Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 9»1»Bài 18: Hoàng Lê Nhất Thống Chí – Hồi Th...

Bài 18: Hoàng Lê Nhất Thống Chí – Hồi Thứ Mười Bốn (trích)

Nội dung bài Hoàng Lê nhất thống chí – Hồi thứ mười bốn (trích) - Ngô gia văn phái môn Văn 9 bộ SGK bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi về cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng.

(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? – Chế Lan Viên)

Với hơn bốn năm lịch sử dựng nước và giữa nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua biết bao nhiêu là những đau thương, mất mát trước vó ngựa xâm lăng của kẻ thù. Và truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng dân tộc cũng được tạo nên rồi liên tục được phát huy từ đó. Bên cạnh các anh hùng dân tộc như Lý Thường Kiệt chống Tống, Hưng Đạo vương chống quân Nguyên Mông, Nguyễn Trãi chống giặc Minh thì chúng ta phải kể đến vua Quang Trung – Nguyễn Huệ trong cuộc chiến đấu chống lại hai mươi chín vạn quân Thanh xâm lược hung hãn, khét tiếng. Hình tượng nhân vật vua Quang Trung với bao nhiêu những phẩm chất tuyệt vời của một nhà quân sự lãnh đạo tài ba, văn võ song toàn đã đi vào "Hồi thứ 14" trong "Hoàng Lê nhất thống chí" thật cụ thể, thật sống động và chân thực, gây ấn tượng đậm nét trong lòng người đọc.


I. Đọc hiểu chung

1. Tác giả

Ngô gia văn phái (Phái văn nhà họ Ngô): là một nhóm tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì, gồm 15 người, ở làng Tả Thanh Oai, Hà Nội. Các sáng tác của Ngô văn gia phái đều viết bằng chữ Hán, bao gồm nhiều thể loại của văn học đương thời (thơ, phú, truyện, ký…). Được đánh giá rằng: “Không một dòng họ nào có đông đảo người sáng tác, trước tác với một quy mô rộng lớn như dòng họ Ngô Thì”

Hai tác giả chính của Hoàng Lê nhất thống chí

  • Ngô Thì Chí (1753-1788), em ruột Ngô Thì Nhậm, làm quan dưới thời Lê Chiêu Thống, tuyệt đối trung thành với nhà Lê, từng chạy theo Lê Chiêu Tống khi Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh.Dâng “Trung hưng sách” bàn kế khôi phục nhà Lê. Sau đó, được Lê Chiêu Thống cử đi Lạng Sơn chiêu tập những kẻ lưu vong lập nghĩa binh chống lại Tây Sơn. Trên đường đi, ông bị bệnh mất tại Bắc Ninh.Nhiều tài liệu nói, ông viết 7 hồi đầu của tác phẩm.
  • Ngô Thì Du (1772-1840) anh em chú bác ruột với Ngô Thì Chí,học giỏi nhưng không đỗ đạt. Dưới triều Tây Sơn, ông sống ẩn ở Hà Nam.Thời nhà Nguyễn ông làm quan đến năm 1827 thì về nghỉ. Ông là tác giả của 7 hồi tiếp theo.

2. Tác phẩm : Hoàng Lê nhất thống chí

  • “Hoàng Lê nhất thống chí” được viết khoảng vài thập niên cuối thế kỉ XVIII và hoàn thành đầu thế kỉ XIX.
  • Tác phẩm văn xuôi tự sự Việt Nam, viết bằng chữ Hán, theo thể chí (ghi chép sự vật sự việc), kết cấu theo lối tiểu thuyết chương hồi cổ điển của Trung Quốc.
  • Tác phẩm có mười bảy hồi, gồm bảy hồi chính biên và mười hồi tục biên. Nội dung khắc họa bức tranh xã hội Việt Nam đầy biến động khoảng ba mươi năm cuối thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XIX (từ cuối đời vua Lê Hiển Tông đến đầu đời vua Gia Long)

3. Đoạn trích

a. Vị trí đoạn trích

  • Đoạn trích thuộc hồi thứ 14, viết về sự kiện vua Quang Trung đại phá quân Thanh

b. Bố cục đoạn trích

  • Đoạn 1 từ đầu đến “hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng chạp năm Mậu Thân (1788) : Được tin báo quân Thanh chiếm Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế và thân chinh cầm quân dẹp giặc.
  • Đoạn 2 từ “Vua Quang Trung tự mình đốc suất đại binh” đến “rồi kéo vào thành”) : Cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung.
  • Đoạn 3 phần còn lại : Sự đại bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống

II. Đọc hiểu văn bản

1. Hình ảnh người anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ:

a. Con người mạnh mẽ, hành động quyết đoán:

Nguyễn Huệ luôn thể hiện là con người hành động, khí thế mạnh mẽ, quyết đoán. Hình ảnh Quang Trung hiện lên qua thái độ và  hành động: Khi nhận tin giặc chiếm Thăng Long thì “giận lắm”,”định thân chinh cầm quân đi ngay”. Trong hơn một tháng, Nguyễn Huệ thực hiện nhiều việc lớn:

  • Tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế, “yên kẻ phản trắc”, “giữ lấy lòng người”.
  • “Tự mình đốc suất đạo binh” ra Bắc.
  • Mời Nguyễn Thiếp đến để hỏi kế sách, lẽ được thua.
  • Tuyển mộ quân sĩ và “mở cuộc duyệt binh lớn” ở Nghệ An, phủ dụ tướng sĩ.

→ Hành động nối tiếp hành động, sự việc nối tiếp sự việc, diễn biến thần tốc mà chắc chắn, thể hiện tinh thần quyết tâm của Quang Trung

b. Con người có trí tuệ, sáng suốt trong dụng binh

Quang Trung sáng suốt trong việc dụng binh.

  • Đối với quân sĩ, bằng lời dụ đầy thuyết phục: nêu ra lí lẽ chủ quyền, lật lại ngàn năm lịch sử phương Bắc luôn ôm bụng dạ cướp nước Nam, nêu gương bậc anh hùng đi trước để khích  lệ tinh thần binh lính, chỉ ra mưu đồ cướp nước của quân Thanh, cuối cùng kêu gọi quân lính một lòng đánh giặc, truyền lệnh và răn đe kẻ hai lòng. Lời dụ vừa đi sâu vào lòng quân sĩ, khích lệ tinh thần chiến đấu,  vừa mang khí thế của người nắm chắc thời cuộc, oai dũng của bậc anh hùng.
  • Đối với tướng lĩnh, Quang Trung là người hiểu người, biết dùng người. Cách xử lí tướng lĩnh có tội đủ tình đủ lí: nghiêm khắc chỉ tội, sau đó phân tích lẽ được mất, chỉ ra công trong tội làm tướng lĩnh cảm phục, một mực trung thành, góp sức. Cuối cùng giao trọng trách , cùng tướng lĩnh tính kế lâu dài.

→ Qua cách xử sự với quân sĩ, tướng lĩnh , Quang Trung thể hiện sự kiên quyết, rõ ràng, cách xử thế tài tình của bậc anh hùng thấu hiểu nhân tâm.

c. Nhà quân sự xuất sắc:

Quang Trung tuyển lính trên đường di chuyển, dùng cách thức “ba người chọn một” để chọn được người tinh nhuệ. Thời gian gấp rút nhưng tổ chức quân đội hết sức bài bản, mưu trí.

Nắm chắc thế trận trong tay, chiếm thế thượng phong ngay từ phút đầu “phương lược tiến đánh đã có sẵn”, “Chẳng qua mươi ngay có thể đuổi được người Thanh”.

Chưa đánh mà lo tính đến việc tương lai: ngoại giao sau chiến tranh, để “yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng”, làm cho nước giàu quân mạnh → nhìn xa trông rộng, nắm cả thiên hạ trong tay.

Cuộc hành quân thần tốc, khí thế hừng hực của tướng sĩ, mưu kế đánh giặc cộng thêm thiên thời, mùng 5 tết nhanh chóng vào thành Thăng Long.Qua đó ta thấy được cách tổ chức các trận đánh hợp lí, ít hao tổn binh lực của Quang Trung.

Hình ảnh Quang Trung “cưỡi voi” đốc thúc, trực tiếp chỉ huy quân lính tiến đánh Ngọc Hồi mang đậm chất oai hùng, lẫm liệt.

Kết luận : Hồi thứ 14 ghi lại chân thực hình ảnh đầy oai phong, lẫm liệtcủa  Quang Trung. Từ hành động đến lời nói, cách hành xử , tài năng lãnh đạo quân đều toát lên vẻ trí tuệ, anh dũng của một bậc đế vương tuyệt trí, tuyệt dũng. Tác giả ghi chép hiện thực, tôn trọng sự thật và gửi gắm thái độ ngợi ca, kính ngưỡng.

2. Hình ảnh quân Thanh cướp nước và bè lũ vua quan bán nước Lê Chiêu Thống

a. Quân Thanh cướp nước

Đối lập với hình ảnh nghĩa quân Tây Sơn là diện mạo của quân Thanh cướp nước, đứng đầu là Tôn Sĩ Nghị.

  • Quân Thanh kéo quân vào Thăng Long rất dễ dàng, như "đi trên đất bằng” nên quá chủ quan, “cho là vô sự, không đề phòng gì. Lính thì rời doanh trại để đi kiếm củi, buôn bán ở chợ; tướng thì suốt ngày lo yến tiệc, cờ bạc.” Với suy nghĩ là sau tết sẽ tiến đánh Tây Sơn.
  • Khi quân Tây Sơn tiến công bất ngờ, quân Thanh không kịp trở tay, "rụng rời sợ hãi", chống không nổi "bỏ chạy toán loạn,giày xéo lên nhau mà chết","thây chất đầy đồng, máu chảy thành suối" đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa. Hình ảnh chưa đánh đã hàng, sợ hãi chạy trốn thể hiện sự rối loạn và bất tài của quân Thanh.
  • Tôn Sĩ Nghị vị tướng quân đứng đầu, khi bị tấn công thì "sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, dẫn bọn lính kị mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhằm hướng bắc mà chạy" thể hiện rõ sự hèn nhát, nhục nhã ê chề.

-> Đoạn văn miêu tả sự tháo chạy của quân Thanh được tác giả viết nhịp điệu nhanh, mạnh, hối hả, ngòi bút miêu tả khách quan, thể hiện thái độ hả hê sung sướng của người thắng trận trước sự thảm bại của lũ cướp nước.

b. Bè lũ vua quan bán nước Lê Chiêu Thống

Vì mưu lợi ích  riêng của dòng họ, vua Lê Chiêu Thống "cõng rắn cắn gà nhà", "rước voi giày mả tổ", cúi đầu chịu đựng nỗi nhục của kẻ đi cầu cạnh, van xin. Khi quân Thanh tan rã, vua không ra vua, quan không ra quan vội vã chạy bán sống, bán chết, chịu đói, chịu nhục, chỉ biết "nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt".Câu văn chậm, nghẹn ngào, mang âm hưởng chua xót, ngậm ngùi.

-> Các tác giả là cựu thần của nhà Lê, trong cách miêu tả cảnh khốn quẫn của vua Lê Chiêu Thống thể hiện sự ngậm ngùi,thương cảm, nhưng họ đã dùng ngòi bút tả thực với quan điểm tôn trọng lịch sử và ý thức dân tộc giúp Ngô gia văn phái phản ánh đúng diễn biến lịch sử, làm nổi bật hành động bán nước và sự trốn chạy ê chề của vua quan Lê Chiêu Thống.

III. Tổng kết

1. Nội dung

Với quan điểm lịch sử đúng đắn và niềm tự hào dân tộc, các tác giả “Hoàng lê nhất thống chí” đã tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.

2. Nghệ thuật

Cách trần thuật rõ ràng, đặc sắc, vừa kể vừa kết hợp miêu tả không khí sự việc. Chú trọng đến lời nói, hành động nhân vật.

Nghệ thuật so sánh, đối lập giữa người lãnh đạo và hình ảnh hai đội quân: bên thì xộc xệch, trễ nải, nhát gan; bên thì nghiêm chỉnh, thần tốc, dũng mãnh.

Xây dựng hình ảnh người anh hùng Nguyễn Huệ quả cảm, mạnh mẽ, có trí tuệ sáng suốt, có tài dụng binh như thần, là người có tổ chức và là linh hồn của những chiến công vĩ đại.

Giọng văn linh hoạt, khi thì nghiêm trang, khi thì chậm rãi, có khi lại gấp gáp, dồn dập, lúc lại ngậm ngùi, chua xót phù hợp với diễn biến và nhân vật.

Từ những đoạn trích trên ta thấy hiện về trong lịch sử một nhân vật xuất chúng: Lẫm liệt oai phong, văn võ song toàn đã ghi vào trang lịch sử vẻ vang của dân tộc, làm sáng ngời truyền thống dân tộc, ngàn đời sau vẫn nhắc tên người anh hùng áo vải Quang Trung.

TƯ LIỆU THAM KHẢO

1. Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

2. "Mà nay áo vải cờ đào

Giúp dân dựng nước, xiết bao công trình."  

(Công chúa Ngọc Hân)


Biên soạn: GV Tô Thị Dung 

SĐT: 0355 258 472

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Tô Thị Dung

Bài 16: Luyện Tập Tóm Tắt Văn Bản Tự Sự
Bài 19: Sự Phát Triển Của Từ Vựng (tiếp theo)