Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 12»2»Bài 48: Vợ Nhặt

Bài 48: Vợ Nhặt

Nội dung bài Vợ Nhặt - Kim Lân Văn 12 bộ SGK bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Giới thiệu chung

1. Tác giả

Là một trong những tác giả tiêu biểu của văn xuôi hiện đại, chuyên viết về truyện ngắn.

Các sáng tác của ông thường viết về nông thôn và cảnh ngộ của người nông dân Bắc Bộ.

vo-nhat

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

In trong tập truyện “Con chó xấu xí

Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” - được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám thàng công nhưng dang dở và thất lạc bản thảo. Sau hòa bình lập lại (1954), ông dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này.

b. Vị trí: là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất trong văn xuôi Việt Nam hiện đại.

c. Đề tài: Bức tranh hiện thực thê thảm của nhân dân ta thời kì trước Cách mạng tháng Tám mà cụ thể là nạn đói năm 1945.

3. “Vợ nhặt” trong cái nhìn so sánh

“Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài: Cùng viết về thân phận làm dâu, nhưng Mị trong “Vợ chồng A Phủ” thật khổ sở, Mị khổ không phải vì cái đói như ở “Vợ nhặt” mà khổ vì địa ngục trần gian nhà thống lí. Nơi mà Mị bị cường quyền và thần quyền chà đạp lên số phận. Còn trong “Vợ nhặt”, người vợ nhặt khổ vì cái đói, nhưng mang thân phận làm dâu đến với gia đình Tràng, cô đã được sự sẻ chia và được yêu thương.

II. Đọc hiểu văn bản

1.Tình huống truyện độc đáo – điểm nhấn của thử thách

a. Tràng bỗng nhiên có vợ - niềm ngạc nhiên cho tất cả mọi người

Tràng là một thanh niên nông dân nghèo, dân ngụ cư, dở người, xấu xí, không ai thèm lấy nhưng lại có vợ một cách thật nhanh chóng và đầy bất ngờ.

Bất ngờ bởi anh có vợ, mà còn được theo không về chỉ bằng một câu nói đùa và bốn bát bánh đúc

Giữa cái đói, nuôi thân không nổi, Tràng lại còn đèo bòng, điều đó dẫn đến sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, từ người ngoài (dân xóm ngụ cư), đến bà cụ Tứ (mẹ của Tràng) và ngay đến cả Tràng còn ngạc nhiên vì vì đã có vợ.

b. Tràng bỗng nhiên có vợ - Tình huống éo le nhưng vô cùng cảm động

Éo le bởi hạnh phúc chồng vợ lại được vẽ nên trong bối cảnh kinh hoàng của cái đói, cái lúc mà con người mong manh sự sống và cái chết do vậy, ngoài cái ngạc nhiên tất cả mọi người đều chung nỗi niềm: không biết có nuôi nổi nhau qua hoàn cảnh éo le này không? Đó là niềm đồng cảm, cái lo chung san sẻ với đôi vợ chồng “mới cưới”.

Với bà cụ Tứ, nỗi niềm ấy còn sâu sắc hơn, bởi cùng chịu cảnh đói, nhưng bà còn là một người mẹ, còn gánh nặng lo toan cho gia đình, thêm một miệng ăn là thêm cái đói, là gần hơn con đường cùng kiệt. Thế nhưng cảm động thay, người mẹ ấy vẫn mở lòng giang rộng cách tay đón nhận người con dâu mới vào lòng.

2. Từ tình huống truyện éo le, các nhân vật bừng sáng giữa cái u ám của nạn đói

a. Nhân vật Tràng

Anh thanh niên nông dân nghèo khổ bỗng nhiên có một niềm hạnh phúc lớn nên vui sướng đến bàng hoàng.

  • Từ một người thô kệch vụng về, nhiều lúc vô tư đến vô tâm, anh bỗng nhiên có niềm hạnh phúc lớn: nhặt được vợ.
  • Niềm vui đã cuốn phăng đi cái đói, cái âu lo, trong lòng anh tràn ngập niềm hạnh phúc mới mẻ.
  • Và từ khi gánh trên vai trách nhiệm người chồng, anh đã biết gắn bó với tổ ấm của mình hơn, Tràng cảm thấy chín chắn, chững chạc hơn, biết vun vén hôm nay và nghĩ sâu sa cho cuộc sống sau này.

b. Nhân vật người vợ nhặt

* Trước khi trở thành người vợ nhặt

Thân hình tiều tụy thê thảm: “Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa. Thị gầy xọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”.

Tính cách của chị cũng thay đổi, trở nên chao chát, đanh đá, cong cớn, trơ trẽn. Chị quên cả sĩ diện chủ động gặp Tràng để xin ăn, được mời ăn giầu thì từ chối “có ăn gì thì ăn chả ăn giầu”.

Được mời ăn thì “hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên”. Chị đon đả nắm lấy vận may “ăn thật nhá! Ừ ăn thì ăn chứ sợ gì”. Và chị “ngồi sà xuống ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc…chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng thở: Hà ngon”.

Từ dáng điệu cử chỉ, cách ăn nói đối đáp, chị cong cớn, trơ trẽn, sỗ sàng chẳng chút sĩ diện mất hết ý tứ duyên dáng của người con gái. Kim Lân đã diễn tả cái đanh đá, chao chát, cong cớn của chị thật tài và sinh động, cứ như chị đi thẳng từ cuộc đời vào trang văn mà không hề bị ngăn cản bởi hàng rào chữ nghĩa. Thế nhưng người đọc lại không hề khinh ghét chị. Ngòi bút đôn hậu bao dung của nhà văn khiến người đọc thấu hiểu và xót thương chị đến đắng lòng.

* Khi đồng ý theo không Tràng về làm vợ nhặt

Trên đường xóm ngụ cư, chị “ngượng nghịu e thẹn. Ánh mắt chị cũng “bần thần lo lắng” khi lấy chồng trong cảnh ngộ trớ trêu này.

Khi về đến nhà Tràng, chị ngồi ý tứ “mớm ở mép giường”. Chào hỏi lễ phép mẹ chồng: “U đã về đấy ạ!”

Sau đêm tân hôn mở đầu một ngày mới chị dậy thật sớm, nhà cửa sân vườn được quét dọn gọn gàng, sạch sẽ, rồi chị cùng mẹ chồng vào bếp chuẩn bị bữa cơm…Sự thay đổi của chị khiến Tràng phải ngạc nhiên: “Tràng nom thị hôm nay khác quá…không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn như mấy lần gặp ở ngoài tỉnh…”

Bữa ăn ngày đói thật thảm hại, hết cháo cả nhà phải ăn cám nấu mà mẹ chồng chị gọi là “chè khoán”, hai mắt chị thoáng tối sầm nhưng chị vẫn “điềm nhiên và vào miệng” miếng cám đắng chát và tủi buồn ấy. Người vợ nhặt thấu hiểu mẹ chồng nên mới có cử chỉ tế nhị như thế.

Câu chuyện chị kể trong bữa ăn ngày đói “Trên mạn Thái Nguyên Bắc Giang người ta không đóng thuế nữa đâu, người ta còn phá cả kho thóc của Nhật chia cho người đói nữa đấy” đã gieo vào lòng Tràng một niềm tin. Chính sự xuất hiện của chị trong gia đình Tràng làm nảy sinh trong thế giới chết chóc của truyện một không gian hạnh phúc an bình “mẹ con đầm ấm hòa hợp”, nảy sinh trong Tràng sự trưởng thành, nảy sinh niềm vui, sự lạc quan nơi gương mặt già nua của người mẹ nghèo nhân hậu.

c. Nhân vật bà cụ Tứ

vo-nhat-1

Thấy con trai bỗng dưng có vợ, bà hết sức ngạc nhiên. Vì con bà nghèo khổ xấu xí là dân ngụ cư, đang buổi đói khát nuôi thân chẳng xong, lại lấy vợ chỉ trong một ngày. Khi vỡ lẽ lòng bà hiểu ra bao nhiêu cơ sự bà cúi đầu nín lặng, lòng trĩu nặng nỗi tủi phận xót xa: “Chao ôi người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc ăn nên làm nổi…Còn mình thì…”. “Trong kẽ mắt kèm nhèm…hai dòng nước mắt…Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”.

  • Nước mắt của bà cụ Tứ - tiếng khóc của bà mẹ nghèo trong cảnh ngộ éo le khiến người đọc thương cảm và xúc động. Bà không chỉ là bà mẹ yêu thương con vô bờ bến mà còn giàu lòng thương người “Người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này mới lấy đến con mình, mà con mình có vợ được”
  • Suy nghĩ của bà thật cảm động xót xa, nhân hậu “các con đã phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng”.
  • Vẫn thân mật thế bà chia sẻ “Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá”, “nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”.

Một người mẹ có ý chí sống và niềm tin bền bỉ vào tương lai

  • Bữa ăn ngày đói thật thảm hại, dù là bữa cơm đón nàng dâu mới, nhà bà chỉ có: “một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo”. Thế mà bà trong bữa ăn toàn nói chuyện vui chuyện sung sướng sau này.
  • Nồi cháo loãng hết bà lễ mễ bưng nồi “chè khoán” bằng cám nấu với lời động viên “xóm ta khối nhà không có cám mà ăn”. Bà vẫn cố vui, vẫn gắng tạo không khí hòa thuận, đầm ấm để nâng đỡ các con giữa cảnh đói khát tủi nhục, tăm tối.
  • Bà tin vào kinh nghiệm dân gian và gieo vào lòng các con niềm tin vào tương lai phía trước “ai giàu ba họ ai khó ba đời” để cố vượt qua cảnh đói chết hôm nay.

III. Tổng kết

1. Giá trị nghệ thuật

Xây dựng tình huống truyện lạ, éo le, độc đáo và kịch tính, có sức lôi cuốn sâu sắc: tình huống nhặt vợ.

Nhân vật được khắc họa sinh động, đặc biệt là ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, chân thật: bà cụ Tứ, anh Tràng, người vợ nhặt.

Giọng văn, cách kể chuyện giản dị, mộc mạc, hấp dẫn, ngôn ngữ gần với khẩu ngữ, chọn lọc, giàu sức gợi dân dã, đậm đà phong vị nông thôn Bắc Bộ.

2. Giá trị nội dung

a. Giá trị hiện thực

Truyện đã miêu tả chân thực sinh động tính chất khủng khiếp của nạn đói năm 1945 xảy ra ở Bắc Bộ do thực dân Pháp và phát xít Nhật gây ra.

Thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của con người lao động: trong hoàn cảnh đói chết cận kề, những con người khốn khổ vẫn yêu thương cưu mang đùm bọc nhau, vẫn khát khao và hướng về tương lai.

b. Giá trị nhân đạo

Thái độ đồng cảm xót xa cho người lao động nghèo lâm vào cảnh đói khát chết chóc và những cảnh ngộ éo le.

Lên án tôi ác dã man của bọn thực dân, phát xít đã gây ra nạn đói khủng khiếp và đẩy dân ta vào cảnh khốn cùng.

Cái nhìn nhân hậu của nhà văn, tin tưởng vào sự đổi đời và tương lai tốt đẹp cho những người lao động nghèo khổ.

IV. Luyện tập

1. BÀI 1(SGK/ tr 33): Đoạn văn nào, chi tiết nào của tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho anh/ chị. Vì sao?

GỢI Ý:

Có thể chọn một số đoạn văn/ chi tiết sau:

1.Đoạn văn kể lại diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ khi nghe tin con trai bỗng dưng có vợ

Đoạn văn và chi tiết đã diễn tả chân thực, tinh tế, xúc động tấm lòng nhân hậu, tình yêu thương con vô bờ bến của người mẹ nghèo lam lũ trong cảnh ngộ éo le. Nét đẹp nơi bà cụ Tứ vừa là phẩm chất của người mẹ/ người phụ nữ Việt Nam đôn hậu giàu đức hi sinh, vừa mang nét riêng cảu người mẹ nông dân lam lũ thất học nhưng sâu nặng ân tình.

2.Đoạn văn kể lại diễn biến tâm trạng của anh Tràng sau đêm tân hôn, trong buổi sáng đầu tiên có vợ

Một chuỗi diễn biến tâm lí rất tự nhiên cụ thể, lô gic được miêu tả hóm hỉnh, sinh động khiến nhân vật hiện lên rất thật. Người đọc vừa xót xa thương cảm cho cảnh ngộ của Tràng vừa trân trọng tấm lòng nhân hậu và khát khao hạnh phúc chính đáng và niềm tin của những người lao động bình dị như anh.

3.Đoạn văn kể lại bữa cơm ngày đói mừng cô dâu mới của Bà cụ Tứ

Diễn tả sâu sắc, tinh tinh tế tâm trạng của các nhân vật trong tác phẩm, đặc biệt là bà cụ Tứ. Tâm lí nhân vật được diễn tả sinh động qua cử chỉ, suy nghĩ nội tâm, lời nói mộc mạc, mang phong vị nông thôn Bắc Bộ nên càng chân thực và cảm động. Đoạn văn vừa mang giá trị hiện thực: tính chất khủng khiếp của nạn đói năm 1945, những phẩm chất tốt đẹp của con người lao động trong hoàn cảnh đói chết cận kề; vừa mang giá trị nhân đạo sâu sắc:  đồng cảm xót xa cho người lao động nghèo lâm vào cảnh đói khát chết chóc và những cảnh ngộ éo le, tin tưởng vào sự đổi đời và tương lai tốt đẹp cho những người lao động nghèo khổ.

2.BÀI 2( SGK/33): THAM KHẢO: DÀN BÀI PHÂN TÍCH GIÁ TRỊ NHÂN ĐẠO TRONG TÁC PHẨM VỢ NHẶT

a. Mở bài : Giới thiệu tác giả, tác phẩm, dẫn nội dung nghị luận từ đề bài

b. Thân bài: Triển khai theo các luận điểm sau:

Giải thích nhân đạo là gì. Nhân đạo hay tư tưởng nhân đạo, giá trị nhân đạo, chủ nghĩa nhân đạo là lòng yêu thương con người, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của con người, tất cả vì con người. Đồng thời lên án mọi thế lực chà đạp lên quyền sống, hạnh phúc của con người. Như thế, nhân đạo gồm hai mặt gắn bó với nhau, yêu thương và căm thù.

Biểu hiện của nhân đạo trong tác phẩm rất phong phú

Đầu tiên “Vợ nhặt” lên án tội ác của bọn thực dân phát xít gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945 làm 2 triệu đồng bào ta chết đói. Cái đói làm cho bọn trẻ ngồi “ủ rũ”, còn người lớn “nằm ngổn ngang khắp lều chợ”. Cái đói xóa nhòa ranh giới giữa âm – dương, người và ma, không khí thì vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người. Cái đói làm mất đi sinh khí của làng xóm. Trên trời “quạ kêu từng hồi thê thiết” dưới đất “bóng người đi lại dật dờ như những bóng ma”.

Tác phẩm ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người lao động

  • Đầu tiên là nhân vật Tràng nghèo về vật chất nhưng giàu lòng nhân hậu. Gặp người đàn bà đói khổ, Tràng phóng khoáng mời chị ta ăn bánh đúc. Nên nhớ Tràng làm thuê làm mướn, thu nhập không nhiều, hơn nữa, trong những năm đói, một chén cơm, một chén bánh thật có ý nghĩa, có thể cứu sống được mạng người. Biết vậy nhưng Tràng không tính toán, Tràng sẵn sàng trả tiền bốn bát bánh đúc, thậm chí nhiều hơn nữa. sau đó Tràng đưa chị ta về nhà, yêu thương đùm bọc, giúp chị ta thoát khỏi cái chết. Lòng nhân hậu của Tràng chưa phải cao cả, sâu sắc nhưng trong hoàn cảnh khó khăn nhất biết dành tình thương cho người khác lại cứu sống được một mạng người thật đáng quý.
  • Lòng nhân hậu của bà cụ Tứ được thể hiện qua việc nhận người đàn bà xa lạ về làm dâu nhà mình. Khởi đầu tâm lý bà cụ Tứ giống với Tràng:  ngạc nhiên, lo lắng. Người đàn bà ở trong nhà là một chuyện lạ. Trạng thái tình cảnh này được khơi sâu sắc bằng một câu hỏi nội tâm: “Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong nhà ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường của thằng con mình thế kia? Sao nó lại chào mình bằng u? Ai thế nhỉ???”.  Bình thường trái tim nhạy cảm của người mẹ sẽ nhận ra người đàn bà kia là một nửa con trai bà đang tìm kiếm. Còn trong hoàn cảnh đói khát, chết chóc, Tràng lại xấu xí, nghèo khổ, dở hơi nên bà cụ Tứ không thể tin con trai mình lại có vợ. Đối với bà lúc này, quan trọng nhất là phải kiếm cái ăn để sống còn việc dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái cần phải gác lại. Hiểu ra sự việc, tâm trạng   bà cụ Tứ chuyển sang buồn tủi xót thương. Nghe Tràng giải thích “nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ!” Bà cụ Tứ xót thương cho con trai “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng lúc ăn nên làm ra. Còn mình thì…”. Từ xót cho Tràng, tấm lòng nhân hậu của bà cụ Tứ cảm thông cho người đàn bà “Người ta có gặp khó khăn đói khổ người ta mới lấy đến con mình”. Rồi bà xót thương cho chồng, cho cô gái út, xót thương cho “cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình”. Cuối cùng bà lên tiếng: “Ừ thôi, các con dã phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng”. Việc bà cụ xưng “u” với “các con” vừa thể hiện tính chất yêu thương đầm ấm, vừa khẳng định danh dự làm dâu của người đàn bà chứ không phải vợ nhặt vợ tầm thường rẻ rúng.
  • Cuối cùng là người vợ nhặt. Bề ngoài vẻ xấu xí thô thiển nhưng người đàn bà có phẩm chất bên trong tốt đẹp. Về nhà Tràng, chị ta trở thành cô dâu lễ phép, đảm đang, hiếu thảo. Chị “ngồi mớm ở mép giường” thật ý tứ. Gặp mẹ Tràng chị chào hỏi đến hai lần, lần nào cũng có từ “ạ” “u đã về ạ!”. Sau đêm tân hôn mở đầu một ngày mới, chị dậy sớm. Nhà cửa, sân vườn được chị quét dọn sạch sẽ, đồ đạc trong nhà được thu gọn gàng. Hai cái ang được đổ đầy ắp nước. Sau đó chị vào bếp cùng mẹ chồng chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà. Nhìn thấy cô con dâu đảm đang, hiếu thảo. Tràng vô cùng sung sướng còn bà cụ Tứ thì tràn ngập hạnh phúc “cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”.

Nhân đạo còn được biểu hiện ở việc nhà văn trân trọng khát khao hạnh phúc gia đình của những con người trong hoàn cảnh đói khổ chết chóc đe dọa, rình rập.

  • Gặp người đàn bà lúc đầu Tràng chỉ nói đùa “Làm đếch gì có vợ, này nói đùa chứ có về với tớ thì khuân hàng lên xe rồi cùng về”. Ai ngờ chị về thật làm Tràng lo lắng “thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi, lại còn đèo bòng”. Rồi tặc lưỡi một cái, Tràng quyết định đưa người đàn bà về. Trên đường về Tràng như một người khác “mặt hắn có vẻ gì đó phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình, hai mắt thì sáng lên lấp lánh”.
  • Hạnh phúc bất ngờ làm Tràng quên hết đói khổ ê chề đang diễn ra xung quanh. Về đến nhà, tâm trạng Tràng hồi hộp chờ mẹ về để báo tin quan trọng “mình đã có vợ”. Thoáng thấy mẹ, Tràng reo lên như một đứa trẻ “U đã về đấy!”  rồi Tràng giới thiệu người đàn bà với mẹ “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ!”. Việc Tràng gọi người đàn bà là “nhà tôi” chứng tỏ Tràng rất tôn trọng người đàn bà chứng tỏ anh rất khát khao hạnh phúc gia đình. Được mẹ đồng ý Tràng thở phào một cái ngực nhẹ hẳn đi.

Không chỉ khát khao hạnh phúc gia đình, những con người cùng khổ còn khát khao một tương lai cuộc sống tốt đẹp hơn.

  • Lúc đầu Tràng không hiểu gì về Việt Minh, thậm chí còn sợ Việt Minh. Người vợ kể về những công việc chính nghĩa của Việt Minh “Trên mạn Thái Nguyên Bắc Giang, người ta không chịu đóng thuế, người ta còn phá cả kho thóc Nhật chia cho người đói” làm Tràng phải suy nghĩ. Muốn khỏi khổ, khỏi chết đói, gia đình Tràng phải theo Việt Minh. Kết thúc tác phẩm “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới” chính là con đường đi theo Cách Mạng của vợ chồng A Phủ đã từng đi, vợ chồng Tràng sẽ đi.

c. Kết bài. Đánh giá, nhận định chung về giá trị tác phẩm, sự thành công của tác giả


Giáo viên biên soạn: Đỗ Thị Minh Thêm

Đơn vị: Trường TH-THCS-THPT Nguyễn Khuyến - Lê Thánh Tông

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Văn

Bài 47: Nhân Vật Giao Tiếp
Bài 49: Nghị Luận Về Một Tác Phẩm, Một Đoạn Trích Văn Xuôi