Picture of the author
Picture of the author
SGK KNTT Ngữ Văn 6»Bài 5: Những Nẻo Đường Xứ Sở»Bài 6: Cửu Long Giang Ta Ơi

Bài 6: Cửu Long Giang Ta Ơi

Lý thuyết bài Cửu Long Giang ta ơi môn Văn 6 bộ sách KNTT bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

cua-long-giang-oi-van6

I. Trước khi  đọc

1. Tác giả

Tên: Nguyên Hồng;

Năm sinh – năm mất: 1918 – 1982;

Quê quán: sinh ra ở Nam Định và sống chủ yếu ở thành phố cảng Hải Phòng;

Nguyên Hồng sáng tác ở nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kí, thơ, v.v… Những trang viết của ông tràn đầy cảm xúc chân thành, mãnh liệt với con người và cuộc sống.

2. Tác phẩm

Các tác phẩm chính: Những ngày thơ ấu (hồi kí), Bỉ vỏ (tiểu thuyết), Trời xanh (thơ), Cửa biển (tiểu thuyết), Bước đường viết văn (hồi kí), v.v…

VB Cửu Long Giang ta ơi được trích trong Trời xanh, NXB Văn học, Hà Nội, 1960, tr. 5 – 9.

II. Trải nghiệm cùng văn bản

Phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm;

Bố cục:

  • Từ đầu… hai ngàn cây số mênh mông: Hình ảnh sông Mê Kông trong những ngày đi học;
  • Tiếp… không bao giờ chia cắt: Hình ảnh sông Mê Kông gắn liền với những sinh hoạt lao động;
  • Còn lại: Chủ thể trữ tình nhìn sự đổi thay hiện tại và nhớ lại kỷ niệm xưa.

Nội dung chính: Bài thơ khắc vẻ đẹp trù phú của dòng sông Mê Kông và những con người cực nhọc cùng bùn đất để gây dựng quê hương, đoàn kết giữ gìn đất đai sông núi. Từ đó, ta thấy rõ được niềm tự hào và tình yêu Tổ quốc sâu đậm, da diết.

III. Suy ngẫm và phản hồi

1. Ý nghĩa của nhan đề văn bản

Nhan đề “Cửu Long Giang ta ơi”: 

  • Nêu bật chủ đề của tác phẩm
  • Là một cách để giới hạn phần lãnh thổ Việt Nam, từ đó biểu thị tình yêu, niềm tự hào về quê hương đất nước
  • Từ “ta” ở đây gợi sự thân thiết, ý thức sở hữu

⇒ Nhan đề bài thơ giống như lời gọi tha thiết, thể hiện tình cảm đối với từng tấc đất của cha ông.

2. Ý nghĩa tượng trưng của hình ảnh “tấm bản đồ rực rỡ”: 

Tượng trưng cho Tổ quốc thiêng liêng.

Mở ra một không gian mới, gợi niềm háo hức, say mê. Cậu bé ước mơ được ngắm nhìn sông núi tuyệt vời của Tổ quốc thân yêu. 

3. Vẻ đẹp của dòng sông Mê Kông

Mê Kông sông dài hơn hai ngàn cây số mông mênh

Chín nhánh Mê kông phù sa nổi váng 

Ruộng bãi Mê Kông trông không hết lúa
Bến nước Mê Kông tôm cá ngợp thuyền 
Sầu riêng thơm dậy đất Thủ Biên 
Suối mát dội trong lòng dừa trĩu quả. 

=> Mê Kông hiện lên với nhiều vẻ đẹp khác nhau. Khi chảy vào vùng đất Nam Bộ, sông Mê Kông được đặc tả ở vẻ trù phú, giàu có.

4. Hình ảnh người nông dân Nam Bộ

Nông dân Nam Bộ gối đất nằm sương

Mồ hôi vã bãi lầy thành đồng lúa 

Thành những tên đọc lên nước mắt đều muốn ứa

Những Hà Tiên, Gia Định, Long Châu 

Những Gò Công, Gò Vấp, Đồng Tháp, Cà Mau 

Những mặt đất 

Cha ông nhắm mắt 

Truyền cháu con không bao giờ chia cắt. 

Hình ảnh của những người nông dân gắn với ruộng đồng vùng lưu vực sông Cửu Long. Hình ảnh những con người cực nhọc cùng bùn đất để gây dựng quê hương,  là những con người biết đoàn kết để gìn giữ đất đai sông núi. 

5. Một số hình ảnh tiêu biểu sinh động, giàu sức gợi 

“tấm bản đồ rực rỡ”: tượng trưng cho Tổ quốc thiêng liêng, mở ra một không gian mới, gợi niềm háo hức, say mê, nâng cánh ước mơ cho cậu học sinh. 

“gậy thần tiên và cánh tay đạo sĩ”: “gậy thần tiên” – hình ảnh ẩn dụ chỉ cây thước (đồ dùng dạy học) của thầy giáo trong cái nhìn mơ mộng của học trò; “đạo sĩ” chỉ hình ảnh người thầy được ngưỡng mộ trong mắt học trò.

6. Tình cảm của tác giả

Thuở  học trò: “Mười tuổi thơ …” 

Khi lớn khôn: “Ta đi … bản đồ không nhìn nữa” 

Khi trưởng thành: “Ta đã lớn…” 

Theo năm tháng đời người, nhận thức về dòng sông thay đổi, tình cảm với dòng Mê Kông cũng thay đổi. Đó là những cảm nhận sâu sắc về bề dày lịch sử và truyền thống ông cha qua hình ảnh dòng sông.

IV. Luyện tập.

Viết đoạn văn cảm nhận về bài Cửu Long Giang ta ơi

Đoạn văn tham khảo.

Tinh thần yêu nước được thể hiện sâu sắc trong bài thơ “Cửu Long Giang ta ơi” của Nguyên Hồng. Bắt đầu từ hình ảnh của một lớp học, từ đó mở rộng ra là cả một dòng sông rộng lớn. Đọc bài thơ, chúng ta thấy được hơi thở từ quá khứ đến hiện tại, từ trong tiềm thức trở về với suy ngẫm. Nhân vật người thầy được tôn vinh ngay từ những dòng đầu, lại không thấy ở những dòng cuối không phải vì bị bỏ quên, mà chỉ vì thầy giáo đã hy sinh cho nền độc lập của dân tộc. Tấm bản đồ đã nhập vào cương vực quốc gia. Chỉ còn “thước thành cán mà bảng đã hoá cờ sao”. Các chi tiết đã được sắp xếp thể hiện một tấm lòng yêu quê hương, đất nước thiết tha của nhà thơ. Bài thơ khiến người đọc say mê trong niềm yêu mến, tự hào về con sông quê hương đất nước của người Việt Nam.


Biên soạn: GV Nguyễn Duy Tuấn

SĐT: 0945 441181

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Nguyễn Duy Tuấn

Bài 5: Thực hành tiếng Việt trang 118
Bài 7: Viết Bài Văn Tả Cảnh Sinh Hoạt