Table of Contents
I. Đọc hiểu văn bản
1. Đọc và tìm hiểu chú thích
Đọc VB
Tìm hiểu chú thích (SGK)
2. Khám phá văn bản
2.1. Không gian, thời gian, nhân vật, sự kiện chính trong các câu chuyện
Đặc điểm | Thần Trụ Trời | Thần Sét | Thần Gió |
Thời gian | Thuở ấy chưa có vũ trụ, chưa có muôn vật và loài người.
| Không xác định | Không xác định |
Không gian | Trời đất chỉ là một đám hỗn độn, tối tăm, lạnh lẽo. | Trên thiên đình và dưới trần gian
| Trên thiên đình, dưới trần gian |
Nhân vật | Thần Trụ Trời | Thần Sét | Thần Gió |
Sự kiện/ cốt truyện | Thần đội trời, đào đất đá đắp cột chống trời. Trời đất vì vậy được phân ra làm hai. Sau đó, thần phá cột ném vung đất đá đi khắp nơi thành núi, đảo, cồn, đồi, cao nguyên,…Chỗ thần đào đá nay thành biển rộng. | Là tướng lĩnh của Ngọc Hoàng, chuyên thi hành luật pháp ở trần gian. Thần có một lưỡi búa đá chuyên để xử án. Thần thường ngủ vào mùa đông và làm việc vào tháng Hai, tháng Ba. Tính thần nóng nảy, có lúc làm người, vật chết oan và bị Ngọc Hoàng phạt. | Thần gió có chiếc quạt màu nhiệm tạo gió nhỏ, bão lớn theo lệnh Ngọc Hoàng. Thần có đứa con nhỏ nghịch ngợm, giở quạt của cha làm gió thổi chơi lúc thần đi vắng khiến một người đói khổ dưới trần gian bị văng mất bát gạo đi vay. Thần Gió bị kiện lên thiên đình. Kết quả là con thần Gió bị đày xuống trần chăn trâu cho người mất gạo, sau hóa thành cây ngải để báo tin gió cho thiên hạ. |
* Nhận xét: Cả 3 văn bản trên đều thuộc nhóm thần thoại suy nguyên (thần thoại kể về nguồn gốc vũ trụ và muôn loài). Dấu hiệu:
Nhân vật: đều là các vị thần sáng tạo ra thế giới
- Thần Trụ Trời: Tạo ra trời và đất.
- Thần Sét: Tạo ra sét
- Thần Gió: Tạo ra gió
Câu chuyện về công việc của họ đều nhằm lí giải sự hình thành trời đất, các hiện tượng tự nhiên, đời sống trong thuở hồng hoang của vũ trụ, loài người.
- Thần Trụ Trời: Giải thích và mô tả việc tạo lập thế giới
- Thần Sét: Lí giải hiện tượng sấm sét
- Thần Gió: Lí giải nguồn gốc của gió, lốc; tên gọi cây ngải gió/ ngải “tướng quân”; hành vi dùng loại cây này để chữa bệnh cho trâu, bò của người dân.
2.2. Các vị thần
a. Đặc điểm, cơ sở tưởng tượng
| Hình dáng | Tính khí | Công việc | Cơ sở tưởng tượng |
Thần Trụ Trời | - Thân thể to lớn, chân thần bước một bước..từ tỉnh này qua tỉnh nọ hay là từ đỉnh núi này sang đỉnh núi kia -> Vóc dáng lớn lao, kì vĩ.
| Chăm chỉ, cần mẫn | - Đứng dậy dùng đầu đội trời, đào đất, đá đắp thành một cái cột vừa to vừa cao để chống trời…đẩy trời lên mãi. - Khi trời cao vừa ý: phá cột đá đi, ném vung đá và đất đi khắp nơi...thành một hòn núi hay một hòn đảo. thành cồn đồi, thành cao nguyên, biển cả. -> Sức lực phi thường, cần mẫn lao động, lập nên kì tích lớn lao- phân khai trời đất. | Sự tách biệt trời, đất; sự hình thành của các cồn, đồi núi, cao nguyên, biển cả,... |
Thần Sét | Mặt mũi nanh ác, tiếng quát tháo dữ dội | + Nóng nảy, nóng nảy, cực oai, cực dữ. + Hễ thấy và nghe tiếng gà là giật mình. -> Vị thần nóng tính, dữ dằn song cũng có nỗi sợ hãi rất đời thường.
| + Chuyên một việc thi hành luật pháp luật ở trần gian, hễ Ngọc Hoàng sai là đi ngay + Khi xử án: tự mình nhảy xuống tận nơi, dùng lưỡi búa bổ xuống đầu…có lúc làm cho người, vật chết oan. -> Hành động quyết liệt, nghiêm minh, song có lúc hồ đồ, gây họa cho người, vật.
| Hiện tượng sấm sét trong mùa hè, khi trời mưa. |
Thần Gió | Không có đầu. -> kì quặc, quái dị.
| Chưa cẩn trọng trong công việc (để đứa con nghịch chiếc quạt, gay họa cho người dưới hạ giới). | + Dùng bảo bối là một thứ quạt nhiệm màu để làm gió nhỏ, bão lớn ở trần gian theo lệnh của Ngọc Hoàng. + phối hợp cùng thần Mưa, thần Sét cùng hoạt động vô cùng đáng sợ. -> Thần có sức mạnh phi thường, làm công việc lớn lao, thần bí, đáng sợ. | Hiện tượng gió trong tự nhiên; hiện tượng cây ngải gió cuốn lá, cuốn bông lại khi trời sắp nổi gió. |
* Nhận xét về đặc điểm của các vị thần:
Ngoại hình: kì vĩ, kì lạ, mang tầm vóc và dáng dấp của vũ trụ.
Công việc: Mỗi vị thần có 1 chức năng riêng, “đảm trách” 1 công việc cụ thể và đều hướng tới mục đích nhận thức, lí giải các hiện tượng trong tự nhiên, đời sống con người.
Các vị thần cũng được miêu tả như những người lao động bình thường: vất vả, cần mẫn và cũng có lúc chểnh mảng, sai sót; có những nỗi sợ hãi rất đời thường.
b. Ý nghĩa của hình tượng các vị thần:
Thể hiện nhu cầu nhận thức, lí giải các hiện tượng tự nhiên và khát vọng chinh phục thiên nhiên của người cổ đại.
Phản chiếu cuộc sống lao động và sinh hoạt của nhân dân.
Thể hiện thế giới quan, kiểu tư duy của người xưa: “ Vạn vật hữu linh” (vạn vật đều có linh hồn), có mối quan hệ qua lại bền chặt, thiêng liêng (con người- thiên nhiên, con người- thần linh)
c. Nghệ thuật xây dựng nhân vật:
Nhân vật được miêu tả với vóc dáng kì vĩ hoặc hình dạng dị thường; sức mạnh phi thường; tính cách đơn giản; luôn gắn với một hành động hoặc công việc cụ thể; thủ pháp cường điệu, phóng đại; sử dụng các chi tiết kì ảo…
⇒ Thể hiện thái độ, tình cảm của con người: Thiên nhiên đối với con người cổ đại vừa xa lạ, đáng sợ vừa gần gũi, thân thuộc. Họ sợ hãi, sùng bái thiên nhiên kì vĩ, bí ẩn nhưng cũng ý thức được sưc mạnh của con người và khao khát khám phá, chinh phục tự nhiên
II. Tổng kết
1. Đặc sắc nghệ thuật
Xây dựng nhân vật chức năng.
Cốt truyện đơn giản nhưng hấp dẫn, sinh động, có những chi tiết bất ngờ thú vị.
Thời gian phiếm chỉ, mang tính ước lệ và không gian vũ trụ với nhiều cõi khác nhau.
Ngôn ngữ tự sự hồn nhiên.
Thủ pháp nghệ thuật: cường điệu, phóng đại.
2. Nội dung, ý nghĩa
Qua nhân vật các vị thần, người nguyên thủy thể hiện cách hình dung, lí giải về sự hình thành thế giới tự nhiên, nguồn gốc con người và vạn vật, đồng thời phản ánh vẻ đẹp riêng của cuộc sống lao động, tín ngưỡng và văn hóa của từng cộng đồng.
⇒ Tạo nên sức hấp dẫn của thần thoại.
III. Luyện tập
Câu 1: Thể loại truyện kể xa xưa nhất, thể hiện quan niệm về vũ trụ và khát vọng chinh phục thế giới tự nhiên của con người thời nguyên thủy:
- Truyền thuyết
- Thần thoại
- Cổ tích
- Ngụ ngôn
Câu 2: Truyện thần thoại gồm những nhóm nào?
- Thần thoại về các vị thần; Thần thoại về các vị anh hùng
- Thần thoại suy nguyên; Thần thoại về các vị anh hùng
- Thần thoại Châu Âu; Thần thoại Châu Á
- Thần thoại suy nguyên; Thần thoại sáng tạo
Câu 3: Thần thoại có cốt truyện như thế nào?
- Cốt truyện đơn tuyến
- Cốt truyện đa tuyến
- Không có cốt truyện
- Kết hợp cốt truyện đơn tuyến và cốt truyện đa tuyến
Câu 4: Nhân vật chính trong thần thoại là?
- Con người
- Các vị thần
- Bán thần
- Loài vật
Câu 5: Thời gian trong thần thoại là:
- Thời gian phiếm chỉ
- Thời gian cụ thể
- Thời gian bất biến
- Thời gian tuần hoàn
Câu 6: Đâu không phải là nguyên nhân ra đời của Thần thoại?
- Nhu cầu nhận thức, lí giải thế giới tự nhiên.
- Khát vọng chinh phục thế giới tự nhiên.
- Quan niệm “vạn vật hữu linh”.
- Xã hội phân hóa giai cấp.
Câu 7: Điều gì làm nên Sức hấp dẫn của truyện thần thoại?
- Nhân vật truyện
- Các chi tiết kì ảo
- Gía trị nội dung, tư tưởng.
- Đặc sắc nghệ thuật và giá trị nội dung, tư tưởng.
IV. Vận dụng
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Ông Sằn Nông
Ông Sằn Nông thường đi trong các rừng núi, gặp nhiều thứ quả, thứ hạt. Ông có phép mời hạt tự ra đồng mọc, cuối vụ lại trở về kho, về bồ.
Năm ấy, Sằn Nông đi xa không về kịp kho, sắp được bồ. Thóc ngô ngoài đồng đã chín, rủ nhau kéo về nhà. Bà vợ Sằn Nông đang gội đầu, chưa mở được cửa để các loại hạt, đặc biệt là hạt thóc về nhà mình ở. Bà bảo thóc hãy đợi ngoài cửa. Thóc đợi mãi mà bà chỉ lo chải tóc. Chúng chen nhau rồi đánh nhau túi bụi đất cát tung mù lên. Thóc giục giã ầm lên, vì trời nắng to, chúng chen chúc mãi ngoài cửa. Gió thổi làm bụi bậm và một số hạt thóc bám lên đầu, lên cổ bà. Bà tức quá, vác gậy đánh chúng, vừa đánh vừa chửi. Thóc kéo nhau ra ruộng, thề từ nay không bò về nữa.
Sằn Nông trở về không biết làm thế nào. Ông mắng vợ rồi bỏ đi ra ruộng dỗ dành thóc nhưng thóc không chịu. Buồn rầu, ông nắm lấy một nắm thóc bay thẳng lên trời. Nắm thóc ấy tung ra, rải rác thành các ngôi sao, còn chỗ tụ lại thì thành sông Ngân Hà bây giờ. Còn dưới trần gian từ đó, khi lúa chín, con người phải mang hái liềm ra gặt.
(Theo Tuyển tập VH dân gian Việt Nam, tập 1, NXB Giáo dục, 2007, tr. 103)
- Nêu các sự kiện chính của truyện Ông Sằn Nông.
- Chỉ ra những lời kể mang tính suy nguyên trong văn bản.
- Nhân vật chính trong truyện kể trên là ai? Nhân vật ấy được sáng tạo nhằm mục đích gì?
- Trong tưởng tượng của con người thời xưa, các loại hạt được dùng làm lương thực thuở sơ khai có những đặc điểm gì? Sự tưởng tượng về các loại hạt đó thể hiện quan niệm gì của họ về thế giới?
- Sự biến đổi trong đặc tính của thóc phản ánh những thay đổi nào trong cuộc sống của con người cổ sơ?
Gợi ý trả lời:
- Các sự kiện chính:
Ông Sằn Nông có phép mời các hạt các quả trong rừng về nhà mình. Mùa xuân các hạt tự ra đồng mọc, cuối vụ lại trở về kho, về bồ.
Một năm, ông Sằn Nông đi xa không về kịp mùa lúa. Bà vợ ở nhà mải gội đầu không mở được kho, thóc tức giận vì đứng mãi ở ngoài. Bà vợ vừa đánh vừa chửi nên thóc kéo nhau ra ruộng, không về nhà nữa.
Ông Sằn Nông tụ lại thì thành sông Ngân Hà.
- Lời kể mang tính suy nguyên: trở về buồn rầu, ông mắng vợ rồi bỏ đi, ra ruộng dỗ dành, nhưng thóc không chịu. Ông nắm lấy một nắm thóc bay thẳng lên trời. Nắm thóc ấy tung ra mang hái liềm ra gặt; lúa chín, con người phải ra đồng gặt về; hiện tượng dải Ngân Hà và các vì sao.
- Trong tưởng tượng của con người mùa thu hoạch thì tự tìm về nhà, tự vào kho, vào bồ. Chúng cũng có cảm giác, cảm xúc và có thể “giao tiếp” với con người... Sự tưởng tượng ấy thể hiện quan niệm của con người cổ xưa.
- Nhân vật chính trong truyện kể trên là ông Sằn Nông. Nhân vật được sáng tạo nhằm lí giải cho sự hình thành sông Ngân Hà và các ngôi sao, công việc đồng áng của người nông dân. Đồng thời, tác giả dân gian còn giúp người đọc thấy được sự thay đổi cách sống của người chuyển từ đời sống hái lượm sang đời sống trồng trọt, sử dụng lương thực từ các loại hạt. Trong đó, con người nhận thấy “vạn vật hữu linh”.
- Sự biến đổi trong đặc tính của thóc phản ánh hành trình sống, quá trình tiếp cận cây lúa của con người: từ toàn lệ thuộc vào tự nhiên sang thuần hoá cây lúa, tìm ra cách gieo trồng, thu hoạch thóc lúa.
V. Đọc- viết kết nối
Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một chi tiết kì ảo trong một truyện thần thoại đã học hoặc tự đọc thêm.
Gợi ý
1. Dàn ý
a. Mở đoạn
Giới thiệu chi tiết kì ảo.
b. Thân đoạn
Chi tiết kì ảo:
- Thần Trụ trời dùng đầu đội trời rồi đào đất đắp thành cột to chống trời và phá cột, ném đất đá đi khắp nơi.
Ý nghĩa chi tiết kì ảo:
- Giải thích cho việc phân chia trời đất, sự hình thành các bề mặt địa hình và di tích Cột Chống trời ở Hải Dương.
c. Kết đoạn
Khẳng định ý nghĩa của chi tiết kì ảo
2. Đoạn văn tham khảo
Đoạn văn phân tích một chi tiết kì ảo trong truyện thần thoại đã học hoặc tự đọc thêm
Truyện "Thần Trụ Trời" nằm trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam thuộc nhóm thần thoại suy nguyên, kể về nguồn gốc vũ trụ và muôn loài. Truyện không chỉ hấp dẫn người đọc bởi cốt truyện đơn giản, dễ hiểu mà còn bởi chi tiết kì ảo. Nổi bật trong truyện là chi tiết thần Trụ Trời dùng đầu đội trời rồi dùng tay đào đất đắp thành cột vừa cao vừa to chống trời. Ít lâu sau, khi cột đã khô và cứng lại, thần phá cột đi và ném vung đất, đá ra khắp nơi tạo thành nhiều bề mặt khác nhau. Chi tiết này có ý nghĩa quan trọng trong việc giải thích sự phân chia trời đất, lí do hình thành nhiều bề mặt địa hình như: sông, hồ, núi, cao nguyên và di tích Cột chống trời ở Hải Dương. Đồng thời, chi tiết ấy đã thể hiện được trí tưởng tượng phong phú của tác giả dân gian
Biên soạn: GV Nguyễn Duy Tuấn
SĐT: 0945 441181
Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419
Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM
Fanpage: https://www.fb.com/ttductri