Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 9»1»Bài 23: Cảnh Ngày Xuân (trích Truyện Kiề...

Bài 23: Cảnh Ngày Xuân (trích Truyện Kiều)

Nội dung bài Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều) - Nguyễn Du môn Văn 9 bộ SGK bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Đọc hiểu chung

1. Tác giả Nguyễn Du

2. Tác phẩm

a. Vị trí đoạn trích:

 Đây là đoạn nằm trong đoạn đầu của truyện Kiều (phần gặp gỡ và đính ước), Sau đoạn tả tài sắc chị em Thúy Kiều , đoạn này tả cảnh ngày xuân trong tiết thanh minh và cảnh du xuân của chị em Thúy Kiều.

Đoạn trích “cảnh ngày xuân” là một bức tranh đẹp, một mảnh ghép cho bộ tứ bình trong truyện Kiều:

b. Kết cấu của đoạn trích

Có thể chia làm ba phần:

  • Bốn câu thơ đầu: bức tranh thiên nhiên ngày xuân.
  • Tám câu thơ tiếp theo: khung cảnh lễ hội trong tiết thanh minh.
  • Sáu câu thơ cuối: cảnh chị em Kiều du xuân trở về.

II. Đọc hiểu văn bản

1. Bức tranh thiên nhiên ngày xuân

“Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

Cỏ non xanh rợn chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.”

Đây là một bức tranh đẹp và tràn đầy sức sống. Khi xuân về, tiết trời ấm áp, đàn én chao liệng trên bầu trời như cánh thoi đưa. Đoạn thơ vừa giới thiệu không gian, vừa giới thiệu thời gian mùa xuân. Thời gian thấm thoắt trôi mau, tiết trời đã bước sang tháng ba, tháng cuối cùng của mùa xuân nhưng vẫn còn lưu giữ được nét tinh khiết. Bức tranh mùa xuân dường như sinh động hơn khi có sự hiện diện của cảnh vật mới mẻ, tinh khôi giàu sức gợi cảm.

Biện pháp nghệ thuật so sánh “con én đưa thoi” cùng câu bát: “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi” là minh chứng cho sự chuyển động nhanh của màu xuân. “Thiều quang”tức ánh sáng đẹp, ánh nắng mùa xuân ấm áp, lan tỏa hòa chung với niềm vui của đàn én lại càng như có chút nuối tiếc khi “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”

Mùa xuân là mùa của sự sinh sôi nảy nở.bước qua mùa đông giá rét, cây cối thường trơ trụi, khẳng khiu. Khi nắng xuân ấm áp xuất hiện, muôn loài dường như tỉnh giấc sau giấc ngủ dài, vươn mình trỗi dậy tràn đầy sức sống. Màu xanh như trải rộng nối tận chân trời, cỏ xanh non. Trời xanh trong tạo cho bức tranh xuân càng thêm tươi mát và đẹp đẽ hơn.

Trên nền xanh mênh mông trải rộng ấy, tác giả đã hướng điểm nhìn  của người đọc vào một vài điểm xuyết trắng tinh khôi trên cành lê. Bút pháp chấm phá của thi pháp cổ điển làm cho bức tranh xuân có điểm nhấn cực kì tinh tế. Giữa cái nhìn bao la rộng lớn của một màu xanh tươi mát, ánh mắt ta phải dừng lại  bởi nét trắng của hoa lê. Nét chấm phá tinh tế ấy tạo nên sự hài hòa về màu sắc và đường nét cho bức tranh, gợi nên vẻ đẹp riêng của mùa xuân.

Bức tranh thiên nhiên hiện ra hiện ra với hàng loạt hình ảnh tượng trưng cho mùa xuân kết hợp với nghệ thuật so sánh và thi pháp cổ trung đại đã tạo nên một vẻ đep thật thanh khiết, mới mẻ và tràn đầy sức sống.

2. Khung cảnh lễ hội trong tiết thanh minh

Giữa bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ và tràn đầy sức sống ấy, tiết thanh minh được tác giả miêu tả thật náo nức, khí trời khoáng đãng, không gian tươi mát cũng là lúc mọi người đi chơi xuân. Không khí lễ hội hiện lên ở đoạn thơ này thật đông vui, nhộn nhịp.

Lễ tảo mộ nghĩa là đi viếng và sửa sang lại phần mộ của người thân đã quá cố. đây là một nghi lễ truyền thống và mang đậm bản sắc dân tộc.

Hội đạp thanh : Giẫm lên cỏ xanh. Cuộc du xuân chốn đồng quê thật mộc mạc và tràn đầy chất thơ.

“Gần xa nô bức yến anh
chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

Dập dìu tài tử giai nhân

Ngựa xe như nước áo quần như nêm”

Hòa chung với đàn én bay lượn, với sự điểm xuyết của cành lê, với màu xanh của cỏ non, của trời xuân, không khí lễ hội trở nên tấp nập hơn bao giờ hết. với việc sử dụng hàng loạt Các danh từ như: yến anh, chị em, tài tử, giai nhân,… gợi tả sự đông vui nhiều người cùng đến hội.Các động từ như: sắm sửa, dập dìu,… thể hiện không khí náo nhiệt, rộn ràng của ngày hội.Các tính từ :gần xa, nô nức…tâm trạng náo nức của những người đihội.Đã vẽ nên một lễ hội trong tiết thanh minh thật đông vui và nhộn nhịp.

Cách nói ẩn dụ gợi hình ảnh từng đoàn người nhộn nhịp đi chơi xuân như chim én, chim oanh ríu rít. Vì trong lễ hội mùa xuân, tấp nập, nhộn nhịp nhất vẫn là nam thanh nữ tú (tài tử, giai nhân).Bút pháp ước lệ tượng trưng được sử dụng càng tạo cho không khí lễ hội trở nên náo nhiệt hơn. Đó là sự so sánh ngầm đoàn người đi hội với những “yến anh”, là “ngựa xe như nước” là“áo quần như nêm”. Một khung cảnh được ghép bởi nhiều gam màu khác nhau nhưng không hề hỗn độn mà khiến cho không khí du xuân náo nức hơn.

“Ngổn ngang gò đống kéo lên

Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay”

Trong tiết thanh minh, lễ tảo mộ như là một phong tục truyền thống. trong tục thờ cúng tổ tiên của người phương Đông, “vàng vó”, “tiền giấy” là những thứ lễ vật được làm bằng giấy hình thoi vàng, hình đồng tiền dùng cho việc cúng tế, sau đó sẽ mang đốt đi và người ta quan niệm rằng những thứ lễ vật này người chết đi sẽ dùng được ở chốn âm phủ. Hai câu thơ mô tả phong tục tảo mộ, góp phần làm rõ hơn những hoạt động diễn ra trong lễ hội.

Bằng việc sử dụng những ngôn từ trau chuốt, nhưng gắn liền với đời thực, cùng vơi bút pháp ước lệ tượng trưng cổ điển, tác giả đã tái hiện nên khung cảnh chơi xuân trong tiết thanh minh của chị em Thúy Kiều một cách sinh động, vui vẻ và nhộn nhịp, hòa lẫn trong vẻ đẹp vô cùng của đất trời.

3. Cảnh chị em Kiều du xuân trở về

“Tà tà bóng ngả về tây

Chị em thơ thẩn dang tay ra về”

Buổi chiều xuân vẫn mang nét thanh dịu của mùa xuân nhưng lại khác nhau bởi thời gian, không gian thay đổi (sáng – chiều tà; vào hội – tan hội). Đối lập với vẻ đẹp mênh mang, khoáng đạt tràn trề sức sống của mùa xuân và không khí lễ hội  nhộn nhịp , không khí buổ chiều tà hiện lên thật buồn và có chút gì đó ảm đạm. buổi chiều tà là lúc con người mang nhiều tâm trạng nhất, cảm xúc lắng xuống và dễ rơi vào những trạng thái u buồn, nhiều tâm tình. Sau sự nhộn nhịp của những “tài tử, giai nhân”, của sự háo hức, của “nô nức yến anh”, của “ngựa xenhư nước áo quần như nêm”, tâm trạng “thơ thẩn” đúng là một từ diễn tả chính xác nhất cho lúc này. Cảm giác nhộn nhịp, vui tươi, nhường chỗ cho nỗi bâng khuâng, xao xuyến trước lúc chia tay, không khí rộn ràng của lễ hội không còn nữa, tất cả nhạt dần, lặng dần.Đây không chỉ là tính từ dùng để mô tả trạng thái buồn, tiếc nuối ở gương mặt, ở cử chỉ hành động mà còn thể hiện được chiếc sâu của tâm trạng.ta hình dung được bước chân chậm chạm và nét buồn trên gương mặt của chị em Thúy Kiều khi cuộc du xuân đã tàn. Nếu như ở đoạn trên cảnh ngày xuân mở rộng mênh mang bằng phẳng với đồng cỏ xanh tận chân trời, thì lúc chiều buông xuống, ngòi bút của Nguyễn Du cũng thu hẹp lại:

“Bước dần theo ngọn tiểu khê

Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh”

Nao nao dòng nước uốn quanh

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”

Tất cả ánh nhìn đều dồn vào ngọn tiểu khê, với dòng nước uống quanh và nhịp cầu nho nhỏ bắc ngang,… những chi tiết nhở nhặt và rất đỗi bình thường. Hàng loạt những từ láy “tà tà, thanh thanh, nao nao, nho nhỏ,..” không chỉ dừng ở việc miêu tả cảnh vật nhỏ hẹp mà còn bộc lộ tâm trạng con người chứa chan tâm sự, cảnh vật như cũng nhuốm màu tâm trạng:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Thơ cổ trung đại thường “ý tại ngôn ngoại” vậy. ở đây Nguyễn Du đã miêu tả khung cảnh ngày tàn khi cuộc du xuân đã kết thúc, không còn vẻ tươi đẹp, khoáng đạt hay nhộn nhịp nữa mà thay vào đó là cảnh vắng vẻ ảo não của cảnh vật.

Từ “nao nao” vốn dĩ là một từ miêu tả tâm trạng luyến tiếc, buồn bã của con người đã được Nguyễn Du ghép cho dòng nước.vậy cái bâng khuâng xao xuyến trước sự khép lại của ngày vui xuân nhộn nhịp đã hết. Thiên nhiên đẹp nhưng nhuốm màu tâm trạng: con người bâng khuâng, xao xuyến về một ngày vui sắp hết.Hơn nữa tác giả còn gợi cho người đọc sự linh cảm về một điều sắp xảy ra với mảnh đời hồng nhan đa sầu đa cảm ấy.

III. Tổng kết

1. Nội dung

Qua đoạn trích, ta thấy được bức tranh thiên nhiên mùa xuân đẹp, tinh khiết và tràn trề nhựa sống.thấy được vẻ đẹp của những phong tục truyền thống mang đậm dấu ấn của dân tộc.

2. Nghệ thuật

Nguyễn Du là bậc thầy sử dụng ngôn ngữ, với những từ ngữ giàu chất tạo hình, bút pháp tả cảnh ngụ tình, miêu tả thiên nhiên theo trình tự thời gian, không

Từ ngữ giàu chất tạo hình, sáng tạo, độc đáo.

Thấy được bút pháp ước lệ tượng trưng cổ điển cuat thơ cổ với sự tiếp thu sáng tạo mà sử dụng tài tình, tinh tế.


Biên soạn: GV Tô Thị Dung 

SĐT: 0355 258 472

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Tô Thị Dung

Bài 22: Chị Em Thúy Kiều (trích Truyện Kiều)
Bài 24: Thuật Ngữ