Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 11»2»Bài 61: Vội Vàng

Bài 61: Vội Vàng

Nội dung bài Vội Vàng - Xuân Diệu Văn 11 bộ SGK bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Khái quát về tác giả, tác phẩm

1. Tác giả Xuân Diệu

voi-vang

Xuân Diệu (1916 - 1985), tên thật là Ngô Xuân Diệu, bút danh: Trảo Nha.

Quê cha ở làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh ra ở quê mẹ- Bình Định- nhưng lại lớn lên ở Quy Nhơn.

Xuất thân trong một gia đình nhà Nho, tuy nhiên ông mang đậm dấu ấn của một trí thức Tây học.

Ông được mệnh danh là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh), là nhà thơ của tình yêu, của mùa xuân và tuổi trẻ với một giọng thơ sôi nổi, đắm say, yêu đời thắm thiết.

Xuân Diệu là một cây bút có sức sáng tạo dồi dào, có đóng góp trên nhiều lĩnh vực: thơ, văn xuôi, tiểu luận phê bình, nghiên cứu văn học,...

Ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996)

Một số tác phẩm tiêu biểu:

  • Các tập thơ: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), Ngọn quốc kỳ (1945), Một khối hồng (1964), Thanh ca (1982) ...
  • Văn xuôi: Phấn thông vàng (1939, truyện ngắn), Trường ca (1945, bút ký), ...
  • Tiểu luận phê bình: Thanh niên với quốc văn (1945), Tiếng thơ (1951), Những bước đường tư tưởng của tôi (1958, hồi ký), Ba thi hào dân tộc (1959) ...
  • Dịch thơ: Thi hào Nadim Hitmet (1962), V. I. Lê-nin (1967), Những nhà thơ Bungari (1978),…

2. Bài thơ Vội vàng

a. Xuất xứ

 “Vội vàng” được trích từ tập Thơ thơ (1938) - tập thơ đầu tay của nhà thơ Xuân Diệu- là một trong những bài thơ tiêu biểu của ông trước Cách mạng tháng Tám.

b. Bố cục

Gồm 3 phần:

  • Phần 1 (Từ đầu đến “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”):  Tình yêu tha thiết với cuộc sống nơi trần thế.
  • Phần 2 (“Xuân đương tới… Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa...”): Quan niệm về thời gian, đời người.
  • Phần 3 (Còn lại): Khát vọng sống vội vàng, tận hưởng của nhà thơ.

c. Ý nghĩa nhan đề

“Vội vàng” trước hết là một tính từ, có nghĩa là tỏ ra rất vội, muốn tranh thủ tối đa thời gian để cho kịp.

Nhan đề “Vội vàng” đã cho thấy một quan niệm sống mới mẻ của nhà thơ: Sống vội vàng không có nghĩa là sống gấp, sống vội hay sống ích kỉ mà là lối sống biết tận hưởng, tận hiến tất cả những giá trị tốt đẹp của cuộc sống nơi trần gian.

II. Phân tích tác phẩm Vội Vàng

1. Tình yêu cuộc sống trần thế tha thiết

a. Câu 1-4: Khát vọng của nhà thơ

voi-vang-1

Điệp ngữ tôi muốn : nhấn mạnh khát khao mãnh liệt của nhà thơ, gợi một cái tôi cá nhân khao khát giao cảm và yêu đời đến tha thiết.

Niềm ước muốn kì lạ, táo bạo, liều lĩnh: 

  •   tắt nắng
  •   buộc gió

→ Muốn thay quyền tạo hóa.

Mục đích: Giữ lại sắc màu, mùi hương.

Ước muốn hé lộ một con người yêu thiên nhiên, yêu vẻ đẹp của cuộc sống tha thiết nên muốn tận hưởng mãi hương vị của cuộc sống, bất tử hóa cái đẹp.

 Thể thơ ngũ ngôn ngắn gọn, khẳng định mạnh mẽ.

b. Câu 5-11: Cảm nhận bức tranh thiên nhiên

Từ thể thơ 4 chữ, nhà thơ chuyển sang những câu thơ 8 chữ, giọng thơ sôi nổi như nhịp trái tim rộn rã của tâm hồn thi sĩ đang tận hưởng những tinh hoa của đất trời mùa xuân.

Điệp ngữ "này đây" được lặp đi lặp lại 5 lần như một lời mời gọi, kết hợp với thủ pháp liệt kê, vừa diễn tả sự giàu có, phong phú bất tận của thiên nhiên vừa thể hiện cảm giác hân hoan, vui sướng của tác giả khi say sưa giới thiệu vẻ đẹp rạng ngời của mùa xuân.

"Này đây" là sự hiện hữu của hương sắc cuộc đời, của thiên nhiên trần thế, không phải xa xôi mà gần gũi ngay trước mắt, không phải ở tương lai hay quá khứ mà ngay trong hiện tại lúc này.

Thiên nhiên được cảm nhận ở thời điểm ban đầu:

  • Buổi sớm – khởi đầu một ngày mới.
  • Tuần tháng mật – khởi đầu cuộc sống lứa đôi.
  • Tháng giêng – khởi đầu cho một năm mới.

→ Thời khắc đẹp đẽ, tinh khôi, tươi mới.

voi-vang-2

Hình ảnh thiên nhiên:

  • Ong bướm ...tuần tháng mật
  • Hoa của đồng nội xanh rì
  • Lá của cành tơ phơ phất
  • Khúc tình si của yến anh
  • Ánh sáng chớp hàng mi

 → Tính từ "xanh rì", "phơ phất" giàu sức gợi tả kết hợp biện pháp tu từ nhân hoá ("tuần tháng mật", "khúc tình si") đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên quen thuộc, gần gũi mà tươi đẹp, tràn đầy sức sống và tình tứ, quyến rũ.

Lối so sánh mới mẻ, độc đáo, táo bạo:  Tháng giêng ngon như một cặp môi gần; 

  • Nếu trong thơ ca trung đại, các thi nhân lấy thiên nhiên để làm chuẩn mực cho cái đẹp của con người thì đến với Xuân Diệu, con người mới là chuẩn mực cho mọi cái đẹp tồn tại trên cuộc đời này.
  • Câu thơ sử dụng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, hay chính là phép giao thoa mà các nhà thơ Mới tiếp thu từ thơ ca tượng trưng Pháp.
  • Đây là câu thơ mới mẻ nhất, hiện đại nhất, đã khái quát được sự hấp dẫn của mùa xuân bằng sự so sánh vô cùng độc đáo. Nhà thơ cảm thụ thiên nhiên bằng tình lứa đôi, bằng thể xác và tâm hồn.

c. Suy tư của chủ thể trữ tình

“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một na:

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.

→ Dấu chấm tách đôi câu thơ, diễn tả hai cảm xúc của Xuân Diệu, chuyển từ cảm giác sung sướng tận hưởng hiện tại sang sự bừng tỉnh về nhận thức. Và nhà thơ tiếc xuân ngay cả trong lúc xuân đang đẹp nhất.

→ Cảm nhận được sự trôi chảy của thời gian nhà thơ muốn sống gấp, sống nhanh, sống vội để chạy đua với thời gian.

KẾT:

Với việc chắt lọc những hình ảnh thiên nhiên một cách tinh tế kết hợp cùng những biện pháp nghệ thuật: điệp ngữ, phép láy vần, điệp thanh, những biện pháp so sánh, ẩn dụ, hoán dụ đặc biệt là ẩn dụ chuyển đổi cảm giác đặc sắc, đoạn thơ đã vẽ lên một bức tranh, một hình ảnh cuộc đời tràn đầy âm thanh, màu sắc. Qua đó, người đọc cảm nhận một tình yêu thiên nhiên, cuộc sống cuồng nhiệt, đắm say của nhà thơ.

2. Quan niệm về thời gian, đời người

Triết lí về thời gian: 

  • Xuân tới - xuân qua                                
  • Xuân non - xuân già                                  
  • Xuân hết - tôi mất.                                   

→ Thơ xưa khi nói về sự vận động của thời gian, họ coi thời gian là một chuỗi tuần hoàn bất biến. Thế nhưng, với Xuân Diệu, ông cho rằng  thời gian là tuyến tính, một đi không trở lại.

→ Xuân Diệu cảm nhận bước đi của mùa xuân, dòng chảy của thời gian là mải miết, vô tận. Trong hiện tại “đương tới" đã có màu li biệt “đương qua”. Mỗi ngày, mỗi tháng năm qua đi đời người thêm phần ngắn lại, khi mà ta không còn cảm nhận được mùa xuân nữa nghĩa là đời người không còn, sinh thể vĩnh viễn xa rời cuộc đời.

→ Các từ ngữ: “đương tới” với “đương qua”, “còn non'” với “sẽ già” tương ứng, đối lập nhau, diễn tả mùa xuân và thời gian vận động không ngừng.  Chữ “xuân” được điệp đi điệp lại nhiều lần. “Xuân” ấy vừa là xuân của đất trời vừa là “xuân” của cuộc đời, của tuổi trẻ. Mỗi lần nhắc lại là mỗi lần ta bắt gặp cái ngậm ngùi của thi nhân.

Nỗi băn khoăn về sự ngắn ngủi, mong manh của kiếp người trong sự chảy trôi nhanh chóng của thời gian:

  • Lòng rộng – lượng trời chật                                    
  • Xuân tuần hoàn - tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại                                    
  • Còn trời đất - chẳng còn tôi

→ Xuân Diệu yêu mùa xuân. Với ông, vũ trụ đẹp nhất khi vào xuân và đời người đẹp nhất là tuổi trẻ. Nhưng mùa xuân cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu tuổi trẻ tàn phai vì thước đo của mùa xuân, của thời gian chính là tuổi trẻ.

→ Cuộc sống trần gian đẹp như một thiên đường; trong khoảnh khắc đó, thời gian một đi không trở lại, đời người ngắn ngủi đối lập hoàn toàn với vũ trụ nên chỉ còn một cách là phải sống vội.

Bức tranh thiên nhiên:

  • Tháng năm …chia phôi  
  • Sông núi…tiễn bịêt
  • Gió…hờn   
  • Chim…sợ  

 → Thiên nhiên, cảnh vật đều nhuốm màu chia phôi, li biệt, đều mang tâm trạng lo âu, phấp phỏng trước thời gian. Không còn chất vui tươi, rạng ngời như những câu thơ trước nữa. Nói thiên nhiên nhưng là nói lòng người. Người buồn nên thiên nhiên cũng nhuốm màu bi thảm.

→ Ở khổ thơ này, Xuân Diệu thực sự sử dụng rất đắt thủ pháp nghệ thuật nhân hóa, kết hợp từ mới mẻ và đặc biệt là nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác mà nhà thơ tiếp thu được từ phương Tây.

Tâm trạng:

Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa...

→ Lời thơ như một tiếng kêu thảng thốt, hốt hoảng, tuyệt vọng trước dòng chảy vô tình của thời gian.

SƠ KẾT:  

Tiếng thơ cất lên như một lời than tiếc nuối khi cảm nhận bi kịch của sự sống con người, mỗi khoảnh khắc trôi qua là một sự mất mát, phai tàn, phôi pha.

3. Khát vọng sống vội vàng, tận hưởng của nhà thơ

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,

→ Nhà thơ như giục giã chính bản thân: hãy mau lên, vội vàng lên, gấp gáp lên, hãy vượt qua thời gian mà sống, mà cống hiến.

Khát vọng:

  • Ta muốn - ôm - sự sống mơn mởn
  • Riết - mây đưa, gió lượn
  • Say - cánh bướm, tình yêu
  • Thâu - hôn nhiều
  • Cắn - xuân hồng
  • Cho:  chếnh choáng, đã đầy, no nê 

→ Điệp ngữ “ta muốn” cùng nhịp thơ dồn dập như diễn tả hơi thở gấp gáp của thi nhân và nhịp điệu hối hả của trái tim vội vàng. Đại từ nhân xưng “tôi” bất ngờ chuyển hóa thành “ta”. Trước sự sống rộng lớn bao la của vũ trụ, thi sĩ cần xưng ta chăng? Hay ở đây thi sĩ đang nói lên khát vọng của bao người, hối thúc, lay tỉnh bao người hãy sống mãnh liệt, hãy sống cuồng nhiệt, đắm say trong từng phút giây cho nên phải xưng “ta”?

→ Thiên nhiên một lần nữa xuất hiện với mây, gió, bướm...đầy hương sắc tươi mới, tràn đầy sức sống và quyến rũ, tình tứ.

→ Hàng loạt động từ mạnh theo trình tự tăng tiến lần lượt xuất hiện trong các dòng thơ: “ôm”, “riết”, “say”, “thâu”, “cắn” là biểu hiện của tình yêu cuộc sống ngày càng say đắm mãnh liệt, cuồng nhiệt, đam mê.     

SƠ KẾT:

 “Với những nguồn cảm hứng mới: yêu đương và tuổi xuân, dù lúc vui hay lúc buồn, Xuân Diệu cũng ru thanh niên bằng giọng yêu đời, thấm thía” (Vũ Ngọc Phan). Và khổ thơ cuối trong “Vội vàng” là một trong những khúc thơ tiêu biểu trong giọng thơ yêu đời nhất. Đọc đoạn thơ, ta như nghe thấy giọng nói, hơi thở, nhịp đập sôi nổi bồng bột trong trái tim thi sĩ.

III. Tổng kết

1. Giá trị nghệ thuật

Sự kết hợp giữa mạch cảm xúc và mạch luận lí.

Cách nhìn cách cảm mới và những sáng tạo độc đáo về ngôn từ, hình ảnh thơ, cấu tứ,...

2. Ý nghĩa văn bản

Quan niệm nhân sinh, quan niệm thẩm mĩ mới mẻ của Xuân Diệu – nghệ sĩ của niềm khát khao giao cảm với đời.

Vội vàng là lời giục giã sống mãnh liệt, sống hết mình, hãy quý trọng từng giây, từng phút của cuộc đời mình, nhất là những tháng năm tuổi trẻ.

IV. Luyện tập

Trong Nhà văn hiện đại, nhà phê bình, nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan đã viết: "Với những nguồn cảm hứng mới: yêu đương và tuổi xuân, dù lúc vui hay lúc buồn, Xuân Diệu cũng ru thanh niên bằng giọng yêu đời thấm thía"

Qua phân tích bài thơ Vội vàng, anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả: Ông được mệnh danh là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh), là nhà thơ của tình yêu, của mùa xuân và tuổi trẻ với một giọng thơ sôi nổi, đắm say, yêu đời thắm thiết.

Giới thiệu tác phẩm:Vội vàng” được trích từ tập Thơ thơ (1938) - tập thơ đầu tay của nhà thơ Xuân Diệu- là một trong những bài thơ tiêu biểu của ông trước Cách mạng tháng Tám.

Dẫn nhận định: "Với những nguồn cảm hứng mới: yêu đương và tuổi xuân, dù lúc vui hay lúc buồn, Xuân Diệu cũng ru thanh niên bằng giọng yêu đời thấm thía."

2. Thân bài

2.1. Giải thích nhận định

Nhận định của Vũ Ngọc Phan chủ yếu nói về lòng yêu đời, yêu cuộc sống mãnh liệt trong thơ Xuân Diệu. Đó là "giọng yêu đời thấm thía". Lòng yêu đời ấy, theo Vũ Ngọc Phan, xuất phát từ hai nguồn cảm hứng (cũng là hai đề tài xuyên suốt trong thơ Xuân Diệu trước Cách mạng), có quan hệ mật thiết với nhau: tình yêu và tuổi trẻ ("yêu đương và tuổi xuân"). Dù ở tâm trạng nào ("lúc vui hay lúc buồn”), thơ Xuân Diệu cũng bộc lộ lòng yêu đời ấy.

2.2. Chứng minh nhận định

Phân tích bài thơ Vội vàng để cho thấy lòng yêu đời của Xuân Diệu

Đoạn 1 và đoạn 3 đều ru thanh niên bằng giọng yêu đời thắm thía (Chứng minh qua bức tranh thiên nhiên và bức tranh cuộc sống con người; qua sự cuồng nhiệt, hối hả, vội vàng của nhà thơ đến với cuộc sống để "ôm" cuộc sống ấy vào lòng mà tận hưởng. Học sinh dẫn thơ-phân tích).

  • Khát vọng giữ lại hương sắc cuộc đời.
  • Bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, tràn đầy sức sống và tình tứ, quyến rũ.
  • Giọng điệu hối hả, giục giã, say mê.
  • Muốn tận hưởng cuồng nhiệt vẻ đẹp của thiên nhiện cuộc đời ngay trong thời khắc tươi đẹp nhất.

Đoạn 2: Lòng yêu đời thiết tha thể hiện qua

  • Cảm thức về thời gian: Thời gian là một dòng chảy tuyến tính, vô tình nên vạn vật sẽ tàn phai theo tháng năm, đặc biệt tuổi trẻ qua đi không bao giờ trở lại. Xuân Diệu yêu đời, yêu cuộc sống này nên rất nhạy cảm với thời gian.
  • Ý thức về thời gian mang tính hủy diệt nên cách nhìn thiên nhiên cũng đổi khác. Tác giả nhìn đâu cũng thấy nhuốm màu bi thảm. Lòng buồn nên cảnh cũng không tươi. Yêu đời nên sầu muộn trước sự tàn phai không thể nào tránh khỏi của vạn vật.
  • Thảng thốt, tuyệt vọng trước bước đi của thời gian.

2.3. Đánh giá nhận định

Nhận định hoàn toàn đúng đắn, thể hiện một cái nhìn tinh tế, thấu hiểu về đời và thơ Xuân Diệu.

Nhận định khái quát con người Xuân Diệu, vẻ đẹp rất riêng của thơ Xuân Diệu trước Cách mạng.

3. Kết bài

Khẳng định lời nhận định của Vũ Ngọc Phan

Đánh giá giá trị của bài thơ

Cảm xúc của bản thân


Giáo viên biên soạn: Nguyễn Minh Thư

Đơn vị: Trường TH-THCS-THPT Lê Thánh Tông – Nguyễn Khuyến

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Văn

Bài 60: Nghĩa của câu (tiếp theo)
Bài 62: Thao tác lập luận bác bỏ