Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 12»2»Bài 54: Chiếc Thuyền Ngoài Xa - Nguyễn M...

Bài 54: Chiếc Thuyền Ngoài Xa - Nguyễn Minh Châu

Nội dung bài Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu Văn 12 bộ SGK bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

Nguyễn Minh Châu quê Nghệ An, từng là người lính chiến đấu ở đồng bằng Bắc bộ.

Trước 1975: sáng tác theo khuynh hướng sử thi

Sau 1975: sáng tác theo cảm hứng thế sự, luôn trăn trở về số phận nhân dân và trách nhiệm của nhà văn, luôn thiết tha truy tìm “cái hạt ngọc” ẩn giấu nơi bề sâu tâm hồn con người.”

chiec-thuyen-ngoai-xa-nguyen-minh-chau-1

2. Tác phẩm

Sáng tác năm 1983, in trong tập truyện Chiếc thuyền ngoài xa (1987).

Là tác phẩm tiêu biểu cho sáng tác ở giai đoạn sau năm 1975, thiên về cảm hứng thế sự, chủ yếu tập trung khai thác những mặt tối, những góc khuất của con người trong hành trình mưu sinh vất vả vì cuộc sống.

Nội dung câu chuyện kể lại chuyến đi của một phóng viên nhiếp ảnh và những chiêm nghiệm sâu sắc về nghệ thuật và cuộc sống.

II. Đọc, hiểu văn bản

1. Phát hiện thứ 1: Bức tranh tuyệt vời của buổi bình minh

Phùng là một phóng viên nhiếp ảnh đang công tác tại một tòa soạn ở Hà Nội, được phân công chụp tấm ảnh về biển cho bộ lịch năm sau.

chiec-thuyen-ngoai-xa-van12-1

Anh lên tàu, trở về chiến trường xưa, một làng chài ven biển. Sau nhiều ngày “phục kích”, mãi đến sáng hôm ấy Phùng mới “chộp” được khoảnh khắc “trời cho” về buổi bình minh tuyệt vời trên mặt biển mờ sương. Cảnh đẹp như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”

  • Tâm điểm của bức tranh là chiếc thuyền “in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù màu trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào”.
  • Trên thuyền là “vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng”.
  • Toàn bộ khung cảnh “từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thật đơn giản và toàn bích”

=> Một bức tranh tuyệt mĩ, đậm chất hội họa, rất hài hòa từ đường màu sắc, đường nét, ánh sáng, thể hiện cái nhìn và phát hiện tinh thế, đậm chất nghệ sĩ.

Cảm xúc: Người nghệ sĩ ngây ngất, hạnh phúc, trong tim bối rối “như có gì đó bóp thắt vào”

Hành động: “bấm liên thanh một hồi” để kịp ghi lại khoảnh khắc tuyệt vời.

Nhận thức ban đầu của Phùng: “bản thân cái đẹp là đạo đức”, có tác dụng thanh lọc và giúp cho tâm hồn trở nên trong trẻo, thuần khiết.

2. Phát hiện thứ 2: Cảnh bạo hành và bi kịch của gia đình người hàng chài

Cảnh bạo hành được miêu tả qua cái nhìn trực diện, khi con thuyền tiến về bờ cát, một bi kịch gia đình diễn ra ngay trước mắt Phùng:

  • Lão chồng hùng hổ dùng “chiếc thắt lưng của lính ngụy” đánh vợ một cách dã man và vô lí.
  • Người đàn bà cứ đứng yên cho chồng đánh, không kêu khóc, van xin, “hay tìm cách chạy trốn”
  • Từ trên bờ cát, thằng con trai vì bênh mẹ đã lao xuống “như một viên đạn”, giật chiếc thắt lưng và quật ngược vào ngực bố để rồi nhận lấy cái tát ngã nhoài ra bờ cát.
  • Người mẹ phải chứng kiến cảnh trái đạo trong sự đau đớn, xấu hổ và bất lực.

Thái độ của Phùng: bàng hoàng, phẫn nộ, chỉ biết “há mồm ra mà nhìn”, niềm hạnh phúc vừa chụp được bức ảnh ưng ý cũng tiêu tan.

Nhận thức của Phùng: Cái đẹp không hẳn là cái đạo đức mà bên trong nó có thể tồn tại cái xấu, cái phi nhân.

Thông điệp từ 2 phát hiện:

  • Hiện thực cuộc sống vốn chứa đầy những nghịch lí rất khó lí giải: tốt-xấu; thiện ác..luôn tồn tại đan xen, rất khó phát hiện.
  • Phải có cái nhìn đa chiều, đầy suy ngẫm thì chúng ta mới hiểu được bản chất của đời sống.

3. Câu chuyện người đàn bà hàng chài trong tòa án huyện

Phùng gặp Đẩu- người bạn thời quân ngũ, hiện là Chánh án của tòa án nhân dân huyện. Hai người mời người đàn bà đến tòa với thiện chí khuyên chị bỏ chồng, vì:

  • “Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Cả nước không có một người chồng nào như hắn”.
  • “Chị không sống nổi với cái lão đàn ông vũ phu ấy đâu”.

Nhưng cả hai phải ngỡ ngàng vì người đàn bà kiên quyết không bỏ chồng, và chị đưa ra những lí do:

  • Với người đàn bà hàng chài, đàn ông là trụ cột không thể thiếu “để chèo chống khi phong ba”.
  • Chị nghĩ đến con cái, tình thương con khiến chị chấp nhận tất cả: “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình”
  • Vả lại, chị vẫn cảm nhận được hạnh phúc bên lão, dù ít ỏi: “Cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ”
  • Thấu hiểu cho chồng và cho rằng, lão cũng chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh. Trước đây, lão cũng là một người hiền lành, “không bao giờ đánh đập” vợ, chẳng qua do nghèo đói, bế tắc khiến lão tha hóa
  • Thậm chí chị còn nhận lỗi về mình: “Cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá”

=> Hình ảnh người đàn bà tưởng chừng cam chịu, ngu dốt, yếu đuối hóa ra lại là người bản lĩnh, khoan dung, rất thương con, thấu hiểu lẽ đời, giàu đức hi sinh

Câu chuyện của người đàn bà giúp Đẩu và Phùng vỡ ra nhiều điều:

  • Hiện thực đời sống rất phức tạp, ta không thể dễ dãi, đơn giản trong việc nhìn nhận mọi sự việc, hiện tượng.
  • Đôi khi, thiện chí hay những lý thuyết cứng nhắc trong sách vở không giúp con người thoát ra khỏi khó khăn. Muốn giúp đỡ người khác thì phải đặt mình trong hoàn cảnh của họ.

4. Ý nghĩa về tấm ảnh trong bộ lịch:

Tấm ảnh Phùng mang về đã được chọn in trong bộ lịch và được nhiều người sành nghệ thuật yêu thích.

Riêng Phùng:

  • Mỗi lần nhìn kĩ thì thấy hiện lên cái “màu hồng hồng của ánh sương mai"→hình ảnh tượng trưng cho cái đẹp của nghệ thuật.
  • Nhưng khi nhìn lâu hơn, Phùng lại thấy từ trong tranh bước ra là một người đàn bà với thân hình cao lớn, rỗ mặt, lưng áo ướt sũng…→ hình ảnh tượng trưng cho hiện thực lam lũ, nhọc nhằn của đời sống.

Ý nghĩa mối quan hệ giữa 2 hình ảnh và thông điệp của người nghệ sĩ:

  • Nghệ thuật chân chính phải gắn với cuộc đời và vì cuộc đời
  • Người nghệ sĩ đích thực phải là người luôn đứng ở tâm điểm cuộc đời, phải biết trăn trở và dũng cảm đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác để bảo vệ con người.

5. Đặc sắc nghệ thuật:

  • Xây dựng tình huống truyện độc đáo, đầy nghịch lí, tạo nên sự bất ngờ, lôi cuốn và góp phần bộc lộ tính cách nhân vật.
  • Cốt truyện hấp dẫn, sinh động kết hợp với ngôn ngữ linh hoạt, sáng tạo góp phần làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm
  • Xây dựng được nhiều hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng..
  • Giọng điệu chiêm nghiệm, suy tư, trăn trở, phù hợp với tình huống nhận thức

6. Tổng kết:

Tham khảo Ghi nhớ (SGK/tr78)

IV. Luyện tập

1. Câu hỏi SGK (trang 78)

Nhân vật nào trong truyện để lại cho anh (chị) ấn tượng sâu sắc nhất? Vì sao?

Học sinh tự chọn một nhân vật.

Gợi ý: Nhân vật người đàn bà hàng chài.

Lý do: Đây là một người phụ nữ giàu tình thương và đức hy sinh, trở thành biểu tượng đẹp đẽ cho người phụ nữ Việt Nam.

Qua câu chuyện nhân vật này, người đọc nhận ra một bài học sâu sắc: Không thể nhìn cuộc sống một cách đơn giản, một chiều mà phải có cái nhìn đa chiều.

2. Bài tập nâng cao

Phân tích tình huống truyện độc đáo trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.

Dàn bài gợi ý:

a. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

Nêu được yêu cầu đề bài.

b. Thân bài

b1. Làm rõ khái niệm tình huống truyện

  • Tình huống truyện là những sự kiện diễn ra trong khoảnh khắc để từ đó nhân vật xuất hiện và bộc lộ cá tính, phẩm chất và quá trình nhận thức của mình. Hay nói cách khác, tình huống truyện chính là hoàn cảnh được tác giả tạo dựng bằng một sự kiện đặc biệt để từ đó thể hiện được chủ đề, tư tưởng của tác giả.
  • Tình huống truyện có vai trò góp phần xây dựng nhân vật và thể hiện ý đồ tư tưởng, quan niệm thẩm mĩ của tác giả trong tác phẩm.

b2. Phân tích tình huống truyện: Tình huống truyện trong Chiếc thuyền ngoài xa là tình huống nhận   thức, được xây dựng để giúp nhân vật nhận thức ra một triết lí, một sự thực nào đó trong cuộc sống.

  • Tình huống thứ nhất:  Phát hiện khung cảnh tuyệt vời của buổi bình minh trên biển → nhận thức về cái đẹp của nghệ thuật
  • Tình huống thứ hai: chứng kiến cảnh bạo hành ở bờ biển → nhận thức được những nghịch lí khó lí giải trong cuộc đời, cái đẹp không hẳn gắn với cái thiện, thậm chí là cái phi nhân.
  • Tình huống thứ 3. Câu chuyện người đàn bà trong trong tòa án → nhận thức được sự thật đằng sau bi kịch gia đình và tấm lòng thương con của người mẹ.

=>Từ tình huống truyện ấy, không chỉ Phùng, Đẩu mà cả người đọc dường như cũng ngộ ra được những chân lí, những vẻ đẹp vốn dĩ tiềm ẩn đằng sau những hình ảnh chân thực mà chúng ta được chứng kiến.

b3.Ý nghĩa của tình huống truyện: Giúp nhà văn gửi gắm những thông điệp về tư tưởng và nghệ thuật:

  • Cái bên ngoài chưa hẳn là bản chất thật bên trong, nhiều khi còn đối lập với phẩm chất bên trong. Không phải bao giờ cái đẹp cũng gắn với cái thiện, vì thế, cần phải có cái nhìn đa chiều, suy ngẫm, cảm thông mới hiểu bản chất cuộc sống.
  • Về trách nhiệm người nghệ sĩ: Không nên tách rời nghệ thuật với cuộc đời, cần phải rút ngắn khoảng cách giữa cuộc đời và nghệ thuật; nghệ sĩ không được nhìn cuộc đời bằng con mắt đơn giản, dễ dãi, phải có tấm lòng, có can đảm, và biết trăn trở về con người.
  • Góp phần làm nên giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm

c. Kết luận:

Khẳng định lại giá trị của tình huống truyện.

Nêu cảm nhận của bản thân về nghệ thuật xây dựng tình huống truyện của Nguyễn Minh Châu.


Giáo viên biên soạn: Phạm Ngọc Tuấn

Đơn vị: Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Văn

Bài 52: Những Đứa Con Trong Gia Đình - Nguyễn Thi
Bài 55: Thực Hành Về Hàm Ý