Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 8»1»Bài 9: Viết bài tập làm văn số 1 – Văn t...

Bài 9: Viết bài tập làm văn số 1 – Văn tự sự

Nội dung bài Viết bài tập làm văn số 1 – Văn tự sự môn Văn 8 bộ sách giáo khoa. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

Yêu cầu:

  • Kể theo ngôi thứ nhất – xưng “tôi”, không nên xưng “em”
  • Bài viết có bố cục rõ ràng, tách đoạn hợp lí trong thân bài.
  • Các sự việc diễn biến hợp lí, thu hút ( có mở đầu, diễn biến, thắt nút, cao trào, mở nút và kết thúc)

 Đề 1. Kể về kỉ niệm ngày đầu tiên đi học.

1. Mở bài:

 Cuối tuần, tôi tranh thủ dọn dẹp góc học tập của mình. Ôi chao, một thùng sách vở tiểu học còn nguyên vẹn, được giữ gìn cẩn thận. Mở cuốn tập viết lớp 1, nhìn những nét chữ bằng bút chì tròn xoe mà tôi nhớ về cái ngày đầu tiên đi học. Kí ức ấy như một thước phim hiện ra chân thực trước mắt tôi. 

2. Thân bài:

a. Trên đường đến trường:

Tôi còn nhớ rất rõ, sáng ngày khai trường, tôi dậy thật sớm, thay bộ đồng phục mới tinh mẹ mua từ mấy hôm trước. Trong lòng bồi hồi khó tả. Nhìn mình chỉnh tề trong gương, tôi cảm thấy mình chững chạc hơn nhiều. Thưởng thức bữa sáng ngon tuyệt mẹ làm xong, tôi khoác cặp trên lưng rồi được mẹ chở đến trường…

Bầu trời buổi sớm mai trong xanh, đám mây trắng nhởn nhơ trôi, vài tia nắng xuyên qua cành cây, tán lá. Vài chú chim chuyền cành hót líu lo… Xe cộ đông đúc, bóp còi inh ỏi. Hàng quán hai bên đường đã dọn ra, buôn bán nhộn nhịp. Trên vỉa hè, nhiều anh chị học sinh với khăn quàng đỏ trên vai, tươi cười đi đến trường…

Hôm nay là ngày khai giảng năm học mới nên phụ huynh đưa con đến trường thật đông. Tôi trông thấy vài anh chị trong xóm, các bạn học mẫu giáo chung cũng được ba mẹ đưa đến trường. Cảnh vật quen thuộc mọi ngày sao hôm nay thấy khác lạ. Lòng tôi hồi hộp pha lẫn cảm giác e ngại rụt rè khi gần đến cổng trường tiểu học.

b. Vào sân trường:

Di chuyển hơn 15 phút thì hai mẹ con đến trường. Tôi xuống xe, chào tạm biệt mẹ rồi bước vào cổng. Trước cổng trường được treo một tấm băng rôn màu đỏ có dòng chữ mà tôi lẩm nhẩm đánh vần được: “Chào mừng năm học mới”.

Sân trường thật nhộn nhịp với cờ hoa, học sinh, phụ huynh, giáo viên,… trông ai cũng tươi vui rạng rỡ, áo quần tươm tất. Các anh chị lớp lớn vui mừng tíu tít trò chuyện với nhau sau ba tháng hè mới gặp lại. Tôi quan sát thấy nhiều bạn có lẽ cũng là học sinh mới vào lớp một như tôi bởi cái vẻ rụt rè, nhiều bạn còn nước mắt rưng rưng làm tôi cũng rơm rớm theo.

Một hồi trống vang lên, theo hướng dẫn của thầy giáo, các anh chị nhanh chóng xếp hàng vào lớp. Chỉ có lũ học trò lớp một bọn tôi là bối rối không biết phải làm gì. Nhìn đám đông xung quanh dần tản ra về hàng của lớp mình mà tôi càng bối rối. Tim tôi đập nhanh. Trán rịn mồ hôi. Dù đã đi học mẫu giáo rồi nhưng trong lòng tôi vẫn cảm thấy hồi hộp, lo sợ thế nào ấy. May sao, một cô giáo bước đến, với gương mặt tươi cười, dịu dàng nắm tay tôi dắt về lớp. Sự lo sợ lúc nãy đã được thay thế bằng niềm vui, sự háo hức. Tôi xếp hàng ngay ngắn, nghiêm trang chờ đến lúc một thầy giới thiệu đến lớp tôi. Cô chủ nhiệm đi đầu, chúng tôi nối đuôi theo. Trong tiếng nhạc, chúng tôi bước vào sân trường, tay vẫy lá cờ nhỏ. Dường như ánh mắt của cả trường đều dồn về chúng tôi khiến những đứa học trò mới như tôi vừa e ngại vừa tự hào.

Xong phần diễu hành thì chúng tôi ổn định chỗ ngồi, chăm chú theo dõi những tiết mục. Thầy hiệu trưởng bước lên bục đọc lời khai giảng năm học mới và đánh trống khai trường. Tiếng trống vang lên như thúc giục chúng tôi nhanh chóng học tập để đạt kết quả tốt. Thế là tôi đã bước vào một ngôi nhà thứ hai: một ngôi nhà rộng lớn với nhiều anh em thân thiết. Tôi thật vui biết bao! Tôi say sưa theo dõi hết buổi lễ. Đến khi thầy cho về thì tôi chạy ùa ra cổng, nhìn thấy mẹ đang mỉm cười chào đón. Tôi chạy nhanh đến ôm chầm lấy mẹ, ríu rít kể những chuyện nãy giờ cho mẹ nghe. ..

3. Kết bài

Thế mà đã 7 năm trôi qua. Tôi đã học nhiều điều hay, gặp những thầy cô giỏi, thân với mấy đứa bạn.  Tôi sẽ nhớ mãi kỉ niệm trong sáng êm đềm của tuổi thơ và tự nhủ sẽ phải học tập thật tốt.

Đề 2. Người ấy sống mãi trong lòng tôi

1. Mở bài

Cô giáo em người xinh xinh

Cô hay cười mắt cô long lanh...

Lời bài hát khiến em nghĩ ngay đến cô Hoa, giáo viên dạy Sử lớp 6 của em . Cô Hoa luôn quan tâm, chăm sóc bọn học trò nhỏ của mình. Bạn nào lớp em cũng yêu mến cô.

2. Thân bài

a. Kể tả sơ nét về hình dáng:

Năm nay cô Hoa đã ngoài bốn mươi rồi, nhưng trông cô còn trẻ lắm. Có lẽ vì gắn bó với những đứa học sinh như chúng tôi nên cô lúc nào cũng tươi trẻ, nhiệt tình. Suốt mười mấy năm trong nghề, cô luôn mặc áo dài đến lớp. Những bộ áo dài đủ màu sắc tôn lên dáng người thon thả, cao ráo. Nghe mấy thầy cô khác trong trường nói hồi xưa cô Hoa đẹp lắm, làn da trắng hồng mịn màng. Bây giờ, cô cũng không thay đổi mấy, làn da vẫn trắng mịn, trông thật đẹp. Khuôn mặt hình trái xoan, phúc hậu luôn thu hút người nhìn. Cô Hoa rất thích xõa tóc. Mái tóc dài đen mượt càng toát lên sự dịu dàng của cô. Chỉ những ngày trời nóng, cô mới cột tóc cao gọn gàng.

Người ta thường nói “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Đôi mắt cô Hoa sáng luôn ánh lên tình yêu thương với đám học trò.  Những lúc cô cười, đôi mắt cô híp lại như vầng trăng khuyết. Thời gian khiến gương mặt cô xuất hiện thêm một chiếc kính, cũng rất phù hợp, càng rõ khí chất của một giáo viên. 

b. Kể tính tình

Đối với học sinh chúng em, cô luôn dễ mến, nhiệt tình. Cô rất thân thiện với học sinh, cô quan tâm đến tất cả các bạn học sinh trong lớp, dù là bạn học tốt hay những bạn học còn yếu. Bình thường, cô rất hiền, luôn hết lòng chỉ dạy, để chúng em tiếp thu bài tốt. Cô còn kể nhiều câu chuyện hay, ý nghĩa để nhắc nhở chúng em về điều hay lẽ phải. Cô cũng thường xuyên trao đổi với đồng nghiệp và phụ huynh để giúp chúng em học tốt…

c. Kể hoạt động

Cô Hoa luôn tận tình, chu đáo trong từng tiết học. Khi giảng bài, cô say sưa, như dẫn dắt chúng em vào thế giới của bài học. Bàn tay gầy gầy, có nhiều vết chai nắn nót ghi tên bài trên bảng. Giọng nói cô lúc trầm, lúc bổng, lúc nhanh, lúc chậm đã cuốn hút chúng em vào bài học của cô, những kiến thức bổ ích đang chờ đợi chúng em khám phá. Những lời dạy của cô, chúng em đã khắc sâu vào tâm trí. Cô thường xuyên đặt những câu hỏi để chúng em suy nghĩ, trả lời. Mỗi khi em trả lời đúng, cô cười, nụ cười tươi tắn và rạng rỡ như đóa hoa. Thấy cả lớp hiểu bài, học tốt, xây dựng bài nhiệt tình, cô vui vẻ lắm.

Cô chăm chú giảng bài nhưng vẫn quan tâm sâu sắc lớp, một bạn nào đó không tập trung, nói chuyện, ăn vụng là cô biết ngay khẽ khàng nhắc nhở. Nhìn vầng trán lấm tấm mồ hôi, nghe giọng nói thật truyền cảm của cô mà ai cũng phải chú ý vào bài học, để không phụ tấm lòng của cô. Thỉnh thoảng, cô đi lại xung quanh lớp, xem chúng em ghi bài. Những bước đi thật nhẹ nhàng, tà áo dài khẽ bay. Thân thiện trong giờ học như vậy, nhưng đến giờ kiểm tra, cô rất nghiêm khắc. Nét mặt cô nghiêm lại, bàn tay nhịp nhàng gõ trên bàn khi bạn nào muốn hỏi bài. Cô luôn mong muốn chúng em phải nỗ lực hết mình để có kết quả học tập tốt.

d. Kỉ niệm sâu sắc với em

Với em, cô Hoa còn là người mẹ thứ hai, đã chăm sóc, dạy dỗ em trưởng thành. Nhớ một lần, em lên bảng trả bài, giọng nói lắp bắp, nhỏ xíu vì run sợ. Nhưng cô không la , mà còn động viên, khích lệ. Nhìn ánh mắt hiền từ của cô mà em có can đảm để trả lời hết các câu hỏi. Cô đã tặng cho em điểm mười đỏ chói. Em vui lắm và càng yêu quý cô hơn.

3. Kết bài

Cô Hoa chính là người chắp cánh cho ước mơ của em. Cô giảng dạy em bao điều hay, cho em nhiều kiến thức bổ ích. Em thích cô lắm và luôn tự nhủ sẽ học thật tốt để cô tự hào về mình.

Đề 3. Tôi thấy mình đã lớn khôn

1. Mở bài

Thời gian trôi mau, thấm thoát tôi đã là học sinh lớp 8. Tôi đã thay đổi nhiều cả về ngoại hình, tính cách cho đến thói quen. Nhưng chỉ khi trải qua một sự việc, tôi mới biết mình thiếu sót nhiều và cần trưởng thành hơn.

2. Thân bài.

a. Mở đầu

Chuyện xảy ra vào tuần trước. Sau giờ tan học, tôi và đám bạn chạy ngay ra bãi sân phía sau trường để lấy xe. Thằng An – bạn thân nhất của tôi đã chạy ngay đến một chiếc xe đạp điện mới tinh và khoe đây là ba mẹ mua cho nó. Chao ôi! Chiếc xe thật là đẹp. Nhìn chiếc xe của nó mà tôi thèm. Nhìn đứa bạn vẻ mặt tươi rói, khoe khoang mới chúng tôi mà tôi cảm thấy ghen tị. Giá mà tôi cũng có nó nhỉ. Ý nghĩ ấy xuất hiện trong tâm trí tôi ngày càng rõ ràng hơn.

b. Diễn biến

Thế là, đến bữa tối, khi cả nhà quay quần bên mâm cơm, thấy không khí đang vui vẻ, tôi cất lời:

- Mẹ ơi, xe con cũ rồi. Mẹ mua xe mới cho con nha!

Ba mẹ im lặng, nhìn tôi chăm chú. Lát sau, mẹ nói:

- Để năm sau con ạ! Khi con lớn hơn, ba mẹ sẽ đổi xe cho con…

Thấy vẻ mặt cương quyết của mẹ, tôi biết mình không có xe mới rồi. Một nỗi tủi thân dâng lên, tôi bỏ đũa xuống, chạy lên phòng, đóng của thật mạnh. Suốt đêm, tôi trằn trọc không ngủ được. Bao nhiêu ý nghĩ cứ nảy ra trong đầu. Tôi lớn thế này rồi, thay đổi nhiều thế mà sao mẹ cứ coi tôi như trẻ con. (Miêu tả sự thay đổi về ngoại hình …) Tôi cũng tự lập trong học tập, biết tự mua trang phục, phụ giúp việc nhà rồi. Ngay cả cái tính nóng nảy, hậu đậu tôi cũng đã sửa. Vậy mà, chỉ xin mua xe thôi mà ba mẹ cũng không cho. Thế nào lũ bạn cũng sẽ cười nhạo, trêu chọc khi thấy chiếc xe xấu xí của tôi.

c. Cao trào

Sáng hôm sau, tôi quyết định xin lần nữa. Tôi cứ theo mẹ, năn nỉ suốt, khiến mẹ phát cáu:  

- Con lì quá! Mẹ đã nói năm sau mua mà. Giờ ba mẹ còn bao nhiêu thứ phải lo, không dư để mua xe cho con…

Tôi cũng tức, cãi lại:

- Con muốn mua bây giờ cơ. Mẹ thật keo kiệt. Con ghét mẹ.

Tôi nói xong, liền biết mình lỡ lời, nhưng không biết làm thế nào liền bỏ qua nhà thằng bạn chơi. Chơi game chán, hai đứa xem ti vi.  Ti vi đang chiếu chương trình “Điều ước thứ 7”, kể về một đứa bé, quần áo cũ mèm, da đen nhẻm, người gầy gò, đang bán vé số. Nó kể hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên phải nghỉ học phụ mẹ. MC hỏi ước mơ của nó là gì thì đứa bé trả lời: “Con chỉ muốn đi học!” Nghe lời nó nói mà tôi rưng rưng, chợt nhận ra mình còn hạnh phúc hơn nhiều người. Tôi được ba mẹ chăm sóc, đủ ăn đủ mặc, được học hành, vui chơi thoải mái… Ba mẹ chưa bao giờ bắt tôi làm việc nặng nhọc, vất vả. Vậy mà tôi lại còn oán trách họ. Thật có lỗi biết bao.Thì ra tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ con chưa hiểu chuyện. Thì ra, trưởng thành không phải chỉ thay đổi về ngoại hình, mà còn phải lớn trong suy nghĩ, hành động.

4. Kết thúc

Nhận ra lỗi lầm của mình, tôi chạy ngay về nhà, ôm chầm lấy mẹ, nói xin lỗi . Mẹ cũng chẳng giận, mà còn xoa đầu, nói tôi trưởng thành.

3. Kết bài

Qua sự việc này, tôi nhận ra nhiều bài học hơn. Tôi thay đổi tính cách, chăm chỉ học tập, rèn luyện sức khỏe, thường xuyên phụ giúp ba mẹ việc nhà, cũng không còn đòi hỏi nhiều. Tôi cảm thấy thật vui vì làm được điều đó, khiến ba mẹ hài lòng. Tôi sẽ cố gắng…


Giáo viên biên soạn: Tô Thị Thúy Hằng

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Tô Thị Thúy Hằng

Bài 8: Xây dựng đoạn văn trong văn bản
Bài 10: Lão Hạc