Picture of the author
Picture of the author
SGK KNTT Ngữ Văn 10»Bài 2: Vẻ Đẹp Của Thơ Ca»Bài 3: Thu Hứng

Bài 3: Thu Hứng

Lý thuyết bài Thu Hứng môn Văn 10 bộ sách KNTT bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

thu-hung

Mùa thu là đề tài muôn thuở của nghệ thuật trong đó có thi ca. Mùa thu của mỗi miền quê, mỗi quốc gia lại có những đặc trưng riêng mang đến những cung bậc cảm xúc khác nhau cho từng thi nhân. Bài thơ “Cảm xúc mùa thu”chúng ta học sau đây của Đỗ Phủ sẽ cho chúng ta thêm hiểu biết về mùa thu Trung Quốc và đồng cảm với cảm xúc nhớ quê hương và cuộc sống cô đơn của nhà thơ.

I. Chuẩn bị trước khi đọc

1. Thơ Đường luật

Các dạng chính

Thơ bát cú, thơ tuyệt cú, thơ bài luật

Bố cục

Bài thất ngôn bát cú Đường luật gồm 4 cặp câu tương ứng với 4 phần: đề, thực, luận, kết.

Gieo vần

Chỉ gieo một vần (thường là vần bằng) ở các câu 1,2,4,6,8.

Luật bằng trắc

Quy định về sự hòa thanh trong từng câu và trong cả bài

Đối

ở câu thực và câu luận

Ngôn từ

Từ ngữ hữu hạn, biểu đạt tinh tế gợi ra nhiều liên tưởng và ý nghĩa

Cấu tứ

Theo các mối quan hệ tương đồng hoặc đối lập, tả ít, gợi nhiều, tả gián tiếp hơn là trực tiếp.

Vd. Thơ Thất ngôn tứ tuyệt Đường Luật

Tĩnh dạ tứ (Lí Bạch)

Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương.

Dịch nghĩa

Đầu giường trăng sáng soi,
Ngỡ là sương trên mặt đất.
Ngẩng đầu nhìn vầng trăng sáng,
Cúi đầu lại thấy nhớ quê nhà.

Vd. Bài thơ Thất ngôn bát cú Đường Luật

Bạn Đến Chơi Nhà

Tác giả: Nguyễn Khuyến

Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thì đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu, sóng cả, khôn chài cá;
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ;
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta.

Ghi chú: Đối với một số bài thơ làm theo thể thất ngôn bát cú: có trường hợp có thể căn cứ vào ý thơ  để chia bố cục :

VD: chia bài thơ thành  2 phần (4 câu đầu – bốn câu cuối)…

2. Nhớ lại và chia sẻ trải nghiệm khi xa nhà

Gợi ý

Thưa các bạn!

Trong cuộc đời, rồi ai cũng phải có lúc xa ngôi nhà thân thương của mình.Tôi đã từng xa nhà trong khoảng thời gian tham gia chuyến tình nguyện vào mùa hè năm lớp 9. Chuyến đi đã để lại trong tôi nhiều kỉ niệm cũng như cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Trong thời gian 5 đó, tôi đã cảm thấy khá nhớ gia đình, vì vậy tôi đã thường xuyên gọi điện về nhà hỏi thăm người thân. Điều đó đã giúp tôi phần nào cảm thấy đỡ nhớ gia đình hơn. Sau chuyến đi xa ấy, tôi thêm yêu quý và trân trọng những phút giây được ở bên cạnh những người thân của mình.

3. Tác giả, tác phầm

a. Tác giả

Đỗ Phủ (712 – 770) tự Tử Mỹ, người huyện Củng, nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.Tài năng của ông được người đời xưng tụng là Thi thánh

Sống vào thời đất nước Trung Quốc triền miên trong cảnh loạn li, mặc dù Đỗ Phủ có làm vài chức quan nhỏ trong một thời gian ngắn song gia đình ông cũng lâm vào tình cảnh phiêu bạt, cơ cực và đến cuối đời lại chết vì bệnh tật.

Đỗ Phủ là nhà thơ hiện thực lớn nhất, không chỉ của đời Đường, mà của cả lịch sử thơ ca cổ Trung Quốc.

b. Tác phẩm

Thơ Đỗ Phủ tập trung vào 3 đề tài lớn: nhiệt huyết yêu nước, phản kháng cường quyền, cảm thông với số phận dân đen.

Ông sáng tác ở nhiều thể thơ. Tác phẩm của ông hiện còn hơn 1000 bài.

II. Trải nghệm cùng văn bản

1. Đọc

2. Trả lời câu hỏi khi đọc

a. Khung cảnh mùa thu được tái hiện trong bài thơ (màu sắc, không khí, trạng thái vận động của sự vật) như:

  • Qua màu sắc: màu trắng của sương trời, xanh thẳm của lòng sông, màu bạc của mây. Những gam màu gợi cảm giác lạnh lẽo
  • Qua không khí: Không khí u ám, heo hút, u buồn, ảm đạm và thê lương. Không khí núi non rộng lớn, lòng sông sâu thăm thẳm, mây mù tận núi xa
  • Qua trạng thái vận động của sự vật: Sự vật được vận động theo trạng thái mạnh mẽ, như nén không gian lại, khiến trời đất đảo lộn

⇒ Mùa thu buồn và ảm đạm, được nhìn từ xa, rộng và bao quát, gợi nỗi sầu buồn, trầm uất.

b. Phép đối trong cặp câu thơ 3-4: sóng – vọt lên tận trời (thấp – cao), mây – sa sầm xuống mặt đất (cao – thấp), qua đó không gian được mở rộng ra nhiều chiều:

  • Chiều cao: sóng vọt lên lưng trời, mây sa sầm xuống mặt đất.
  • Chiều sâu: sâu thẳm.
  • Chiều xa: cửa ải.

⇒ Không gian hoành tráng, mĩ lệ.

Cặp câu thơ 5 – 6: Đối tùng cúc >< Cô chu; lưỡng khai >< nhất hệ ; tha nhật lệ >< cố viên tâm. Đối khóm cúc và con thuyền; “hai lần” với “lẻ loi”; “rơi nước mắt” và “nhớ về vườn cũ”

⇒ Đối cân chỉnh thể hiện tâm trạng của nhà thơ.

c. Âm thanh của tiếng dao thước may áo, tiếng chày đập vải gợi ra không khí:

Âm thanh tiếng chày đập vải, tiếng dao thước để may áo rét gửi kẻ tha hương làm chạnh lòng tác giả (cũng là một kẻ tha hương, lưu lạc, nghèo khổ), khơi lên nỗi ngậm ngùi, xót xa cho thân phận của ông.

Âm thanh ấy gợi không khí đau thương, nỗi buồn nhớ quê hương của tác giả.

d. Bài thơ “Thu hứng”:

Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác: Nằm trong chùm thơ “Thu hứng” gồm 8 bài, sáng tác năm 766 trong những ngày tháng phiêu bạt, ốm yếu, khốn khó tại Quỳ Châu.

Thể loại bố cục

Thể thơ : Thất ngôn bát cú

Bố cục :

  • 4 câu đầu thiên về tả cảnh ( cảnh thu)
  • 4 câu cuối thiên về bộc lộ tâm trạng của nhà thơ ( tình thu).

III. Suy ngẫm và phản hồi

1. Một số đặc điểm cơ bản của thơ Đường luật (bố cục, cách gieo vần, luật bằng – trắc, phép đối) được thể hiện trong bài thơ:

Bố cục có thể chia thành 4 phần: đề - thực – luận – kết.

Cách gieo vần: vần bằng ở câu 1-2-4-6-8: lâm - sâm – âm – tâm – châm.

Luật bằng – trắc: tiếng thứ 2 thanh bằng thì tiếng thứ 4 thanh trắc, tiếng thứ 6 thanh bằng và dòng tiếp theo ngược lại:

Câu 1: T T B B T T B (v)

Câu 2: B B T T T B B (v)

Câu 3: B B T T B B T

Câu 4: T T B B T T B (v)

Câu 5: T T B B B T T

Câu 6: B B T T T B B (v)

Câu 7: B B T T B B T

Câu 8: T T B B T T B (v)

Ví dụ: Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,

                             T             B                 T

2. So sánh  bản dịch với nguyên văn

Câu

Dịch thơ

Nguyên văn

Câu 1

Lác đác: thưa thớt

Cây phong chịu sự tàn phá dữ dội của sương móc

Câu 2

Bỏ địa danh

Núi Vu, kẽm Vu

Khí thu lòa

Tiêu sâm

Câu 3,4

Sóng rợn, mây đùn

Đối lập dữ dội: sóng tung lên bầu trời, mây xà xuống mặt đất

Câu 5

Lạnh lùng

Hàn y: áo rét

Bỏ từ xứ xứ

Xứ xứ: nơi nơi

3. Cảm nhận về nội dung bài thơ

a. Cảnh thu

a.1 Hai câu đề (câu 1,2)

Tả cảnh trong tầm nhìn xa. Rừng phong điêu thương vì tác động của sương móc trắng (tượng trưng cho mùa thu và sự lạnh lẽo)

( Nguyên tác không có từ lác đác) Phải là sương nhiều dày đặc mới làm cho rừng phong tổn thương tàn tạ héo úa.

Vu Sơn,Vu Giáp là hai địa danh, nơi đây chủ yếu là núi. Núi mờ mịt trong sương càng thêm hiu quạnh âm u. Từ tiêu sâm- tăm tối ảm đạm dịch chưa sát nghĩa, bỏ tên địa danh cũng làm mờ đi bản sắc phong cảnh Quỳ Châu – thượng nguồn sông Trường Giang..

⇒ Đỗ Phủ không dùng từ thu mà vẫn nói được mùa thu (ngọc lộ - sương trắng, phong thụ lâm – rừng phong). Thi nhân cảm nhận thời gian qua cảnh.

a.2 Hai câu thực(Câu 3,4)

Tả thực cảnh, dùng phép đối nhau theo luật thơ và đối rất chỉnh.

  • Câu 3 tả sóng Trường Giang (ở đoạn sông hẹp, lòng sông dốc, hai bên vách đá dựng đứng):  sóng cao tới lưng trời.
  • Câu 4: tả cửa ải mây đùn tiếp giáp mặt đất.
  • Phép đối: tạo sự cân xứng hài hòa thanh điệu cho lời thơ, nhấn mạnh tính chất của cảnh thu vùng biên ải, gợi đặc trưng của mùa thu ở vùng rừng núi . 

⇒ Đó là một cảnh thu rộng lớn, vừa dữ dội vừa tàn tạ ảm đạm âm u;  núi non hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt và biên ải không bình yên. Điều đó khiến người đọc nghĩ đến cuộc sống nơi đây khó khăn,  gợi lo âu ám ảnh cho lòng người .

* Nhận xét : Bốn câu thơ đầu thiên về tả cảnh, tả cảnh chấm phá :  khai thác hình ảnh vừa chân thực vừa điển hình cho thiên nhiên mùa thu cho cả một vùng rộng lớn của đất nước Trung Quốc, tạo nên được những hình tượng thơ giàu tính ước lệ tượng trưng, điều thường thấy trong thơ trung đại Trung Quốc và Việt Nam. Đồng thời 4 câu thơ đầu cũng mang hơi hướng tả cảnh ngụ tình.

b. Tình thu:

b.1 Hai câu luận (câu 5,6)

Cảnh thu vẫn được tả nhưng ở tầm gần với nghệ thuật đối và tả cảnh ngụ tình :

  • Tùng cúc: Hoa cúc là hình ảnh tiêu biểu của mùa thu => Hoa thu. Con thuyền không phải là hình ảnh tiêu biểu cho mùa thu nhưng nó là hình ảnh xuất hiện nhiều trong thơ Đỗ Phủ gợi cuộc sống trôi nổi nơi đất khách quê người.
  • Đặc sắc trong cách dùng từ ngữ: Nở (khai) là động từ trung tâm của vị ngữ , kết hợp  với cụm từ nước mắt tuôn rơ i(tha nhật lệ) làm bổ ngữ,  nên có thể hiểu theo hai cách : hoa cúc nở ra nước mắ ; hoa cúc nở làm người xem rơi nước mắt. Từ lưỡng chỉ thời gian: hai lần hoa nở => hai mùa thu đã đi qua. Lần nào hoa nở cũng ra nước mắt, cũng làm người xem rơi nước mắt. Con thuyền đơn độc (cô chu) buộc chặt mãi (duy) tấm lòng nhớ (tâm)  – không thể về nơi vườn cũ  (cố viên)
  • Phép đối: câu 5 và câu 6 đối nhau ( theo luật thơ): tạo sự cân xứng hài hòa thanh điệu cho lời thơ, nhấn mạnh sự tương đồng giữa tính chất của cảnh (ngoại cảnh) và trạng thái nội tâm của nhà thơ (tâm cảnh)
  • Tả cảnh ngụ tình: Người làm thơ không trực tiếp bộc lộ nội tâm mà biểu hiện qua cảnh vật, dựa trên những cảnh vật có sự tương đồng với hoàn cảnh nỗi niềm tâm trạng của mình.

⇒ kiểu cấu tứ theo mối quan hệ tương đồng, tả ít, gợi nhiều, tả gián tiếp hơn là trực tiếp hoàn cảnh sống, tâm trạng của nhà thơ.

⇒ Đã 2 mùa thu mà nhà thơ vẫn chưa về được quê hương. Cảnh sống và tâm trạng  của ông nơi đất khách quê người rất cô đơn ngưng trệ, bất lực; cứ nhớ nhung, mong đợi, khắc khoải. Thi nhân buồn nhớ quê hương đến rơi lệ và lo âu cho cảnh sống xa xứ của cả gia đình. 

b.2 Hai câu kết (Câu 7,8)

Kết lại bài thơ bằng việc tả cảnh buổi chiều bên sông, nơi có thành Bạch Đế. Đường nét hình ảnh không nhiều, có hình ảnh thành Bạch Đế (cao) và hình ảnh mặt trời lặn. Cùng với đó là chi tiết tả âm thanh: tiếng chày đập vải (giặt áo may áo rét) dồn dập. Có thể vì trời sắp tối không còn nhìn rõ, chỉ nghe rõ. Đây là thứ âm thanh đặc trưng của cuộc sống con người vào mùa thu Trung Quốc. Nó khiến cho người Trung Quốc nghĩ về cái rét của mùa đông sắp tới. Thanh âm cuộc sống ấy dội vào lòng người xa xứ bao nỗi buồn lo.

Trước đó cảnh thu (ngoại cảnh) vốn đã làm nảy sinh tâm trạng buồn lo, thương nhớ và tiếp nữa là âm thanh tiếng chày đập áo đã đẩy tâm trạng đó lên đến đến cao trào.

⇒ Hoàn cảnh tâm trạng của nhà thơ có tính điển hình cho người xa xứ.

* Nhận xét : Bốn câu thơ sử dụng bút pháp  tả cảnh ngụ tình, phản ánh hiện thực đầy bất ổn, cảnh ngộ tâm trạng đáng thương của nhà thơ và của người dân Trung Quốc  trong cảnh loạn lạc. 

IV. Kết nối đọc - viết

Những yếu tố làm nên đặc trưng và sức hấp dẫn của thơ Đường luật và thơ hai-cư có nhiều điểm gần gũi nhau. Hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) về những điểm tương đồng ấy.

Gợi ý.

Như ta đã biết , sau khi học xong văn bản về thơ Hai –cư. Thơ hai-cư là thể thơ ngắn nhất thế giới và cũng là thể thơ truyền thống có vị trí quan trong trong văn chương Nhật Bản. Thơ Đường luật là thể thơ xuất phát từ Trung Quốc, thường có hai thể tiêu biểu là thơ thất ngôn tứ tuyệt và thất ngôn bát cú. Thơ hai-cư và thơ Đường luật đều là những thể thơ ngắn gọn và thường viết về những cảm xúc của con người trước hình ảnh thiên nhiên. Thơ hai-cư với những dòng thơ ngắn gọn chỉ từ ba đến bảy chữ tả cảnh thiên nhiên trong sáng, nhẹ nhàng và từ cảnh thiên nhiên gợi lên những rung động, cảm xúc của nhân vật trữ tình. Nhà thơ Ba-sô, một thi sĩ nổi tiếng của văn học Nhật Bản đã viết ra bài thơ hai-cư miêu tả hình ảnh cành cây khô hay con quạ đen vào mùa thu. Hình ảnh tuy giản dị nhưng lại mang theo mỗi niềm tâm trạng của nhà thơ trước cảnh đẹp thiên nhiên. Còn thơ Đường luật cũng là thể thơ ngắn gọn với mỗi câu chỉ bảy chữ như bài thơ Thu hứng (Cảm xúc mùa thu) của Đỗ Phủ tả cảnh mà chan chứa nỗi niềm tâm sự. Từ cảnh thiên nhiên núi non, bầu trời mùa thu cùng với cảnh sinh hoạt làng quê chuẩn bị đón đông đến, người đọc cũng cảm nhận được nỗi niềm tâm sự, nỗi mong nhớ được về thăm quê của tác giả. Hai thể thơ tuy đến từ hai đất nước khác nhau những điểm tương đồng của chúng đều là tả cảnh thiên nhiên để gợi nên nỗi niềm.

V. Vận dụng

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, ôm cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

Câu cá mùa thu – Nguyễn Khuyến

Câu 1: Điểm nhìn cảnh thu của tác giả trong bài thơ “Câu cá mùa thu” có gì đặc sắc?

Câu 2: Những từ ngữ nào gợi lên được nét riêng của cảnh sắc mùa thu? Hãy cho biết đó là cảnh thu ở miền quê nào?

Câu 3: Cách gieo vần trong bài thơ “Câu cá mùa thu” có gì đặc biệt? Cách gieo vần ấy gợi cho ta cảm giác gì về cảnh thu và tình thu?

Câu 4: Bài thơ “Câu cá mùa thu” thực ra có phải nói chuyện câu cá hay không? Vì sao?

Câu 5: Qua bài thơ, em có cảm nhận gì về tấm lòng của nhà thơ Nguyễn Khuyến với thiên nhiên, đất nước? (viết 1 đoạn văn ngắn)

Gợi ý.

Câu 1: Điểm nhìn

  • Điểm nhìn từ gần thấp đến cao xa rồi lại trở về gần thấp.
  • Từ điểm nhìn đó nhà thơ có thể quan sát không gian, cảnh sắc thu theo nhiều hướng thật sinh động.

Câu 2 :Những từ ngữ gợi lên nét riêng của mùa thu:

  • Hình ảnh: ao thu lạnh lẽo, nước trong veo, sóng biếc, trời xanh ngắt, lá vàng…
  • Đường nét, sự chuyển động rất nhẹ, khẽ: sóng hơi gợn tí, lá vàng khẽ đưa vèo, tầng mây lơ lửng…

⇒ những nét riêng rất đặc trưng của mùa thu đồng bằng Bắc Bộ.

Câu 3:

Cách gieo vần “eo” độc đáo, kết hợp với những từ ngữ tăng tiến gợi lên bức tranh thu rất thơ mộng rất đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ: không khí trong lành, thoáng mát yên tĩnh, vắng vẻ, đẹp nhưng buồn, cảnh vật như thu nhỏ lại. Bên cạnh đó còn thấy được tình thu ẩn hiện: một nỗi buồn, u uẩn của nhân vật trữ tình

Câu 4:

Bài thơ có nhan đề “Câu cá mùa thu” nhưng không chú ý vào việc câu cá mà chú ý đến cảnh thu: những biến đổi tinh tế của cảnh vật, để rồi từ đó thể hiện nỗi cô quạnh, uẩn khúc trong lòng nhà thơ.

Câu 5: Cảm nhận  về tấm lòng của nhà thơ nguyễn khuyến với thiên nhiên, đất nước:

  • Hồn thơ nhạy cảm yêu thiên nhiên đất nước.
  • Sự gắn bó và tình yêu thương trìu mến đặc biệt với vùng đồng bằng chiêm trũng, với những ao chuôm nhỏ, thuyền câu, lá vàng, ngõ trúc quanh co...
  • Tâm sự  của một người yêu nước thầm kín, sâu sắc:  tâm trạng buồn đau trước sự thay đổi của thời cuộc, của đất nước.

Biên soạn: GV Nguyễn Duy Tuấn

SĐT: 0945 441181

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Nguyễn Duy Tuấn

Bài 2: Chùm Thơ Hai-Cư Nhật Bản
Bài 4: Mùa Xuân Chín