Table of Contents
I. Phần lý thuyết
1. Tìm hiểu chung
- Tác giả Ngô Sĩ Liên
- Tác phẩm Đại Việt sử kí toàn thư
(Tham khảo bài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn)
2. Đọc hiểu văn bản
1. Nhân cách của Trần Thủ Độ
Là người độ lượng, bản lĩnh, có ý thức phục thiện.
- Có người hặc tội chuyên quyền của Trần Thủ Độ với vua Trần Thái Tông. Trần Thủ Độ không biện bạch cho mình; không thù oán, trừng trị người hặc. Ngược lại, ông thừa nhận và ban thưởng cho người đã dũng cảm chỉ lỗi cho mình.
Là người tôn trọng pháp luật, không thiên vị người thân.
- Linh Từ Quốc Mẫu khóc và mách về tên quân hiệu ngăn không cho đi qua thềm cấm. Trần Thủ Độ tìm hiểu sự việc, không bắt tội tên quân hiệu mà còn ban thưởng vì giữ đúng luật pháp.
Là người công bằng, giữ gìn phép nước, không tham ô, cửa quyền.
- Có người chạy chọt, nhờ Linh Từ Quốc Mẫu xin cho làm chức câu đương. Trần Thủ Độ đồng ý cho người đó làm chức câu đương nhưng phải chặt một ngón chân để phân biệt với những người câu đương khác.
Là người không tư lợi, gây bè kéo cánh, luôn đặt việc công lên trên.
- Vua Trần Thái Tông muốn phong chức tướng cho An Quốc, anh trai của Trần Thủ Độ. Trần Thủ Độ cho rằng chỉ chọn người giỏi hơn, hai anh em cùng làm tướng ắt sẽ làm rối việc triều chính.
=> Trần Thủ Độ là người thẳng thắn, cầu thị, độ lượng, nghiêm minh; đặc biệt chí công vô tư, luôn đặt việc nước lên trên, không tư lợi cho bản thân và gia đình. Ông là vị quan có nhân cách đáng quý, được vua nhà Trần tin cậy và nhân dân kính trọng.
2. Nghệ thuật kể chuyện và khắc họa chân dung nhân vật
Xây dựng được những tình huống giàu kịch tính, lựa chọn những chi tiết đắt giá.
- Tình huống thứ nhất: Thay vì biện bạch, trừng trị kẻ kết tội mình, Trần Thủ Độ lại nhận lỗi và khen thưởng cho tên hặc.
- Tình huống thứ hai: Thay vì nghe lời vợ, bênh vực vợ, Trần Thủ Độ lại khen thưởng cho người vì giữ đúng luật pháp mà ngăn trở vợ mình.
- Tình huống thứ ba: Thay vì nghe lời vợ cho một người làm chức câu đương, Trần Thủ Độ lại khiến người kia sợ hãi từ bỏ ý định.
- Tình huống thứ tư: Thay vì vui mừng khi anh trai, người thân mình được trọng dụng, Trần Thủ Độ lại ngăn trở vua để tránh họa chuyên quyền, khuynh loát triều đình.
=> Tạo được xung đột cao trào và kết thúc bất ngờ, thú vị.
Đặt nhân vật trong nhiều mối quan hệ
- Ở mỗi tình huống, Ngô Sĩ Liên đặt Trần Thủ Độ ở trong các mối quan hệ khác nhau: với vua, với vợ, với binh lính dưới quyền,…
- Dù tình huống và mối quan hệ khác nhau, nhân cách của Trần Thủ Độ vẫn rất cao quí, mẫu mực.
=> Cách nhìn đa chiều, đa diện có thể đánh giá nhân vật lịch sử chính xác, khách quan.
II. Phần bài tập
Bài tập bổ sung
Từ những chi tiết trong đoạn trích, anh/chị hãy tóm tắt lại câu chuyện về Trần Thủ Độ (không quá 10 dòng).
Gợi ý:
- Trần Thủ Độ chết vào tháng giêng, năm Giáp Tí, thọ 71 tuổi. Ông được truy tặng Thượng phụ Thái sư Trung Vũ Đại Vương.
- Trần Thủ Độ tài lược hơn người, có công lớn khi chuyển đổi nhà Lí sang nhà Trần, được vua nhà Trần rất tin cậy.
- Có người tâu với vua Trần Thái Tông về sự chuyên quyền của Trần Thủ Độ. Ông không trách phạt mà thừa nhận, lại còn khen thưởng cho tên hặc.
- Tên quân hiệu không cho vợ Trần Thủ Độ đi qua thềm cấm. Ông không bênh vực vợ mà còn khen thưởng cho người biết giữ đúng luật pháp.
- Vợ Trần Thủ Độ xin cho người thân làm chức câu đương nhưng Trần Thủ Độ không đồng ý.
- Vua muốn thăng chức cho An Quốc, Trần Thủ Độ ngăn trở vì một nước có hai anh em làm tướng khó tránh họa về sau.
Giáo viên biên soạn: Lê Thị Kim Ngân
Đơn vị: Trường TH-THCS-THPT Lê Thánh Tông