Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 9»1»Bài 58: Chiếc Lược Ngà (trích)

Bài 58: Chiếc Lược Ngà (trích)

Nội dung bài Chiếc lược ngà (trích) - Nguyễn Quang Sáng môn Văn 9 bộ SGK bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Đọc hiểu chung

1. Tác giả

Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn Nam Bộ. Trong thời khắc chiến tranh ác liệt thì nhà văn cũng đã hướng ngòi bút của mình để tập trung khai thác được tình người, tình gia đình trong kháng chiến. Và sáng tác “Chiếc lược ngà” là một trong những thành công của nhà văn khi đã miêu tả thật chân thực tình cha con ông Sáu trong chiến tranh

2. Tác phẩm

a. Xuất xứ - hoàn cảnh sáng tác:

  • Tác phẩm viết năm 1966 khi tác giả hoạt động ở chiến trường Nam Bộ thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
  • Tác phẩm được đưa vào tập truyện cùng tên.

b. Tóm tắt tác phẩm:

Sau nhiều năm xa cách vợ con, ông Sáu được về nhà nghỉ phép. Thế nhưng, con gái ông là bé Thu lại không nhận ra cha mình do có vết sẹo mới trên mặt khiến ông không giống như trong ảnh. Trong ba ngày nghỉ phép ngắn ngủi đó, ông ở nhà suốt để vỗ về con và cho con cái cảm giác có cha ở bên. Thế nhưng bé Thu không chịu nhận cha, càng ngày càng ương bướng, thậm chí lúc được cha gắp cho cái trứng cá, Thu đã hất ra. Ông Sáu nổi giận, đánh con. Thu buồn chạy sang nhà bà, kể hết mọi chuyện cho bà. Được bà giải thích, Thu hiểu ra và trong giây phút cuối cùng trước khi cha trở lại chiến trường, Thu đã nhận cha trong sự xúc động của mọi người. Ở chiến trường, ông Sáu nhớ mãi lời dặn của con. Tình cờ ông Sáu có được khúc ngà liền tỉ mẩn làm cho con gái cây lược. Nhưng chưa kịp trao cho con thì ông Sáu bị thương nặng. Trước lúc hy sinh, ông Sáu và giao lại cây lược cho một người đồng đội nhờ chuyển cho Thu.

II. Đọc hiểu văn bản

1. Nhân vật ông Sáu

a. Trong chuyến về thăm nhà

Ông Sáu là người có lòng thương con sâu sắc, thể hiện trong lần về thăm nhà.

Lần đầu tiên gặp con: “không thể chờ xuồng cặp lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên”, “bước vội vàng với những bước dài”, “kêu to”. Điều này cho thấy ông Sáu yêu thương con, nôn nao mong được gặp con. Ông muốn con biết rằng mình thương con biết nhường nào...

Đau khổ khi con không nhận ra cha: “anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, rồi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương, và hai tay buông xuống như bị gãy” . Anh Sáu thương con nên anh vô cùng đau khổ và thất vọng, vì chiến tranh mà anh phải đối mặt với nỗi đau con không nhìn cha. Hy vọng tan biến, trong tâm trí ông Sáu chưa bao giờ hình dung được một khung cảnh như thế…

Trong những ngày đoàn tụ, ông Sáu vì mong con gọi bằng cha mà không đi đâu xa. Anh mong được nghe một tiếng “ba” của con bé mà chỉ quanh quẩn ở nhà. Tiếng “ba” đối với ông rất thiêng liêng. Ông vẫn luôn luôn gần gũi con thì bé Thu càng hất ra và nhất định không gọi ông một tiếng ba nào cả. Ông Sáu như cảm nhận thấy thật khổ tâm và bất lực với con nhỏ quá ương ngạnh.

Nhưng cũng vì thương con, nôn nóng con gọi mình mà đã đánh con. Khi tình cảm quá lớn lại gặp phải sự cự tuyệt kiên quyết của bé Thu, khiến ông không giữ được bình tĩnh “vung tay đánh mạnh vào mông". Ông Sáu đánh con vì tức giận, đau đớn và bất lực. Thời gian ông có thể ở bên con không còn nhiều, vậy mà con bé vẫn không chịu thừa nhận ông. Hành động đánh con của ông là một sự kìm nén của nỗi lòng mong mỏi quá lớn. Nhưng cũng chính điều đó đã giày vò tâm trí ông, trở thành mối khổ tâm suốt những năm tháng sau này khi phải xa con.

Lúc ra đi, chân anh ngập ngừng không muốn bước. Hẳn rằng anh Sáu muốn ôm con, hôn con nhưng sợ nó lại giẫy đạp và bỏ chạy nên anh chỉ đứng đấy nhìn nó với cặp mắt trìu mến xen lẫn buồn rầu. Trong ánh mắt của anh, chất chứa bao yêu thương mà anh muốn trao gởi tới con : “Thôi ba đi nghe con”. Ánh mắt ấy vừa muốn bộc lộ hết tình yêu tha thiết với con, vừa thể hiện nỗi khao khát bị kìm nén, nỗi buồn của sự chia xa và cả nỗi đau của sự bị khước từ. Để rồi, tất cả như vỡ oà theo tiếng gọi “ba” bất ngờ của bé Thu: “Ba… a… a… ba !”. Tiếng gọi ông Sáu khao khát, trông chờ, tưởng chừng mòn mỏi bao lâu đã vang lên, khiến tim ông như muốn vỡ ra vì hạnh phúc. Người đọc như cũng lạc nhịp tim trong giây phút âm thanh yêu thương ấy cất lên. Ông Sáu “không ghìm được xúc động”, “một tay ôm con, một tay rút khăn lau nước mắt”. Những dòng nước mắt tuôn trào từ trái tim yêu thương cháy bỏng của người cha.

b. Khi trở về căn cứ:

Cũng vì day dứt và ân hận vì trót đánh con, ông Sáu dồn hết tâm trí, công sức vào việc làm chiếc lược ngà. Khi kiếm được một khúc ngà, ông đã vô cùng vui mừng, sung sướng, rồi ông dành hết tâm trí, công sức vào việc làm cây lược: “anh lấy vỏ đạn hai mươi ly của Mỹ, đập mỏng làm thành một cây cưa nhỏ, cưa khúc ngà thành từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc”, “trên từng sống lưng lược có khắc từng hàng chữ nhỏ mà anh đã gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét:yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Chiếc lược ngà đã thành một vật quý giá, thiêng liêng với ông Sáu. Nó làm dịu đi nỗi ân hận và chứa đựng bao nhiêu tình cảm yêu mến, nhớ thương, mong đợi của người cha với đứa con của ông Sáu. Trước lúc hy sinh, ông “đưa tay vào túi, móc cây lược” đưa cho bạn, nhìn bạn hồi lâu rồi tắt thở. Ông Sáu đã hy sinh, nhưng tình cảm cha con thì không thể chết.

→ Tình yêu của ông Sáu dành cho con thật sâu sắc. Bao cung bậc cảm xúc của ông được người đọc thấu cảm, sẻ chia. Trong chiến tranh, có những việc tưởng chừng rất bình dị như nghe một tiếng con gọi “ba”, tự tay tặng cho con một món quà nhỏ, được ôm con trong vòng tay,… cũng trở thành mơ ước của rất nhiều người và cũng rất nhiều người trong số họ giống như ông Sáu đã không thực hiện được ước nguyện đó. Nhưng cũng chính trong sự khốc liệt của chiến tranh, tình cảm tha thiết, trái tim ấm nóng của người cha lại được bộc lộ rõ nhất. Nó lắng đọng ngân vang mãi trong lòng ta.

Hình ảnh ông Sáu làm rõ lên hình ảnh người chiến sĩ cả đời chiến đấu cho độc lập dân tộc, gác tình riêng vì nghĩa lớn, yêu con tha thiết nhưng vẫn đến chiến trường. Ở ông có hình ảnh của một người đồng đội và cũng có hình ảnh của một người cha yêu thương con tha thiết.

Hình ảnh chiếc lược ngà là kỉ vật, sự hi sinh của ông Sáu là nhân chứng cho nỗi đau, cho bi kịch của chiến tranh.

2. Nhân vật bé Thu

1. Trước khi nhận ra cha

Khi lần đầu nhìn thấy cha, Thu không nhận ra cha: “mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên”. Ngay cả khi ông Sáu tìm mọi cách để tiếp cận với nó thì nó lại càng lùi xa. Ông Sáu càng yêu thương chiều chuộng thì nó lại càng lãng tránh. Dù “mẹ nó đâm nổi giận, quơ đũa bếp dọa đánh” thì nó cũng chỉ nói trống không “vô ăn cơm”.

Cao trào của câu chuyện càng nâng cao khi nồi cơm sôi, một mình nó bé, không thể tự nhấc nồi để chắt nước, nó đã phải cầu cứu đến người lớn. Tình thế khiến người đọc ngỡ rằng nó sẽ phải thua không thể “chiến tranh lạnh” được nữa – nó buộc phải gọi ba để giúp đỡ. Nhưng nó vẫn không chịu cất lên cái tiếng mà ba nó mong. Nhưng nó quyết hành động theo sự bướng bỉnh tự mình làm lấy một công việc nguy hiểm và quá sức. Điều này làm cho người cha, người bạn của cha cũng như người đọc phải đau lòng.

Kịch tính của câu chuyện được đẩy lên cao khi ông Sáu gắp cái trứng cá cho nó, nó hất văng cái trứng cá. Khi bị đánh nó bỏ về nhà ngoại: “cố làm cho dây lòi tói khua rổn rảng, khua thật to, rồi lấy dầm bơi qua sông”. Sự ương ngạnh của Thu không đáng trách mà vì Thu còn quá nhỏ để hiểu được những tình thế khắc nghiệt éo le của đời sống và người lớn cũng không chuẩn bị cho nó những khả năng bất thường. Phản ứng tâm lí của em là hoàn toàn tự nhiên, chứng tỏ cá tính mạnh mẽ, tình cảm sâu sắc, chân thật. Trong cái cứng đầu của em có ẩn chứa sự kiêu hãnh trẻ thơ về một tình yêu dành cho người cha trong tim. Những chi tiết bình thường mà tinh tế này chứng tỏ nhà văn thấu hiểu tâm lí trẻ em. Trẻ con vốn ngây thơ nhưng cũng đầy cố chấp, nhất là khi chúng có sự hiểu lầm, chúng kiên quyết từ chối tình cảm từ người khác mà không cần cân nhắc, nhất là với một cô bé bướng bỉnh như Thu.

b. Khi nhận ra cha

Sau khi biết ông Sáu là cha mình, Thu đã có tâm trạng ray rứt, ân hận: “nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn”.

Và tình yêu cha của Thu trỗi dậy mãnh liệt vào cái giây phút bất ngờ nhất. Bằng sự quan sát tinh tế, bác Ba đã nhận ra sự thay đổi của Thu trong “vẻ mặt sầm lại buồn rầu”, “đôi mắt như to hơn nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa”. Điều đó cho thấy tâm hồn đứa trẻ nhạy cảm như Thu đã có ý thức về cảm giác chia li, giây phút này em thèm biểu lộ tình yêu với ba hơn hết, nhưng sự ân hận về những gì mình làm làm ba buồn khiến em không dám bày tỏ.

Chính cái lúc mọi người không ngờ tới nhất là ông Sáu chia tay, giã từ vợ con, quê hương để bước vào cuộc chiến mới, không ngờ rằng bé Thu ương ngạnh của ngày hôm qua lại kêu thét lên: “.. a... a... ba!”. Tiếng gọi ba tha thiết, bất ngờ. Tiếng gọi ấy như để trút nỗi nhớ thương, chờ đợi ba suốt bảy, tám năm. Tiếng gọi ba ấy cũng làm xé tan im lặng, xé lòng của người xung quanh. Đó là tiếng ba mà người cha đã phải chờ đợi suốt mấy nay.

Tiếng “ Ba” như vỡ tung ra từ lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó”, “nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”.Cái hôn mà Thu dành cho ba như lời xin lỗi, cái hôn như trút bao nỗi nhớ thương, chờ đợi.Cái hôn của con gái yêu thương ba đến mãnh liệt.cùng với những biểu hiện vội vã, tác giả đã để bé Thu bộc lộ hết những tình cảm , nỗi nhớ thương dành cho cha mà trong đó có cả sự hối hận:“Con bé hét lên, hai tay nó siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nó, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run”.Đến đây, cả người kể lẫn người đọc đều cảm thấy khó thở, nghẹn ngào như có ai nắm lấy trái tim mình.

Xuyên suốt đoạn trích, trong hai hoàn cảnh và hai cách ứng xử hoàn toàn khác nhau, nhưng thực chất chỉ là một tấm lòng yêu cha sắt son của bé Thu - một em bé mới chỉ tám tuổi. Tuy nhiên, Thu trước sau vẫn chỉ là một cô bé ngây thơ, em đồng ý cho ba đi để ba mua một chiếc lược, món quà nhỏ mà bất cứ em bé gái nào cũng ao ước. Bắt đầu từ chi tiết này, chiếc lược ngà bước vào câu chuyện, trở thành một chứng nhân âm thầm cho tình cha con thiêng liêng, bất tử.

Đoạn trích kết thúc trong ánh mắt thiết tha của anh Sáu trước lúc hy sinh nhờ bác Ba trao cây lược ngà cho Thu. Với bé Thu, cây lược nhỏ mang dòng chữ đầy yêu thương "yêu nhớ tặng Thu con của ba" là kỉ vật chứa đựng tình thương, nỗi nhớ, hình bóng, tấm lòng người cha. Chiếc lược ngà đã động viên em vững vàng trong cuộc chiến đấu. Khi bác Ba tình cờ gặp lại Thu và trao cây lược, thì cô bé bướng bỉnh cá tính ngày nào đã trở thành cô giao liên dũng cảm. Và nguồn sức mạnh tiếp thêm cho Thu là tình yêu ba, tình yêu đất nước.

III. Tổng kết

1. Nội dung

Tác phẩm là câu chuyện cảm động về tình cha con sâu nặng.

Tác phẩm cũng cho người đọc hiểu thêm về những mất mát to lớn của chiến tranh mà nhân dân ta đã phải trải qua trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

2. Nghệ thuật

Xây dựng cốt truyện khá chặt chẽ có yếu tố bất ngờ nhưng hợp lí.

Lựa chọn nhân vật kể chuyện thích hợp

→ Chủ động xen vào những lời bình luận, ý kiến, suy nghĩ để dẫn dắt sự tiếp nhận của người đọc, người nghe: ông Ba vừa là người chứng kiến câu chuyện, vừa trực tiếp tham gia vào câu chuyện. Lời kể vừa bộ lộ sâu sắc cảm xúc, ý nghĩa của nhân vật, làm cho câu chuyện trở nên đáng tin cậy, người kể lại chủ động điều khiển nhịp kể theo trạng thái cảm xúc của mình


Biên soạn: GV Tô Thị Dung 

SĐT: 0355 258 472

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Tô Thị Dung

Bài 57: Người Kể Chuyện Trong Văn Bản Tự Sự
Bài 61: Ôn Tập Phần Tập Làm Văn