Table of Contents
I. Trước khi đọc
1. Một số loài hoa
Một số loài hoa: hoa hồng, hoa cúc, hoa đồng tiền….
Cách nhận biết:
- Hoa hồng: có nhiều màu (đỏ, trắng, vàng) với những cánh tròn to mịn như nhung, có mùi thơm. Những chiếc lá dạng hình tròn viền có răng cưa và thân có gai nhọn để tự vệ.
- Hoa cúc: có màu vàng, trắng, có nhiều cánh. Cánh hoa dài cong nhỏ xíu. Những chiếc lá màu xanh to giống như những ngón tay.
- Hoa đồng tiền: có màu vàng, hồng, cam, cánh hoa dài nhỏ. Cuống hoa dài mềm, lá mọc ở dưới gốc, cuống không có lá.
2. Ý nghĩa nhan đề văn bản
Nhan đề Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ gợi cho chúng ta điều thú vị là: khi chúng ta nhắm mắt nhưng lòng chúng ta mở, chúng ta nhìn nhận vạn vật xung quanh không bằng đôi mắt mà bằng tâm hồn. Khi chúng ta cảm nhận bằng tấm lòng thì chúng ta sẽ có suy nghĩ và cách nhìn nhận khác khi chúng ta nhìn nhận bằng mắt.
3. Tác giả
Nguyễn Ngọc Thuần (1972) quê ở Tân Thiện - Hàm Tân, Bình Thuận, là một nhà văn trẻ đầy triển vọng trên địa hạt văn xuôi đương đại, là thành viên của Hội nhà văn Việt Nam.
- Chuyên sáng tác cho trẻ em
- Có cái nhìn tinh tế về thế giới trẻ thơ với thế giới trong trẻo, tươi mới và đầy chất thơ
- Tác phẩm tiêu biểu: Giăng giăng tơ nhện, giải thưởng Văn học tuổi hai mươi lần II.
- Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, NXB Trẻ 2000, giải nhất cuộc thi Văn học Thiếu nhi lần III, giải Peter Pan (giải thưởng của Thụy Điển dành cho tác phẩm thiếu nhi hay nhất).
- Một thiên nằm mộng, NXB Kim Đồng 2002, giải A cuộc vận động sáng tác Thiếu nhi 2003
- Nhện ảo, NXB Kim Đồng 2003
- Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ, giải B (không có giải A), sáng tác văn học dành cho Tuổi trẻ (NXB Thanh niên và báo Văn nghệ).
- Cha và con và...tàu bay - 2005.
4. Xuất xứ văn bản
Đoạn trích rút từ chương 5 của tập truyện: Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, đạt giải nhất cuộc thi Văn học Thiếu nhi lần III, giải Peter Pan (giải thưởng của Thụy Điển dành cho tác phẩm thiếu nhi hay nhất).
II. Trải nghiệm cùng văn bản
1. Đọc – theo dõi đọc
Những chi tiết trong lời kể về bố của nhân vật tôi.
Những chi tiết trong lời kể về bố của nhân vật “tôi”: bố trồng nhiều hoa, bố làm cho “tôi” cái bình tưới nhỏ bằng thùng sơn, hai bố con cùng nhau tưới hoa. Rồi bố yêu cầu con nhắm mắt, sờ và đoán các loài hoa trong vườn.
Lời nói, cử chỉ, hành động của các nhân vật.
| Nhân vật tôi | Nhân vật bố |
Lời nói | - Không! Con không hé mắt | - Bố thấy con hé mắt - Thật không. |
Cử chỉ, hành động | - Vừa nhắm mắt, vừa đi mà không chạm vào vật gì. - Cãi lại | - Giấu cục kẹo - Lấy thước đo |
Nhân vật “tôi” có thể giúp bố cứu được bạn Tí, vì:
Nhân vật tôi có thể giúp bố cứu được bạn Tí là vì nhờ vào trò chơi đoán bước chân của bố hàng ngày, khi nghe tiếng hét lớn thì “tôi” đã đóa được ngay ở hướng nào và cách bao xa.
Nhân vật “tôi” thích gọi tên bạn Tí và bố vì:
Nhân vật “tôi” thích gọi tên bạn Tí và bố là vì: tên đẹp, âm thanh du dương, người càng thân với mình thì âm thanh tên gọi càng tuyệt diệu.
Cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật “tôi” khi nghe bố giảng giải về những món quà.
⇒ Cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật “tôi” khi nghe bố giảng giải về những món quà: hứng thú, lắng nghe và ghi nhớ.
Điều bí mật nhân vật “tôi” muốn chia sẻ là:
Con mắt thần và cái mũi tuyệt vời và những bông hoa chính là “người đưa đường”, qua đó chúng ta hiểu “thế giới” chính là những điều thân thuộc, gần gũi với chính mình. Khi nhắm mắt lại và cảm nhận bằng mọi thứ bằng mọi giác quan, bạn sẽ thấy con đường đi của riêng mình.
2. Tìm hiểu chung
Thể loại: Truyện ngắn
Ngôi kể: Ngôi thứ nhất.
Người kể chuyện: xưng “tôi”- Cậu bé Dũng- 10 tuổi
Nhân vật:
- Chính: Tôi, bố
- Phụ: Tí, chú Hùng
3. Bố cục: 2 phần
- P1: Từ đầu đến “ Cháu có con mắt thần” : Bố dạy “ tôi” cách nhắm mắt đoán các loài hoa trong vườn
- P2: còn lại: Bố dạy “ tôi” cách đón nhận, trân trọng tình cảm của mọi người xung quanh
4. Tóm tắt
Nhà của nhân vật tôi có một khu vườn rộng. Bố cậu bé đã giúp cậu nhận biết các loài hoa bằng cách sờ và tập đoán. Nhân vật tôi đã thuộc làu làu, chạm loài nào đều đoán tên được loài đó. Khi Tý đem biếu bố những trái ổi to mềm, cắn rất đã, người bố rất quý trọng chúng gì bố ít khi ăn ổi. Nhân vật tôi nhận ra đó là vẻ đẹp của món quà mình cho đi hay mình được nhận. Cậu cũng nhận ra khu vườn, người bố là món quà to lớn, quý giá của cuộc đời cậu. Sau đó, bố lại nghĩ ra một trò chơi khác, thay vì chạm thì bây giờ nhân vật tôi chỉ được ngửi rồi gọi tên. Khi đã thuần thục, bố khen cậu là người có chiếc mũi tuyệt nhất thế giới. Lúc đó, cậu nhận ra rằng chính những bông hoa là người đưa đường, dẫn lối cho cậu trong khu vườn.
III. Suy ngẫm và phản hồi
1. Nhân vật “tôi”
a. Những khả năng đặc biệt của “tôi”
a.1 Có cách nhìn đặc biệt
Nhận ra những bông hoa trong vườn không phải bằng mắt mà bằng cách ngửi mùi hương của hoa và cảm nhận từ đôi bàn tay
“Tôi có thể chạm bất cứ loại cây nào và nói đúng tên của nó”
“Tôi có thể vừa nhắm vừa đi mà không chạm vào vật gì”
“tôi nhận diện được tất cả mùi hương của các loài hoa”
“Tôi còn phân biệt đồng một lúc những hoa gì đang nở. Bố nói tôi có cái mũi tuyệt nhất thế giới!”
“Chú hùng nói: Thật không thể tin nổi, cháu có con mắt thần”
a.2 Lắng nghe âm thanh tài tình
“Bây giờ, khi đang còn vùi đầu trong mền, tôi vẫn biết bố đang cách xa tôi bao nhiêu mét khi chỉ cần nghe tiếng bước chân”
⇒ Biết chính xác tiến kêu cứu của bạn Tí vang lên từ bờ sông: “Mọi người nhìn quanh, không biết tiếng hét xuất phát từ hướng nào. Nhưng tôi đã nói ngay:
Cách đây khoảng ba chục mét, hướng này!”
⇒ Khả năng đặc biệt của tôi được hình thành nhờ những trải nghiệm tuổi thơ thú vị cùng người cha bên khu vườn quen thuộc của mình và nhờ luyện tập
b Cảm xúc suy nghĩ về Bố và Tí
Nhân vật người bố được kể qua cảm nhận cua nhân vật “ tôi”. Việc lựa chọn người kể chuyện trong đoạn trích vừa có tác dụng miêu tả tính cách của nhân vật người bô vừa thể hiện được tình cảm của nhân vật “tôi”.
Về bố:
- Đón nhận những cử chỉ chăm sóc của bó với lòng biết ơn
- Tôi tin bố. Tôi hay gọi tên bố chỉ để nghe âm thanh.
- Bố là món quà bự nhất của tôi
Về Tí:
- Coi Tí là người bạn thân nhất, sẵn sàng chia sẻ với bạn bí mật ngọt ngào, hạnh phúc của hai bố con;
- Thấy tên bạn Tí đẹp và hay hơn mọi ầm thanh, thích gọi bạn để được nghe cái tên ấy vang lên.
c. Những “bí mật” tôi cảm nhận được khi “vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, và bạn chợt hiểu khu vườn nói gì. Bạn hiểu bây giờ là mùa gì và bông hoa nào đang nở, tên gì. Từng tiếng bước chân trong vườn, bạn biết chính xác người có bước chân đó cách xa bạn bao nhiêu mét. Bạn còn biết tiếng chân đó là của ai, bố hay mẹ.
Khi “vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”, nhân vật “tôi” không chỉ thấy những bông hoa thơm hơn mà còn “nhìn” thấy nguyên cả khu vuờn, cả bông hồng ngay trong đêm tối,...
Những “bí mật” ấy đã mang lại niềm vui, hạnh phúc cho cuộc sống hằng ngày và làm giàu có tâm hồn của nhân vật “tôi”.
⇒ Nhân vật “ tôi” cảm nhận thế giới tự nhiên một cách tinh tế, biết trân trọng vẻ đẹp của thế giới tự nhiên. Cậu tinh tế,nhạy cảm,biết quan tâm và yêu thương
⇒ Tác giả Nguyễn Ngọc Thuần đã xây dựng hình ảnh nhân vật một cậu bé mười tuổi, sống ở nông thôn, và không hề có bất kỳ dấu chân nào của người khổng lồ internet ghé ngang. Điều hấp dẫn rất riêng của truyện là những câu thoại ngô nghê trong sáng, lại rất dí dỏm và ấm áp. Cậu có một gia đình tuyệt vời, nơi ấy, bố đã dạy cậu điều tuyệt vời nhất, bố dẫn cậu ra vườn bảo cậu nhắm mắt, rồi hướng dẫn cậu chạm vào từng bông hoa và đoán tên, lúc đầu cậu toàn đoán sai, bố nói không sao cả, dần dần con sẽ đoán đúng, mà thật vậy, từng ngày rồi từng ngày, cậu đã đoán đúng tên từng bông hoa trong vườn, rồi bố lại bày cậu tập đoán khoảng cách đến bông hoa, cậu thích chí mỗi khi đoán đúng, cậu đoán chính xác khoảng cách đến nỗi chú Hùng hàng xóm phải thốt lên “Thật không thể tin nổi, cháu có con mắt thần”. Cậu bé tự kể lại câu chuyện của mình một cách nhẹ nhàng nhưng đầy những cảm xúc hân hoan, hồ hởi khi trải nghiệm cùng bố qua những trò chơi nhỏ trong vườn. Nếu bố là một người tuyệt vời khi dạy con những bài học quý giá thì cậu bé là một đứa trẻ ngoan khi biết lắng nghe, lĩnh hội những điều hay mà bố cậu truyền dạy. Từ bài học của bố, cậu biết yêu những bông hoa, hiểu rằng món quà nào cũng đẹp và mỗi chúng ta phải biết ơn người trao tặng. Có ai đó đã từng nói rằng “người biết yêu thương cỏ cây, động vật là người mang trong mình hạt mầm của lòng nhân ái”. Đúng như vậy, với những bài học quý giá của bố, rồi đây cậu bé sẽ trở thành người tốt và có nếp sống đẹp. Qua hình ảnh nhân vật “tôi”, tác giả đã gửi gắm đến chúng ta bài học về sự biết ơn và yêu thương trong cuộc sống. Tình yêu thương sẽ khiến cho chúng ta hạnh phúc hơn mỗi ngày.
2. Nhân vật người bố
a. Tình cảm của bố với “ tôi”
Bố trồng nhiều hoa. bố thường dẫn tôi ra vườn, hai bố con thi nhau tưới. Bố làm cho tôi một bình tưới nhỏ bằng cái thùng đựng sơn rất vừa tay. Bố lại lấy hộp lon gò thành cái vòi sen nữa.
Bố nghĩ ra những trò chơi thú vị
Trò chơi | Cách chơi |
Trò chơi đoán tên các loài hoa | con nhắm mắt lại và chạm từng bông hoa |
Trò chơi nhắm mắt để tìm kiếm một vật | Nhắm mắt vẫn có thể đi mà không chạm vật gì, vẫn biết được bố đứng cách mình bao xa. |
Trò chơi ngửi rồi gọi tên các loài hoa | Con nhắm mắt cảm nhận được mùi của các loài hoa |
Nhận xét: Các trò chơi ngày càng khó hơn, tạo ra được sự hấp dẫn với đứa con. - Người bố luôn theo dõi, động viên, khích lệ dể đứa con tiến bộ hơn. + Người bố muốn con được trải nghiệm từ thực tế cuộc sống để hình thành thói quen, sự gắn bó và biết trân trọng, nâng niu những giá trị của cuộc sống, cho dù là điều nhỏ nhất. + Những bài học sâu sắc từ cuộc sống, biết yêu thương, lắng nghe và thấu hiểu từ thiên nhiên, biết trân trọng mọi thứ xung quanh mình |
Nói về ý nghĩa những cái tên: Bố tôi nói, mỗi cái tên là một âm thanh tuyệt diệu. Người càng thân với mình bao nhiêu thì âm thanh đó càng tuyệt diệu bấy nhiêu.
Nói về ý nghĩa những món quà: Một món quà bao giờ cũng đẹp. Khi ta nhận hay cho một món quà, ta cũng đẹp lây vì món quà đó - Bố còn nói thêm - Một nụ hôn cũng là một món quà sang trọng. Một giấc ngủ của tôi cũng chính là một món quà, cả con người tôi đều là món quà cho bố.
⇒ Biết cho và nhận những món quà cũng là cách thể hiện nét đẹp phẩm chất của mình
⇒ Một người cha rất yêu thương con, luôn quan tâm, gần gũi với con
b. Tình cảm với “Tí”
Yêu thương Tí: Bố không ngần ngại cứu Tí dưới sông, bố cõng tôi và Tí trên vai, bố làm xuồng để cả hai cưỡi trên lưng
Trân trọng nâng niu món quà của Tí
Bố tôi ít khi nào ăn ổi, nhưng vì nó, bố ăn.
⇒ Bố có trái tim giàu yêu thương và nhân hậu
⇒ Người bố đã dành trọn thời gian sau những buổi làm việc để chơi cùng con trai và dạy con những bài học nhỏ bé trong cuộc sống. Bố trồng nhiều hoa trong khu vườn, dạy cậu bé nhận biết các loài hoa, bố còn làm bình tưới để cậu bé tự chăm sóc những bông hoa nhỏ. Có thể thấy, đây là hình ảnh một người bố tuyệt vời trong cách nuôi dạy con trẻ. Giữa thời đại quá nhiều lo toan, bận bịu và cám dỗ, con người thường dễ quên đi những điều gần gũi quanh mình. Người bố trong câu chuyện không những quan tâm con, mà ông còn dạy con bài học về sự yêu thương và biết ơn trong cuộc sống. Ông nâng niu từng bông hoa bé nhỏ. Ông đã dạy dỗ con trai những bài học cần thiết trong cuộc đời và cũng là tấm gương cho bạn đọc soi chiếu, nhìn lại chính mình. Đó là những bài học mà người lớn nhiều khi vô tình lãng quên đi – bài học về tình yêu con trẻ và sự quan tâm đến vạn vật quanh mình
IV. Viết kết nối với đọc
Hãy viết đoạn văn (khoảng 5 -7 câu) về một “món quà" em đặc biệt yêu thích.
Đoạn văn tham khảo:
Nhà tôi ở vùng nông thôn nghèo khó, cả năm bố mẹ phải vất vả cấy cày ngoài đồng ruộng mới đủ nuôi hai anh em ăn học. Vì thế quà cáp với anh em tôi là một thứ xa xỉ. Tôi còn nhớ như in ngày hôm đó, cũng giống như mọi năm, khi lĩnh giấy khen HSG về tôi treo gọn gàng vào cánh tủ quần áo và ngồi ngắm nhìn hồi lâu. Sáng hôm sau là ngày nghỉ, bố không đi làm đồng mà lại đi ra phố, lúc về bố đưa cho tôi một chiếc túi bóng màu trắng đục, bên trong lấp lánh sắc màu. Bố nói “phần thưởng cho gái diệu của bố”. Tôi òa lên sung sướng vì quà là thứ mà anh em tôi không bao giờ nghĩ đến. Cầm gói quà trên tay, tôi mở ra nhẹ nhàng, đó là một dây buộc tóc với vài chục quả ớt bằng nhựa lóng lánh sắc màu. Vậy là món quà đó theo tôi suốt đến nay, tuy là đã dão chun không còn sử dụng được nữa, những quả ớt cũng đã bạc màu nhưng với tôi nó là vô giá. Mỗi khi buồn tôi vẫn đem ra ngắm nghía chúng, ở đâu còn có bán những chiếc dây buộc tóc như vậy?
Biên soạn: GV Nguyễn Duy Tuấn
SĐT: 0945 441181
Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419
Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM
Fanpage: https://www.fb.com/ttductri