Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 9»1»Bài 26: Kiều Ở Lầu Ngưng Bích (trích Tru...

Bài 26: Kiều Ở Lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều)

Nội dung bài Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều) - Nguyễn Du môn Văn 9 bộ SGK bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

Đề tài về người phụ nữ luôn là nỗi trăn trở của các nhà thơ lớn. Không chỉ khắc họa những nét đẹp trong tâm hồn, tính cách mà các nhà thơ còn cảm nhận rõ được nỗi bất hạnh của người phụ nữ. Và Nguyễn Du đã rất thành công khi chọn người phụ nữ làm đề tài trong tác phẩm của mình với kiệt tác “Truyện Kiều”. Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” được trích trong tác phẩm đó là một đoạn trích hay và giàu cảm xúc. Bằng ngòi bút tả cảnh ngụ tình nhà thơ đã diễn tả tâm trạng của Thúy Kiều trong hoàn cảnh bị giam cầm, nỗi nhớ Kim Trọng, nhớ gia đình và đặc biệt là tâm trạng của Kiều trước cảnh vật ở lầu Ngưng Bích.


I. Đọc hiểu chung

1. Tác giả Nguyễn Du

2. Tác phẩm

a. Vị trí đoạn trích

Đoạn trích gồm 22 câu (từ câu 1033 đến câu 1054), nằm ở phần hai của Truyện Kiều (Gia biến và lưu lạc).

Gặp Tú Bà, biết rõ mình bị mắc lừa đưa vào lầu xanh, Kiều đã tự sát. Tú Bà sợ mất món hàng béo bở, mụ dỗ dành Kiều, đưa nàng ra ở lầu Ngưng Bích nói là chăm lo thuốc thang rồi xẽ timd nơi xứng đáng gả chồng cho nàng, kì thực là giam lỏng nàng, đợi thực hiện mưu ma chước quỷ, buộc nàng phải tiếp khách ở lầu xanh kiếm lời cho mụ.

b. Kết cấu của đoạn trích

Có thể chia làm ba phần:

  • Sáu câu đầu (1033-1038): Hoàn cảnh cô đơn, tội nghiệp của Kiều trước khung cảnh quạnh hiu của lầu Ngưng Bích
  • Tám câu giữa (1039-1046): Nỗi nhớ thương Kim Trọng và cha mẹ
  • Tám câu cuối: Tâm trạng đau buồn, lo âu của Kiều qua cách nhìn cảnh vật 

II. Đọc hiểu văn bản

1. Khổ 1: Hoàn cảnh cô đơn, tội nghiệp của Kiều

Nguyễn Du đã tái hiện trước mắt người đọc sự mênh mông của cảnh trí và tâm trạng cô đơn của nhân vật:

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

Ngay câu thơ mở đầu: "Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân", Nguyễn Du đã nêu bật lên cảnh ngộ đáng thương của Kiều. Hai từ “khóa xuân”  đã cho thấy tâm địa của Tú Bà trong việc để Kiều ở lầu Ngưng Bích thực chất là giam lỏng nàng. Vậy là tuổi thanh xuân của nàng Kiều bị giam hãm, khóa kín trong cấm cung và không được giao tiếp với bên ngoài. Vì thế, lầu Ngưng Bích như là nhà tù giam lỏng cuộc đời Kiều, nó cho thấy tình cảnh đáng thương, xót xa mà nàng Kiều phải chịu đựng. Kiều phải trải qua những ngày tháng sống ở lầu Ngưng Bích với một nỗi cô đơn, trơ trọi vì từ nơi ở nhìn ra là một cảnh trí bao la, mênh mông đến vô cùng.

Vẻ non xa,tấm trăng gần ở chung

Bốn bề bát ngát xa trông,

Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”

Chính cái lầu Ngưng Bích xuất hiện chơi vơi giữa không gian mênh mang trời nước cũng đang giam giữ một thân phận cô đơn, trơ trọi không tìm đâu được một người nào có thể bầu bạn, sẻ chia. Nguyễn Du đã đặt Kiều trong một cảnh ngộ rất đặc biệt: một mình, cô đơn, trơ trọi giữa một không gian rộng lớn, mênh mông: "bốn bề bát ngát". Đứng trên lầu mà ngước mắt lên trời cao, Kiều chỉ thấy "non xa" và "tấm trăng gần". Nhìn xuống mặt đất chỉ thấy khoảng không trống vắng, xa xa là những con sóng lượn, những bãi cát dài phẳng lặng nối tiếp nhau, dưới ánh nắng của buổi chiều tà, bãi cát như trở nên lấp lánh giống như những bụi hồng. Cảnh thật đẹp, thơ mộng, lãng mạn nhưng đượm buồn. Các hình ảnh mang tính ước lệ như “non xa”, “trăng gần”, “cát vàng”, “bụi hồng” xuất hiện trong đoạn thơ dường như cũng góp sức để làm cho không gian trở nên mênh mông hơn, rợn ngợp hơn, qua đó cũng góp phần diễn tả nỗi cô đơn, sự bơ vơ của người con gái một thân một mình trong ngôi lầu vắng lặng. Vì thế, từ “xa trông” như miêu tả cái nhìn xa xăm của Kiều, nàng đang cố gắng kiếm tìm một chút bóng dáng, sự sống xung quanh. Nhưng tuyệt nhiên chỉ là một không gian vắng lặng, tĩnh tại, không có chút động nhỏ bé nào đó xung quanh mình.

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng

 Cụm từ "mây sớm đèn khuya" gợi nhớ thời gian tuần hoàn, khép kín. Không gian, thời gian ấy như giam hãm con người, khắc sâu thêm nỗi cô đơn, khiến Kiều càng bẽ bàng, buồn tủi và dồn tới  lớp lớp những nỗi niềm chua xót, đau thương, nhớ nhung khiến tấm lòng Kiều như bị chia xé: "Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng".

Chính cái tâm thế ấy của Kiều đã tạo ra sự đối lập trớ trêu giữa thiên nhiên lớn lao với con người bé nhỏ. Nếu bên ngoài mênh mông, rộng lớn bao nhiêu thì bên trong lại càng chật hẹp, tù túng, giam cầm bấy nhiêu. Nỗi buồn tê tái, cô đơn, chán ngán đã chế ngự và xâm chiếm toàn bộ tâm hồn Kiều.  

2. Nỗi nhớ thương Kim Trọng và cha mẹ

Trong cảnh ngộ một mình bơ vơ "Chân trời góc bể", cô đơn tuyệt đối, Kiều càng nhớ tới những người thân yêu. Nỗi nhớ đầu là nhớ chàng Kim:

“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trông mai chờ

Bên trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.”

Đặt nỗi nhớ người yêu lên đầu, Kiều đã không giấu giếm nỗi nhớ thương da diết, mãnh liệt của mình với Kim Trọng. Hơn nữa, điều này phù hợp với quy luật tâm lí và thể hiện sự tinh tế của ngòi bút nhân đạo Nguyễn Du. Vì vậy người mà nàng thương và nhớ đầu tiên là Kim Trọng. Nàng nhớ lời hẹn ước hôm nào, "Vầng trăng vằng vặc giữa trời", hai người đã cùng uống chén rượu thề nguyền son sắt một lòng cùng nhau đến trọn đời, vậy mà giờ đây mỗi người một ngả, cách biệt, chia xa. Kiều xót xa, ân hận như một kẻ phụ tình. Nàng tưởng tượng Kim Trọng vẫn không hay biết gì, vẫn đêm ngày hướng về mình, đau đáu chờ tin mà uổng công vô ích. Câu thơ "Tấm son gột rửa bao giờ cho phai"có thể hiểu là tấm lòng son sắt, nỗi nhớ Kim Trọng không bao giờ nguôi quên, hoặc là tấm lòng son của Kiều đã bị vùi dập, hoen ố, biết bao giờ mới gột rửa cho hết được. Hiểu cách nào cũng thấy lòng chung thủy, vị tha của Kiều. Càng nhớ người yêu, Kiều càng thấm thía cảnh bơ vơ, trống trải của mình, càng nuối tiếc những kỉ niệm đẹp đẽ của mối tình đầu thơ ngây, trong sáng, càng ý thức sâu sắc, chẳng bao giờ có thể gột rửa được tấm lòng thủy chung, son sắt với chàng.

Tiếp đó, Kiều xót xa nhớ thương cha mẹ. Nàng hình dung cha mẹ vẫn sớm hôm tựa cửa  cảu nàng. Nàng xót thương da diết và day dứt khôn nguôi về nỗi ai sẽ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ trong những ngày này: "Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ". Thành ngữ "quạt nồng ấp lạnh", điển cố "sân Lai", "gốc tử" đều nói lên tấm lòng hiếu thảo của Kiều. Nàng tưởng tượng ở nơi quê nhà, tất cả đã đổi thay, "gốc tử đã vừa người ôm", cha mẹ ngày một già yếu. Cụm từ "cách mấy nắng mưa" vừa nói được sứ xa cách bao mùa mưa nắng , vừa gợi sự tàn phá của thời gian , của nắng mưa, đối với cảnh vật và con người. Nhớ cha mẹ, Kiều luôn ân hận, day dứt vì mình đã phụ công sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ.

“Xót người tựa cửa hôm mai,

Quạt nồng ấm lạnh những ai đó giờ?

Sân Lai cách mấy nắng mưa,

Có khi gốc tử đã vừa người ôm”.

Hoàn cảnh của Kiều lúc này thật đau buồn, bất hạnh, nhưng trái tim Kiều đầy yêu thương, nhân hậu, vị tha. Nàng là người tình chung thủy, người con hiếu thảo, người có lòng vị tha đáng kính trọng.

Nỗi nhớ của người thân của Kiều diễn tả qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm nên càng chân thực, cảm động. Qua ngôn ngữ, nỗi nhớ thương như tự lên tiếng.

3. Tâm trạng lo âu, đau buồn của Kiều qua cách nhìn cảnh vật

Nỗi nhớ thương cồn lên da diết rồi Kiều lại dọn lòng mình trở về với thực tại của mình, cái nhìn của Kiều trải ra khắp cảnh vật xung quanh. Tám câu cuối là đoạn thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Là thực cảnh mà cũng là tâm cảnh. Mỗi cảnh khơi gợi ở Kiều những nỗi buồn khác nhau, với những lí do buồn khác nhau, để rồi tình buồn tác động lại cảnh khiến cảnh mỗi lúc một buồn hơn và nỗi buồn nàng càng ghê gớm, mãnh liệt hơn. Tám câu thơ tạo thành một bộ tứ bình cảnh sắc - tâm trạng đặc sắc, mỗi cặp lục bát làm thành một cảnh.

Cảnh đầu tiên:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?”

Đây là bức tranh chiều hôm nhớ nhà. Cảnh chiều hôm muôn thuở đã gợi buồn nhớ, lại giữa không gian mênh mông nơi cửa biển chỉ có một cánh buồm thấp thoáng xa xa như một ảo ảnh. Cảnh ấy gợi trong lòng người lưu lạc tha hương nỗi cô đơn, nỗi buồn nhớ da diết về cha mẹ, quê nhà xa cách, gợi nỗi nhớ khát khao được gặp người thân. Đại từ “ai” phiếm chỉ mang âm điệu sầu thương. Câu thơ là một câu hỏi tu từ ngân lên như một niềm khát khao, hoài vọng, ngóng trông.

Cảnh thứ hai:

“Buồn trông ngọn nước mới sa.

Hoa trôi man mác biết là về đâu?”

Cái nhìn của Kiều hướng về không gian gần hơn. Nhìn cánh hoa trôi man mác giữa dòng nước, Kiều lại buồn cho thân phận trôi dạt, bị vùi dập ra sao, lại xót xa cho duyên phận, số phận mình. Hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ gợi nỗi nhớ thương da diết. Câu hỏi tu từ ở đây là một nỗi băn khoăn, thắc thỏm, một niềm tự thương, một tiếng than.

Cảnh thứ ba:

“Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”

 Đây là cảnh khá ấn tượng, dễ gợi liên tưởng đến cảnh xuân hôm nào trong tiết Thanh minh. Không phải là cỏ non xanh tận chân trời đầy sức sống mà là nội cỏ rầu rầu, héo úa, buồn bã, cùng màu xanh nhàn nhạt trải dài từ mặt đất tới chân mây càng khiến Kiều thêm chán ngán, vô vọng vì cuộc sống vô vị, tẻ nhạt, cô quạnh này không biết kéo dài tới bao giờ. Cảnh mở mịt, tương lai mờ mịt.

Cảnh cuối:

“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”

Chiều đã muộn, màu sắc như tối lại, cảnh không hiện rõ nữa, âm thanh dội lên mạnh hơn. Một cơn gió cuốn trên mặt duềnh làm cho tiếng sóng bỗng nổi lên “ầm ầm” như bủa vây quanh ghế Kiều ngồi. Tiếng sóng “kêu” như báo trước sóng gió dữ dằn của cuộc đời, hay cũng là tiếng kêu đau đớn của Kiều đồng vọng với thiên nhiên. Kiều không thể buồn mà lo sợ kinh hãi như đang đứng trước sóng gió bão táp của cuộc đời sắp dội xuống đầu nàng. Sóng gió ở đây là những từ ngữ ẩn dụ chỉ những tai ương đang dồn dập truy đuổi và đã tới rất gần.

Thiên nhiên hiện lên chân thực, sinh động những cũng rất ảo. Đó là cảnh được nhìn qua tâm trạng theo quy luật: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu - Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Cảnh được nhìn từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động để diễn tả nỗi buồn man mác, mông lung đến âu lo, kinh sợ, dồn đến bão táp nội tâm, cực điểm cảu cảm xúc trong lòng Kiều. Toàn là hình ảnh về sự vô định, mong manh, vô vọng, sự dạt trôi, bế tắc, sự chao đảo, nghiêng đổ, dữ dội. Lúc này Kiều trở nên tuyệt vọng, yếu đuối nhất, vì thế nàng đã mắc lừa Sở Khanh để rồi dấn thân vào cuộc đời : "Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần".

Bốn cặp lục bát được liên kết bởi điệp ngữ "Buồn trông". "Buồn trông" nghĩa là buồn mà nhìn xa, mà trông ngóng một cái gì mơ hồ sẽ đến làm thay đổi hiện tại, nhưng trông mà vô vọng. Nó có cái thảng thốt, lo âu, có cái xa lạ cuốn hút tầm nhìn của người con gái ngây thơ lần đầu lạc giữa cuộc đời trái ngang, có cả dự cảm hãi hùng. Điệp ngữ này kết hợp với các hình ảnh đứng sau nó đã diễn tả nỗi buồn ngày một tăng và với nhiều sắc độ khác nhau. Điệp ngữ kết hợp với các từ láy (thấp thoáng, xa xa, nan mác, rầu rầu, xanh xanh, ầm ầm) tạo nên điệp nhịp, diễn tả nỗi buồn ngày một tăng, dâng lên lớp lớp như những cơn sóng lòng không sao chịu nổi, một nỗi buồn vô vọng, vô tận. Điệp ngữ "buồn trông tạo âm hưởng tầm buồn, trở thành điệp khúc của đoạn thơ, cũng là điệp khúc của tâm trạng, của khác ca buồn thảm của lòng Kiều.

III. Tổng kết

1. Giá trị nội dung

Đoạn thơ có nội dung trữ tình vô cùng phong phú diễn tả tâm trạng cô đơn, buồn tủi và nỗi niềm thương nhớ của Kiều, qua đó bộc lộ tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của nàng.

Với việc tả cảnh mà ngụ được tình, đoạn thơ đã nhuốm nhiều tính chất lãng mạn, cái lãng mạn cần thiết của một nghệ sĩ tài hoa.

2. Giá trị nghệ thuật

Ngoài phần nội dung hàm súc, tế nhị, đoạn thơ trên còn được trình bày dưới một hình thức cực kì tinh xảo, thể hiện kĩ thuật già dặn của một thi sĩ bậc thầy.

Cách dùng chữ của tác giả thật chính xác, linh động. Chữ “ Khóa xuân” diễn tả được hoàn cảnh bị câu thúc của nàng Kiều. Những trạng từ “bát ngát, bẽ bàng, bơ vơ” nói lên được tâm trạng cô đơn của một kẻ sống giữa cảnh bốn bề u tịch. Điệp ngữ “ buồn trông” lặp đi lặp lại bốn lần tạo thành một âm hưởng lê thê và diễn đạt được nỗi buồn bao la man mác.

Toàn thể đoạn thơ như tấu lên một điệu nhạc lâm li ảo não. Nhạc thơ đôi lúc có chuyển điệu nhưng âm hưởng vẫn dịu dàng như ru hồn người vào một giấc mơ kì ảo. Bút pháp Nguyễn Du thật vô cùng tinh diệu, lời thơ bóng bẩy như tô thêm sắc thái mơ màng, tứ họa dồi dào như truyền cho cảnh sắc thiên nhiên một linh hồn gợi cảm.

Xét chung, ta thấy thi sĩ Tố Như có ngòi bút tả cảnh rất linh động và nghệ thuật tả tình rất hàm súc. Tả cảnh, ông đã áp dụng lối họa “thủy mặc”, điểm thêm ít nhiều tính chất lãng mạn. Tả tình, ông đã áp dụng phương pháp “Mượn cảnh đàm tình”.

Nhờ những đặc điểm trên mà khi đọc bài “Kiều ở lầu Ngưng Bích” ta thấy như “trong cảnh có tình” và “trong tình có cảnh”. Cảnh và tình đã thể hiện sự đồng nhất giữa ngoại cảnh và nội tâm vậy.

Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích đã cho thấy một bức tranh thiên nhiên liên tục thay đổi theo diễn biến tâm trạng – đó là bức tranh tâm cảnh nhuốm màu u buồn, đau đớn. Mỗi nét tưởng tượng trong ngòi bút của tác giả lại phản ánh một mức độ khác nhau trong tâm trạng của nàng Kiều. Đoạn trích đã giúp ta hiểu hơn về tâm hồn của người phụ nữ tài sắc mà bạc mệnh. Kiều ở lầu Ngưng Bích còn giúp người đọc cảm nhận được giá trị nhân văn sâu sắc đồng thời thể hiện tấm lòng nhân hậu, cảm thương chia sẻ của Nguyễn Du với nỗi đau của Thúy Kiều.


Biên soạn: GV Tô Thị Dung 

SĐT: 0355 258 472

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Tô Thị Dung

Bài 25: Miêu Tả Trong Văn Bản Tự Sự
Bài 28: Trau Dồi Vốn Từ