Picture of the author
Picture of the author
SGK KNTT Ngữ Văn 10»Bài 3: Nghệ Thuật Thuyết Phục Trong...»Bài 3: Yêu Và Đồng Cảm

Bài 3: Yêu Và Đồng Cảm

Lý thuyết bài Yêu Và Đồng Cảm môn Văn 10 bộ sách KNTT bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm



yeu-va-dong-cam

Đồng cảm là một kỹ năng quan trọng, giúp chúng ta củng cố mối các mối quan hệ trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong thực tế, đây là điều không dễ làm vì chúng ta thường để “cái tôi”, ý kiến và phán đoán của mình cản trở khả năng này. Vậy ta nên làm thế nào để thể hiện đồng cảm tốt hơn?


I. Chuẩn bị trước khi đọc

1. Chuẩn bị

Câu 1. Bạn hiểu thế nào về sự đồng cảm trong cuộc sống? Khi bày tỏ sự đồng cảm với người khác hoặc khi nhận được sự đồng cảm của ai đó, bạn có tâm trạng như thế nào? 

Gợi ý.

- Đồng cảm là đồng điệu với cảm xúc, có thể cảm nhận được niềm vui nỗi buồn của người khác, biết đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu và cảm thông cho họ. 

- Khi bày tỏ sự cảm thông với người khác hoặc khi nhận được sự cảm thông từ ai đó, tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc, tâm trạng được cải thiện, thoải mái hơn.

Câu 2. Bạn thường có cảm xúc gì mỗi lần tiếp xúc với một tác phẩm nghệ thuật (văn học, hội họa, âm nhạc, ...)? thử lý giải vì sao bạn có cảm xúc ấy?

Gợi ý:

- Khi đọc một tác phẩm nghệ thuật sẽ có sự đồng điệu, đồng cảm với tác giả, hiểu được quan niệm nghệ thuật của tác giả.

 - Sở dĩ đồng cảm là em hiểu nội dung tác phẩm, hiểu được tư tưởng, thông điệp tác giả muốn gửi gắm, đồng cảm với tác giả.

2. Những nét chính về tác giả, tác phẩm

2.1 Tác giả

Phong Tử Khải (1898-1975) là một nghệ sĩ đa tài. Ông là nhà văn, họa sĩ, dịch giả và nhà lí luận giáo dục âm nhạc, nghệ thuật nổi tiếng của Trung Quốc.

Tản văn và những bức “mạn họa” của ông được công chứng đặc biệt yêu thích bởi sự dung dị, thuần khiết mà ẩn chứa nhiều suy nghiệm thâm sâu của người thông hiểu cả văn hóa phương Đông lẫn văn hóa phương Tây.

Trong các sáng tác của mình, ông luôn đề cao tấm lòng thơ trẻ trong cách nhìn đời và thực hành nghệ thuật.

2.2 Tác phẩm

Văn bản Yêu và đồng cảm được trích trong tập Sống vốn đơn thuần của Phong Tử Khải, là chương 5 của cuốn sách, có tiêu đề là Sống mà học nghệ thuật.

Nhan đề: Yêu và đồng cảm

⇒ Gợi mở suy đoán về luận đề của văn bản, người viết bàn luận về sự giao cảm và kết nối chung giữa con người với con người, hoặc trong lĩnh vực tình yêu.

II. Trải nghiệm cùng văn bản

1. Đọc văn bản

2. Trả lời câu phần đọc

Câu 1. Tác giả mở đầu bài viết bằng một câu chuyện, điều đó gây được ấn tượng gì với bạn?

Gợi ý.

Ấn tượng khi đọc câu chuyện mở đầu bài viết:

  • Cảm thấy hứng thú, tò mò về nội dung bài viết.
  • Câu chuyện về chú bé gợi sự đồng cảm với cách suy nghĩ của chú bé.
  • Ấn tượng về một cách mở đầu bài viết rất thú vị và hấp dẫn bạn đọc.

Câu 2. Tác giả phục chú bé vì sự chăm chỉ hay vì điều gì khác?

Gợi ý.

Tác giả khâm phục cậu bé không chỉ vì sự chăm chỉ mà còn vì sự cảm thông của cậu. Cậu bé này chăm chỉ sửa chữa đồ vật vì cậu cảm thấy đồng cảm với chúng, đắm mình trong suy nghĩ và cảm xúc của đồ vật và đặt chúng vào vị trí của chúng.

Câu 3. Góc nhìn riêng về sự vật được thể hiện thế nào ở những người có nghề nghiệp khác nhau?

Gợi ý.

Góc nhìn riêng về sự vật, cụ thể là về một gốc cây của những nghề nghiệp khác nhau là: 

  • Nhà khoa học nhìn thấy tính chất và trạng thái của gốc cây.
  • Bác làm vườn lại nhìn về sức sống của cây.
  • Còn chú thợ mộc lại thấy được chất liệu tốt hoặc kém của gốc cây.
  • Anh họa sĩ nhìn về dáng vẻ của cây, chỉ đơn thuần thưởng thức dáng vẻ của cây.

Câu 4. Phải chăng sự đồng cảm là một phẩm chất không thể thiếu của người nghệ sĩ?

Gợi ý.

Lòng đồng cảm là một phẩm chất không thể thiếu của người nghệ sĩ, vì:

  • Người nghệ sĩ cần đồng điệu, đồng cảm với đối tượng mới có thể tạo ra một tác phẩm xuất sắc.
  • Người nghệ sĩ có lòng đồng cảm thì các tác phẩm được tạo ra sẽ có hồn hơn, dễ dàng đến gần hơn với người khác.

Câu 5. Trong sáng tạo nghệ thuật, sự đồng cảm được biểu hiện như thế nào? 

Gợi ý.

Trong sáng tạo nghệ thuật, sự đồng cảm được biểu hiện:

  • Người nghệ sĩ phải đồng cảm với mọi vật, từ sinh vật đến phi sinh vật, từ động vật đến thực vật.
  • Vạn vật đều có linh hồn nên cần nhìn và cảm nhận chúng từ sâu trong tâm hồn mình.
  • Đặt mình vào chính đối tượng, cảm nhận và trải nghiệm cảm xúc của để có lòng đồng cảm, đồng điệu chúng trong sáng tạo nghệ thuật.

Câu 6. Người sáng tạo nghệ thuật học được ở trẻ em những điều gì?

Gợi ý.

Những người làm nghệ thuật dạy cho trẻ em sự đồng cảm với tất cả mọi thứ như con chó, con mèo, bông hoa, v.v. Trẻ em nhìn thế giới với sự hồn nhiên và trong sáng; thường để ý những điều ít người để ý và khám phá ra rất nhiều điều thú vị.

3. Tìm hiểu chung

3.1 Tóm tắt văn bản

Yêu và đồng cảm là một đoạn trích trong tác phẩm Sống vốn đơn thuần của tác giả Phong Tử Khải. Đoạn văn nói lên sự đồng cảm không chỉ của người con hay người nghệ sĩ mà còn là sự đồng cảm của mọi ngành nghề. Người nghệ sĩ cũng giống như những đứa trẻ, luôn đồng cảm với mọi thứ, kể cả những đồ vật từ bàn ghế đến hoa lá, cỏ cây…

3.2 Bố cục

Văn bản chia làm 4 phần:

  • Phần 1: Đoạn 1 + 2: Những cảm nhận ban đầu và cách lý giải của tác giả về lòng đồng cảm.
  • Phần 2: Đoạn 3: Cách thể hiện và ý nghĩa của lòng đồng cảm.
  • Phần 3: Đoạn 4 + 5: Đối tượng của lòng đồng cảm và điểm tương đồng trong sự đồng cảm giữa trẻ em và người nghệ sĩ.
  • Phần 4: Đoạn 6: Thông điệp gửi gắm của tác giả mong muốn mọi người hãy có lòng đồng cảm với vạn vật trong cuộc sống thường ngày.

3.3 Nội dung chính của văn bản

Văn bản khẳng định quan niệm của tác giả về lòng đồng cảm của nghệ sĩ và ngợi ca tấm lòng đồng cảm của trẻ em.

III. Suy ngẫm và phản hồi

1. Nội dung chính của từng phần và hệ thống luận điểm

a. Nội dung chính

Những hành động của chú bé đã khiến tác giả “ngộ ra” ý nghĩa lớn lao, đích thực của sự đồng cảm.

Nêu lên và giải thích cái nhìn riêng của người họa sĩ đối với mọi sự vật trong thế giới.

Khẳng định vai trò của sự đồng cảm trong sáng tạo nghệ thuật.

Mở rộng cách hiểu về lòng đồng cảm: đồng cảm là sự chia sẻ, tương thông, chan hòa không chỉ giữa con người với con người mà còn với muôn vật khác trong vũ trụ.

Chỉ ra sự tương đồng giữa người lớn và trẻ em  trong việc bảo toàn khả năng giao cảm vốn có của con người.

Khẳng định sự cần thiết của việc học theo trẻ em về việc nuôi dưỡng lòng đồng cảm để cuộc sống trở nên đẹp đẽ và giàu ý nghĩa hơn.

b. Hệ thống luận điểm

Luận điểm 1: Câu chuyện khởi đầu và dư âm để lại.

Luận điểm 2: Chiêm nghiệm về cách nhìn đời của họa sĩ.

Luận điểm 3: Luận về vai trò của đồng cảm trong sáng tạo nghệ thuật.

Luận điểm 4: Bài học sáng tác từ cách nhìn thế giới của trẻ em.

2. Cách triển khai các luận điểm

a. Luận điểm 1: Câu chuyện khởi đầu và dư âm để lại

Câu chuyện chú bé giúp tác giả sắp xếp đồ đạc tạo nên sức hấp dẫn, thuyết phục cho văn bản. Tác giả muốn nêu vấn đề, bàn luận vấn đề từ những trải nghiệm cá nhân để người đọc có thể hiểu, đồng cảm với vấn đề mà ông ông suy nghĩ, trăn trở.

Tác giả phục chú bé không chỉ bởi sự chăm chỉ mà còn vì cảm phục tấm lòng đồng cảm của chú bé: chú hòa mình vào suy nghĩ , cảm xúc của đồ vật và xếp chúng về đúng vị trí của mình.

Trẻ em đã dạy cho người nghệ sĩ, cho chúng ta cách nhìn đời, sụ tương thông giữa vạn vật và sự cần thiết phải duy trì sự hồn nhiên, vô tư, trong suốt khi ứng xử với thế giới, với nghệ thuật.

⇒ Đây là cách thuyết phục giàu tính nghệ thuật, tác động vào cảm xúc và lí trí người đọc. Những hành động của chú bé đã khiến tác giả “ngộ ra” ý nghĩa lớn lao, đích thực của sự đồng cảm

b. Luận điểm 2: Chiêm nghiệm về cách nhìn đời của họa sĩ

Dẫn chứng: Với gốc cây

  • Nhà khoa học: tính chất, trạng thái.
  • Bác làm vườn: sức sống.

Thực tiễn

  • Họa sĩ: dáng vẻ → Hình thức, dáng vẻ

Lí lẽ: “Thực ra chúng ta bước được vào thế giới của Mĩ Thuật…hình dạng và tư thái mà thôi”

Lí lẽ thể hiện những suy tư mang tính triết học bắt đầu từ những trải nghiệm với hội họa. “Hôi họa”, “họa sĩ” là những đối tượng mang tính đại diện cho một hoạt động rộng lớn, đó là nghệ thuật, là văn học.

Khẳng định vai trò của sự đồng cảm trong sáng tạo nghệ thuật.

c. Luân điểm 3. Luận về vai trò của đồng cảm trong sáng tạo nghệ thuật.

Lí lẽ:

  • Nếu không có tấm lòng đồng cảm thì chỉ là thợ vẽ chứ không thể trở thành họa sĩ thực thụ.
  • Đồng cảm với vạn vật sẽ giúp chúng ta cảm nhận được rõ hơn vẻ đẹp của thế giới.

Dẫn chứng:

  • Phải khoáng đạt như anh hùng mới vẽ được anh hùng, phải dịu dàng như thiếu nữ mới vẽ được thiếu nữ.
  • Phải trải nghiệm sức sống của rồng ngựa mới vẽ được rồng ngựa; chứng kiến vẻ rắn rỏi của tùng bách mới họa được tùng bách, biến mình thành bình hoa, cảm nhận cái lực của bình hoa mới vẽ được bình hoa.

Cách đưa dẫn chứng toàn diện, phù hợp với lí lẽ. Thao tác lập luận so sánh được sử dụng đã làm nổi bật tầm quan trọng của đồng cảm trong sáng tạo nghệ thuật. Đồng thời khẳng định: đồng cảm là một phẩm chất không thể thiếu của người nghệ sĩ.

d. Luân điểm 4: Bài học sáng tác từ cách nhìn thế giới của trẻ em.

Trong tác phẩm nhà văn đã dùng nhiều câu nói về trẻ em và tuổi thơ :

  • Đoạn (1): “Một đứa bé vào phòng tôi, giúp tôi sắp xếp đồ đạc.… . Thấy dây treo tranh trên tường buông thõng thò ra ngoài, nó bắc ghế trèo lên giấu vào trong hộ.”; “Tôi phục sát đất tấm lòng đồng cảm phong phú của chú bé này.”
  • Đoạn (3): “Họa sĩ đưa tấm lòng mình về trạng thái hồn nhiên như trẻ nhỏ để miêu tả tre em, đồng thời cũng đã đặt lòng mình vào biểu cảm đau khổ của người ăn mày để khắc hoạ ăn mày.”
  • Đoạn (5): “Về mặt này chúng ta không thể không ca tụng các em bé.…. Bởi vậy bản chất của trẻ thơ là nghệ thuật’”
  • Đoạn (6): “Tuổi thơ quả là thời hoàng kim trong đời người! Tuy thời hoàng kim của chúng ta đã trôi qua, nhưng nhờ bồi dưỡng về nghệ thuật, chúng ta vẫn có thể thấy lại thế giới hạnh phúc, nhân ái và hòa bình ấy.”

Lý do tác giả nhắc nhiều đến trẻ em và tuổi thơ là vì:

  • Tác giả là một nhà văn, họa sĩ, một nghệ thuật gia nổi tiếng của Trung Quốc, những sáng tác của ông luôn đề cao tấm lòng thơ trẻ trong cách nhìn đời và thực hành nghệ thuật.
  • Tác giả ngưỡng mộ, ngợi ca tấm lòng đồng cảm của trẻ em, ông đã đưa sự ngợi ca ấy vào những sáng tác của mình để truyền tải suy nghĩ của mình đến người đọc.
  • Ông muốn được quay trở lại tuổi thơ, để có thể sống cuộc sống hồn nhiên, hạnh phúc, sống lại “thời hoàng kim” đã qua trong đời.

Điểm tương đồng giữa trẻ em và người nghệ sĩ:

  • Có cái nhìn không vụ lợi về mọi đối tượng (không quan tâm đến “giá trị thực tiễn” của chúng): không chỉ đồng cảm với con người, còn đồng cảm hết thảy sự vật như chó mèo, hoa cỏ, chim cá, bướm sâu…
  • Luôn duy trì được trạng thái “hồn nhiên” khi nhìn đời bằng tấm lòng “đồng cảm bao la”: hồn nhiên trò chuyện với chó mèo, hồn nhiên hôn lên hoa cỏ, hồn nhiên chơi với búp bê..
  • Luôn phát hiện ra những điều thú vị của thế giới ngay ở chỗ bao người đã nhìn mà không thây

Đó chính là những bài học trẻ em đã dạy cho người chúng ta và người nghệ sĩ về cách nhìn đời, về cách cảm nhận thế giới. Vì vậy người nghệ sĩ phải không ngừng nuôi dưỡng tâm hồn mình để đạt đến độ trong trẻo như trẻ thơ để luôn khám phá được những điều mới mẻ trong cuộc sống

Sức thuyết phục của các đoạn văn không chỉ nằm ở lí lẽ, dẫn chứng gần gũi, lôi cuốn mà còn ở sự so sánh sự tương đồng giữa trẻ em và nghệ sĩ, ở sự phát hiện độc đáo của nhà văn…

3. Tác dụng của đoạn kể về chú bé giúp tác giả sắp xếp đồ đạc ở phần 1

Gợi ý.

Đoạn kể về chú bé giúp tác giả sắp xếp đồ đạc ở phần 1 làm tăng sức hấp dẫn của văn bản, nếu không có thì sức hấp dẫn và sự thuyết phục của văn bản sẽ bị giảm đi.

Nếu không có đoạn kể về chú bé giúp tác giả sắp xếp đồ đạc ở phần 1 sẽ làm người đọc sẽ thấy mơ hồ khi bắt đầu đọc từ đoạn (2), dẫn đến việc khó có thể nắm bắt và hiểu được nội dung văn bản.

Nếu không có đoạn kể về chú bé giúp tác giả sắp xếp đồ đạc ở phần 1, thì văn bản sẽ không còn mạch lạc, thiếu sự liên kết giữa đoạn mở đầu với những đoạn sau.

4. Mở rộng từ ý kiến của nhà thơ Xuân Diệu “ Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non”

Gợi ý.

Đôi mắt xanh non là chỉ đôi mắt của trẻ con, nhìn đời một cách ngây thơ, hồn nhiên nhất để cảm nhận thế giới trong một màu hồng tươi đẹp.

Nhìn đời bằng đôi mắt của trẻ nhỏ sẽ giúp ta cảm nhận cuộc sống dưới một góc độ tươi đẹp hơn, không có sự mệt mỏi và chỉ tràn đầy niềm vui, hạnh phúc.

Nhà thơ muốn quay trở lại tuổi thơ, trở lại hình hài của một đứa trẻ để cảm nhận được tình yêu, niềm hạnh phúc khi được vui chơi mà không cần lo nghĩ việc đời.

IV. Kết nối đọc - viết

Sự đồng cảm tạo nên vẻ đẹp gắn kết của thế giới. Hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) về chủ đề này

Đoạn văn tham khảo

 Có lẽ chúng ta đều biết: cô bé bán diêm không chỉ chết vì đói và rét trong đêm giao thừa, mà nguyên nhân sâu xa của cô là sự thiếu thốn tình thương của mọi người. Bởi vậy, một nhà văn Nga đã từng nói “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình yêu”. Con người cần kết nối con người với con người và tạo nên một thế giới tươi đẹp và sự đồng cảm để sưởi ấm trái tim. Đồng cảm là đồng điệu với cảm xúc, là cảm nhận được niềm vui nỗi buồn của người khác, biết đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu và cảm thông cho họ. Sự đồng cảm không chỉ giữa con người với nhau mà còn giữa con người với vạn vật.  Để có một cuộc sống hạnh phúc, một trái tim rộng lượng, một mối quan hệ tốt đẹp  thì bạn phải có sự đồng cảm với mọi thứ trên đời. Xây dựng quỹ Chữ thập đỏ, Trái tim cho em, Phong trào kế hoạch nhỏ thu gom giấy vụn… là biểu hiện của sự đồng cảm được thể hiện qua những hành động thiết thực  để đem lại thiện cảm cho mọi người. Hay đồng cảm với sự vật bằng cách hòa mình vào chúng, đưa con mắt cảm xúc để đánh giá và nhìn sự vật theo cách của con người. Sự đồng cảm có vai trò quan trọng góp phần hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng xã hội văn minh, nhân ái, các mối quan hệ con người tiến bộ, thân thiện, gần gũi… Tuy nhiên, thế hệ trẻ ngày nay vẫn còn một phần ích kỷ và thờ ơ trong mọi việc. Nó gây ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Một cách đối nhân xử thế cần phải giữ gìn và phát huy, một hành động tử tế không chỉ sưởi ấm trái tim người khác, mang lại hạnh phúc cho chính mình, mà sự đồng cảm còn tạo nên vẻ đẹp gắn kết của thế giới đó là biểu hiện của một lối sống đẹp. Hãy làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn, ấm áp hơn, hạnh phúc hơn.


Biên soạn: GV Nguyễn Duy Tuấn

SĐT: 0945 441181

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Nguyễn Duy Tuấn

Bài 2: Hiền Tài Là Nguyên Khí Của Quốc Gia
Bài 4: Chữ Bầu Lên Nhà Thơ