Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 10»2»Bài 54: Đại Cáo Bình Ngô (Bình Ngô đại c...

Bài 54: Đại Cáo Bình Ngô (Bình Ngô đại cáo)

Nội dung bài Đại Cáo Bình Ngô - Nguyễn Trãi Văn 10 bộ SGK bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Tìm hiểu chung

1. Hoàn cảnh sáng tác

Sau khi đại thắng quân Minh (1427), Lê Lợi lên ngôi, sai Nguyễn Trãi viết “Đại cáo bình Ngô” có ý nghĩa như bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc, được công bố vào đầu năm 1428.

2. Thể loại

Tác phẩm thuộc thể cáo – một thể văn nghị luận có từ thời cổ ở Trung Quốc, thường được vua chúa hoặc thủ lĩnh dùng để trình bày một chủ trương, một sự nghiệp, tuyên ngôn một sự kiện để mọi người cùng biết. Cáo được viết bằng văn xuôi hay văn vần, phần nhiều là văn biền ngẫu, lời lẽ đanh thép, lập luận sắc bén, kết cấu chặt chẽ, mạch lạc.

dai-cao-binh-ngo

3. Nhan đề

Nhan đề của bài cáo có ý nghĩa là công bố rộng khắp về việc dẹp yên giặc Ngô – Ngô ở đây là chỉ giặc Minh xâm lược với hàm ý khinh bỉ và căm thù.

4. Bố cục: 4 phần

Nêu luận đề chính nghĩa.

Tố cáo tội ác giặc Minh.

Quá trình chinh phạt và tất thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Tuyên bố chiến quả, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa.

II. Đọc – hiểu văn bản

1. Nêu luận đề chính nghĩa

Tư tưởng nhân nghĩa:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”

  • Nhân nghĩa là mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người dựa trên cơ sở tình thương và đạo lí, xuất phát từ Nho giáo, đã trở nên phổ biến.
  • Nguyễn Trãi kế thừa và phát triển hạt nhân cơ bản của Nho giáo về nhân nghĩa: “yên dân”, “trừ bạo”. Muốn thực hiện nhân nghĩa thì điều cốt yếu là phải làm cho dân yên ổn, ấm no, hạnh phúc. Muốn vậy, phải lo “trừ bạo” – tiêu trừ tham tàn bạo ngược, những kẻ phá vỡ cuộc sống bình yên của nhân dân (giặc Minh). Tư tưởng này thể hiện quan niệm tích cực, tiến bộ “lấy dân làm gốc” của Nguyễn Trãi: nhân nghĩa gắn liền với chống quân xâm lược (giặc Minh).

Chân lí về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của nước Đại Việt:

  • Nguyễn Trãi đưa ra 5 yếu tố khẳng định độc lập chủ quyền của nước Đại Việt ta: nền văn hóa và nhân tài (văn hiến), lãnh thổ (núi sông bờ cõi đã chia), phong tục tập quán, lịch sử (Triệu, Đinh, Lí, Trần), chủ quyền (xưng đế một phương).
  • Hàng loạt từ ngữ: từ trước, vốn xưng, đã lâu, đã chia, cũng khác, cũng có khẳng định tính chất hiển nhiên, vốn có, lâu đời của nước Đại Việt.
  • Sự phong phú về các phép liệt kê, so sánh, câu văn biền ngẫu sóng đôi… thể hiện sự ngang hàng, niềm tự hào, tự cường dân tộc.

Dẫn chứng từ lịch sử: Liệt kê, đối lập: Lưu Cung thất bại, Triệu Tiết tiêu vong, Toa Đô bị bắt, Ô Mã bị giết, … nhấn mạnh sự thất bại thảm hại của kẻ thù và chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta được ghi lại cụ thể, khách quan trong lịch sử.  Qua đó, tác giả thể hiện niềm tự hào dân tộc và khẳng định lập trường chính nghĩa của ta.

Với những câu văn biền ngẫu cân đối, nhịp nhàng, sóng đôi, nghệ thuật so sánh, liệt kê, đối lập, từ ngữ có tính chất khẳng định, giọng văn hùng hồn, tự hào, đoạn văn là lời khẳng định đanh thép về tư tưởng nhân nghĩa và chủ quyền độc lập dân tộc của nước Đại Việt. Đó là luận đề chính nghĩa làm cơ sở cho cuộc chiến đấu oai hùng của nhân dân ta chống giặc Minh.

2. Tố cáo tội ác của giặc Minh

Vạch trần âm mưu xâm lược của giặc Minh: Quân Minh mượn danh nghĩa “phù Trần diệt Hồ” để cướp nước ta. Các từ ngữ: nhân, thừa cơ vạch trần luận điệu giả nhân giả nghĩa của giặc Minh. Việc tiêu diệt nhà Hồ, khôi phục nhà Trần, thực chất chỉ là cái cớ để chúng “mượn gió bẻ măng”, “thừa cơ gây họa” . Đây là âm mưu thôn tính nước ta vốn có sẵn từ lâu. Tác giả đứng trên lập trường dân tộc để tố cáo âm mưu xâm lược của bọn giặc Minh.

  • Tố cáo chủ trương cai trị thâm độc của kẻ thù, tố cáo những tội ác phản nhân đạo:
  • Diệt chủng: tàn sát, giết hại người dân vô tội: “nướng dân đen”, “vùi con đỏ”: thiêu sống người, chôn sống người: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn; Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”. Hình ảnh biểu tượng vừa cụ thể, vừa khái quát tội ác giết người man rợ kiểu Trung cổ của giặc Minh, khắc sâu lòng căm thù, nguyền rủa.
  • Thuế khóa nặng nề: “nặng thuế khóa sạch không đầm núi”.
  • Bóc lột sức lao động: “phu phen”, “xây nhà”, “đắp đất”.
  • Vơ vét sản vật, của cải: “xuống biển mò ngọc”, “lên rừng đãi cát tìm vàng”, …, “bắt chim trả”, “bẫy hươu đen”, …
  • Phá hoại môi trường sống: “tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ”, “chốn chốn lưới chăng, nơi nơi cạm đặt”.
  • Hủy hoại sản xuất: “tan tác cả nghề canh cửi”.
  • Lên án đanh thép : “Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội, Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi”. Phép phóng đại, câu văn giàu hình tượng, giọng điệu đanh thép, lời kết tội hùng hồn “độc ác thay, dơ bẩn thay”- tội ác chồng chất, khối căm hờn chất chứa trào dâng mãnh liệt.
  • Câu hỏi tu từ: “Lẽ nào trời đất dung tha, Ai bảo thần nhân chịu được?” là sự lên án quyết liệt tội ác phải bị trừng phạt, là sự bộc lộ nỗi căm hận tột cùng.

Đoạn văn như một bản cáo trạng chi tiết, xác thực về những tội ác mà quân Minh đã gây ra đối với dân tộc Đại Việt. Lời văn trong bản cáo trạng đanh thép, thống thiết, khi uất hận trào sôi, cảm thương tha thiết, lúc lại nghẹn ngào, chua xót, …Tác giả đứng trên lập trường nhân bản (đứng về quyền sống của người dân) để tố cáo, nên có giá trị như bản tuyên ngôn về nhân quyền.

3. Quá trình chinh phạt và tất thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Hình ảnh người lãnh đạo: Lê Lợi - người anh hùng áo vải, xuất thân từ nhân dân, có lòng yêu nước, căm thù giặc, lí tưởng, hoài bão lớn, có quyết tâm cao

Khó khăn buổi đầu: thiếu quân, thiếu lương, thiếu nhân tài.

Nguyên nhân thắng lợi: người lãnh đạo tài đức, đoàn kết toàn dân, chiến lược linh hoạt, ý chí quyết tâm cao độ.

dai-cao-binh-ngo-1

Quá trình: Tiến ra phía Bắc, vây thành, diệt viện, tổng phản công (các trận đánh: Bồ Đằng, Trà Lân, Tây Kinh, Đông Đô, Ninh Kiều, Tốt Động, Chi Lăng, …)

Kết quả: Quân ta toàn thắng, giặc thất bại thảm hại vì hèn nhát, tham sống sợ chết.

Thái độ khoan hồng, nhân đạo vì đại nghĩa, yêu hòa bình của quân dân ta: tha chết, mở đường hiếu sinh cho giặc về nước.

4. Đoạn 4: Tuyên bố chiến quả, khẳng định sự nghiệp chính nghĩa

Tuyên bố nền độc lập và khẳng định niềm tin vào nền thái bình của dân tộc

Bày tỏ lòng biết ơn trời đất, tổ tông và khẳng định ý nghĩa của chiến thắng với niềm vui sướng, tự hào.

III. Kết luận

Với nghệ thuật chính luận tài tình, với cảm hứng trữ tình sâu sắc, “Đại có bình Ngô” tố cáo tội ác kẻ thù xâm lược, ca ngợi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Bài cáo được coi là bản tuyên ngôn độc lập, một áng “thiên cổ hùng văn” của dân tộc ta.

IV. Luyện tập

So sánh với bài “Sông núi nước Nam” để thấy ý thức độc lập dân tộc ở “Đại cáo bình Ngô” sâu sắc và toàn diện hơn.

Ở bản tuyên ngôn lần thứ nhất, tác giả khẳng định lãnh thổ và chủ quyền của nước Nam: “Sông núi nước Nam vua Nam ở”. Nguyễn Trãi bổ sung thêm ba yếu tố: nền văn hiến, lịch sử, phong tục tập quán để khẳng định sự tồn tại độc lập của nước Đại Việt một cách sâu sắc và toàn diện hơn. Nếu “Sông núi nước Nam” khẳng định độc lập, chủ quyền dân tộc dựa vào “sách trời(thiên thư) mang tính chất mơ hồ, thần bí thì Nguyễn Trãi dựa vào lịch sử, khách quan. Đó là bước tiến tư tưởng thời đại, cũng là tầm cao tư tưởng Nguyễn Trãi.


Giáo viên biên soạn: Cao Thị Nhân An

Đơn vị: Trường TH-THCS-THPT Lê Thánh Tôn - Nguyễn Khuyến

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Văn

Bài 52: Đại cáo bình Ngô – Phần 1: Tác giả Nguyễn Trãi
Bài 55: Tính Chuẩn Xác, Hấp Dẫn Của Văn Bản Thuyết Minh