Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 12»2»Bài 45: Vợ Chồng A Phủ (Tô Hoài)

Bài 45: Vợ Chồng A Phủ (Tô Hoài)

Nội dung bài Vợ chồng A Phủ Văn 12 bộ SGK bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung chính một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. TÁC GIẢ

bai-45-vo-chong-a-phu-to-hoai-1
Tác giả Tô Hoài

Sơ nét về tác giả Tô Hoài

  • Tô Hoài (1920 - 2014) tên khai sinh là Nguyễn Sen.
  • Quê quán : thị trấn Kim Bài - huyện Thanh Oai - tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội).
  • Sinh ra và lớn lên ở quê ngoại: làng Nghĩa Đô - phủ Hoài Đức - tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô - quận Cầu Giấy - Hà Nội).
  • Thời trẻ, ông phải lăn lộn kiếm sống bằng nhiều nghề như : làm gia sư, bán hàng, làm kế toán hiệu buôn,... và nhiều khi thất nghiệp.
  • Năm 1943, gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc.
  • Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông làm báo và hoạt động văn nghệ ở Việt Bắc.
  • Sau hơn sáu mươi năm lao động nghệ thuật, ông đã có gần 200 đầu sách thuộc nhiều thể loại khác nhau: Dế Mèn phiêu lưu kí (truyện, 1941); O chuột (tập truyện, 1942); Truyện Tây Bắc (tập truyện, 1953); Miền Tây (tiểu thuyết, 1967); Ba người khác (tiểu thuyết, 2006),...
  • Tác phẩm Tô Hoài hấp dẫn người đọc bởi lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động của người từng trải, vốn từ vựng giàu có - nhiều khi rất bình dân và thông tục, nhưng nhờ cách sử dụng đắc địa và tài ba nên có sức lôi cuốn, lay động người đọc.
  • Tô Hoài có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng khác nhau. Sáng tác của ông thiên về diễn tả sự thật đời thường.
  • Năm 1996, ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

II. TÁC PHẨM  

1. Xuất xứ và tóm tắt tác phẩm

bai-45-vo-chong-a-phu-to-hoai-2
Tác phẩm Vơ Chồng A Phủ - Tô Hoài

“Vợ chồng A Phủ” in trong tập “Truyện Tây Bắc” (1954). Tập truyện được tặng giải nhất- giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam 1954 -1955. Tác phẩm ra đời là kết quả từ chuyến đi thực tế của nhà văn cùng với bộ đội vào giải phóng Tây Bắc năm 1952.

Truyện kể về cuộc sống cơ cực của Mị và A Phủ. Mị sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, vì cha mẹ nợ bạc nhà thống lí nên Mị bị bắt về làm con dâu gạt nợ. Đau khổ, tủi nhục, Mị định ăn lá ngón để tự tử nhưng vì thương cha nên đành quay lại chấp nhận sống kiếp trâu ngựa ở nhà thống lí Pá Tra. Tuy nhẫn nhục cam chịu nhưng trong Mị vẫn tiềm tàng một tinh thần phản kháng mãnh liệt.

Còn A Phủ thì mồ côi cha mẹ từ nhỏ, một mình trôi dạt đến Hồng Ngài, vì đánh A Sử nên bị phạt một trăm bạc trắng. Không có tiền, A Phủ bị biến thành nô lệ. Do sơ ý để hổ vồ mất một con bò nên A Phủ bị thống lí trói đứng vào cột. Thương cảm trước tình cảnh của A Phủ, Mị đã táo bạo cắt dây trói cho A Phủ và hai người cùng trốn sang Phiềng Sa.

2. Chủ đề

“Vợ chồng A Phủ” đã phản ánh chân thực số phận bi thương và hành trình vươn dậy tìm đến ánh sáng cách mạng của những người lao động nghèo nơi núi rừng Tây Bắc.

3. Giá trị nội dung và nghệ thuật :

a. Giá trị nội dung :

Giá trị hiện thực :

  • Thông qua những trang viết đầy tinh hiện thực, nhà văn đã khắc họa chân thực và sinh động những nét riêng biệt về phong tục, tập quán của người dân vùng núi Tây Bắc.
  • Đồng thời, tác phẩm đã phản ánh chân thực tình cảnh khốn khổ của người dân miền núi Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn thực dân - phong kiến chúa đất và sự vươn dậy của những con người từ bóng tối nô lệ vươn đến ánh sáng cách mạng để giải phóng quê hương.

Giá trị nhân đạo :

  • Thông qua cuộc đời của hai nhân vật Mị và A Phủ, Tô Hoài đã bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc đối với số phận của những con người bị đày ải dưới ách nô lệ của bọn thực dân – phong kiến ở miền núi Tây Bắc.
  • Đồng thời nhà văn đã luôn thấu hiểu để phát hiện, nâng niu và trân trọng vẻ đẹp tâm hồn cũng như khát vọng hạnh phúc và sức sống tiềm tàng trong những con người cùng khổ.
  • Tác giả luôn đứng về phía nhân dân lao động để lên tiếng tố cáo tội ác của bọn thực dân – phong kiến đã chà đạp quyền sống, đẩy những con người lương thiện vào kiếp sống trâu ngựa.
  • Tác phẩm còn đề cao sức vươn dậy mãnh liệt của những con người khốn khổ. Và vì vậy, như một tất yếu, họ đã không cam chịu cuộc sống ngục tù mà vùng lên phản kháng, đi tìm tự do, hạnh phúc.

b. Giá trị nghệ thuật :

  • Nghệ thuật trần thuật linh hoạt, lời văn tinh tế giàu chất thơ và đậm đà màu sắc dân tộc.
  • Nghệ thuật xây dựng nhân vật vô cùng đặc sắc, đặc biệt là sự tinh tế trong việc khắc họa tính cách và khả năng khai thác diễn biến đời sống nội tâm để làm nên những trang văn vô cùng chân thực và sâu sắc. 

III. LUYỆN TẬP

1. Kiến thức nào sau đây không đúng với nhà văn Tô Hoài?

  1. Tô Hoài là một nhà văn chuyên viết về miền núi.
  2. “Dế Mèn phiêu lưu kí” đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
  3. Bút danh Tô Hoài được ghép bởi các địa danh quê ông.
  4. Tô Hoài xuất thân trong một gia đình thợ thủ công.

2. Tác phẩm nào dưới đây viết về những nhà văn cùng thời với Tô Hoài?

  1. Dế Mèn phiêu lưu kí.
  2. Ba người khác.
  3. O Chuột.
  4. Cát bụi chân ai.

3. Đánh giá sau về phong cách nghệ thuật của nhà văn Tô Hoài là đúng hay sai ?

Tác phẩm Tô Hoài hấp dẫn người đọc bởi lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động của người từng trải, vốn từ vựng giàu có - nhiều khi rất bình dân và thông tục, nhưng nhờ cách sử dụng đắc địa và tài ba nên có sức lôi cuốn, lay động người đọc.

  1. Đúng.
  2. Sai.

4. Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” được trong khoảng thời gian nào ?

  1. Thời thuộc Pháp
  2. Thời kháng chiến chống Pháp
  3. Thời chiến tranh chống Mỹ
  4. Thời hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội

5. Nội dung nào sau đây không phải là giá trị nhân đạo của “Vợ chồng A Phủ” ?

  1. Thông qua cuộc đời của hai nhân vật Mị và A Phủ, Tô Hoài đã bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc đối với số phận của những con người bị đày ải dưới ách nô lệ của bọn thực dân – phong kiến ở miền núi Tây Bắc.
  2. Nhà văn đã luôn thấu hiểu để phát hiện, nâng niu và trân trọng vẻ đẹp tâm hồn cũng như khát vọng hạnh phúc và sức sống tiềm tàng trong những con người cùng khổ.
  3. Tác phẩm đã phản ánh chân thực tội ác của bọn thực dân – phong kiến đã chà đạp quyền sống, đẩy những con người lương thiện vào kiếp sống trâu ngựa.
  4. Tác phẩm còn đề cao sức vươn dậy mãnh liệt của những con người khốn khổ. Và vì vậy, như một tất yếu, họ đã không cam chịu cuộc sống ngục tù mà vùng lên phản kháng, đi tìm tự do, hạnh phúc.
ĐÁP ÁN

1. C

2. B

3. A

4. B

5. C  


Giáo viên biên soạn: Phan Thị Mỹ Huệ 

Đơn vị: Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến 

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Văn

Bài 45: Vợ Chồng A Phủ