Table of Contents
I. Tìm hiểu chung
1. Tác giả Tố Hữu
- Là cây bút xuất sắc của phong trào thơ ca cách mạng.
- Cả cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của ông luôn gắn bó và phản ánh chân thật những chặng đường đấu tranh gian khổ nhưng đầy vinh quang của dân tộc.
- Thơ của Tố Hữu mang âm hưởng trữ tình chính trị.
2. Bài thơ Từ ấy
a. Hoàn cảnh sáng tác
Năm 1937, Tố Hữu được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng để phấn đấu cho một lí tưởng cao đẹp. Để ghi lại kỉ niệm đáng nhớ ấy, tác giả đã viết bài thơ Từ ấy.
b. Xuất xứ
- Bài thơ thuộc phần Máu lửa của tập thơ Từ ấy.
- Tập thơ Từ ấy gồm ba phần: Máu lửa, Xiềng xích, Giải phóng.
c. Nội dung
Bài thơ thể hiện niềm vui sướng, say mê mãnh liệt của nhà thơ trong buổi đầu gặp gỡ lí tưởng cộng sản và tác dụng kì diệu của lí tưởng với cuộc đời nhà thơ.
II. Phân tích
1. Niềm hân hoan vui sướng của tác giả khi bắt gặp lí tưởng (khổ 1)
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…
a. Nhận thức về lí tưởng (hai câu đầu)
Câu thơ mở đầu nhắc đến cột mốc thời gian “từ ấy”, đánh dấu sự kiện trọng đại, có tính bước ngoặt trong cuộc đời của Tố Hữu, đó là ngày tác giả vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Từ đó, tác giả nhận thức về lí tưởng cộng sản và hình dung về lí tưởng qua những hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ là nắng hạ và mặt trời (chân lí). Với Tố Hữu, lí tưởng cộng sản, lí tưởng cách mạng là ánh sáng chói chang, rực rỡ, ấm áp; là nguồn sáng bất tận có ý nghĩa quan trọng với sự sống của muôn loài; là thứ ánh sáng diệu kì.
→ Tất cả thể hiện thái độ ngợi ca, trân trọng, kì vĩ hóa sức mạnh và vẻ đẹp của lí tưởng cộng sản, lí tưởng cách mạng.
Không chỉ say mê ngợi ca lí tưởng mà tác giả còn nhận thức được sự tác động, ảnh hưởng của nó đối với bản thân qua hai động từ: bừng và chói:
• Bừng: diễn tả sự thức tỉnh về mặt nhận thức
• Chói: là động từ mạnh, diễn tả sự tác động mạnh mẽ vào tình cảm của nhà thơ.
→ Như vậy, lí tưởng của Đảng không chỉ làm thay đổi nhận thức của con người mà còn tác động vào tâm tư, tình cảm của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi để mở ra trong tâm hồn họ một lẽ sống mới.
b. Tâm trạng, cảm xúc khi bắt gặp lí tưởng ( hai câu cuối)
Tâm trạng nhà thơ được diễn tả qua hình ảnh vườn hoa lá bằng phép so sánh: Hồn tôi là một vườn hoa lá và vế so sánh được mở rộng: Rất đậm hương và rộn tiếng chim. Đó là một khu vườn đẹp đẽ, sống động, tràn đầy sức sống với hương thơm của hoa, vẻ xanh tươi của cây lá, âm thanh rộn rã của tiếng chim ca hót. Để từ đó người đọc hình dung tâm trạng vui tươi, phấn trấn, yêu đời của tác giả trong buổi đầu gặp gỡ lí tưởng.
Nếu vườn hoa lá cần ánh sáng mặt trời để vươn lên xanh tốt thì người thanh niên đang “Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” cũng cần ánh sáng của lí tưởng soi đường dẫn lối. Chính vì vậy, nhà thơ vui sướng đón nhận ánh sáng của Đảng như cỏ cây hoa lá đón nhận ánh nắng mặt trời.
→ Tóm lại, với bút pháp tự sự kết hợp trữ tình cùng những hình ảnh tươi sáng, Tố Hữu đã diễn tả được tâm trạng mê say, yêu đời khi bắt gặp ánh sáng của lí tưởng.
2. Nhận thức của nhà thơ về trách nhiệm của bản thân (khổ 2)
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
Đứng trong hàng ngũ của những người cùng phấn đấu cho một lí tưởng cao đẹp, nhà thơ nhận ra lẽ sống mới là sự gắn bó hài hòa giữa “cái tôi” cá nhân và “cái ta” chung của mọi người. Trong khổ thơ này, “buộc” là một động từ diễn tả: hành động có tính chất tự nguyện, tự giác, tâm thế chủ động gắn kết với nhân dân, sự giác ngộ về vai trò, trách nhiệm của người chiến sĩ cộng sản.
Bên cạnh đó, từ “để” chỉ mục đích cùng với những từ ngữ mang ý nghĩa hoán dụ như “trăm nơi”, “hồn khổ” chỉ những con người đói khổ, tội nghiệp khắp mọi nơi và phép điệp cấu trúc “ Để…với…” đã nhấn mạnh mục đích và đối tượng mà tác giả hướng tới để gắn bó, sẻ chia.
Ngoài ra, tác giả còn nhấn mạnh mục đích đến với nhân dân qua hình ảnh ẩn dụ “khối đời”, chỉ khối đại đoàn kết dân tộc. Ở đó tập hợp lực lượng đông đảo có sự gắn kết, thống nhất cao độ về mặt tư tưởng, tình cảm và nhận thức.
→ Như vậy, ý nghĩa sâu xa của hành động đến với nhân dân chính là tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc. Đó chính là sứ mệnh và trách nhiệm cao cả của người chiến sĩ cộng sản.
3. Nhận thức của nhà thơ về mối quan hệ tình cảm với nhân dân (khổ 3)
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…
Ở khổ thơ này, tác giả đã sử dụng phép điệp cấu trúc “…là…của…” kết hợp với những đại từ: con, em, anh, vừa để giải thích vừa để nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó với nhân dân, để gián tiếp khẳng định trách nhiệm:
• Là con phải biết đoàn kết, yêu thương, chia sẻ, cùng chung tay góp sức xây dựng “đại gia đình”.
• Là em phải kế thừa, gánh vác trách nhiệm và giữ gìn sự nghiệp cha anh để lại, phải chia sẻ với thế hệ đi trước.
• Là anh phải bảo vệ, che chở, dìu dắt thế hệ đàn em.
Ngoài ra , khi nói đến nhân dân, tác giả đã sử dụng những từ ngữ: kiếp phôi pha (là những kiếp người mòn mỏi, nhạt nhòa), cù bất cù bơ (không nơi nương tựa) để thể hiện sự thương xót của mình dành cho nhân dân. Và cũng chính vì họ mà người thanh niên sẽ hăng say hoạt động cách mạng.
→ Tóm lại, khổ thơ không chỉ thể hiện sự giác ngộ sâu sắc của nhà thơ về lí tưởng sống và tinh thần trách nhiệm với nhân dân mà còn bộc lộ tình cảm yêu thương chân thành của tác giả hướng về nhân dân.
III. Tổng kết
Bằng những hình ảnh tươi sáng, các biện pháp tu từ và ngôn ngữ giàu nhạc điệu, bài thơ Từ ấy là lời tâm nguyện của người thanh niên yêu nước giác ngộ lí tưởng cách mạng.
Phần bài tập
Bài tập 1/ SGK trang 44
Gợi ý:
+ Học sinh có thể chọn bất cứ khổ thơ nào mình thích.
+ Sau đó, viết một đoạn văn để thể hiện cảm nghĩ của mình.
Bài tập 2/ SGK trang 44
Gợi ý:
Bài thơ Từ ấy có ý nghĩa mở đầu, định hướng cho toàn bộ quá trình sáng tác của Tố Hữu. Điều này thể hiện ở:
• Thi pháp: thể thơ truyền thống, ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhịp điệu,…
• Tuyên ngôn: quan điểm nhận thức và sáng tác
Dựa vào phần phân tích bài thơ Từ ấy để làm sáng tỏ ý giải thích.
Giáo viên: Trịnh Thị Thanh Quý
Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến