Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 11»2»Bài 67: Chiều tối - Hồ Chí Minh

Bài 67: Chiều tối - Hồ Chí Minh

Nội dung bài Chiều tối - Hồ Chí Minh Văn 11 bộ SGK bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Tìm hiểu chung

1. Tập thơ “Nhật kí trong tù”

Được sáng tác trong khoảng thời gian Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam (8/1942 – 9/1943).

Tập thơ gồm 134 bài thơ chữ Hán, hầu hết được viết theo lối thơ Đường luật.

2. Bài “Chiều tối” (Mộ)

chieu-toi-mo-van11

Bài thơ số 31 trong tập thơ “Nhật kí trong tù”.

Cảm hứng của bài thơ được gợi lên từ một buổi chiều muộn, trên đường chuyển lao của Hồ Chí Minh từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo vào cuối thu năm 1942.

Thể thơ:  thất ngôn tứ tuyệt

Bố cục: hai phần

  • Hai câu đầu: Bức tranh thiên nhiên
  • Hai câu sau: Bức tranh cuộc sống

II. Đọc - hiểu văn bản tác phẩm Chiều tối - Hồ Chí Minh

1. Hai câu đầu: Bức tranh thiên nhiên

Chiều tối là thời khắc cuối cùng của một ngày và với tù nhân như Bác, đấy cũng là chặng cuối cùng của một ngày bị đày ải. Thời gian và hoàn cảnh như thế dễ gây nên trạng thái mỏi mệt, chán chường, thế nhưng ở đây cảm hứng thơ lại đến với Bác thật tự nhiên. Dường như, lúc ấy, người đi ngước mắt nhìn lên bầu trời và chợt thấy cánh chim mỏi mệt bay về tổ, chòm mây chầm chậm trôi qua lưng trời. Khung cảnh thiên nhiên đã được phác họa bằng những nét chấm phá theo bút pháp cổ điển: dùng một điểm để tả một diện. Tả cánh chim nhỏ bé, đám mây đơn lẻ nhưng đủ sức gợi lên một bầu trời mênh mông và tĩnh lặng.

Trong thơ ca cổ điển phương Đông, cánh chim bay về tổ thường mang ý nghĩa ước lệ biểu tượng cho buổi chiều tà. Hình ảnh cánh chim bay mỏi vừa mang ý nghĩa không gian, vừa mang ý nghĩa thời gian. Có thể nhận ra một sự gần gũi, tương đồng giữa sự vật và con người: Sau một ngày bay đi kiếm ăn vất vả, đôi cánh chim đã mệt mỏi, rã rời giốngnhư người tù sau một ngày bị đày ải trên đường với tay chân bị gông cùm, xiềng xích, người tù ấy cũng đã thấm mệt.

chieu-toi-mo-van11-1

Trong Mộ, Bác viết: Cô vân mạn mạn độ thiên không, bản thân từ cô có nghĩa là cô đơn, cô độc, từ láy mạn mạn được hiểu là trôi rất chậm, trôi nhè nhẹ, trôi lững lờ. Câu thơ hiểu đúng phải là Chòm mây lẻ loi trôi một cách chầm chậm giữa bầu trời bao la, rộng lớn, bản dịch của Nam Trân đã không diễn tả được vẻ đơn độc và nhịp bay chầm chậm của chòm mây. Với chòm mây ấy, không gian như mênh mông vô tận và thời gian như ngừng trôi. Phải có một tâm hồn thật ung dung, thư thái, một tình yêu thiên nhiên tha thiết thì người tù mới có thể dõi theo một chòm mây thong thả giữa bầu trời bao la. Hơn thế nữa chòm mây như có hồn người, như mang tâm trạng: nó cô đơn, lẻ loi, và lặng lẽ, lững lờ trôi giữa không gian rộng lớn của trời chiều.

→ Bức tranh thiên nhiên đẹp nhưng buồn, ẩn chứa tâm tình của thi nhân. Cánh chim sau một ngày vất vả còn có nơi để tìm về, còn Bác dù rất nhớ quê hương, nhớ đồng bào, đồng chí nhưng vẫn còn một mình giữa chốn núi rừng quạnh hiu trong thời khắc ngày tàn. Chòm mây đơn độc trôi chậm về phía chân trời nhưng không biết về đâu giống như hoàn cảnh Bác vẫn long đong nơi đất khách không biết bao giờ mới được tự do như cánh chim, như chòm mây kia. Câu thơ giúp ta hiểu được tình yêu nước và niềm khát khao về một cuộc sống tự do của người tù chiến sĩ.

→Với vẻ đẹp cổ điển, hai câu thơ đã thể hiện được bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ, bởi không có ý chí và nghị lực, không có phong thái ung dung và sự tự do hoàn toàn về tinh thần thì không thể có những câu thơ cảm nhận thiên nhiên thật sâu sắc và tinh tế như thế trong hoàn cảnh khắc nghiệt tù đày. Đó chính là chất thép trong thơ Bác.

2. Hai câu cuối: Bức tranh đời sống

Nếu hai câu đầu cảnh vật hiện ra với những nét chấm phá, phần nào mang tính ước lệ cổ điển thì ở hai câu sau hình ảnh con người lao động lại được gợi tả một cách sinh động cụ thể như một bức tranh hiện thực. Chính nét vẽ đời thường ấy làm cho bài thơ thêm dáng vẻ hiện đại. Hình ảnh cô gái xay ngô nổi bật lên như là trung tâm của toàn bộ bài thơ.

Bức tranh sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của người lao động nơi xóm núi hiện ra thật giản dị, chân thật. Hành động xay ngô của cô gái toát lên một vẻ đẹp trẻ trung, khỏe khắn trong lao động.

chieu-toi-mo-van11-2

Nghệ thuật điệp liên hoàn kết hợp đảo ngữ ( ma bao túc- bao túc ma) giàu ý nghĩa. Nó vừa diễn tả chân thực vòng quay liên hoàn của cối xay ngô vừa khắc họa hình ảnh cô gái xóm núi vất vả, cực nhọc nhưng khỏe khoắn và hăng say lao động. Đồng thời chi tiết ấy cũng cho thấy sự dịch chuyển của thời gian và không gian: vòng quay vừa dứt thì công việc cũng xong và trời cũng đã tối.

Trong cả bài thơ, không hề có một từ ngữ, một chi tiết, một hình ảnh nào đề cập đến đêm tối nhưng người đọc vẫn cảm nhận được thời khắc của đêm tối là nhờ vào hình ảnh “lô dĩ hồng”. Hoàng Trung Thông nhận xét: Từ hồng chính là “thi nhãn” của bài thơ, là điểm hội tụ ánh sáng của toàn bài, vừa phá tan sự âm u của cảnh chiều tà, vừa báo hiệu thời khắc mới -đêm tối và thể hiện tinh thần lạc quan của Bác. Hơn mười ba tháng ở tù, vượt qua những hoàn cảnh khắc nghiệt: đói, rét, bệnh tật nhưng bao giờ Bác cũng lạc quan, hướng về ánh sáng, hướng về tương lai.

→ Nếu hình dung cả bài thơ là một bức tranh thì chính cái chấm lửa đỏ mà người nghệ sĩ tài hoa chấm lên đó đã mang lại thần sắc cho toàn cảnh, dường như nó làm tăng thêm niềm vui và sức mạnh cho người đang cất bước trên đường xa.

→ Cô gái, bếp lửa gợi cảnh sinh hoạt đầm ấm của người lao động. Ngô xay xong, bếp lửa đỏ hồng lại gợi nhớ tới công việc, sự nghỉ ngơi và sum họp. Thấp thoáng trong những hình ảnh ấy như có một ước mơ thầm kín về mái ấm gia đình của người đang lưu lạc xa nhà, xa đất nước, quê hương. Đấy là tâm hồn nhà cách mạng đã vượt lên trên hoàn cảnh khắc nghiệt để đồng cảm với niềm vui đời thường. Bài thơ đã vận động từ ánh chiều âm u, tăm tối đến ánh lửa rực hồng, ấm áp, từ nỗi buồn đến niềm vui.

III. Tổng kết

Nội dung: Bức tranh chiều tối cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống của một tâm hồn thi sĩ nhạy cảm, tinh tế; đồng thời thể hiện được ý chí nghị lực phi thường, tinh thần lạc quan cách mạng của nhà thơ – chiến sĩ Hồ Chí Minh.

Nghệ thuật: Bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh: vừa giàu tính cổ điển vừa mang sắc thái tinh thần hiện đại, giản dị mà hàm súc.

IV. Luyện tập tác phẩm Chiều tối - Hồ Chí Minh

Bài 1 (trang 42 sgk ngữ văn 11 tập 2):

Cảm nghĩ về sự vận động của cảnh vật và tâm trạng nhà thơ trong bài Chiều tối

Mạch vận động của bài thơ từ tĩnh đến động, từ u buồn tới vui tươi, bức tranh thiên nhiên chuyển sang bức tranh đời sống.

Cảnh vật vận động từ không gian rộng lớn lạnh lẽo của rừng núi (cánh chim, chòm mây đơn lẻ) về không gian ấm cúng của cảnh sinh hoạt gia đình (xay ngô, bếp lửa); từ ánh chiều âm u, tăm tối đến ánh lửa hồng, rực rỡ, ấm áp.

Cảm quan của người chiến sĩ cách mạng biểu hiện trong cách nhìn sự sống vận động theo hướng tiến đến những điều tốt đẹp, tươi sáng. Từ tâm trạng uể oải, mệt mỏi, cô đơn, buồn đến niềm vui, niềm tin yêu vào cuộc sống.

Bài 2 (trang 42 sgk ngữ văn 11 tập 2):

Hình ảnh tập trung thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh

Trong bài thơ Chiều tối, hình ảnh đẹp nhất, thể hiện tập trung vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh là hình ảnh cô gái xay ngô bên bếp lửa hồng:

  • Sự sống của con người làm sáng bừng lên sự sống của cảnh vật.
  • Con người trở thành trung tâm của bức tranh thiên nhiên, bức tranh sự sống.
  • Hình ảnh bếp lửa hồng xua đi những u ám, lạnh lẽo của khung cảnh chiều tối nơi miền sơn cước.
  • Câu thơ thể hiện niềm lạc quan, yêu đời; tình yêu thương của Người trước cuộc đời, cuộc sống.

Bài 3 (trang 42 sgk ngữ văn 11 tập 2):

Trong bài Đọc thơ Bác, Hoàng Trung Thông viết:

Vần thơ của Bác, vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.

Biểu hiện cho thấy sự hài hòa chất thép và chất tình trong bài Chiều tối

Chất thép:

  • Tinh thần chiến sĩ chủ động, bình tĩnh, phong thái ung dung trước gian khổ.
  • Tinh thần vượt lên hoàn cảnh bằng niềm lạc quan, hy vọng ở tương lai.

Chất tình:

  • Tình yêu thiên nhiên.
  • Tình yêu cuộc sống dung dị đời thường.

Học sinh chọn dẫn chứng và phân tích dẫn chứng theo gợi ý trên.


Giáo viên biên soạn: Nguyễn Minh Thư

Đơn vị: Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Văn

Bài 66: Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mạc Tử
Bài 69: Lai tân - Hồ Chí Minh