tới nhà Nữ Thần Mặt Trời

Gợi ý.

Khi ở nhà Đăm Par Kvây, lúc biết ý định đến nhà Nữ Thần Mặt Trời của Đăm Săn, mọi người đều khuyên chàng không nên đi, “rừng này nhiều cọp, đường này nhiều rắn, không ai vào bắt Nữ Thần Mặt Trời được đâu! Đường đi hái cà người ta trồng chông lớn, đường đi hái ớt người ta trồng chông nhỏ, người lớn đi chết đằng người lớn, nhà giàu đi chết đằng nhà giàu, dũng tướng đi chết đằng dũng tướng”.

Từ đó có thể dự đoán hành trình tới nhà Nữ Thần Mặt Trời là con đường không hề dễ dàng.

Câu 4. Lời khuyên của Đăm Par Kvây với Đăm Săn

Gợi ý.

Đăm Par Kvây đã khuyên Đăm Săn: “Tôi cột diêng bằng thừng, tôi trói diêng bằng dây, tôi không cho diêng đi vào đấy đâu. Tôi xin cúng cầu phúc cho diêng một lợn, tôi xin tiễn chân diêng một trâu, tôi không cho diêng đi vào rừng thiêng của Nhà Trời đâu. Ở đây, chông lớn nhiều như lông nhím, chông nhỏ nhiều như lông chó, con sóc nhảy vào thân nó cũng khó mà vẹn toàn nữa là!”

Câu 5. Chú ý thái độ của Đăm Săn khi nghe lời khuyên của Đăm Par Kvây?

Gợi ý.

Khi được Đăm Par Kvây khuyên, Đăm Săn vẫn quyết tâm giữ vững ý định đi bắt Nữ Thần Mặt Trời về làm vợ của mình, chàng cương quyết, không run sợ trước những lời cảnh báo đó mà ngược lại còn quyết tâm đi hơn “Gặp cọp, tôi sẽ giết cọp. Gặp tê giác, tôi sẽ giết tê giác”. Chàng tự tin không ai dám chống lại người tù trưởng giàu mạnh đầu đội khăn nhiễu, vai mang vải hoa là mình.

Câu 6. Đối chiếu từ ngữ miêu tả ngôi nhà Nữ Thần Mặt Trời với phần chú thích văn bản

Gợi ý.

Ngôi nhà của Nữ Thần Mặt Trời trong văn bản với phần chú thích được miêu tả đồng nhất, đều là nơi quạnh vắng, đìu hiu và hiu hắt. Mãi tới khi đến tận cửa nhà mới có tiếng người, tiếng cười nói và quang cảnh tấp nập của cuộc sống sinh hoạt ngày thường.

Câu 7. Hình dung về cảnh tượng ngôi nhà Nữ Thần Mặt Trời

Gợi ý.

Ngôi nhà của Nữ Thần Mặt Trời được miêu tả trong văn bản hiện lên xinh đẹp và lấp lánh với mọi thứ bằng vàng, cho thấy sự sang trọng và giàu có. Mặt trăng, mặt trời, sấm chớp và các hiện tượng thiên nhiên bao quanh ngôi nhà tạo nên khung cảnh tấp nập, ồn ào, náo nhiệt.

Câu 8. Tưởng tượng về hình ảnh Nữ Thần Mặt Trời

Gợi ý.

Qua lời thoại và sự tôn kính của người hầu dành cho Nữ Thần Mặt Trời, gợi cho em suy nghĩ đây là một người phụ nữ xinh đẹp và quyền năng, quý phái, được tất cả mọi người ngưỡng mộ và tôn trọng.

Câu 9. Vì sao Nữ Thần Mặt Trời từ chối Đăm Săn?

Gợi ý.

Nữ Thần Mặt Trời từ chối Đăm Săn vì nàng còn phải lo cho sinh mệnh, sự sống của rất nhiều loài vật trên trái đất này. Nếu nàng đi, rất nhiều sự vật không thể tiếp tục tồn tại và sống được nữa, hơn thế, nàng còn là con của Trời nên nàng không thể đi cùng Đăm Săn.

Câu 10. Lưu ý phản ứng của Đăm Săn khi bị Nữ Thần Mặt Trời từ chối.

Gợi ý.

Khi bị Nữ Thần Mặt Trời từ chối, Đăm Săn ban đầu vẫn giữ thái độ kiên quyết, “tôi không về”, “có lấy được nàng tôi mới về”,… Nhưng sau đó, khi Nữ Thần Mặt Trời vẫn không thay đổi quyết định, chàng đành từ bỏ, “tôi đành quay về làng hoang nhà cũ của tôi vậy”

Câu 11. Tưởng tượng cảnh Đăm Săn trong Rừng Đen?

Gợi ý.

Đăm Săn khi ra về rất có thể sẽ phải chịu sự trừng phạt của thần Trời vì đã mạo phạm đến con gái ngài, có thể là bị sét đánh, ngã ngựa, bị thiêu chết hoặc bị dìm chết.

3. Tìm hiểu chung

a. Tóm tắt

Sau khi đã chiến thắng Mtao Grự và Mtao Mxây để giải cứu Hơ Nhị, Đăm Săn trở thành một tù trưởng giàu mạnh, tiếng tăm lừng lẫy khắp núi rừng. Nhưng chàng vẫn quyết tâm ra đi để chinh phục Nữ thần Mặt Trời, muốn bắt nàng về làm vợ lẽ cho mình. Đăm Săn đã một mình đi suốt nhiều ngày liền, băng rừng vượt núi để đến nhà Nữ thần Mặt Trời, tuy nhiên chàng đã bị từ chối. Đăm Săn ngang nhiên ra về, mặc cho Nữ thần Mặt Trời cảnh báo chàng sẽ chết khi mặt trời lên. Trên đường về, cả người và ngựa của Đăm Săn đều bị kéo chìm xuống bùn lầy.

b. Bố cục

Phần 1: Đăm Săn đến nhà của Đăm Par Kvây để nói về ý định đi tìm Nữ Thần Mặt Trời của mình 

Phần 2: Hành trình tìm đường đến nhà Nữ Thần Mặt Trời của Đăm Săn

Phần 3: Đoạn 3: cảnh Đăm Săn trở về và phải gánh chịu hậu quả là hình phạt của thần Trời và thần Đất

III. Suy ngẫm và phản hồi

1. Những sự kiện chính trong đoạn trích

Đăm Săn đi gặp “ơ diêng” - người bạn, bằng hữu thân thiết của mình là Đăm Par Kvây để nói về ý định đi bắt Nữ thần Mặt Trời của mình.

Đăm Săn lên đường ra đi, đến nhà của Nữ Thần Mặt Trời, vượt biết bao là rừng rậm núi xanh.

Đăm Săn nói chuyện với Nữ Thần Mặt Trời về việc muốn nàng làm người vợ lẽ của mình với thái độ rất kiên quyết và bị từ chối.

Đăm Săn ra về, nhưng ngựa của chàng bị lún dần xuống mặt đất và cuối cùng của người và ngựa đều chết chìm.

⇒ Những sự kiện trên cho thấy Đăm Săn là người anh hùng tiêu biểu của sử thi với những phẩm chất như dũng cảm, kiên cường, ý chí và nghị lực phi thường, có tài trí hơn người; có lý tưởng cao cả, khát vọng lớn lao. Đây đều là những phẩm chất tiêu biểu của người anh hùng trong sử thi.

2. Nhân vật Đăm Săn

Ngoại hình:

  • Chàng giắt chà gạc lên, rồi ngồi xuống, trông nghênh nghênh như con rắn trong hang, ngang như con cọp trong đầm, như con tê giác trong thung.
  •  chàng oai như một vị thần…
  • …Mặc một áo lụa đẹp, khoác ngoài một áo chiến cũng thật là đẹp. lông chân như trãi, lông đũi như chuốt, tiếng nghe như chong chóng gõ mõ.

⇒ Nhân vật mang vẻ đẹp ngoại hình phi thường, mạnh mẽ

Hành động dứt khoát, dũng cảm, kiên quyết:

  • Chồm lên hai lần, chàng leo hết cầu thang. Chàng dậm chân trên sàn sân, hai lần sàn sân làm như vỗ cánh, bảy hàng cột nhà chao qua chao lại từ đông sang tây.
  • Chàng nói nói cười cười, tiếng oang oang như sấm gầm sét dậy.
  • Chàng đi hết rừng rậm núi xanh, cỏ tranh xé tay, gai mây đâm chân, không màng ăn uống. Chàng đi, đi mãi…

Lời nói:

  • Tôi đi đây chẳng vì công việc này, cũng không vì việc nọ. tôi đến rủ diêng muốn cùng diêng giáp mặt bàn xem chúng ta đi bắt Nữ Thần Mặt Trời có được hay không.
  • Người dũng tướng chắc chết mười mươi cũng không lùi bước há cũng không vào đó được sao…Diêng không cho tôi đi tôi cũng mặc…
  • Tôi không về. với cây trà gạc phát rẫy này, tôi đã rạch rừng tôi đi. Tôi đã giết tê giác trong thung, giết cọp beo trên núi, giết kên kên quạ dữ trên ngọn cây, chém ma thiêng ác quỷ trên đường đi. Tôi thương nàng da diết, lòng dạ tôi khôn nguôi, vì vậy tôi đã đến đây với nàng, muốn cùng nàng nên nghĩa vợ chồng, có lấy được nàng tôi mới về.

⇒ Lời nói thể hiện ý chí mãnh liệt và khát vọng lớn lao muốn chinh phục của nhân vật Đam Săn.

Vẻ đẹp tính cách: Dũng cảm, phi thường, có khát vọng và lý tưởng lớn lao; sự kiên trì và quyết tâm thực hiện hành động; mang ý chí tự do.

⇒ Ý nghĩa của hình tượng nhân vật Đăm Săn là nhân vật đại diện cho cộng đồng, là hiện thân cho vẻ đẹp và sức mạnh hình thể, phẩm chất dũng cảm, khát vọng lớn lao chinh phục tự nhiên mở mang lãnh thổ, ý chí tự do của cộng đồng Ê-đê.

3. Nhân vật Nữ Thần Mặt Trời

a. Không gian nhà của nữ thần:

  • Cầu thang trông như cái cầu vồng. Cối dã gạo bằng vàng, chày cũng bằng vàng. Chày của tù trưởng giàu có này dã gạo trông cứ lấp la lấp lánh.
  • Tòa nhà dài dằng giặc, voi vây chặt sàn sân, như vò vẽ di chuyển hoa, các xà ngang xà dọc đều thiếp vàng. Khắp các nhà giàu có, không thấy đâu có một ngôi nhà như vậy cả.

⇒ Nữ thần mặt trời là biểu tượng của những vùng đất mới.

b. Ngoại hình

  • Nàng mặc một váy ánh như sét, loáng như chớp. mái tóc vàng vén bên tai trông thật là đẹp.
  • Tiếng nàng lanh lảnh người chưa tới mà tiếng đã vẳng lại.
  • Trước mặt Đăm Săn là một cô gái có thân hình như cái nụ tai, cổ như cổ công, nàng rõ ràng là con của thần đất và thần trời.

c. Hành động

  • Nàng đi trông như diều bay ó liệng, như nước lững lờ trôi cũng không bằng.
  • Lỡ chân bước hụt chăng, nàng liền tần ngần đứng lại hay ngồi xuống không một ai giống nàng cả.

⇒ Nữ Thần Mặt Trời biểu trưng của chế độ mẫu hệ với vẻ đẹp quyền lực và nữ tính.

d. Lời nói

  • Nếu ta đi thì lợn dưới gà trên, cọp tê giác trâu ngự sẽ chết hết. Chết cả người Kur, người Lào vì hết đất làm nương. Chết cả người Ê-đê Ê-ga vì không còn nước uống. Chết cả gầm ghì cu xanh vì không còn trái ăn. Nếu ta đi, cây trong rừng sẽ tuyệt diệt, cây trên rú sẽ chết khô, lau lách sẽ ngừng đâm chồi, cỏ cây sẽ tàn lụi, đất đai sẽ nứt nẻ, sông suối sẽ cạn khô.
  • Ta là con của Thần trời…

⇒ Nữ Thần Mặt Trời là biểu trưng cho sức mạnh của tự nhiên.

e. Ý nghĩa của hình tượng nhân vật: Nữ Thần Mặt Trời là biểu tượng cho chế độ mẫu hệ trong văn hóa của đồng bào Ê-đê; biểu tượng cho những khát vọng, ước mơ chinh phục thiên nhiên của con người.

4. Ý nghĩa hành động Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời

a. Hành động đi bắt Nữ Thần Mặt Trời của Đam Săn có ý nghĩa:

Thể hiện khát vọng lớn lao và phẩm chất dũng cảm, phi thường của Đam Săn thể hiện khát vọng chinh phục tự nhiên của cộng đồng dân tộc Ê Đê.

Hành động quyết tâm chinh phục Nữ Thần Mặt Trời của Đam Săn còn là biểu tượng cho xung đột quyền lực giữa người đàn ông và người phụ nữ trong xã hội mẫu hệ Ê Đê.

Hành động quyết tâm đi bắt Nữ Thần Mặt Trời của Đam Săn biểu trưng cho khát vọng chinh phục những vùng đất mới của cộng đồng.

Đam Săn quyết tâm đi bắt Nữ Thần Mặt Trời bất chấp can ngăn của mọi người. Hành động đó thể hiện ý chí tự do của người anh hùng mang lý tưởng cộng đồng.

b. Hành động kiên quyết trở về của Đam Săn dù biết mình sẽ chết trong rừng Sáp Đen có ý nghĩa:

Thể hiện quan niệm của cộng đồng: Nhân vật sử thi là nhân vật hành sử theo nguyên tắc danh dự. Đây là đặc điểm thống nhất của nhiều mẫu hình anh hùng sử thi ở nhiều dân tộc trên thế giới. Hành động quyết tâm đi bắt Nữ Thần Mặt Trời hay quyết tâm trở về sau khi ý nguyện không thành của Đăm Săn cũng thể hiện nguyên tắc danh dự của người anh hùng Ê Đê.

Nhân vật sử thi là nhân vật của cộng đồng. Họ là một phần của xóm làng. Dù có chinh phục miền đất mới, phiêu lưu tới những xứ sở xa xôi thì nơi chốn thực sự của họ bao giờ cũng là quê hương, cộng đồng của mình.

Sứ mệnh của Đăm Săn là phục vụ cho cộng đồng của mình. Hành động của Đam Săn đại diện cho ý nguyện của cộng đồng. Vì thế khi ý nguyện không thành, Đăm Săn phải quay trở lại với cộng đồng của mình, dù hành trình đó đầy những thử thách và nguy hiểm. Người anh hùng sử thi cũng đại diện cho ý chí tự do của con người, thậm chí vì ý chí tự do này mà nhân vật có thể chống lại định mệnh.

Hành động Đăm Săn bất chấp cảnh báo của Nữ Thần Mặt Trời cũng có thể biểu hiện những nỗ lực chống lại định mệnh để khẳng định ý chí tự do của con người.

c. Ý nghĩa cái chết của Đăm Săn:

Cái chết của Đăm Săn càng tô đậm phẩm chất dũng cảm, ý chí tự do, quyết tâm mãnh liệt và ý thức về danh dự của người anh hùng dù có chết cũng không từ bỏ lý tưởng của mình.

Cái chết là một thách thức mới và cũng là thách thức cao nhất cho ý chí tự do và lòng can đảm của Đăm Săn.

Mô tả cái chết của Đăm Săn là nhằm nhấn mạnh sự tái sinh của Đăm Săn trong hình tượng Đăm Săn cháu, người sẽ tiếp nối hành trình của cậu trong phần tiếp theo của sử thi.

Cái chết của Đăm Săn thể hiện bi kịch của người anh hùng trong hành trình chinh phục thiên nhiên, những vùng đất mới, khát vọng của họ.

5. Đặc sắc về nghệ thuật

a. Ngôn ngữ người kể chuyện và giọng điệu

Người kể chuyện ở ngôi thứ 3, kể từ điểm nhìn bên ngoài, là người kể chuyện hòa mình vào đám đông vào cộng đồng để kể câu chuyện về chàng Đăm Săn “Ai ai cũng từng nghe đồn Đăm Săn là một tù trưởng giàu mạnh, đầu đội khăn nhiễu, vai mang vải hoa; tiếng xì xào ca ngợi chàng đã vọng tới tai Nữ Thần Mặt Trời ở nhà trong; Khắp các tù trưởng không một ai như chàng Đăm Săn cả…”

Giọng điệu ngợi ca là giọng điệu xuyên suốt văn bản, được thể hiện qua thủ pháp khoa trương, trùng điệp, lối so sánh ví von, cách sử dụng các tính ngữ cố định (cụm tính từ được lặp đi lặp lại chỉ đặc điểm của nhân vật) nhằm tô đậm vẻ đẹp và phẩm chát phi thường của chàng Đăm Săn. (“ Chàng giậm chân trên sàn sân, hai lần sàn sân như vỗ cánh, bay hàng cột nhà chao qua chao lại từ đông sang tây. Chàng giắt chà gạc lên, rồi ngồi xuống, trông nghênh nghênh như con cọp trong đầm, con tê giác trong thung. Chàng nói nói cười cười, tiếng oang oang như sấm gầm sét dậy”).

Giọng điệu ngợi ca cũng được thể hiện qua lời bình luận trực tiếp của người kể chuyện và nhịp điệu chậm rãi, khoan thai của lời kể.

Lời kể trong sử thi Đăm Săn có sự phối hợp khéo léo và hài hòa giữa kể, tả, bình luận, lôi cuốn người đọc bằng lối miêu tả tỉ mỉ, giúp người đọc hình dung được một cách sống động về nhân vật, bối cảnh. Lời kể này vừa rất tiêu biểu cho lời kể sử thi, vừa thể hiện sắc thái riêng của lối kể khan Tây Nguyên.

b. Lời nhân vật

Lời nhân vật thể hiện qua các lời đối thoại.

Lời đối thoại thể hiện rõ giọng điệu, cá tính của từng nhân vật.

Lời nhân vật và các lời đối thoại đã góp phần khắc họa, làm nổi bật tính cách và phẩm chất của từng nhân vật.

c. Không gian nghệ thuật của sử thi

Không gian nghệ thuật trong văn bản được tổ chức thành hai mảng không gian chính: nhà/rừng (trục ngang) và không gián của người/không gian của trời (trục dọc)

Không gian nhà/rừng:

  • Nhà được miêu tả như là không gian văn hóa, nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng của con người.
  • Rừng được miêu tả như là không gian thiên nhiên, với rất nhiều bí ẩn, thử thách sức mạnh, lòng kiên trì và quả cảm của người anh hùng
  • Đường là ranh giới ngăn cách giữa không gian rừng và nhà.

Không gian người/trời

  • Rừng Sáp Đen là không gian ngăn cách giữa trời và đất, làm nổi bật khoảng cách giữa không gian của trời và không gian của người
  • Hành động của Đăm Săn – cưỡi ngựa vượt qua những con đường gian nan, qua rừng Sáp Đen để di chuyển qua những không gian này cho thấy những không gian này tuy có khoảng cách nhưng vẫn tương thông với nhau: người trần có thể thâm nhập vào không gian của trời, giao tiếp với thế giới thần linh và thần linh cũng thường can dự dễ dàng vào không gian của con người

⇒ Cấu trúc không gian này thể hiện quan niệm của người Ê- đê về vũ trụ, trong đó trời và đất là một thể thống nhất, tương thông, trong vũ trụ “vạn vạt hữu linh” và có thể dễ dàng giao tiếp với nhau.

6. Sức sống của sử thi Đăm Săn và đoạn trích Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt trời

Sức sống của sử thi Đăm Săn và đoạn trích Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời là ở phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào Ê – đê: nhà ở trong nhà sàn, với nhiều hàng cốt, nhiều xà ngang – dọc, có cầu thang; có nhiều vật dụng như chiêng, mâm đồng, chậu thau…biểu thị cho sự sung túc…

Sức sống của sử thi Đăm Săn và đoạn trích Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời là ở quan niệm về người anh hùng của đồng bào Ê – đê qua nhân vật Đăm Săn; người anh hùng đại diện cho sức mạnh, ý chí của cộng đồng; mang vẻ đẹp khỏe khoẳn, có những khát vọng và ước mơ lớn lao về chinh phục vũ trụ, thiên nhiên

Sức sống của sử thi Đăm Săn và đoạn trích Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời là ở cách kể chuyện chậm rãi, thường dừng lại ở những chi tiết, đoạn cao trào, tạo điểm nhấn và sự hồi hộp chờ đợi cho người đọc; lời kể thể hiện sắc thái riêng của lối kể khan của người Tây Nguyên; lời đối thoại thể hiện rõ giọng điệu, cá tính của từng nhân vật.

IV. Đọc kết nối viết

Viết đoạn văn 150 chữ trình bày quan điểm của em về ý nghĩa của sử thi đối với con người hiện đại (thời gian 15 phút)

Đoạn văn tham khảo.

Có lẽ trong văn học dân gian thế giới, sử thi Tây Nguyên được xếp vào loại có dung lượng lớn nhất. Nhưng điều quan trọng hơn là dù ngắn, dài, sử thi Tây Nguyên là một bức tranh toàn cảnh của cả một thời đại, phản ánh một cách trung thực, sinh động đời sống sinh hoạt cộng đồng, cuộc đấu tranh vì những ý tưởng nhân văn cao cả mà sự kiện trung tâm là những người anh hùng thần thoại, những anh hùng của buôn làng Tây Nguyên từng được bao thế hệ, bao đời nay ngưỡng mộ như Đăm San, Đăm Di, Dyông Dư… mà đồng bào Tây Nguyên gọi là các Mtao. Có thể nói, sử thi Tây Nguyên là một bản anh hùng ca hùng tráng góp phần làm phong phú thêm giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với hàng ngàn năm lịch sử dựng nước, giữ nước, đấu tranh kiên cường, bất khuất để sinh tồn và phát triển.

V. Vận dụng

Trình bày ngắn gọn suy nghĩ của em về sự tương đồng và khác biệt trong quan niệm của người Hy Lạp cổ đại và người Ê-đê về người anh hùng

Gợi ý.

Đặ điểm so sánh

Hecto

Đăm Săn

Ngoại hình

- Hiên ngang, khí thế của người anh hùng “Hecto lẫy lừng, mũ trụ sáng loáng”

- Toát lên vẻ mạnh mẽ của người anh hùng buôn làng: “Đầu đội khăn nhiễu, vai mang nải hoa”, “mặc một áo lụa đẹp, khoác ngoài một áo chiến cũng thật là đẹp”, “giậm chân trên sàn sân, hai lần sàn sân làm như vỗ cánh, bảy hàng cột nhà chao qua, chao lại từ đông sang tây”, “lông chân như chải, lông đùi như chuốt, tiếng nghe như chong chóng gõ mỡ”.

- Khí phách hiên ngang: “trông nghênh nghênh như con rắn trong hang, ngang như con cọp trong đầm, như tê giác trong thung”, “tiếng oang oang như sấm gầm, sét dậy’.

Phẩm chất

- Sức mạnh phi thường, ý chí mạnh mẽ, phẩm chất can trường, dũng cảm đối mặt mà vượt qua thử thách của định mệnh vầ cái chết

 

- Con người cá nhân đặc biệt được nhấn mạnh

- Bình diện con người cá nhân không được chú trọng miêu tả

Ý chí / khát vọng

- Hecto bất chấp cái chết đã được báo trước đẻ bảo vệ thành bang

- Đăm Săn bất chấp cái chết để chinh phục Nữ Thần Mặt Trời

Nghệ thuật miêu tả

- Người anh hùng Hy Lạp cổ đại gắn với sự hy sinh và bổn phận với thành bang, ý thức công dân là phẩm chất quan trọng nhất của người anh hùng.

- Người anh hùng Ê- đê gắn với khát vọng mở mang bờ cõi, chinh phục tự nhiên.


Biên soạn: GV Nguyễn Duy Tuấn

SĐT: 0945 441181

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Nguyễn Duy Tuấn

Bài 2: Héc-To Từ Biệt Ăng-Đrô-Mác
Bài 4: Thực Hành Tiếng Việt Trang 112