Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 8»2»Bài 73: Chiếu dời đô - Lí Công Uẩn

Bài 73: Chiếu dời đô - Lí Công Uẩn

Nội dung bài Chiếu dời đô - Lí Công Uẩn văn 8 bộ SGK bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

chieu-doi-do-van-8

Lí Công Uẩn (974 - 1028), tức Lí Thái Tổ - vị vua khởi nghiệp triều Lí, người châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay là xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Ông là người thông minh, nhân ái, có chí lớn, làm quan dưới triều tiền Lê, lập được nhiều chiến công, giữ chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ.

Năm 1009, vua Lê Long Đĩnh mất, ông được triều thần ủng hộ lên ngôi vua lập ra triều Lí.

Năm 1010, Lí Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La và đổi tên thành Thăng Long.

2. Tác phẩm

Hoàn cảnh sáng tác:

  • Năm 1009, Lí Công Uẩn lên ngôi vua đặt niên hiệu là Thuận Thiên. Năm Canh Tuất niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất (1010), Lí Công Uẩn viết bài chiếu này bày tỏ ý định dời đô từ Hoa Lư (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) ra thành Đại La (tức Hà Nội ngày nay).
  • Chiếu dời đô thuộc số những tác phẩm sớm nhất của văn học trung đại Việt Nam.

Thể loại:

chieu-doi-do-van-8-1

  • Chiếu còn gọi là chiếu thư, chiếu mệnh, chiếu chỉ, chiếu bản. Đó là thể văn do vua dùng để ban bố mệnh lệnh. Chiếu có thể viết bằng văn vần, văn biền ngẫu hoặc văn xuôi; được công bố và đón nhận một cách trang trọng. Một số bài chiếu thể hiện tư tưởng chính trị lớn lao, có ảnh hưởng đến vận mệnh của cả triều đại, đất nước.
  • Chiếu dời đô vừa mang đặc điểm của thể chiếu nói chung nhưng đồng thời cũng có đặc điểm riêng: bên cạnh tính chất mệnh lệnh là tính chất tâm tình, bên cạnh ngôn ngữ mang tính đơn thoại, một chiều của người trên ban bố mệnh lệnh cho kẻ dưới là ngôn từ mang tính chất đối thoại, trao đổi. Bài chiếu là sự kết hợp giữa lí lẽ và tình cảm tạo nên sức thuyết phục to lớn của Chiếu dời đô.

Bố cục

Bài chiếu gồm bốn phần:

  • Phần 1 (từ đầu… “phồn thịnh”): Cơ sở, mục đích của việc dời đô.
  • Phần 2 (tiếp theo… “không thể không dời đổi”): Lí do dời đô.
  • Phần 3 (còn lại): Bày tỏ ý định dời đô và hỏi ý kiến quần thần.

II. Đọc - hiểu văn bản

1. Cơ sở của việc dời đô

Một trong những đặc điểm tâm lí của con người thời trung đại là noi theo người xưa và làm theo ý trời, mệnh trời. Mở đầu, bài Chiếu viện dẫn những trường hợp dời đô của các triều đại Thương, Chu được ghi trong sử sách đời xưa: “Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần dời đô; nhà Chu đến vua Thành Vương cũng ba lần dời đô”.

Nhà Thương, nhà Chu là những triều đại từ rất xa xưa trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, vẫn được coi là những triều đại thịnh trị mà các vua chúa đời sau thường soi vào, rút ra những bài học về trị quốc. Lí do và ý nghĩa của việc chuyển dời kinh đô của các vua đời Thương, Chu: “Phải đâu các vua thời Tam đại theo ý riêng mình mà tự tiện chuyển dời? Chỉ vì muốn đóng đô ở nơi trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi”.

Như vậy, mục đích của việc dời đô, định đô là “mưu toan việc lớn, tính kế lâu dài”, đâu phải là công việc chỉ của một lúc, một thời mà là việc can hệ đến đại sự, muôn đời của đất nước. Bởi vậy, việc dời đô đúng đắn của các vua nhà Thương, nhà Chu đã đem lại kết quả: “vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”.

→ Lí Thái Tổ dẫn số liệu cụ thể về các lần dời đô của hai triều đại Thương, Chu để chuẩn bị lí lẽ ở phần sau: Trong lịch sử đã từng có chuyện dời đô và đã từng đem lại những kết quả tốt đẹp. Việc Lí Thái Tổ dời đô không có gì là khác thường, trái với quy luật.

2. Vì sao phải dời đô khỏi Hoa Lư?

Trong đoạn này, tác giả bài Chiếu đã chỉ ra những hạn chế của việc đóng đô ở Hoa Lư như sau:

  • Thứ nhất, phê phán việc chọn đóng đô ở Hoa Lư của hai nhà Đinh, Lê theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời. Bài chiếu không nói rõ “ý riêng” của các vua tiền triều, nhưng xem xét lịch sử của những triều đại ấy, có thể hiểu rằng “ý riêng” trong việc lựa chọn Hoa Lư để đóng đô là thể hiện một tầm nhìn hạn hẹp, mới chỉ lo tính đến sự phòng thủ mà chưa tính được đến lâu dài, đến sự phát triển của quốc gia.        Điều đó còn là “khinh thường mệnh trời” tức có nghĩa là trái với đạo lí, lẽ phải. Trong quan niệm thời trung đại, đặc biệt theo Nho giáo, thì “trời” là tối cao, là chân lí tối thượng mà vua là người được chọn để thực hiện những sứ mệnh “thay trời hành đạo”.
  • Ngày nay, nhìn lại lịch sử các triều Đinh, tiền Lê ta có thể hiểu lí do của việc lựa chọn Hoa Lư làm kinh đô chứng tỏ thế và lực của hai triều đại ấy chưa đủ mạnh để ra nơi đồng bằng, đất phẳng, nơi trung tâm của đất nước mà vẫn còn phải dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở. Đến thời Lí, trong đà phát triển đi lên của đất nước thì việc đóng đô ở Hoa Lư là không còn phù hợp nữa.
  • Thứ hai, bài Chiếu chỉ ra hậu quả của việc đóng đô ở nơi chật hẹp như Hoa Lư “… khiến cho triều đại không được lâu bền, số phận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tốn, muôn vật không được thích nghi”. Như vậy, việc không chịu dời đổi nơi đóng đô không chỉ tác động đến vận số của triều đại, mà còn đến cả cuộc sống của nhân dân trăm họ, hao tốn, thậm chí còn có tác động tiêu cực đến cả muôn vật vì không thích nghi, tức là không thể phát triển tốt tươi.

→ Trong đoạn này, cùng với những căn cứ xác đáng để chỉ ra hạn chế của việc đống đô ở Hoa Lư, tác giả bài chiếu còn bộc lộ trực tiếp tình cảm của mình, đó là nỗi đau xót trước cảnh “nhân dân bị hao tốn; muôn vật không được thích nghi”. Đó là biểu hiện của lòng nhân ái, tư tưởng thân dân của Lí Thái Tổ.

3. Lí do chọn thành Đại La làm kinh đô

Thành Đại La rất xứng đáng là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời vì những lí do sau:

  • Về vị trí địa lí: ở nơi trung tâm trời đất, mở ra bốn hướng nam bắc đông tây, có núi lại có sông; đất rộng mà bằng phẳng, cao mà thoáng, tránh được nạn lụt lội, chặt chội.
  • Về vị thế chính trị, văn hóa: là đầu mối giao lưu, “chốn tụ hội bốn phương”, là mảnh đất hưng thịnh “muôn vật rất mực phong phú tốt tươi”.
  • Về tất cả các mặt, thành Đại La có đủ mọi điều kiện để trở thành kinh đô của đất nước muôn đời.

→ Tóm lại, những lợi thế của thành Đại La đã được phân tích một cách thấu đáo, toàn diện, với những căn cứ xác đáng, thể hiện tầm nhìn sâu sắc mà xa rộng, không chỉ với hiện tại của vương triều, mà còn với tương lai vững bền của đất nước. Nhà vua Lí Công Uẩn quả đã có cặp mặt tinh đời, hơn đời, toàn diện, sâu sắc, khi nhìn nhận và đánh giá, lựa chọn thành Đại La - Thăng Long, Hà Nội ngày nay, làm kinh đô mới cho triều đại mới.

chieu-doi-do-li-cong-uan-2

  • Phần kết thúc bài Chiếu gồm hai câu: “Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?”. Câu thứ nhất nêu rõ khát vọng, mục đích của nhà vua; câu thứ hai hỏi ý kiến của quần thần.
  • Lí Công Uẩn hoàn toàn có thể ra lệnh cho bầy tôi chấp hành nhưng ông là một nhà vua thân dân, dân chủ. Qua sự phân tích, ta đã thấy rõ việc dời đô, việc chọn thành Đại La là theo mệnh trời, hợp lòng người, thiên thời, địa lợi, nhân hòa gồm đủ, là lẽ phải hiển nhiên, là yêu cầu của lịch sử. Thế nhưng, ông vẫn muốn nghe thêm ý kiến bàn bạc của quần thần, vẫn muốn ý nguyện riêng của nhà vua trở thành ý nguyện chung của thần dân trăm họ.

→ Cách kết thúc mang tinh chất đối thoại, trao đổi, tạo sự đồng cảm giữa mệnh lệnh của vua với thần dân. Bài Chiếu dời đô thuyết phục người nghe bằng lí lẽ chặt chẽ và bằng tình cảm chân thành. Nguyện vọng dời đô của Lí Thái Tổ phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. 

2. Tổng kết

a. Nghệ thuật

  • Chiếu dời đô là áng văn chính luận đặc sắc viết theo lỗi biền ngẫu, các vế đối nhau cân xứng nhịp nhàng.
  • Cách lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc sảo rõ ràng.
  • Dẫn chứng tiêu biểu, giàu sức thuyết phục.
  • Có sự kết hợp hài hòa giữ tình và lí.

b. Nội dung

  • Chiếu dời đô phản ánh ý chí độc lập tự cường và sự phát triển lớn mạnh của dân tộc ta, của nước Đại Việt ở thế kỉ XI.
  • Dời đô từ vùng núi rừng Hoa Lư (Ninh Bình) ra vùng trung tâm đồng bằng đất rộng, người đông chứng tỏ triều đình nhà Lí đã đủ sức chấm dứt nạn phong kiến cát cứ. Thế và lực của dân tộc Đại Việt đủ sức sánh ngang hàng phương Bắc. Định đô ở Thăng Long là thực hiện đúng nguyện vọng của nhân dân thu giang sơn về một mối, nguyện vọng xây dựng đất nước độc lập, trường tồn, phồn vinh.

III. Luyện tập

Đề: Chứng minh Chiếu dời đô có kết cấu chặt chẽ, lập luận giàu sức thuyết phục.

Gợi ý:

Chiếu dời đô có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa lý và tình theo mạch lập luận như sau:

  • Đầu tiên, bài chiếu nêu sử sách làm tiền đề, làm chỗ dựa cho lí lẽ: Dẫn chứng lịch sử về các triều đại dời đô và trở nên hưng thịnh – do phù hợp với mệnh trời và lòng dân.
  • Soi sáng tiền đề vào thực tế: Hai triều đại Đinh, tiền Lê để chỉ rõ thực tế ấy không còn thích hợp đối với sự phát triển của đất nước, nhất thiết phải dời đô.
  • Đi đến kết luận: Khẳng định và ngợi ca vị thế của thành Đại La là nơi tốt nhất để chọn làm kinh đô.

→ Chiếu dời đô có sức thuyết phục do nhà vua có tầm nhìn đúng đắn, sâu sắc về thành Đại La - Thăng Long. Lời dụ chiếu được trình bày qua lối văn biền ngẫu, đối thoại mở với bề tôi rất hợp lý hợp tình.


Giáo viên biên soạn: Mai Thị Trang

Đơn vị: Trường TH - THCS - THPT Lê Thánh Tông

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Văn

Bài 71: Câu trần thuật
Bài 82: Bàn luận về phép học - La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp