Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 9»1»Bài 46: Khúc Hát Ru Những Em Bé Lớn Trên...

Bài 46: Khúc Hát Ru Những Em Bé Lớn Trên Lưng Mẹ

Nội dung bài Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm môn Văn 9 bộ SGK bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Đọc hiểu chung

1. Tác giả

Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943, tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong một gia đình trí thức cách mạng.

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học sư phạm Hà Nội năm 1964, Nguyễn Khoa Điềm về quê hương miền Nam tham gia chiến đấu. Ông thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông giàu chất suy tư, xúc cảm lắng đọng, thể hiện tâm tư của người trí thức tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu của nhân dân.

Tác phẩm tiêu biểu: Đất ngoại ô (tập thơ), Mặt đường khát vọng (trường ca, 1974), Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (tập thơ, 1986), Thơ Nguyễn Khoa Điềm (tuyển chọn, 1990), Cõi lặng (tập thơ, 2007),Đất và khát vọng…

2. Tác phẩm

a. Xuất xứ - Hoàn cảnh sáng tác

Viết năm 1971, trong những năm tháng tác giả công tác ở chiến khu miền Tây Thừa Thiên. Đây cũng là thời kì cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đang ở giai đoạn rất cam go, quyết liệt.

Bài thơ được sáng tác rất nhanh trong một hoàn cảnh khá đặc biệt: năm 1971, nhà thơ là người lính chiến trường. Vì đơn vị hết gạo, nhà thơ cùng một số anh em đồng đội đi gùi gạo ở cơ sở của ta. Nhìn những bà mẹ Tà Ôi vừa địu con vừa giã gạo, dành dụm những hạt gạo trắng ngần cho bộ đội, nhà thơ liên tưởng đến sự vất vả, nhọc nhằn và những hy sinh lớn lao của họ. Về đến đơn vị, chưa kịp đặt gùi gạo xuống, với chiếc khăn mặt lau mồ hôi, Nguyễn Khoa Điềm ngồi ngay vào bàn và viết “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”.

Bài thơ được in trong tập “Đất và khát vọng” (1984)

b. Thể thơ

Thơ trữ tình, thể 8 tiếng, vần chân – liền, cách nhưng lại mang tính chất của một bài hát ruru con (kiểu mới) từ nhan đề cho tới bố cục, nội dung, giọng điệu, nhịp điệu.Đó là đóng góp đặc sắc của bài thơ – hát ru này về thể loại.

Mỗi dòng thơ đều đặn 7 hay 8 tiếng ngắt thành hai kiểu nhịp 3 / 4 hoặc 4 / 4, như nhịp chày, nhịp tỉa bắp, nhịp bước chân.

c. Đề tài:

Khơi gợi không khí lịch sử trên đất nước ta thời bấy giờ. Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ ra đời giữa những năm tháng quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên cả miền Nam, Bắc. Thời kì này, cuộc sống của cán bộ, nhân dân ta trên các chiến khu rất gian nan, thiếu thốn. Cán bô, nhân dân ta vừa bám rẫy, bám đất tăng gia sản xuất vừa sẵn sang chiến đấu bảo vệ căn cứ.

d. Bố cục (34 câu):

Khúc hát ru được chia làm 3 đoạn, mỗi đoạn lại gồm hai lời ru:

  • Lời ru của nhà thơ (đoạn 1 và 2: 7 câu, đoạn 3: 8 câu)
  • Lời ru của mẹ (4 câu)
  • Trong lời ru của nhà thơ lại mở đầu bằng điệp khúc:

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ

Tiếp theo là 4 câu thơ tả cảnh mẹ địu con làm việc và nghĩ suy nghĩ, mơ ước. Trong lời ru của mẹ, lại có 2 câu điệp khúc (chỉ thay đổi hai tiếng cuối câu thứ hai):

Ngủ ngoan a – kay ơi, ngủ ngoan a – kay hỡi

Mẹ thương a- kay, mẹ thương… (bộ đội, làng đói, đất nước).

Tác dụng nghệ thuật: Kết cấu, bố cục cân đối với nhiều điệp khúc trên rất phù hợp với thể loại hát ru ( dù không sử dụng thể thơ lục bát như những bài hát ru truyền thống). Những lời thơ giản dị, ngọt ngào cứ trở đi trở lại dìu dặt, êm đềm đưa đứa trẻ vào giấc ngủ sâu và là dịp gửi gắm tâm tình người mẹ.

II. Đọc hiểu văn bản

1. Hình ảnh người mẹ qua những lời ru

a. Lời ru của nhà thơ

Điệp khúc:

“Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ”

Có lẽ đây là lời nhà thơ hàm chứa bao trìu mến dành cho chú bé Tà – ôi như muốn góp thêm bao thương mến hoà cùng khúc ru của người mẹ. Đó là lời vỗ về, ru em ngủ ngoan trên lưng mẹ.

Lời ru thứ nhất:

Mẹ địu con giã gạo góp phần nuôi bộ đội ăn no đánh giặc. Đó là công việc nặng nhọc, đều đều được thể hiện qua những câu thơ tả về việc làm và tư thế của người mẹ vừa rất ấn tượng vừa biểu hiện tình cảm, xúc động của mẹ với con, với bộ đội cách mạng:

“Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội

Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi

Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời”

  • “Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng” với từ “nghiêng” như vẽ ra cái dáng nghiêng nghiêng vất vả của mẹ và trên lưng người đứa bé cũng đang ngủ say, cả người cũng nghiêng nghiêng áp vào lưng mẹ.
  • Bao vất vả như đọng cả trên đôi vai mẹ, ta nhận ra tấm lòng mẹ mênh mông trong hình ảnh mẹ con không cách xa. Đứa bé dường như cũng sớm biết chia sẻ với mẹ mọi gian lao của cuộc sống đánh giặc:

“Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi

Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối”

Tạo hình nhất là từ láy “nhấp nhô” diễn tả thật sinh động không chỉ sự thiếu thốn đói khổ, gầy gò của mẹ mà cả sự cố gắng của mẹ trong công việc nặng nhọc và kéo dài theo nhịp chày lên xuống.

  • Hình ảnh “Lưng đưa nôi và tim hát thành lời” rất hay và mới lạ. Cảm động bởi bà mẹ đưa nôi không phải bằng tay mà bằng lưng (vì địu con sau lưng) và hát bằng tim chứ không phải bằng miệng. Nghĩa là tiếng hát tự trong đáy lòng của người mẹ cất lên bằng tất cả tình yêu thương con tha thiết.

Lời ru thứ hai:

→ Ở lời ru thứ hai của tác giả, hiện lên hình ảnh người mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lưi. Hình ảnh ấy khiến người đọc bồi hồi nhớ lại những câu thơ Tố Hữu viết về người mẹ Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp:

“Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”

Người mẹ chống Pháp và người mẹ chống Mĩ có những điểm tương đồng trong công việc. Nhưng ở Nguyễn Khoa Điềm hình ảnh này không xuất phát từ nỗi nhớ mà được cất lên ngay giữa hiện thực chống Mĩ.

  • Câu thơ “Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ” tưởng như ngây ngô, vụng về trong sự so sánh quá hiển nhiên nhưng thật ra lại rất ngộ nghĩnh và chân thực, rất hợp với cách suy nghĩ cụ thể và đơn giản của những người dân miền núi.

→ Tình yêu thương con tha thiết của người mẹ Tà ôi được thể hiện tuyệt đẹp trong hình ảnh thơ ẩn dụ sóng đôi, giàu ý nghĩa thẩm mĩ, thể hiện một liên tưởng tuyệt vời:

“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”.

Mặt trời của vũ trụ vĩnh hằng đem sự sống đến cho muôn loài trên trái đất, đem lại sự tươi tốt cho cây cối nói chung và cây bắp nói riêng. Từ thực tế ấy nhà thơ đã liên tưởng đến “mặt trời của mẹ”. Con – “em Cu tai” chính là mặt trời của mẹ, con đã đem nguồn sáng, sự sống đến cho mẹ. Con là tất cả cuộc đời mẹ, là mặt trời trong lòng mỗi người mẹ. Hay hơn nữa là mặt trời ấy nằm ngay trên lưng, vô cùng gần gũi như là một phần cơ thể của mẹ, cùng mẹ sống và làm mọi việc. Đây là ẩn dụ sáng tạo ngợi ca, tôn vinh tình mẫu tử thiêng liêng của những người mẹ yêu nước, thương con, thủy chung với cách mạng.

Lời ru thứ ba:

Công việc của mẹ ở hai đoạn trên chủ yếu là công việc của người hậu phương phục vụ tiền tuyến chiến đấu: giã gạo, tỉa bắp - nuôi con và nuôi quân; còn ở đây, công việc có phần trực tiếp hơn: chuyển lán, đạp rừng, nhất là đi giành trận cuối – công việc, nhiệm vụ của người chiến sĩ – mẹ đã trở thành người mẹ chiến sĩ, người chiến sĩ trên trận tuyến đánh Mĩ ở ngay trên quê hương mình, buôn làng mình. Cảm hứng của khúc ru cuối gắn với hiện thực khốc liệt và khẩn trương của cuộc kháng chiến chống Mĩ, với nhịp sống của chiến khu Trị Thiên. Hình ảnh của mẹ trong đoạn thơ này có sự thay đổi: không chênh chao trong nhịp chày nghiêng, không lặng thầm, nhẫn nại mà dứt khoát mạnh mẽ:

“Mẹ đi chuyển lán, mẹ đi đạp rừng”

Dáng vẻ con người được tô đậm qua hai động từ “đi” gợi tư thế chủ động với những công việc tiếp sức chiến đấu: chuyển lán, đạp rừng như hàm chứa ý thức tự hào của người Tà – ôi làm chủ núi rừng của ta. Con người trong tư thế đối mặt với kẻ thù, quyết tâm chiến đấu giữ đất, giữ rừng. Kẻ thù với dã tâm “đuổi ta phải rời con suối”, người Tà – ôi vẫn một dạ kiên trung!

Không chỉ có mẹ mà anh trai cầm súng, chị gái cầm chông và em cu Tai cũng theo mẹ vào trận cuối.

“Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông

Mẹ địu em đi để dành trận cuối”

Những câu thơ hừng hực tinh thần bất khuất của người dân tộc miền tây Thừa Thiên, đem lại cảm hứng lạc quan  cho cuộc kháng chiến chống Mĩ

Hai câu thơ: “Từ trên lưng mẹ, em đến chiến trường / Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn”là sự khái quát bằng hình ảnh nghệ thuật về sự thật thần kì của cuộc chiến tranh chống Mĩ xâm lược mà đồng bào, quân và dân các dân tộc Việt Nam đã lớn mạnh và trưởng thành đến thắng lợi cuối cùng trong thế kỉ XX. Tinh thần của bao thế hệ người Tà – ôi theo cách mạng đã truyền cả sang a- kay, dạt dào một niềm tin, khẳng định dứt khoát con đường em đi sẽ hoà vào đội ngũ chiến đấu với ý chí quyết thắng. Sự lớn mạnh vượt bậc, trưởng thành nhanh chóng, kì lạ của những chiến sĩ trẻ là từ trên lưng mẹ, từ trong đói khổ mà ra, mà nên. Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng nhận định: “Nếu tách hai câu xa nhau sẽ không thấy được tính quy luật tất yếu của cách mạng. Câu trên có thể vẫn là câu thơ hay: từ cuộc đời của em bé cụ thể này, tác giả đã bao quát được số phận của cả đất nước – một đất nước đã có truyền thuyết chú bé làng Gióng kì diệu. Câu thơ dưới tính hình tượng ít hơn, nhưng cũng là một cách khái quát hình tượng con đường đi tới cách mạng của nhân dân ta. Đặt hai câu nối nhau tạo thành một hệ luận, có sức cộng hưởng sang nhau, tạo thành một khối vừa sâu về ý vừa đẹp về hình ảnh.”

→ Từ 3 đoạn thơ, lần lượt hiện lên những công việc cùng tấm lòng của người mẹ ở chiến khu kháng chiến gian khổ. Người mẹ ấy bền bỉ, quyết tâm trong công việc lao động, kháng chiến thường ngày. Người mẹ ấy thiết tha yêu con và cũng nặng tình thương buôn làng, quê hương, bộ đội, khát khao đất nước được độc lập, tự do.

b. Lời ru của người mẹ

Lời ru ngọt ngào, dìu dặt của mẹ đưa con vào giấc ngủ an lành:

“- Ngủ ngoan a – kay ơi, ngủ ngoan a - kay hỡi”

Khởi nguồn của mọi hành động cao cả bắt đầu từ tình yêu bình dị nhất. Điểm xuất phát của lời ru chính từ tấm lòng “mẹ thương  a – kay” vô bờ bến. Âm vang lòng mẹ cất thành lời ru, thành lời thơ đầy xúc cảm của Nguyễn Khoa Điềm. Không phải ngẫu nhiên khi phổ nhạc bài thơ này, nhạc sĩ Trần Hoàn lại đặt tựa đề là “Lời ru trên nương”, bởi lẽ chính những lời ru đã làm thành cấu tứ của bài thơ, dẫn dắt vào thế giới mang đậm bản sắc riêng của người Tà – ôi.

Lời ru thể hiện tình yêu thương vô bờ của mẹ với con nhưng hòa vào tình cảm ấy là tình cảm chung, tình cảm với bộ đội, với buôn làng, với cách mạng. Cấu trúc đối xứng của từng câu thơ trong đoạn thể hiện sự hài hòa, riêng chung ấy:

Mẹ thương a-kay – mẹ thương bộ đội;

Mẹ thương a-kay – mẹ thương làng đói;

Mẹ thương a-kay – mẹ thương đất nước;

Tấm lòng của người mẹ Tà-ôi còn hiện lên rõ nét hơn với những niềm mong ước qua việc làm và các khúc hát ru: người mẹ gửi trọn niềm mong mỏi của mình vào giấc mơ của con. Mơ ước của mẹ về con trai yêu quý cũng phát triển, mở rộng với mơ ước về nhân dân, đất nước và cách mạng.Mối liên hệ này thật tự nhiên và chặt chẽ. Điệu hát ru được lặp lại và phát triển qua từng khổ đã thể hiện rõ tư tưởng, chủ đề của tác phẩm:

Vì đang giã gạo nuôi bộ đội nên mẹ ước:

“Con mơ cho mẹ hạt gạo trằng ngần

Mai sau con lớn vung chày lún sân…”

Vì đang tỉa bắp trên núi nên mẹ ước:

“Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều

Mai sau con lớn phát mười ka-lưi…”

Vì đang địu con để giành trận cuối nên mẹ ước:

“Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ

Mai sau con lớn làm người Tự do…”

Ở hai đoạn đầu mẹ mong con sớm trở thành chàng trai Tà – ôi cao lớn, khỏe mạnh phi thường để có thể vung chày lún sân, giã gạo cho hạt gạo trắng ngần để bộ đội ăn no chiến đấu, để có thể như Đăm Săn phi phàm có sức thần phát hoang cả mười dãy núi Ka-Lưi.

Mơ ước ở đoạn ba thật cảm động và cao đẹp: được thấy Bác Hồ, được làm người Tự do. Đó chính là nguyện vọng tha thiết thường trực cháy bỏng của mẹ, của tất cả nhân dân Tà-Ôi này. Được thấy vị lãnh tụ vĩ đại, vị cha già của dân tộc, người từng nêu lên chân lí bất hủ: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Khát vọng độc lập tự do của Người cũng là của mẹ, tương lai và hạnh phúc của con, của đất nước này.Lúc ấy, mơ được thấy Bác Hồ nghĩa là mơ nước nhà thống nhất, Bắc Nam sum họp. Lời ru hướng về đất nước, hướng về tương lai chiến thắng.

Qua ba khúc ru, tình cảm, khát vọng của người mẹ ngày càng lớn rộng, ngày càng hòa cùng công cuộc kháng chiến gian khổ, anh dũng của quê hương đất nước.Sự phát triển của tình cảm, ước vọng ở người mẹ cho thấy được ước mong, ý chí của nhân dân ra trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mẹ làm việc cực nhọc ở hiện tại nhưng lời ru thì bay vút đến tương lai. Ước mơ con lớn có sức mạnh huyền thoại xen lẫn với ước mơ làm người tự do hiện đại:

“Mai sau con lớn… (vung chày lún sân / phát mười Ka – lưi / làm người Tự do)”

Đối lập với lời ru những điều thực tại của nhà thơ, lời ru của mẹ không chỉ hướng vào thực tại mà còn hướng tới tương lai như là sự lí giải động lực tinh thần sâu xa giúp người mẹ vượt qua mọi gian nan thử thách:

“Con mơ cho mẹ… (hạt gạo trắng ngần / hạt bắp lên đều / được thấy Bác Hồ)”

Nguyễn Khoa Điềm chọn cách nói lạ: “Con mơ cho mẹ…” mà không viết: mẹ mơ cho con, hoặc mẹ mơ con sẽ…Với cách nói này, tác giả đã nhấn mạnh sự thống nhất, gắn bó máu thịt giữa hai mẹ con khiến lời ru càng thêm tha thiết, tin tưởng. Người mẹ gửi trọn niềm mong mỏi vào giấc mơ của đứa con, giấc mơ của con cũng chính là giấc mơ của mẹ. Câu cuối của các khúc ru vừa là nỗi mong ước, vừa là niềm tin tưởng, tự hào của người mẹ. Và trong lòng mẹ, trong cái nhìn của mẹ:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con"

(Chế Lan Viên)

Người mẹ Tà-ôi Việt Nam đảm đang, anh hùng chống Mỹ xâm lược: càng trong gian khổ càng yêu thương con, càng mơ ước con nên người lớn khôn, khỏe mạnh, lao động giỏi, công dân của đất nước tự do; gắn liền tình yêu con với lòng yêu nước.

III. Tổng kết

1. Nhan đề

Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” là một nhan đề khá dài và cũng khá lạ.

Cụm từ “khúc hát ru” đã gợi trong tâm tưởng người đọc âm hưởng ngọt ngào sâu lắng, tha thiết của bài thơ và cùng tình yêu vô bờ của người mẹ dành cho đưa con yêu dấu của mình.

Cụm từ “những em bé lớn trên lưng mẹ” nghe có vẻ là lạ khiến người đọc phải suy ngẫm. Từ “lớn” đã thể hiện sự vận động của một chuỗi thời gian dài nuôi dưỡng con vô cùng vất vả của người mẹ. Hình ảnh “lưng mẹ” chính là chiếc nôi, một không gian rất đỗi bình yên đã che chở và nuôi dưỡng đứa con thơ trưởng thành. “lưng mẹ” bé nhỏ về hình dáng mà thật lớn lao về ý nghĩa.

Nhan đề “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” thật hàm súc vừa gợi ra được tình yêu thương của người mẹ đối với con, vừa gợi ra nỗi vất vả, gian khổ của bao người mẹ kháng chiến. Nhan đề có sự khái quát cao: Ở đây không chỉ muốn nói đến một em cu Tai mà là tất cả những em bé như em cu Tai trên khắp mọi miền tổ quốc.

“Nhan đề là câu thơ hay nhất trong bài thơ. Những em bé lớn trên lưng mẹ. Người mẹ trở nên vĩ đại như trái đất và đứa con thì thần kì như Phù Đổng. Hình ảnh phi lí nhưng đã thâu tóm thấu lí nhất nội dung bài thơ.” (Về một khúc hát ru / Vũ Quần Phương. 

2. Nội dung

Ngợi ca người mẹ Tà Ôi - người mẹ Việt Nam đảm đang anh hùng chống Mĩ xâm lược; yêu con, yêu đất nước. Trong gian nan, vất vả của cuộc sống ở chiến khu, người mẹ càng dành cho con tình yêu thương thắm thiết, càng ước mong con mau khôn lớn khỏe mạnh, trở thành công dân của một nước tự do. Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện tình yêu thương con gắn với lòng yêu nước, với tinh thần chiến đấu của người mẹ miền tây Thừa Thiên qua Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ.

Từ hình ảnh, tấm lòng người mẹ Tà-ôi– hình tượng hiếm có trong thơ ca Việt Nam hiện đại sánh cùng các hình tượng người mẹ khác như mẹ Suốt, mẹ Tơm…Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện tình yêu quê hương, đất nước thiết tha, ý chí chiến đấu cho độc lập tự do và khát vọng thống nhất nước nhà của nhân dân ta trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.

3. Nghệ thuật

Bài thơ là khúc hát ru ngọt ngào, tha thiết

  • Cách lặp lại lời ru và ngắt nhịp giữa câu tạo nên âm điệu dìu dặt, vấn vương
  • Giọng điệu trữ tình đã thể hiện đặc sắc tình cảm tha thiết trìu mến của người mẹ.

→ Kết hợp các pháp tu từ một cách tự nhiên, độc đáo: ẩn dụ, phóng đại, liên tưởng bằng hình ảnh thơ có ý nghĩa biểu tượng...


Biên soạn: GV Tô Thị Dung 

SĐT: 0355 258 472

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Tô Thị Dung

Bài 45: Tập Làm Thơ Tám Chữ
Bài 47: Ánh Trăng