Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 9»1»Bài 42: Đoàn Thuyền Đánh Cá

Bài 42: Đoàn Thuyền Đánh Cá

Nội dung bài Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận môn Văn 9 bộ SGK bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

Ca ngợi tinh thần lao động không còn là một chủ đề xa lạ trong văn học với rất nhiều tác phẩm đặc sắc.  Có lẽ những ai yêu thơ ca về tinh thần lao động sẽ không thể nào quên được bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” – một trong những tác phẩm nổi tiếng của Huy Cận. Bài thơ đầy nét nồng hậu, khoẻ khoắn, yêu đời, ca ngợi sự giàu đẹp của quê hương và vẻ đẹp của con người lao động mới, hăng hái sản xuất làm giàu cho đất nước.


I. Đọc hiểu chung

1. Tác giả

Huy Cận ( 1919-2005) tên thật là Cù Huy Cận, quê ở làng Ân Phú, huyện Vụ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.

Huy Cận nổi tiếng trong phong trào Thơ mới và tập Lửa thiêng (1940)

Ông tham gia cách mạng từ trước năm 1945 và sau Cách mạng tháng Tám, từng giữ nhiều trọng trách trong chính quyền cách mạng, đồng thời là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ hiện đại Việt Nam.

Huy Cận được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm (1996).

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

Bài thơ được viết vào năm 1958, khi đất nước đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng và đi vào xây dựng cuộc sống mới. Không khí hào hứng, phấn chấn, tin tưởng bao trùm trong đời sống xã hội và khắp nơi dấy lên phong trào phát triển sản xuất xây dựng đất nước. Chuyến thâm nhập thực tế ở vùng Quảng Ninh vào nửa cuối năm 1958 đã giúp nhà thơ Huy Cận thấy rõ và sống trong không khí lao động ấy của nhân dân ta, góp phần quan trọng mở ra một chặng đường mới trong thơ Huy Cận.

b. Bố cục

Bài thơ gồm 7 khổ  thơ được bố cục theo hành trình một chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá.

  • Hai khổ đầu: Cảnh hoàng hôn trên biển và cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi.
  • Bốn khổ tiếp theo: Cảnh hoạt động của đoàn thuyền đánh cá giữa khung cảnh biển trời ban đêm.
  • Khổ cuối: Cảnh đoàn thuyền trở về trong buổi bình minh lên.

Cảm hứng thơ: Bài thơ là sự kết hợp hài hòa giữa hai nguồn cảm hứng: về thiên nhiên, vũ trụ và về con người lao động trong cuộc sống mới, đây có thể coi là một sự kết hợp rất độc đáo.

II. Đọc hiểu văn bản

1. Cảnh hoàng hôn trên biển và cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi

a. Cảnh biển vào đêm:

  • Thiên nhiên được miêu tả ở hai câu thơ đầu:

Mở đầu tác giả đã sử dụng biện pháp so sánh để miêu tả cảnh hoàng hôn vào buổi chiều tà:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa  
Sóng đã cài then, đêm sập cửa”

Một hình ảnh so sánh thật độc đáo: “Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Ở đây phép so sánh giúp người đọc hình dung được hình ảnh của mặt trời đang xuống dần, xuống dần. Ngoài ra, người đọc cũng có thể cảm nhận được cái sức nóng của nó lan tỏa dần khi khi được tác giả miêu tả từ trên cao đến khi xuống thấp nó giống “như hòn lửa”. Câu thơ với phép so sánh rất đơn giản nhưng với mở đầu làm bừng lên một ngày mới với biết bao hi vọng. Một sự ấp áp lan tỏa trên mặt biển đầy gió. Trong hình ảnh liên tưởng này, vũ trụ như một ngôi nhà lớn, với màn đêm buông xuống là cánh tấm cửa khổng lồ với những lượn sóng là then cửa. Chi tiết “mặt trời xuống biển” có thể gây thắc mắc với người đọc, vì bài thơ tả cảnh đoàn thuyền thuyền đánh cá ở vùng biển miền Bắc, mà bờ biển nước ta, trừ vùng biển Tây Nam thường chỉ thấy cảnh mặt trời mọc trên biển chứ không thể thấy cảnh mặt trời lặn xuống biển. Thực ra, hình ảnh mặt trời xuống biển là được nhìn từ con thuyền đang ra biển hoặc từ một hòn đảo vào lúc hoàng hôn, nhìn về phía tây, qua một khoảng biển vẫn có thể thấy như mặt trời xuống biển.

“Sóng” và “đêm” đã được nhân hóa. “Sóng” giống như những chiếc then đang cài cửa, còn “đêm” là những cánh cửa lớn đang đóng lại.

  • Các động từ “cài, sập” là những động từ mạnh, nó diễn tả một hoạt động nhanh. Như vậy, chúng ta thấy, thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ, huy hoàng đã đi vào thời khắc chuyển giao giữa ngày và đêm. Và thời khắc này diễn ra rất nhanh chóng. Ngôi nhà vũ trụ mới đó rất sặc sỡ, đẹp một cách lạ thường giờ đây sắp sửa bước vào thời khắc nghỉ ngơi.

b. Hình ảnh con người

Trong lúc thiên nhiên nghỉ ngơi thì con người lại lao động:

“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi   
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”.

Ở đây tác giả sử dụng phụ từ “lại” để nói về hoạt động của đoàn thuyền. “Lại”  diễn tả một hoạt động lặp đi lặp lại trong những khoảng thời gian nhất định.

“Lại ra khơi”, chứng tỏ đây không phải là lần đầu tiên đoàn thuyền ấy ra khơi, nhưng hoạt động ấy vẫn lặp đi lặp lại thường xuyên như một thói quen thường ngày và nó không có gì là bất thường đối với đoàn thuyền đánh cá cả. Nó ấn định thời gian rất cụ thể, cứ theo định kì, mỗi khi hoàng hôn buông xuống thì những người ngư dân lại giăng buồm ra khơi. Và họ ra khơi không phải trong lặng thầm, yên ắng nhưng ra khơi với tiếng hát vang động cả biển cả. Phép cường điệu đã miêu tả tiếng hát khỏe khoắn, mạnh mẽ của những người dân chài “Câu hát căng buồm cùng gió khơi”, tiếng hát ấy đã hòa quyện vào cùng với tiếng gió biển, làm căng cánh buồm đưa con thuyền phăng phăng tiến ra biển khơi. Dường như chính tiếng hát ấy đã làm cho không khí thêm sôi nổi, hào hứng, tiếng hát như thúc dục con thuyền đi nhanh hơn, tiến đến gần hơn nơi đánh cá.

Như vậy là con người đã lao động với chuyến ra khơi cùng tiếng hát khỏe khoắn, mạnh mẽ, bay bổng. Ở toàn khổ thơ, ta thấy được sự đối lập giữa thiên nhiên và con người. Thiên nhiên thì nghỉ ngơi >< con người thì lao động; Một bên thì kết thúc một ngày >< một bên thì bắt đầu một công việc. Qua biện pháp đối lập đó tác giả cho chúng ta thấy rõ được cái tinh thần lao động khẩn trương, tấp nập của con người. Quả đúng là tinh thần của con người Việt Nam, cần cù, chịu thương, chịu khó.

“Hát rằng : Cá bạc biển Đông lặng.
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi !”

Tác giả đã sử dụng phép liệt kê: “cá bạc, cá thu”. Các phép liệ kê ấy đã cho chúng ta thấy được sự trù phú của biển đông, nơi có rất nhiều cá, tôm đang chờ bàn tay của con người đến khai thác. Cá còn được nhà thơ so sánh như đoàn thoi, chúng ta có thể hình dung đoàn thoi hoạt động rất nhanh và liên tục nhiều trên một khung vải và ở đây cá cũng thế, cá bơi lội rất nhanh và nhiều như thoi đưa như thoi trên biển. Chính phép so sánh, liệt kê đó cho chúng ta khẳng định một điều rằng: biển đông của chúng ta không những giàu, đẹp mà còn rất phong phú các loại thủy hải sản. Đây là một bài hát ca ngợi biển cả vô cùng phong phú và sinh động.

Không chỉ thế, nhà thơ còn thể hiện cái mong muốn của ngư dân trên biển lúc bấy giờ là mong muốn đánh bắt được nhiều cá vì thế mà tác giả đã sử dụng biện pháp nhân hóa. Diễn tả cá như là đoàn thoi đang dệt biển, những con cá ấy bơi lội tung tăng và nhà thơ mộng muốn chúng sẽ vào “dệt lưới” của đoàn thuyền đánh cá. Vì thế, câu thơ cuối cùng của khổ thơ là một câu cầu khiến như một tiếng gọi thiết tha. Đây phải chăng là khao khát của người ngư dân mong muốn chinh phục thiên nhiên, mong muốn đánh bắt được nhiều cá để mang về làm giàu cho tổ quốc của mình đồng thời cũng giúp đỡ về kinh tế cho gia đình nhỏ bé của mình.

Như vậy ta thấy được tiếng hát của họ thể hiện một tâm hồn chan chứa niềm vui, niềm  hăng say phấn khởi và rất hăng say lao động.

2. Cảnh hoạt động của đoàn thuyền đánh cá giữa khung cảnh biển trời ban đêm

Cảm hứng lãng mạn đã giúp cho tác giả phát hiện những vẻ đẹp của cảnh đánh cá giữa biển đêm, trong niềm vui phơi phới, khỏe khoắn của người lao động làm chủ công việc của mình.

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng,

Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

Dàn đan thế trận lưới vây giăng”

Tác giả đã miêu tả cận cảnh con thuyền, con thuyền được miêu tả rất độc đáo. Tác giả đã dùng trí tưởng tượng phong phú, bay bổng của mình để miêu tả nó. Tưởng tượng con thuyền ấy được cấu tạo từ những bộ phận của thiên nhiên “lái gió”, còn “buồm thì trăng” con thuyền thì “lướt giữa mây cao với biển bằng”. Tức là con thuyền đang bay giữa không trung. Có thể nói con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé trước biển cả bao la đã trở thành con thuyền kì vĩ, khổng lồ, hòa nhập với kích thước rộng lớn của thiên nhiên vũ trụ thật khoáng đạt nên thơ, đẹp đẽ. Con thuyền của trí tưởng tượng, con thuyền của cảm hứng vũ trụ thật diệu kì.

  • Ở đây, tác giả đã sử dụng rất nhiều động từ liên tiếp như: “lướt, ra, đậu, dò, dàn đan, vây giăng”. Những động từ này đã giúp chúng ta hình dung được hoạt động của những người ngư phủ rất khẩn trương.
  • Ngoài ra, tác giả còn sử dụng phép ẩn dụ, ở chỗ đánh cá mà như đánh trận cũng phải bày binh bố trận, cũng phải phối hợp với nhau cách ăn ý, nhịp nhàng để có thể đạt được hiệu quả cao nhất.
  • Cần khẳng định một điều nữa đó là sự khẩn trương, tự giác của những ngư dân, ngoài ra họ còn có kĩ thuật rất cao cho nên mới có thể ra được tận khơi xa, dò được sâu dưới đáy biển để tìm được những luồng cá lớn. nhưng điều quan trọng không phải ở đó mà cái chính tác giả muốn nói đến là tinh thần đoàn kết của những người ngư dân đã chinh phục được biển cả mênh mông.

Khổ bốn, năm: tả cảnh biển khơi

“Cá nhụ, cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe,
Đêm thở : sao lùa nước Hạ Long”

Sử dụng phép liệt kê, liệt kê ra rất nhiều loại cá “cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song”. >Nhấn mạnh một lần nữa sự trù phú của biển cả.

Ở câu thơ cuối là một sự liên tưởng thú vị của nhà thơ. “Đêm thở” liên tưởng vũ trụ như một người khổng lồ, còn biển cả như cái lồng ngực. Nước thủy triều lên xuống như là hơi thở của một người phập phồng của một con người đang ngủ. Không chỉ tả biển, tác giả còn tả những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời đã in sâu xuống đáy nước Hạ Long. Sóng nước xôn xao khiến những vì sao như đang nhảy múa dưới đáy nước. Như vậy thì nước biển đâu phải là đen thẫm trong đêm nữa mà nước biển lấp lánh ánh sáng của những ánh sao, của mặt trăng, một màn đêm thật sinh động, trữ tình.

  • Tác giả còn liên tưởng biển cả như lòng mẹ “biển cho ta cá như lòng mẹ, nuôi lớn đời ta tự buổi nào”. Thường thì người ta thường ví lòng mẹ bao la như biển cả, để nói đến cái lớn lao, cao cả của một người mẹ. Thế nhưng ở đây Huy Cận lại ví “biển như lòng mẹ” để chúng ta có thể hiểu biển cả thật là bao dung, ấm áp. Cũng giống như tấm lòng của một người mẹ vậy, sẵn sàng hy sinh tất cả cho người con của mình cụ thể ở đây là “con người”. Nhà thơ đã miêu tả biển cả bằng trí tưởng tượng phong phú và sử dụng một loạt phép tu từ như liệt kê, ẩn dụ, so sánh, nhân hóa. Từ đó, tác giả đã ca ngợi biển cả giàu đẹp.
  • Không chỉ miêu tả cảnh biển nhà thơ còn nói lên tâm sự của những người ngư dân trên biển cả “ta hát bài ca gọi cá vào…”

Lại vẫn là tiếng hát, tiếng hát đưa con thuyền ra khơi và bây giờ tiếng hát đó tiếp tục vang vọng biển khơi để tiếp sức cho con thuyền ra khơi đánh cá

Ta hát bài ca gọi cá vào” đây chính là khát khao của người dân chài họ ao ước có thể bắt được nhiều cá tôm để mang về làm giàu cho quê hương, đất nước. Nhưng điều thú vị ở chỗ là tiếng hát đó hòa quyện vào với thiên nhiên tiếng gõ thuyền mà người dân chài vẫn thường gõ vào mạn thuyền để xua cá vào lưới thì bây giờ tác giả tưởng tượng như đó là nhịp trăng. Phải chăng sự tưởng tượng của nhà thơ xuất phát từ thực tế, tiếng sóng thì vỗ vào mạn thuyền còn ánh trăng thì hòa vào mặt biển, chan hòa trên sóng nước khiến nhà thơ cứ ngỡ rằng trăng cũng đang gõ nhịp cùng với con người. Như thế, rõ ràng tiếng hát của con người đang hòa vào với thiên nhiên, đang gõ nhịp cùng thiên nhiên. Tiếng hát thể hiện sự mạnh mẽ, khỏe khoắn của con người vì đã có thiên nhiên song hành.

Tiếng hát khỏe khoắn của những chàng trai biển cả rất mạnh mẽ thể hiện niềm vui say, thích thú với công việc đồng thời nói lên niềm lạc quan, vui vẻ và yêu đời. qua đó còn nói lên sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người, một mối dây rất chặt chẽ, gắn bó.

Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng

Khi sao mờ tức là trời gần sáng, như thế cũng đồng nghĩa với việc bổi lao động của những người ngư dân trên biển sắp kết thúc thế nhưng ở đây ta thấy càng về sáng họ càng khẩn trương. Tác giả đã miêu tả: “kéo xoăn tay” từ ngữ gợi hình. Chúng ta có thể hình dung, bàn tay khỏe khoắn của những người dân chài lưới khỏe khoắn, rám nắng, với cơ bắp cuồn cuộn. và có kéo với một tốc độ như vậy mới có thể đưa vào bờ những “chùm cá nặng” vào bên trong khoang thuyền. Tế Hạn cũng từng có những câu thơ viết về những người dân chài như sau:

“Dân chài lưới làn da ngâm rám nắng

Cả thân hình nộng thở vị xa xăm”

Cả hai nhà thơ đều có sự đồng diệu trong khi miêu tả, cả hai đều thể hiện được cái vẻ đẹp gân guốc, rắn rỏi khiến các nhân vật của chúng ta hiện lên cách hùng dũng mạnh mẽ.
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông   
 Lưới xếp, buồm lên đón nắng hồng

Tác giả miêu tả cảnh người lao đôngj với rất nhiều màu sắc: bạc, vàng, hồng, những màu tươi sáng. Chính những màu sắc đó khiến người đọc hình dung được cảnh bình minh đang lên thật là đẹp. Trong cảnh sắc rực rỡ ấy, những người ngư dân lại chuẩn bị xếp sắp đồ đạc của mình để quay trở vào bờ. “lưới xếp…”

Hình ảnh nắng hồng” có thể tượng trưng cho ánh nắng của một ngày mới, ánh nắng của một cuộc đời mới, cuộc đời tràn đầy niềm vui. Mà ở đó, những người lao động có thể làm chủ cuộc đời mình, không còn ai cai quản chi phối, k bị bóc lột sức lao động, họ phấn khởi,  vui với những thành quả của một chuyến ra khơi của mình.

3. Đoàn thuyền trở về

Câu hát căng buồm cùng gió khơi

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.”

Vẫn là câu hát ấy nhưng là câu hát đưa đoàn thuyền trở về. một lần nữa tác giả sử dụng phép cường điêu nhấn mạnh vào tiếng hát cuả những người dân chài trên biển. Đi và về, công việc thường ngày của đoàn thuyền nhưng đi một tư thế và về trong dáng vẻ mới “chạy đua cùng mặt trời “và trong cuộc đua đó con người đã chiến thắng. khi mặt trời vừa đội biển mà lên đem màu đỏ sáng cho đất trời thì đoàn thuyền đã về bến từ lâu, chính ánh nắng ban mai đó đã làm cho thành quả của những người ngư dân thêm rực rỡ, huy hoàng.

Khổ thơ đã sử dụng những hình ảnh hùng vĩ, tráng lệ để miêu tả một khung cảnh bình minh rạng rỡ và không chir như vậy, nhà thơ còn sử dụng phép nhân hóa “đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”. Đoàn thuyền đã khẩn trương ra khơi, khẩn trương đánh bắt cá trên biển còn bây giờ lại khẩn trương đưa những chú cá trở về để những con cá tươi ngon ấy phục vụ cuộc sống của người dân.

“Mặt trời đội biển nhô màu mới

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi."

Hai câu cuối tràn đầy ánh nắng, tràn đầy niềm vui tươi phấn khởi của người dân chài và tinh thần hào hứng của họ khi họ đã chạy đua với thời gian để cống hiến thật nhiều cho tổ quốc.

Bài thơ miêu tả cảnh đánh bắt cá trong đêm nhưng lại lung linh lấp lánh ánh sáng của trăng, sao, của cá, ánh sáng của mặt trời xuống biển và bây giờ là ánh sáng của mặt trời đội biển. tác giả đã miêu tả đoàn thuyền đánh cá theo đúng vòng tuần hoàn của thời gian từ đêm hôm trước tới sáng hôm sau. Và trong thời gian ấy thì xuyên suốt bài thơ là tiếng hát vui tươi, khỏe khoắn của nhưng ngư dân trên biển. Họ tuy làm việc mệt nhọc nhưng họ không hề thấy mệt trái lại lại thấy vui và lạc quan yêu đời hơn.

III. Tổng kết

1. Nội dung

Bài thơ “ Đoàn thuyền đánh cá” đã khắc họa nhiều hình ảnh đẹp tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống.

Bài thơ có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng hình ảnh bằng liên tưởng, tưởng tượng phong phú độc đáo; có âm hưởng khỏe khoắn, hào hùng, lạc quan

2. Nghệ thuật:

Bài thơ được tạo nên âm hưởng vừa khỏe khoắn, sôi nổi lại vừa phơi phới, bay bổng. Góp phần tạo nên âm hưởng ấy là các yếu tố lời thơ, nhịp điệu, vần,…Lời thơ dõng dạc, điệu thơ như khúc hát say mê, hào hứng, phơi phới ( bốn lần lặp lại từ “hát” trong bài thơ).

Đặc biệt cách gieo vần có nhiều biến hóa linh hoạt, các vần trắc xen lẫn vần bằng, vần liền xen với vần cách.Các vần trắc tạo sức dội, sức mạnh, các vần bằng tạo sự vang xa, bay bổng.

→ Nhà thơ Huy Cận đưa ta từ những hình ảnh này đến những hình ảnh khác vừa đẹp mà lại phong phú và hấp dẫn. Không khí lao động hăng say cùng với cảnh đẹp của thiên nhiên đất trời mang lại một nguồn sống mới cho con người trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa. Càng khâm phục những ngư dân cần cù ấy, thanh niên chúng ta phải ra sức học tập để sau này trở thành người sống có ích để xây dựng đất nước ngày càng phát triển, văn minh.


Biên soạn: GV Tô Thị Dung 

SĐT: 0355 258 472

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Tô Thị Dung

Bài 41: Nghị Luận Trong Văn Bản Tự Sự
Bài 43: Bếp Lửa (tự học có hướng dẫn)