Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 12»2»Bài 61: Số Phận Con Người - M. Sô-lô-khố...

Bài 61: Số Phận Con Người - M. Sô-lô-khốp

Nội dung bài Số phận con người - M. Sô-lô-khốp văn 12 bộ SGK bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

Mi-khai-in Sô-lô-khốp (1905 – 1984), nhà văn Nga lỗi lạc, nhận giải Nô-ben văn học năm 1965; được coi là một trong những nhà văn lớn nhất của thế kỉ XX.  

Ông sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở thị trấn Vi-ô-sen -xcai-a, thuộc tỉnh Rô-xtốp trên vùng thảo nguyên sông Đông.

Ông tham gia công tác cách mạng từ khá sớm: làm thư kí uỷ ban trấn, nhân viên thu mua lương thực, tiễu phỉ,...

Cuối 1922, ông đến Mát – xcơ – va, chấp nhận làm mọi nghề để sinh sống và thực hiện “giấc mơ viết văn”.

Năm 1925, ông trở lại quê hương và bắt đầu viết “Sông Đông êm đềm” - một bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ dựng lại bức tranh sinh động về cuộc sống của những người nông dân Cô - dắc cùng những biến động xã hội và đấu tranh giai cấp sau Cách mạng Tháng Mười Nga 1917.

Năm 1926, ông đã in hai tập truyện ngắn “Truyện sông Đông”“Thảo nguyên xanh”.

Trong thời kì chiến tranh vệ quốc, với tư cách là phóng viên mặt trận, Sô-lô-khốp xông pha nhiều chiến trường, viết nhiều bài chính luận, kí, truyện ngắn nổi tiếng.

Sau chiến tranh, ông tập trung chủ yếu vào sáng tác. 

bai61-so-phan-con-nguoi-van12

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

Truyện được công bố lần đầu trên báo Sự thật, số ra ngày 31-12-1956 và 1-1-1957.

Về sau, truyện được in trong tập “Truyện sông Đông”.

bai61-so-phan-con-nguoi-van12-1

b. Giá trị tác phẩm

Truyện có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của văn học Xô Viết. Đây là tác phẩm đầu tiên nhà văn tập trung thể hiện hình tượng con người bất hạnh sau chiến tranh, nhìn cuộc sống và chiến tranh toàn diện, chân thực; đổi mới cách miêu tả nhân vật, khám phá tính cách Nga, khí phách anh hùng và nhân hậu của người lính Xô viết.

c. Tóm tắt

Trong một lần đi công tác, tác giả Sô-lô-khốp đã có cuộc gặp gỡ bất ngờ với một người đàn ông tên Xô-cô-lốp. Cũng trong cuộc gặp gỡ ấy, Xô-cô-lốp đã kể cho tác giả nghe câu chuyện đầy đau đớn của cuộc đời mình. Xô-cô-lốp từng là một người lính trong Hồng quân Liên Xô, ngày chiến tranh nổ ra, anh đã chia tay vợ con để lên đường chiến đấu. Xô-cô-lốp từng bị phát xít bắt làm tù binh, giam lỏng và tra tấn suốt 2 năm trời. Năm 1944, khi quân phát xít Đức thua to trên mọi mặt trận, Xô-cô-lốp đã bắt sống được một tên lính giặc và lái xe về phía Hồng quân. Ngay lúc này, Xô-cô-lốp nghe tin vợ và hai con gái của anh đã thiệt mạng do bom đạn kẻ thù. Người thân cũng là niềm hi vọng sống còn lại của Xô-cô-lốp lúc này là A-na-tô-li, đau đớn thay, ngày mà đất nước được giải phóng cũng là ngày mà con trai anh hi sinh. 

Mang theo nỗi đau đớn, tuyệt vọng, sau khi hòa bình lập lại, Xô-cô-lốp không trở về quê hương, anh ở nhờ nhà một người bạn và làm công việc lái xe vận chuyển hàng hóa đến các huyện. Trong một lần dừng chân ở một cửa hiệu giải khát, Xô-cô-lốp đã gặp gỡ cậu bé Va-ni-a -một đứa trẻ lang thang, cha mẹ đều mất trong chiến tranh. Bằng mối đồng cảm giữa hai con người bất hạnh, trôi dạt giữa cuộc đời, Xô-cô-lốp đã quyết định nhận nuôi Va-ni-a, và từ đây hai cha con sống nương tựa nhau, cùng hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn ở tương lai.

II. Đọc – Hiểu văn bản

1. Chiến tranh và thân phận con người

a. Người lính Xô-cô-lốp

Đi lính, bị thương hai lần, bị đọa đày trong trại tập trung của phát xít Đức.

Vợ và hai con gái ở quê nhà bị bom phát xít giết hại.

Đứa con trai yêu quí của anh, đại úy pháo binh, bị “một tên thiện xạ Đức” bắn chết ngay ngày chiến thắng.

Sau chiến tranh, Xô-cô-lốp không biết đi đâu, về đâu, phải sống nhờ nhà người đồng đội cũ.

Anh làm lái xe cho một đội vận tải, tìm đến rượu để dịu bớt nỗi đau, thường xuyên gặp ác mộng và phải di chuyển chỗ ở để quên đi nỗi buồn đau.

b. Chú bé Va-ni-a

Lang thang, rách rưới, hằng ngày nhặt nhạnh kiếm ăn nơi hàng quán, ban đêm bạ đâu ngủ đó.

Cha chết trận, mẹ chết bom, không biết quê hương, không người thân thích.    

2. Nghị lực vượt qua số phận  

a. Cuộc gặp gỡ giữa Xô-cô-lốp và bé Va-ni-a

Xô-cô-lốp gặp bé Va-ni-a ở hiệu giải khác, từ lòng yêu mến và xót thương cho hoàn cảnh của cậu bé, anh nhận cậu bé làm con nuôi.

Xô-cô-lốp sung sướng trong tình cảm cha con, chăm lo cho Va-ni-a  từng cái ăn, cái mặc, giấc ngủ. Và từ đó, trái tim trở nên êm dịu hơn.

Va-ni-a vô tư và hồn nhiên đón nhận cuộc sống mới trong sự chăm sóc và tình yêu thương của người mà chú bé luôn nghĩ là cha đẻ.                              

b. Tinh thần trách nhiệm cao cả và nghị lực phi thường của Xô-cô-lốp

Khó khăn của Xô-cô-lốp khi nhận bé Va-ni-a làm con: vừa phải kiếm kế sinh nhai vừa phải học cách nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ con và  phải đối diện trước những rủi ro bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra,...

Mất việc vì đâm phải con bò, anh kiên cường đưa con cuốc bộ đến Ka-sa-rư tìm công việc mới.

Đặc biệt Xô-cô-lôp phải chịu đựng nỗi đau thể xác (cơ thể suy kiệt) cũng như tinh thần (nỗi ám ảnh về chiến tranh và cái chết của vợ con). Tuy thế, anh luôn nén chịu nỗi đau, không cho bé Va-ni-a biết để không làm “tổn thương trái tim em bé”. 

Ngợi ca phẩm chất và ý chí của con người Nga: lòng nhân hậu, vị tha và bản lĩnh kiên cường.

3. Thái độ của người kể chuyện

Thái độ người kể chuyên bộc lộ qua các yếu tố nghệ thuật sau:

  • Truyện được xây dựng theo lối truyện lồng trong truyện, có hai người kể là Xô-cô-lốp và tác giả. Người kể chuyện phải tuân theo cách nói năng, tâm tính, giọng điệu của nhân vật và trực tiếp bộc lộ tính cách của nhân vật.
  • Người kể chuyện còn trực tiếp miêu tả bối cảnh và thời gian gặp gỡ nhân vật chính, khung cảnh thiên nhiên, chân dung các nhân vật, những ấn tượng và đánh giá về các nhân vật đó. Tác giả không che giấu thiện cảm với Xô-cô-lôp và sự xúc động trước số phận con người.

bai61-so-phan-con-nguoi-van12-2

Thái độ của người kể còn bộc lộ ở đoạn trữ tình ngoại đề cuối  truyện (“Hai con người côi cút...nếu như Tổ quốc kêu gọi”): 

  • Trữ tình ngoại đề: là sự giãi bày cảm xúc, ấn tượng của nhà văn về những gì đã mô tả, phơi bày trước bạn đọc.
  • Tác giả bày tỏ lòng khâm phục và tin tưởng ở tính cách Nga kiên cường; dự báo trước những khó khăn trở ngại mà con người phải vượt qua trên con đường vươn tới tương lai, hạnh phúc; đồng thời đề ra trách nhiệm của xã hội đối với những con người có nhiều cống hiến và hi sinh trong chiến tranh.

→Trước số phận bi thảm, trớ trêu của con người, tác giả bộc lộ sự đồng cảm và lòng nhân hậu của mình.

4. Suy nghĩ về thân phận con người

Ca ngợi sức mạnh vươn lên của con người sau chiến tranh;  nhà văn vẫn giữ niềm tin vào số phận con người, ở tính cách Nga kiên cường, nhân hậu cũng như lòng tin yêu ở cuộc sống.

Cảm thông, chia sẻ với những đau thương mất mát cùng những khó khăn trong cuộc mưu sinh thường nhật của những con người thời hậu chiến, đặc biệt là những người lính vừa trở về từ chiến trường và trẻ em - những con người chịu nhiều đau thương và mất mát nhất.

Lên án bão tố của chiến tranh phi nghĩa và sức mạnh ghê gớm của nó. Chiến tranh không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng nghìn, hàng triệu người mà kinh khủng hơn, nó đã phá nát cuộc sống của không biết bao gia đình, phá hủy ước mơ và tương lai của những đứa trẻ.

Sô­-lô­-khốp dự báo sẽ có muôn vàn khó khăn và trở ngại mà con người phải vượt qua trên con đường vươn tới tương lai và hạnh phúc.

Ca ngợi sức mạnh phi thường với niềm tin bất diệt của con người có thể làm nên được điều kì diệu, đưa con người vượt thoát khỏi những nghịch cảnh éo le, tàn khốc. Tâm hồn con người có chỗ dựa vững chắc chính là tình yêu thương.

III. Tổng kết 

1. Giá trị nghệ thuật

Kết cấu truyện lồng trong truyện

Miêu tả sâu sắc, tinh tế nội tâm và diễn biến tâm trạng nhân vật.

Lời kể chuyện giản dị, sinh động, giàu sức hấp dẫn và lôi cuốn.

Đoạn trữ tình ngoại đề gây xúc động mạnh cho người đọc.

2. Giá trị nội dung

Truyện ca ngợi bản lĩnh kiên cường và nhân hậu của con người Xô viết.

Sô-lô-khôp là nhà văn dũng cảm khám phá sự thật qua cách nhìn và miêu tả chiến tranh một cách toàn diện, chân thật.

Tác phẩm gửi gắm thông điệp: Con người bằng ý chí và nghị lực, lòng nhân ái và niềm tin vào tương lai, cần và có thể vượt qua những mất mát do chiến tranh và bi kịch của số phận.

IV. Luyện tập

Câu 1 (trang 124, SGK Ngữ văn 12- tập 2)

Tìm cái mới của truyện ngắn Số phận con người trong miêu tả cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô.

Gợi ý

Sô-lô-khốp đã miêu tả chiến tranh trong bộ mặt thật của nó, trong “đau khổ, chết chóc, máu me” (lời L.Tôn-xtôi), thể hiện một cách nhìn mới, dũng cảm táo bạo nhìn thẳng vào sự thật khắc nghiệt của chiến tranh.

Nhân vật trong tác phẩm là những con người bình thường, thậm chí nhỏ bé với tất cả các quan hệ phức tạp đa dạng, tiêu biểu cho số phận con người trong chiến tranh. Hoàn cảnh đau khổ ghê gớm của Xô-cô-lốp đã làm nổi bật tâm hồn nhân hậu và tính cách kiên cường của anh. Đó là những con người bình thường mà vĩ đại, là hình ảnh của nhân dân Nga.

Tài nghệ của tác giả còn được thể hiện ở cách kể chuyện, tả cảnh, chon lọc chi tiết, vẽ chân dung và dõi theo tâm trạng nhân vật. Sự ngưỡng mộ và cảm thông của nhà văn được gửi gắm qua phong cảnh, cách mô tả và lời trữ tình ngoại đề của người kể chuyện.

Truyện cũng có một đoạn trữ tình ngoại đề ở phần cuối bày tỏ sự đồng cảm, lòng tin tưởng và sự khâm phục của tác giả đối với tính cách Nga kiên cường và nhân hậu. Nhà văn tin tưởng vào thế hệ tương lai qua hình ảnh chú bé Va-ni-a. Đó cũng là lời nhắc nhở, kêu gọi sự quan tâm của toàn xã hội đối với mỗi số phận cá nhân sau chiến tranh. Cách kể chuyện này tạo ra một phương thức miêu tả lịch sử mới: Lịch sử trong mối quan hệ mật thiết với số phận cá nhân.

Câu 2 (trang 124, SGK Ngữ văn 12-tập 2)

Tưởng tượng và viết đoạn văn về cuộc sống tương lai của hai bố con An-đrây Xô-cô- lôp.

Gợi ý

Học sinh có thể chọn những cách tiếp nối câu chuyện như sau:

  • Nếu thích cách kể chuyện cổ tích, học sinh sẽ miêu tả một tương lai tốt đẹp, một kết thúc có hậu.
  • Nếu chọn cách phản ánh hiện thực “khắc nghiệt nhưng bao giờ cũng táo bạo”, học sinh sẽ nói về một tương lai còn đầy chông gai, đòi hỏi nghị lực và bản lĩnh của con người trên con đường vươn tới bình an và hạnh phúc.

Giáo viên biên soạn: Nguyễn Minh Thư

Đơn vị: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Văn

Bài 59: Thuốc - Lỗ Tấn
Bài 62: Ông Già Và Biển Cả - Hê-Minh-Uê