Table of Contents
I. Tìm hiểu chung
1. Tác giả
La Quán Trung (1330 – 1400?)
Tên là La Bản, hiệu Hồ Hải tản nhân.
Quê quán: người vùng Thái Nguyên, Sơn Tây (Trung Quốc).
Thời đại: sống vào cuối thời Nguyên, đầu thời Minh.
Tính tình: cô độc, lẻ loi, thích một mình ngao du đây đó, có “chí đồ vương”, ôm mộng chính trị lớn lao nhưng không thành.
Là người đầu tiên có đóng góp xuất sắc cho trường phái tiểu thuyết lịch sử thời Minh – Thanh ở Trung Quốc.
Tác phẩm: Tam quốc diễn nghĩa, Tùy Đường lưỡng triều chí truyện, Bình yêu truyện, Tấn Đường ngũ sử diễn nghĩa, ….
2. Tác phẩm “Tam quốc diễn nghĩa”
Ra đời vào đầu thời Minh (1368 – 1644).
Thể loại: tiểu thuyết chương hồi, loại giảng sử (kể chuyện lịch sử, có hư cấu thêm).
Gồm 240 hồi, sau đó, cha con Mao Tôn Cương nhuận sắc, chỉnh lí lại còn 120 hồi.
Kể chuyện một nước chia ba giữa 3 tập đoàn phong kiến Ngụy, Thục, Ngô kéo dài gần 100 năm (184 – 280).
3. Đoạn trích “Hồi trống Cổ Thành”
Vị trí: trích hồi 28 “Chém Sái Dương anh em hòa giải - Hồi Cổ Thành tôi chúa đoàn viên”.
Tóm tắt: Sau khi nghe tin Lưu Bị ở bên Viên Thiệu, Quan Công lập tức bỏ doanh trại Tào Tháo, cùng hai chị dâu lên đường đi tìm, qua 5 cửa ải, chém 6 tướng Tào. Khi đến Cổ Thành, gặp Trương Phi, Quan Công vui mừng khôn xiết. Nào ngờ, Trương Phi tức giận kết tội và đâm Quan Công. Lúc đó, quân của Tào Tháo do Sái Dương dẫn đầu đuổi theo Quan Công kéo đến. Trương Phi ra thử thách buộc Quan Công phải chém đầu Sái Dương trong ba hồi trống. Chưa dứt một hồi trống, Quan Công đã chém được đầu Sái Dương. Trương Phi hối lỗi, anh em đoàn tụ.
Chủ đề: Ca ngợi tính cương trực của Trương Phi, lòng trung nghĩa của Quan Công và tình nghĩa vườn đào của ba anh em Lưu – Quan – Trương.
II. Đọc – hiểu văn bản
1. Nhân vật Trương Phi
Diện mạo: mắt trợn tròn xoe, râu hùm vểnh ngược.
Lời nói:
- Xưng hô: mày – tao, gọi Quan Công là thằng, nó.
- Hò hét như sấm, quát…
- Kết tội Quan Công: bất nghĩa (Mày đã bội nghĩa, còn mặt nào đến gặp tao nữa?), bất trung (Trung thần thà chịu chết chứ không chịu nhục. Có lẽ đâu đại trượng phu lại thờ hai chủ?), bất nhân (Nó đâu có bụng tốt, nó lại đây là để bắt ta đó!).
Hành động:
- Chẳng nói chẳng rằng, lên ngựa đi tắt.
- Múa bát xà mâu chạy lại đâm Quan Công.
- Thẳng cánh đánh trống.
- Hỏi kĩ việc ở Hứa Đô.
- Khóc, lạy Vân Trường.
Tính cách:
- Nóng nảy, thẳng thắn, cương trực, không chấp nhận sự giả dối.
- Trọng tình nghĩa.
- Thận trọng, biết phục thiện.
=> Trương Phi là con người cương trực “thẳng như làn tên bắn, sáng như tấm gương soi”, không chịu sự lắt léo quanh co, nóng nảy nhưng giàu tình cảm và biết phục thiện.
2. Nhân vật Quan Công
Trung nghĩa - “tuyệt nghĩa” .
Độ lượng và từ tốn.
Tài năng, khí phách.
3. Ý nghĩa của hồi trống Cổ Thành
Gợi không khí chiến trận.
Hồi trống thách thức.
Hồi trống minh oan.
Hồi trống đoàn tụ.
III. Kết luận
Hồi trống Cổ Thành là một vở kịch ngắn, sôi nổi, sinh động, mang ý vị chiến trận đậm đà. Qua đó, đoạn trích làm nổi bật tính cách bộc trực, ngay thẳng của Trương Phi, lòng trung nghĩa và tài đức của Quan Công, đồng thời cũng ca ngợi tình nghĩa vườn đào cao đẹp của ba anh em kết nghĩa.
“Cành lá khéo in hình Dực Đức
Vầng hồng sáng mãi dạ Quan Công”
(Tức cảnh, Hồ Chí Minh)
IV. Luyện tập
Câu 3 Hướng dẫn học bài (SGK/79)
Trương Phi nổi giận vì nghi ngờ Quan Công phản bội lời thề, bỏ Lưu Bị, theo Tào Tháo. Nói Trương Phi nóng tính vì nhân vật này thiếu bình tĩnh trước những tình huống bất ngờ, thường phản ứng tức thì, thiếu suy nghĩ chín chắn, có thể lỗ mãng, thô bạo. Chẳng hạn: Trương Phi trói Đốc Bưu vì hắn đòi tiền đút lót, bẻ cành liễu vừa chửi vừa đánh đến gãy luôn cả mười cành mới thôi (hồi 2); Lưu Bị “tam cố thảo lư”, gặp Khổng Minh ngủ ngày, kiên nhẫn đứng chờ, còn Trương Phi không chịu được đòi “châm mồi lửa xem hắn có dậy không?” (hồi 37).
Mặt khác, đó cũng là con người “thẳng như làn tên bắn, sáng như tấm gương soi”, không chịu được sự lắt léo quanh co. Nếu nói Trương Phi ngay thẳng (cương trực) là nhấn mạnh mặt tốt, còn nói Trương Phi nóng nảy là nhấn mạnh mặt xấu. Cho nên, trong cuộc sống, mỗi chúng ta cần học tính cương trực của Trương Phi, nhưng cũng cần tiết chế cảm xúc, bình tĩnh suy xét kĩ mọi việc trước khi hành động để tránh sai lầm đáng tiếc.
Giáo viên biên soạn: Cao Thị Nhân An
Đơn vị: Trường TH-THCS-THPT Lê Thánh Tông