Picture of the author
Picture of the author
SGK KNTT Ngữ Văn 7»Bài 8: Trải Nghiệm Để Trưởng Thành»Bài 6: Nói Với Con

Bài 6: Nói Với Con

Lý thuyết bài Nói Với Con môn Văn 7 bộ sách KNTT bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

noi-voi-con

I. Trước khi đọc

1. Một số câu ca dao, tục ngữ về người cha

Câu 1.  Cha đưa cả tấm lưng gầy
Chở che con được tới ngày hôm nay.

Câu 2.  Cha là bóng cả ngã che con
Là cả tình thương chẳng xói mòn.

Câu 3. Cha là bóng mát giữa trời
Cha là điểm tựa bên đời của con.

Câu 4. Cha là tất cả cha ơi
Ngàn năm con vẫn trọn đời yêu thương.

Câu 5. Khi con tát cạn biển Đông
Thì con mới hiểu tấm lòng của cha.

Câu 6. Cha ơi bóng cả cây cao
Che chở con những lao đao cuộc đời.
Cha ơi bóng cả cây cao.
Che chở con những lao đao cuộc đời.

Câu 7. Bên mi ướt đẫm giọt sầu
Thương cha trăm tuổi sợ câu giã từ.

Câu 8. Buồn hay vui cha cũng cam để dạ
Khóc hay cười cha để cả trong tim
Như đại dương lòng biển cả lặng im
Trong sâu thẳm tiềm tàng nhiều bí ẩn.

Câu 9. Nay con lớn hai màu tóc
Thấm thía đời nước mắt của cha
Con sẽ sống với những gì cha mong ước
Hãy tin con! Cha mãi mãi trong lòng.

Câu 10. Cha tôi lắm nỗi gian nan
Vì con cơ cực tháng ngày phiêu linh
Cha là tất cả cha ơi!
Ngàn năm con vẫn trọn đời yêu thương.

2. Tác giả

Y Phương (sinh năm 1948) tên thật là Hứa Vĩnh Sước

Quê quán: Trùng Khánh - Cao Bằng , ông là người dân tộc Tày.

Ông nhập ngũ năm 1968, phục vụ trong quân đội đến năm 1981 chuyển về công tác tại sở văn hóa và thông tin tỉnh Cao Bằng.

Năm 1993 là chủ tịch hội văn nghệ Cao Bằng.

Tác phẩm chính;“Người hoa núi”, “Lời chúc”, “Đàn then”…

Phong cách nghệ thuật: Thơ ông thể hiện tâm hồn mạnh mẽ, chân thực và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của người dân tộc miền núi, mang đậm bản sắc vùng cao.

3. Tác phẩm

Bài thơ được sáng tác năm 1980, khi đất nước mới hòa bình thống nhất nhưng gặp rất nhiều khó khăn thiếu thốn. Từ hiện thực ấy nhà thơ sáng tác bài thơ như lời tâm sự, động viên chính mình đồng thời nhắc nhở con cái sau này.

In trong tập Thơ Việt Nam 1945 – 1985.

II. Trải nghiệm cùng văn bản

1. Đọc và theo dõi đọc

a. Thể thơ: Tự do

b. Nội dung chính: Bài thơ thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống, niềm tự hào về quê hương, dân tộc mình. Bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc đến tình cảm đẹp đẽ với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống

c. Bố cục: 2 phần

  • Đoạn 1: Người cha nói với con về tình cảm cội nguồn.
  • Đoạn 2: Người cha nói về truyền thống cao đẹp của quê hương và niềm mong ước con sẽ kế tục những truyền thống đáng quý.

d. Mạch cảm xúc:

  • Mượn lời nói với con, Y Phương gợi về cội nguồn sinh dưỡng mỗi con người, bộc lộ niềm tự hào về sức sống bền bỉ của quê hương mình.
  • Bài thơ đi từ tình cảm gia đình mà mở rộng ra tình cảm quê hương, từ những kỉ niệm gần gũi thiết tha mà nâng lên thành lẽ sống. Cảm xúc, chủ đề của bài thơ được bộc lộ, dẫn dắt một cách tự nhiên, có tầm khái quát nhưng vẫn thấm thía.

III. Suy ngẫm và phản hồi

1. Cha nói với con về cuội nguồn sinh dưỡng

a. Con lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ.

Hình ảnh bước chân.

Chân phải... cha

Chân trái ... m

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười.

→  Điệp ngữ, phép liệt kê -> tả, kể đứa trẻ lẫm chẫm tập đi, tập nói lớn lên từng ngày trong tình yêu thương, trong sự nâng đón và mong chờ của cha mẹ.

→Tạo không khí gia đình đầm ấm, quấn quýt.

b. Con lớn lên trong sự đùm bọc của quê hương nghĩa tình

⇒ Các động từ “cài, ken” + các danh từ “nan hoa, câu hát” -> cuộc sống tươi vui, đoàn kết gắn bó của “người đồng mình”

⇒ Cách nói ví von, giàu hình ảnh qua những hình ảnh cụ thể “rừng - hoa”, “con đường - tấm lòng” + điệp từ “cho”

⇒ Miêu tả cụ thể cuộc sống lao động cần cù, tươi vui, ngoài ra còn thể hiện sự gắn bó, quấn quýt trong lao động, làm ăn của đồng bào quê hương.

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng

Nghệ thuật: ẩn dụ ->Rừng núi quê hương thật thơ mộng và nghĩa tình; đó là sự che chở, nuôi dưỡng con người cả về tâm hồn, lối sống.

→ Gia đình, quê hương chính là nôi êm của đời con.

2. Người cha nói với con về truyền thống quê hương và niềm mong muốn của cha

a. Niềm tự hào về sức sống bền bỉ, về những truyền thống văn hóa của quê hương:

⇒ Điệp ngữ “người đồng mình” được lặp lại 3 lần; lời thơ mộc mạc tha thiết được thể  hiện qua các thán từ “thương lắm, yêu lắm”, “con ơi”; cách nói vừa cụ thể vữa giàu hình ảnh “Cao đo nỗi buồn, xa nôi chí lớn”, “đục đá kê cao quê hương”, “thô sơ da thịt”

⇒ Khẳng định, tự hào về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của “người đồng mình”: tuy vất vả mà mạnh mẽ khoáng đạt, gắn bó với quê hương; dù mộc mạc, thô sơ về hình thức (da thịt) nhưng không hề nhỏ bé về tâm hồn, tinh thần “không ai được nhỏ bé”. “Người đồng mình” giàu lòng tự tôn, có ý thức về bản sắc dân tộc, tự , làm nền văn hóa, phong tục riêng biệt “Tự đục đá kê cao quê hương, còn quê hương thì làm phong tục”.

b. Mong ước của người cha:

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

…………………………………..

Lên thác xuống nghềnh không lo cực nhọc

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con.

⇒ Điệp  từ “sống”, “không chê”, phép so sánh, cách nói vừa cụ thể vừa mang ý nghĩa ẩn dụ, giọng thơ khẳng định tâm tình tha thiết

⇒ Mong muốn – lời dặn dò ân cần của người cha: con phải sống thủy chung với quê hương, làng bản; chấp nhận và vượt qua những thử thách bằng niềm tin và sự nỗ lực của bản thân. Luôn tự hào về quê hương, tự tin vào chính mình để vững bước trên con đường đời.

⇒Tác giả đã nhập thân vào người cha để tâm sự với con của minh mà ta ngỡ như nhà thơ đang đối thoại với chính chúng ta vậy. Những lời vàng ngọc mà thấm thía như làm cho tâm hồn ta thêm trong sạch và phong phú hơn. Đó cũng chính là sức mạnh cảm hóa đặc biệt của văn chương trong đời sống tinh thần của con người.

IV. Luyện tập

a. Nêu cảm nhận của em về nghệ thuật của bài thơ

Gợi ý.

Dùng các kiểu câu có cấu trúc giống nhau:

  • Chân phải bước tới cha
    Chân trái bước tới mẹ
  • Người đồng mình yêu lắm con ơi
    Người đồng mình thương lắm con ơi
  • Cao đo nỗi buồn
    Xa nuôi chí lớn
  • Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
    Sống trong thung không chê thung nghèo đói

⇒ Giá trị: tạo nên lối nói riêng, nhấn mạnh cảm xúc của chủ thể trữ tình và đặc điểm của đối tượng được tái hiện

Cách nói cụ thể, hình tượng:

  • Một bước chạm tiếng nói
    Hai bước tới tiếng cười
  • Đan lờ cài nan hoa
    Vách nhà ken câu hát
  • Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

⇒ Giá trị: thể hiện những cảm xúc, suy nghĩ sinh động, cụ thể, giàu tính trực quan

Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị:

  • Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
  • Người đồng mình thô sơ da thịt
  • Con ơi tuy thô sơ da thịt

⇒ Giá trị: thể hiện tình cảm chất phác, chân thực

b. Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về nghệ thuật của bài thơ "Nói với con" (Y Phương)

Đọc bài thơ “Nói với con” của nhà thơ Y Phương, ta càng cảm nhận được cái hay, cái đẹp của bài thơ không chỉ đến từ lời căn dặn của người cha đến con cái, mà còn ở những thành công nghệ thuật mà tác giả đã sử dụng. Bài thơ được viết theo thể thơ tự do, linh hoạt trong diễn đạt mà vẫn giàu vần điệu. Không những vậy, với hình thức như một lời tâm tình, dặn dò của người cha với con, tạo nên giọng điệu thiết tha, trìu mến, ấm áp và tin cậy. ”Nói với con” là bài thơ có bố cục chặt chẽ, dẫn dắt tự nhiên, khiến lời dặn dò, tâm tình dễ thấm, dễ thuyết phục. Hình ảnh thơ cụ thể mà có tính khái quát, mộc mạc mà vẫn giàu chất thơ, mang đậm bản sắc thơ ca miền núi.

c.Hãy viết một đoạn văn cảm nhận về tình cảm gia đình trong bài thơ Nói với con.

Đoạn văn tham khảo:

Nếu dòng sữa ngọt ngào và lời ru của mẹ nuôi ta khôn lớn thì những lời dậy ân tình của cha giúp ta trưởng thành, rắn rỏi và mạnh mẽ hơn trên bước đường đời. Qua bài thơ Nói với con của Y Phương, người đọc nhận thấy tình cảm và mong ước của một người cha dành cho con, một thứ tình cảm nồng ấm và thiêng liêng, giản dị. Bài học lớn nhất cha dạy con là phải yêu quê hương, yêu lấy cội nguồn gốc rễ của mình và yêu lấy “người đồng mình”. Thời gian trôi qua, con trưởng thành và khôn lớn trong nhịp sống lao động, trong thiên nhiên thơ mộng và nghĩa tình của quê hương. Không chỉ gợi cho con về nguồn sinh dưỡng, cha còn nói với con về những đức tính cao đẹp của "người đồng mình". Đó là lòng yêu lao động, hăng say lao động với cả tấm lòng. Đó là sức sống bền bỉ, mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Người cha còn nhắn nhủ đến con phải có nghĩa tình, thuỷ chung với quê hương, biết chấp nhận những khó khăn, vất vả để có thể “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói”. Bài thơ nhắc nhở chúng ta về tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương, của dân tộc. Qua lời nói với con, ta phần nào hiểu rõ hơn, cảm nhận sâu sắc hơn những tình cảm của người cha dành cho con. Đó là những lời nhắn nhủ yêu thương của cha dành cho con, là bài học đầu đời để con khắc ghi về tình yêu với thiên nhiên và con người quê hương chan chứa nghĩa tình.

(Nguồn Internet)


Biên soạn: GV Nguyễn Duy Tuấn

SĐT: 0945 441181

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Nguyễn Duy Tuấn

Bài 5: Thực Hành Tiếng Việt Trang 64
Bài 7: Viết Bài Văn Nghị Luận Về Một Vấn Đề Trong Đời Sống (Thể Hiện Ý Kiến Phản Đối Một Quan Niệm, Một Cách Hiểu Khác Về Vấn Đề)