Picture of the author
Picture of the author
SGK KNTT Ngữ Văn 6»Bài 2: Gõ Cửa Trái Tim»Bài 2: Chuyện Cổ Tích Về Loài Người

Bài 2: Chuyện Cổ Tích Về Loài Người

Lý thuyết bài Chuyện cổ tích về loài người môn Văn 6 bộ sách KNTT bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

chuyen-co-tich-ve-loai-nguoi-van6

chuyen-co-tich-ve-loai-nguoi-van6-1

I. Trước khi đọc

1. Một số truyện kể về nguồn gốc loài người 

Một số truyện kể về nguồn gốc loài người trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam hoặc văn học nước ngoài là: 

  • Giê-hô-va sáng tạo ra con người (châu Âu) 
  • Thần Pờ-rô-mê-tê sáng tạo ra con người (Hy Lạp) 
  • Bản Cổ khai thiên lập địa và Nữ Oa sáng tạo con người (phương Đông), … 

Các truyện có điểm kì lạ là đều giải thích nguồn gốc loài người do Trời sinh ra. Đó là cách giải thích mang màu sắc hoang đường, kì ảo. 

2. Một số bài thơ viết về tình cảm gia đình 

Làm anh (Phan Thị Thanh Nhàn)

 

Làm anh khó đấy

Phải đâu chuyện đùa

Với em gái bé

Phải “người lớn” cơ.

Khi em bé khóc

Anh phải dỗ dành

Nếu em bé ngã

Anh nâng dịu dàng.

Mẹ cho quà bánh

Chia em phần hơn

Có đồ chơi đẹp

Cũng nhường em luôn.

Làm anh thật khó

Nhưng mà thật vui

Ai yêu em bé

Thì làm được thôi

 

Thương ông (Tú Mỡ)

(Trích) 

Ông bị đau chân

Nó sưng nó tấy

Đi phải chống gậy

Khập khiễng khập khà 

Bước lên thềm nhà

Nhấc chân quá khó

Thấy ông nhăn nhó

Việt chơi ngoài sân 

Lon ton lại gần

Âu yếm nhanh nhảu:

- Ông vịn vai cháu

Cháu đỡ ông lên!

Ông bước lên thềm

Trong lòng sung sướng

Quẳng gậy cúi xuống

Quên cả đớn đau

Ôm cháu xoa đầu

- Hoan hô thằng bé

Bé thế mà khỏe

Vì nó thương ông.

3. Tác giả, tác phẩm

a. Tác giả

Họ tên đầy đủ: Nguyễn Thị Xuân Quỳnh;

Năm sinh – năm mất:1942 – 1988;

Quê quán: La Khê – Hà Đông – Hà Tây, nay là Hà Nội.

Truyện và thơ viết cho thiếu nhi của bà tràn đầy tình yêu thương, trìu mến, có hình thức giản dị, ngôn ngữ trong trẻo, phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của trẻ em.

Những tác phẩm truyện và thơ viết cho thiếu nhi tiêu biểu: Lời ru mặt đất, Bầu trời trong quả trứng, Bến tàu trong thành phố,...

b. Tác phẩm

Chuyện cổ tích về loài người là bài thơ được rút ra từ tập thơ Lời ru trên mặt đất, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1978, tr. 49 – 52.

II. Trải nghiệm cùng văn bản

1. Nhân vật chính

Trẻ em

2. Phương thức biểu đạt

Trữ tình kết hợp tự sự và miêu tả;

3. Bố cục

2 phần

Phần 1: Khổ 1: Thế giới trước khi trẻ con ra đời;

Phần 2: Thế giới sau khi trẻ con ra đời

  • Khổ 2: Những thay đổi về thiên nhiên đầu tiên khi trẻ con sinh ra;
  • Khổ 3: Sự xuất hiện của mẹ để cho trẻ tình yêu và lời ru
  • Khổ 4: Sự xuất hiện của bà để kể cho trẻ nghe những câu chuyện cổ
  • Khổ 5: Sự xuất hiện của bố và tình yêu thương của bố để cho trẻ có nhận thức về thế giới
  • Khổ 6: Sự xuất hiện của trường lớp và thầy giáo để cho trẻ được đi học và có kiến thức.

4. Theo dõi đọc:

a. Số lượng tiếng trong một dòng thơ 

Một dòng thơ có 5 tiếng => thể thơ 5 chữ

b. Hình ảnh trái đất khi trẻ con được sinh ra. 

  • Trên trái đất trần trụi 
  • Không dáng cây ngọn cỏ 
  • Mặt trời cũng chưa có 
  • Chỉ toàn là bóng đêm 
  • Không khí chỉ màu đen
  • Chưa có màu sắc khác. 

c. Sự thay đổi của trái đất sau khi trẻ con được sinh ra qua miêu tả của nhà thơ. 

  • Mặt trời nhô cao. 
  • Màu xanh cỏ cây bắt đầu có 
  • Cây cao bằng gang tay
  • Có lá cỏ và hoa
  • Hoa có màu đỏ
  • Chim bấy giờ sinh ra 
  • Có tiếng hót của chim trong và cao 
  • Có gió truyền âm thanh 
  • Có sông, có biển 
  • Biển sinh ý nghĩ, cá tôm, những cánh buồm
  • Đám mây cho bóng rợp 
  • Có đường cho trẻ tập đi 

d. Các nhân vật, sự việc được kể trong bài thơ 

Các nhân vật: mẹ, bà, bố, thầy giáo 

Các sự việc: 

  • Cái bống, cái bang 
  • Cái hoa 
  • Cánh cò 
  • Vị gừng 
  • Vết lấm 
  • Đầu nguồn cơn mưa 
  • Bãi sông cát vắng ,…

e. Sự chăm sóc, yêu thương của mẹ dành cho con

  • Mẹ cho con tình yêu và lời ru 
  • Mẹ bế bồng chăm sóc

f. Hình ảnh bà kể chuyện và thế giới trong những câu chuyện cổ bà kể

Chuyện con cóc nàng tiên: 

Chuyện cô Tấm ở hiền 

Thằng Lý Thông ở ác … 

Mái tóc bà thì bạc

Con mắt bà thì vui 

Bà kể đến suốt đời 

Cũng không sao hết chuyện. 

g. Sự yêu thương, chăm sóc mà bố dành cho con

Muốn cho trẻ hiểu biết: 

  • Thế là bố sinh ra 
  • Bố bảo cho biết ngoan 
  • Bố dạy cho biết nghĩ 

h. Khung cảnh mái trường thân yêu

Có lớp, có bàn, có thầy giáo, có cái bảng bằng cái chiếu, cục phấn từ đá,… 

III. Sau khi đọc

1. Nội dung chính

Bài thơ kể lại một cách sinh động về sự ra đời của loài người. Mọi thứ từ mặt trời, mẹ, bố, mặt bể, con đường, trường lớp,… đều sinh ra để phục vụ cho những nhu cầu của trẻ con. Qua đó bài thơ đã bộc lộ tình yêu mến đối với con người nhất là trẻ em. Trẻ em cần được yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ. Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho tuổi thơ.

2. Đặc điểm thơ trong văn bản 

Số chữ một dòng: mỗi dòng thơ có 5 tiếng, các dòng được sắp xếp theo khổ và không giới hạn số lượng dòng trong một bài. 

Vần: vần chân ở hầu hết các dòng thơ, ví dụ: 

“Từ cánh cò rất trắng

Từ vị gừng rất đắng

Từ vết lấm chưa khô

Từ đầu nguồn cơn mưa

Từ bãi sông cát vắng…”

Ngắt nhịp 3/2 hoặc 2/3, tạo âm điệu nhịp nhàng. Ví dụ: 

“Trời sinh ra/ trước nhất

Chỉ toàn là/ trẻ con

…..

Màu xanh/ bắt đầu cỏ

Màu xanh/ bắt đầu cây”

→  Mặc dù có yếu tố tự sự nhưng “Chuyện cổ tích về loài người” vẫn là một bài thơ vì nhà thơ chỉ mượn phương thức tự sự để bộc lộ cảm xúc, tình cảm yêu thương dành cho trẻ thơ. 

3. Sự biến đổi của thế giới sau khi trẻ con ra đời là 

  • Mặt trời nhô cao. 
  • Màu xanh cỏ cây bắt đầu có 
  • Cây cao bằng gang tay
  • Có lá cỏ và hoa
  • Hoa có màu đỏ
  • Chim bấy giờ sinh ra 
  • Có tiếng hót của chim trong và cao 
  • Có gió truyền âm thanh 
  • Có sông, có biển 
  • Biển sinh ý nghĩ, cá tôm, những cánh buồm
  • Đám mây cho bóng rợp 
  • Có đường cho trẻ tập đi 

→ Theo cảm nhận của nhà thơ, mỗi sự thay đổi trên thế giới đều bắt nguồn từ sự sinh ra của trẻ con. Các sự vật, hiện tượng xuất hiện đều để nâng đỡ, nuôi dưỡng, góp phần giúp trẻ con trưởng thành cả về thể chất và tâm hồn. 

4. Ý nghĩa lời ru của mẹ

Theo Xuân Quỳnh, món quà tình cảm mà chỉ có mẹ mới đem đến được cho trẻ thơ chính là tình yêu của mẹ. Tình yêu ấy thể hiện một cách bình dị mà cảm động qua sự chăm sóc ân cần và lời hát ru của mẹ. Mỗi hình ảnh trong lời hát ru của mẹ đều chứa đựng ý nghĩa sâu xa, gửi gắm những ước mong của me dành cho trẻ thơ.

Cái bống cái bang vốn chỉ những em bé ngoan, chăm chỉ trong bài ca dao: 

“Cái bống là cái bống bang

Khéo sảy khéo sàng cho mẹ nấu cơm

Mẹ bống đi chợ đường trơn

Bống ra gánh đỡ chạy cơn mưa ròng”

→ Nhắc đến cái bống, nhà thơ ngầm ý nhắc nhở các em hãy là những người con hiếu thảo, biết yêu thương, giúp đỡ cha mẹ. 

Cánh cò gợi nhớ đến bài ca dao: 

“Con cò mà đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao 

Ông ơi ông vớt tôi nao 

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng 

Có xáo thì xáo nước trong 

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.” 

→ Cánh cò trắng biểu tượng cho người nông dân vất vả, một nắng hai sương kiếm ăn mà vẫn quanh năm thiếu thốn. Tuy hoàn cảnh sống lam lũ, cực nhọc nhưng họ vẫn giữ tấm lòng trong sạch. 

Vị gừng cay trong lời ru của mẹ gợi nhớ những câu ca dao: 

“Tay nâng chén muối đĩa gừng

Gừng cay muối mặn, xin đừng quên nhau

Muối ba năm muối đang còn mặn

Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

Đôi ta nghĩa nặng tình dày

Có xa nhau cũng phải ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.”

Những hình ảnh mẹ mang đến cho trẻ con qua lời ru chứa đựng những lời nhắn nhủ ân cần về cách sống đẹp: biết yêu thương, chia sẻ, nhân ái, thủy chung,… Đó chính là dòng sữa mát lành nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. 

5. Những câu chuyện cổ tích và điều bà muốn gửi gắm qua những câu chuyện 

Tấm Cám, Thạch Sanh: Ước mơ về lẽ công bằng, người ở hiền sẽ gặp lành, ở ác sẽ bị quả báo. 

Cóc kiện trời: Đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh. 

Nàng tiên ốc, ba cô tiên: Lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp. 

→ Những câu chuyện cổ tích đó mang đến cho trẻ thơ những bài học về triết lí sống nhân hậu, ở hiền gặp lành; là suối nguồn trong trẻo nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn trẻ thơ. 

6.Những nét riêng trong tình cảm mà bố dành cho trẻ: 

Nếu mẹ yêu thương trẻ, dành cho trẻ sự chăm sóc ân cần và lời ru ngọt ngào thì tình yêu của bố hiện qua sự truyền dạy những tri thức về thiên nhiên và cuộc sống.

Mẹ nuôi dưỡng cho trẻ trái tim ấm áp, yêu thương; Bà mang đến cho trẻ những bài học về triết lí sống nhân hậu, nuôi dưỡng và bồi đắp tâm hồn. Bố giúp trẻ trưởng thành về trí tuệ.

7. Hình ảnh mái trường

Mái trường hiện lên với những hình ảnh rất đỗi thân thương, bình dị như chữ viết, ghế, bàn, lớp học, bảng, phấn và thầy giáo.

Chính nơi này, người thầy cùng với những phương tiện dạy học đơn sơ đã mang đến cho trẻ thơ những bài học về đạo đức, tri thức, nuôi dưỡng những ước mơ đẹp, … giúp trẻ trưởng thành hơn.

8. Ý nghĩa nhan đề của bài thơ

Bài thơ có nhan đề: “Chuyện cổ tích về loài người” gợi cho người đọc những liên tưởng về những câu chuyện tưởng tượng về sự xuất hiện của loài người trong vũ trụ dưới hình thức cổ tích suy nguyên, giải thích nguồn gốc của loài người mang màu sắc hoang đường, kì ảo.  

9.Sự sáng tạo của nhà thơ trong cách kể chuyện

Sự giống và khác nhau giữa câu chuyện của nhà thơ Xuân Quỳnh với những câu chuyện nguồn gốc cổ tích khác

Giống: đều có những yếu tố hoang đường, kỳ ảo; đều nói về nguồn gốc của loài người;

Điểm khác biệt của nhà thơ Xuân Quỳnh:

  • Không phải người lớn được sinh ra trước mà là trẻ con à Tư tưởng: trẻ con chính là trung tâm của vũ trụ, là những thế hệ mầm non, tương lai à Cần được nâng niu, hướng dẫn;
  • Cách kể mang nét độc đáo, gần gũi với ca dao, tưởng phi lý nhưng lại rất đúng: Có trẻ con rồi người lớn mới trở thành bậc ông bà, cha mẹ: Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu rồi mới sinh bà sinh ông.

→ Thông điệp:

  • Tới trẻ em: Hãy yêu thương những người thân trong gia đình bởi họ đã dành cho các em những tình cảm tốt đẹp nhất. Tình cảm cần được thể hiện qua những lời nói, hành động, việc làm cụ thể, giản dị hàng ngày. 
  • Tới các bậc làm cha mẹ: Hãy yêu thương, chăm sóc và dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất bởi các em chính là tương lai của gia đình, đất nước. Các em cần được sống trong môi trường tốt đẹp, được yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ để khôn lớn, trưởng thành. 

IV. Viết kết nối với đọc 

Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) thể hiện cảm xúc của em về một đoạn thơ mà em yêu thích trong bài thơ “Chuyện cổ tích về loài người”.

1. Gợi ý

Lựa chọn đoạn thơ yêu thích, xác định nội dung chính, những yếu tố nghệ thuật nổi bật và cảm xúc của em khi đọc đoạn thơ đó. 

2. Hướng dẫn viết

Câu mở đầu cần giới thiệu được tên bài thơ, tên tác giả, nội dung đoạn thơ, cảm xúc chung của em về đoạn thơ. 

Các câu tiếp theo thể hiện cảm xúc đối với các khía cạnh nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ. 

3. Đoạn văn tham khảo

Xuân Quỳnh đã có cách giải thích thật khéo léo, tinh tế và dễ hiểu vè nguồn gốc của loài người qua bài thơ “Chuyện cổ tích về loài người”. Và đây là một đoạn thơ đặc sắc:

“Nhưng còn cần cho trẻ 

Tình yêu và lời ru 

Thế nên mẹ sinh ra 

Để bế bồng, chăm sóc 

Mẹ mang về tiếng hát 

Từ cái bống cái bang 

Từ cái hoa rất thơm 

Từ cánh cò rất trắng 

Từ vị gừng rất đắng 

Từ vết lấm chưa khô 

Từ đầu nguồn cơn mưa 

Từ bãi sông cát vắng…” 

Ngay đầu đoạn thơ, tác giả đã lý giải về sự có mặt của người mẹ trong thế giới. Khổ thơ như chia làm hai vế, vế đầu

“Nhưng còn cần cho trẻ. 
Tình yêu và lời ru”

Là điều kiện cần, còn vế sau:

“Thế nên mẹ sinh ra.
Đề bế bồng, chăm sóc”

Là kết quả thỏa mãn điều kiện đó. Lúc đầu trời sinh ra chỉ toàn là trẻ con, rồi mọi thứ dần dần ra đời để nuôi dưỡng bé. Và lí do mẹ có mặt trên đời cũng thật giản dị và ý nghĩa, vì có bé ở trên đời. Bé cần rất nhiều thứ để lớn khôn như mặt trời, cây cỏ, chim muông, sông suối, cá tôm... nhưng có lẽ hơn hết thảy bé cần tình yêu và lời ru. Từ “nhưng” đặt đầu câu để nhấn mạnh sự quan trọng về sự xuất hiện của mẹ là điều tất yếu. Bởi bé là niềm vui, là nguồn hạnh phúc của mẹ. Bé cần có bàn tay dịu dàng vuốt ve, cần lời hát ru để lớn, cần sự dạy bảo để thành người. Vì thế mà Mẹ xuất hiện!


Biên soạn: GV Nguyễn Duy Tuấn

SĐT: 0945 441181

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Nguyễn Duy Tuấn

Bài 1: Tri Thức Ngữ Văn Trang 39
Bài 3: Thực Hành Tiếng Việt Trang 43